Trong nghệ thuật truyền thống Việt, bản thân mỗi một hình tượng, về hình thức, như là một môtip được lặp đi lặp lại nhiều lần; về nội dung, như khẳng định dạng thức bình đẳng của một cá thể hình tượng trong tổng thể liên hoàn có nhịp điệu cùng trong các hình tượng nghệ thuật khác. Dựa trên những tác phẩm mỹ thuật truyền thống hiện còn cho thấy, con thuyền là một hình tượng xuyên suốt được thể hiện từ thời kỳ Đông Sơn cho đến nay. Ở giai đoạn Đông Sơn, hình ảnh con thuyền được thể hiện nhiều trên các trống đồng, thạp đồng, rìu đồng… và cả ở những mộ thuyền Đông Sơn mới được tìm thấy.
Chạm khắc hình thuyền thể hiện trên trống đồng Đông Sơn
Chức năng cơ bản của trống đồng là một nhạc khí dùng trong các cuộc hội hè, lễ tế. Nghệ thuật tạo hình trên trống đồng là một bức tranh sinh động với nội dung vô cùng phong phú, phản ánh được cả một nền văn hóa đã phát triển khá rực rỡ với đầy đủ các hoạt động của một nền văn minh nông nghiệp như: trồng trọt, săn bắn, vui chơi, chiến đấu, các lễ bái tâm linh…
Trống Ngọc Lũ là chiếc trống có kích thước lớn, hình dáng cổ kính, cân đối, tập trung hoa văn phong phú, hiện thực. Môtip trang trí chủ đạo ở thân trống là hình thuyền. Sáu thuyền giống nhau, đều hình cong vòng cung đi theo hướng từ trái sang phải người xem. Ở giữa thuyền có một cây cột trang sức bằng lông chim và đầu chim. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cảnh tượng được tái hiện trên mặt trống chính là cảnh một lễ nghi thể hiện tín ngưỡng thờ vật tổ của người Đông Sơn. Trong những nghi thức của lễ này, người ta thường hóa trang để tự đồng nhất hóa với vật tổ. Con thuyền cho thấy rất có thể tổ tiên của người Lạc Việt đã vượt biển từ một quê hương cũ tới nơi ở mới. Những cuộc vượt biển được an toàn là nhờ có uy linh vật tổ che chở và nhiều khả năng ngay khi vượt biển, họ cũng tự hóa trang, trang trí thuyền theo vật tổ đó. Chính vì vậy, nghệ nhân làm trống đồng đã biến hình thuyền thành chim vật tổ để thêm uy linh cho chiếc thuyền. Sáu thuyền trên tang trống Ngọc Lũ cơ bản giống nhau, chỉ khác về một vài chi tiết. Thân thuyền ghép ván cong cánh cung được thể hiện bằng những nhóm vạch ngang dọc xen kẽ. Đầu thuyền có cấu tạo phức tạp, đuôi kép uốn cao, trang trí hình đầu chim, cắm lông chim. Mái chèo lái đằng đuôi rất lớn, rộng bản, người đứng hoặc ngồi chèo trong tư thế gắng sức. Sạp lầu - vọng lâu bố trí ở phần nửa sau thân thuyền, có khi gần giữa, có khi lui về phía đuôi thuyền. Trên sạp vọng lâu có một số người sử dụng cung tên, nỏ. Dưới sạp cất giữ đồ đồng quý như trống, bình đồng. Ở giữa thuyền hoặc lùi về phía mũi là vị trí của người đứng đánh trống da và chiếc trống da được đặt nằm ngang trên một hệ thống cọc, đỡ cao ngang ngực hoặc ngang mặt người đánh. Tay trái người đánh trống đặt trên mặt trống, tay phải giơ ra sau nắm đầu một tù binh bị trói ngồi bệt trên sàn thuyền. Ở sát mũi thuyền là một chiến binh với tư thế ngồi, hai tay cầm rìu xéo giơ lên phía trước. Sau anh ta, có khi có chiến binh đứng tay cầm giáo, có khi không. Cũng như vậy, phía sau người đánh trống da, có khi có thêm một chiến binh cầm giáo hoặc lao đang hành thích tù binh. Trước mũi thuyền có một hình chim đứng chuyển động theo chiều ngược kim đồng hồ, tức là theo chiều mặt trời. Bờm chim có những sợi lông dài như tia sáng. Tay lái của thuyền này có cái dầm hình trụ chống, có đáy hình núi như diễn tả dòng nước, trên đầu tay chèo hình đầu chim có mỏ tính trông giống cái búa. Hoa văn trang trí trên trống Ngọc Lũ có thể được coi là một chuẩn mực về sự kết hợp hài hòa những đặc trưng, phong cách nghệ thuật trang trí đồ đồng Đông Sơn.
