Họa sĩ nhí 11 tuổi và "Những linh hồn ẩn giấu"

Khi hỏi Nhật Quang vẽ gì trong tranh? cậu nhóc hồn nhiên đáp: “Con không biết, con thích thì con vẽ thôi”. Tuy vậy, tranh của Quang luôn ẩn giấu những linh hồn, đó là các vật thể vô tri được em truyền tải vào những thông điệp, câu chuyện trong cuộc sống. Họa sĩ Thành Chương khi xem tác phẩm của Nhật Quang phải thốt lên: “Tranh có nét hồn nhiên đúng chất trẻ thơ nhưng đồng thời cũng có những ý niệm, suy nghĩ già dặn, hoành tráng của một nghệ sĩ thực thụ”.

Truyện cổ tích trong tranh họa sĩ nhí người Tày 

Khởi hành từ Lạng Sơn xuống Hà Nội rồi vào TP Hồ Chí Minh, Hoàng Nhật Quang xuất hiện tại buổi triển lãm “Những linh hồn ẩn giấu” với bộ đồ truyền thống của dân tộc Tày. Khi tôi hỏi lý do không tổ chức tại quê nhà hay ở Hà Nội để tiện di chuyển, Nhật Quang bẽn lẽn đáp: “Em muốn được một lần đi thử... máy bay”.

Dáng người bé nhỏ, nụ cười hiền lành, Nhật Quang tỏ ra ngại ngùng khi khách xem tranh đến hỏi thăm và dành tặng lời khen. Chỉ khi nhắc về hội họa, ánh mắt của cậu nhóc 11 tuổi mới sáng lên, em dẫn mọi người tham quan và hăng say kể về từng tác phẩm.

Tại triển lãm “Những linh hồn ẩn giấu”, Nhật Quang đem theo 20 bức tranh được thực hiện trong hơn một năm qua. Phần lớn tác phẩm có kích thước 1m đến 2m, bức lớn nhất có chiều ngang 2,6m. Họa sĩ nhí cho biết mỗi bức tranh được thực hiện từ 1 đến 2 tuần, còn những bức kích thước không quá lớn thì chỉ mất chưa tới hai ngày. Tranh của Quang được vẽ một cách tự do, bộc phát ngay tại thời điểm và hầu như rất ít khi chỉnh sửa. Thỉnh thoảng thấy không ưng ý, cậu bé dùng màu xóa hết để vẽ ý tưởng khác.

Về quan điểm sáng tác, Nhật Quang cho rằng: “Tất cả các sinh vật đều có linh hồn, ngay trong những thực thể sống, mỗi bộ phận nhỏ cũng sẽ có tiếng nói riêng”. Các bức tranh mang phong cách trừu tượng và biểu hiện với những gam màu tươi sáng, rực rỡ như đỏ, cam, xanh lam, xanh lá. Xen vào đó, một số tác phẩm cũng được Nhật Quang dùng tone trầm như màu cam đất, nâu, xám, đen.

Nói xong, em chỉ tay vào tác phẩm Ngày mai. Đây là bức tranh được lấy chất liệu từ chính những cảm xúc vui buồn, khổ đau hay hạnh phúc của con người. Còn với tác phẩm Nối những vòng tay, cậu nhóc khéo léo dùng hình ảnh bông hoa và con người để truyền tải thông điệp về tình bạn.

Hoàng Nhật Quang, Nối những vòng tay, 150x260, Acrylic 2022

Nhà sưu tập Bùi Quốc Chí, người có hơn 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đã sưu tầm ví tranh của Quang như câu chuyện cổ tích do chính em sáng tác: “Nếu các bạn đồng trang lứa thường đứa nhân vật cổ tích như hoàng tử, công chúa, nàng tiên... vào tranh thì Quang tự sáng tạo nên câu chuyện về các nhận vật của em. Mỗi tác phẩm thể hiện sự hồn nhiên của trẻ thơ nhưng đằng sau đó là những câu chuyện về cuộc sống, văn hóa tâm linh mà em quan sát được”.

Được biết, Nhật Quang vừa giành giải “Khát vọng Dế Mèn” tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 do Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo khẳng định: “Hoàng Nhật Quang là phát hiện thú vị nhất của Dế Mèn năm nay và của cả Giải thưởng Dế Mèn từ trước đến nay”.

Giao kèo mua tranh 

Ngay từ sớm, Nhật Quang đã được bố là họa sĩ Hoàng Văn Điểm truyền ngọn lửa đam mê hội họa. Trong những lần đến xưởng tranh, em vốn có tính tò mò, thích khám phá nên thường cầm bút vẽ. Ban đầu, khi thấy cách tạo hình khác lạ, độc đáo của Nhật Quang, Hoàng Văn Điểm chỉ nghĩ con vẽ vui vui, chẳng để ý nhiều.

Tuy nhiên, sau một thời gian nhận thấy con có năng khiếu, anh bắt đầu khuyến khích Quang vẽ tranh nhiều hơn trên các khổ nhỏ. Đặc biệt, Hoàng Văn Điểm còn đặt “giao kèo” sẽ mua hết những bức tranh hoàn chỉnh của Nhật Quang với giá…10 nghìn đồng, xem như tiền quà vặt hằng ngày.