Trống đồng Hoàng Hạ cũng trang trí sáu hình thuyền với hình người hóa trang ngồi trên thuyền. Các nhân vật trên thuyền tương tự như ở trống Ngọc Lũ, nhưng thứ tự bố trí có thay đổi. Thuyền trên trống Hoàng Hạ có thân ghép ván tương tự thuyền Ngọc Lũ nhưng ít cong hơn. Đuôi và đầu thuyền uốn cong trang trí hình đầu chim. Mái chèo lái ở đuôi thuyền rộng bản, dài. Ở đầu thuyền có hai mỏ neo thả dài từ đáy xuống. Sạp vọng lâu cao vừa bằng chiều cao một người đứng trong đó. Trên vọng lâu có một người điều khiển nỏ. Giữa thuyền cũng là hình trống da và người đánh trống tay trái, tay phải nắm đầu tù binh ngồi phía sau. Ở đây không có chiến binh cầm rìu ngồi ở mũi thuyền, chỉ có hai người đứng tay trái đều cầm lao, tay phải cầm rìu xéo hoặc cầm gậy đều có dáng hình vòng cung. Đầu và đuôi thuyền cong vút được cắm lông chim. Ở đuôi thuyền có bánh lái. Giữa thuyền có một cái lầu, chứng tỏ đây là loại thuyền có kích thước tương đối lớn, không những chở được nhiều người mà còn có cả lầu cao.
Trên thuyền Đông Sơn, thuyền nào cũng có chèo lái ở đuôi thuyền, hơn nữa còn phổ biến chèo lái ở mũi. Ở những con thuyền này trên trống Hoàng Hạ có tới hai mái chèo lái ở đằng mũi. Chèo lái ở đuôi dài, ở mũi ngắn nhưng rộng bản. Ở đáy thuyền, cả đuôi lẫn mũi, đều có những tấm rẽ nước được trang trí đẹp. Trên thuyền xuất hiện nhiều cọc phụ, ổn định. Trang trí đẹp nhất thường là những cọc phụ ở phía đuôi, gần người điều khiển lái đuôi. Đầu và đuôi thuyền trang trí hình đầu thú kỳ dị, tô vẽ cầu kỳ hơn. Người trên thuyền có tư thế và vị trí ổn định như là đã chuyên hóa trong chức năng. Tính chất thuyền chiến thể hiện rõ nhất qua hình người vũ trang trên thuyền và chiếc sạp lầu với hình các xạ thủ. Có thể nhận thấy hình các chiến binh trên thuyền Hoàng Hạ như sau: đứng giữa thuyền là một người đội mũ cắm nhiều lông chim trên đầu, một tay cầm dùi gõ vào trống được đặt trên một cây cột có gắn lông chim. Người này có vẻ là thủ lĩnh của các thủy thủ. Một người đứng trên sàn thuyền, đầu cắm lông chim, tay cầm chiếc rìu chiến hoặc giáo mà trên cán cũng cắm lông chim. Trên thuyền có những chiến binh chỉ đóng khố đang cầm lái, đầu có cắm lông chim. Cũng có chiến binh tay cầm cung nỏ chuẩn bị bắn. Một chiến binh nữa thì một tay cầm giáo dài. Tay kia thì nắm đầu một người trần truồng đang bị trói vào chiếc cọc, mồm há rộng. Có lẽ đây là một cảnh giết người để hiến tế. Trống đồng Hoàng Hạ được xếp vào nhóm trống lớn nhất trong trống Đông Sơn. Trống hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Trống đồng Hy Cương cũng có trang trí sáu chiếc thuyền đang chở người trong một ngày hội, dòng thuyền diễu hành không nghỉ. Hình thuyền trên trống Hy Cương thể hiện thế nhìn nghiêng. Thuyền được thể hiện như một loại thuyền độc mộc loại cực lớn được cách điệu rất cao, chỉ bằng hai đường cong dạng đường diềm được trang trí đơn giản bằng những nét gạch, khắc trên thân thuyền. Trên trống có chạm khắc hình người đang diễn cảnh săn bắn, đánh nhau và tế lễ giết tù binh. Có lẽ đây là thuyền chở các đoàn người trong các hoạt động chiến đấu và lễ hội. Hình người hóa trang còn thấy ở trên thuyền của tang trống. Hình thuyền chở người đó được cho là những cuộc đua trong ngày hội nước vì địa bàn phân bố trống đồng về cơ bản trùng với địa bàn có hội nước. Đến nay, những ngày lễ hội ấy vẫn được duy trì hàng năm bằng các hội bơi chải trên Ngã Ba Hạc (Phú Thọ) vào dịp tháng giêng và giỗ Tổ Hùng Vương.