“Sau mỗi lần “bán tranh” thì Quang rất hứng khởi, có ngày con vẽ tới 3 - 4 bức tranh rồi bắt bố lựa chọn. Thông qua đó, tôi cũng muốn Quang rèn luyện kĩ năng và đồng thời dạy cho con biết trân quý sức lao động của mình”, anh nói.

Hoàng Nhật Quang, Cưỡi rồng, Acrylic

Qua thời gian, họa sĩ Hoàng Văn Điểm bắt đầu đặt thêm thử thách qua mỗi bức vẽ. Những tưởng Nhật Quang sẽ gặp khó khăn nhưng họa sĩ nhí vẫn vẽ rất nhẹ nhàng, không có cảm giác choáng ngợp trước khổ tranh lớn, thậm chí còn yêu cầu tăng thêm. Quang xem đó là không gian rộng lớn để bản thân được bày tỏ nhiều suy nghĩ hơn.

Họa sĩ Hoàng Văn Điểm kể: “Gia đình thấy con còn nhỏ phải đứng trên ghế, trèo lên thang để hoàn thành những bức tranh 4 mét vuông thì cũng rất lo cho sự an toàn, nhưng thấy Quang quá yêu thích, nên đành chiều theo con và nhắc nhở phải cẩn thận”. So với các bức acrylic đầu tiên, các bức sau này cho thấy Nhật Quang bắt đầu biết phân tích gam màu, chồng màu nhiều lớp, biết tạo chất, tạo nhịp điệu màu, tạo sắc độ, biết đi nét...

Với bản tính hiếu kỳ và hơi chút ngang ngang Nhật Quang không ít lần tranh cãi với bố về “chuyện nghề”. “Cách dùng màu của Quang lúc đầu cũng theo bản năng, dùng rất nhiều màu. Với con mắt người trong nghề tôi hướng dẫn bé phối màu như thế này, nhưng khi nghe được bé lại tô sang kiểu khác. Bạn bè trong xưởng hay trêu rằng nếu muốn Quang tô màu đỏ thì phải nói nó tô màu xanh”.

Tuy nhiên, anh sợ chỉ dạy quá nhiều sẽ làm Quang mất đi bản năng vốn có. Vậy nên, anh Hoàng Văn Điểm để con mình phát triển tự nhiên và chỉ đứng quan sát, hỗ trợ khi Quang gặp khó. “Là họa sĩ, tôi cũng muốn gợi ý cho con, nhưng sau vài lần thấy con cãi lại, không muốn nghe theo, thì tôi hiểu rằng không thể áp đặt suy nghĩ, cách nhìn của mình, nên cứ để tự nhiên, chỉ có mặt khi con thực sự cần mình”.

Dù vậy, khi tôi hỏi về thần tượng trong hội họa, Nhật Quang trả lời với ánh mắt tự hào chính là bố của mình. Cậu nhóc bày tỏ chính bố là người truyền đam mê hội họa và chỉ dạy để bản thân hoàn thiện hơn. Thỉnh thoảng, hai cha con cùng ngồi lại tìm hiểu về lịch sử mỹ thuật. Hoàng Văn Điểm muốn cho Quang có một cái nhìn sơ lược, ở mức độ làm quen, có thể không cần nhớ chính xác, nhưng đủ để hình dung và đủ tự tin.

Hoàng Nhật Quang, Sự che chở của đấng siêu nhiên

Cũng như bao nhiêu bậc cha mẹ khác, họa sĩ Hoàng Văn Điểm cũng mong con tiếp nối lửa nghề”, tuy nhiên, anh vẫn để cậu nhóc tự quyết định tương lai của mình. “Chọn nghề thì sẽ tùy vào sở thích của con sau này, nhưng thâm tâm tôi vẫn muốn con tiếp tục đi theo con đường hội họa, bởi vì con đã có nền tảng của gia đình, cũng như thời gian con nghiên cứu và tiếp xúc từ nhỏ, có tiến bộ qua từng bức vẽ”, anh bộc bạch.`

Họa sĩ Thành Chương đã nhận xét về Nhật Quang và những sáng tác của em: “Tranh của Hoàng Nhật Quang có những nét hồn nhiên đúng chất trẻ thơ nhưng đồng thời cũng có những ý niệm, suy nghĩ rất già dặn, rất hoành tráng của một nghệ sĩ thực thụ chứ không phải chỉ là một đứa trẻ con. Đó là điều làm cho tôi và nhiều người giật mình trước tác phẩm của cháu.

Bằng một sức lực lao động với những bức tranh khổ lớn, số lượng nhiều, ngoài sự đam mê, ở Hoàng Nhật Quang chắc chắn phải có tài năng. Quả thực, đây có thể coi là một hiện tượng mở ra khả năng phát triển lâu dài và sự hy vọng. Ở đó, qua giải Dế Mèn phát hiện ra được một họa sĩ sau này có thể trở thành một tài năng của hội họa Việt Nam”.

VIỆT PHONG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 538, tháng 6-2023

;