Những lễ hội đua thuyền thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, con người luôn khát khao, giao hòa với thiên nhiên. Những công trình nghiên cứu về thuyền bè thời này cho thấy lúc ấy thuyền sông là chủ yếu, nhưng đã xuất hiện những yếu tố kỹ thuật chứng tỏ khả năng đi biển của chúng, như tấm rẽ nước, phao, ghép thuyền… Chiếc thuyền vừa có tính hiện thực là phản ánh phương tiện đi lại của cư dân sống ở nơi có nhiều sông nước nhưng còn mang ý nghĩa là những chiếc thuyền chở người đi trong cõi linh thiêng. Hình thuyền không chỉ để phản ánh hiện thực về phương tiện đi lại của người sống vùng miền sông nước mà còn biểu trưng cho những chuyến đi, cho kiếp người, cho sự luân hồi - quy luật sinh tử tự nhiên, cho sự đưa tiễn linh hồn con người, thể hiện nét văn hóa của nền văn minh lúa nước. Sự mượn hình để tả ý vừa hiện thực mà trừu tượng, sâu sắc.
Chạm khắc hình thuyền thể hiện trên thạp đồng Đông Sơn
Thạp đồng là một trong những hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn. Trong nghệ thuật đồ đồng Đông Sơn, tuy thạp đồng đứng ở vị trí liền sau trống đồng, nhưng diện phân bố của nó giới hạn chỉ trong cộng đồng cư dân Đông Sơn cổ điển, tức vùng miền Bắc Việt Nam, chứ không lan tỏa rộng ra toàn vùng Đông Nam Á như trống đồng. Thạp đồng Đông Sơn được cho là đồ vật chuyên dùng để chứa rượu trong các tiệc lễ, thuộc đồ đựng lễ nghi và là tài sản của dòng tộc. Những thành viên đại diện cho dòng tộc khi chết thường được chôn theo các thạp đồng như một đồ tùy táng có giá trị. Một số trường hợp, thi hài của họ được đặt gọn bên trong những thạp lớn kèm theo các đồ tùy táng khác. Giá trị của thạp đồng thể hiện ở kích thước và nội dung, mức độ đầu tư trang trí trên thân và nắp thạp. Trong những ngôi mộ quý tộc, thạp đồng Đông Sơn luôn được chôn cất ở những vị trí quan trọng bên cạnh những đồ lễ nghi cao quý nhất.
Thạp Đào Thịnh có kích thước lớn nhất được phát hiện từ trước cho đến nay. Thạp được trang trí từ nắp cho tới chân với hai môtip chủ đạo là hình người, động vật và hình học. Hoa văn trên thân thạp Đào Thịnh đáng chú ý nhất là tám chiếc thuyền, thể hiện thành bốn cặp thuyền dính với nhau bởi hình hai con cá sấu đấu chân đối nhau (con vật này còn được gọi là giao long). Mọi thành viên trên thuyền đều vận trang phục lễ hội với lông chim cắm trên đầu và khố váy dài rộng. Vũ khí (rìu chiến, qua, dao găm, cung nỏ và giáo lao) không thể thiếu ở các thuyền này. Các chiến binh cầm vũ khí đứng rải trên mạn thuyền. Ngoài ra, có ba vị trí chiến binh khá ổn định trên thuyền chiến là người cầm rìu đứng trước mũi thuyền, người đánh trống đứng giữa thuyền và người đà công (chèo lái) đứng cuối thuyền. Băng thuyền được dùng thủ pháp trang trí điền kín. Trên các khe hở ở giữa các khoảng cờ quạt, lông chim, nghệ nhân điền vào đó các con chim bay để thể hiện trời. Bên dưới, ở khoảng trống giữa các đầu cong đuôi và mũi thuyền, nghệ nhân điền vào hình các loài thủy tộc như cá, rùa, chim bắt cá và đôi khi cả cá sấu hay rái cá, thể hiện “đất, nước”. Trên thuyền, phía trước là tốp người ở trần làm nhiệm vụ chèo thuyền, trong khi những chiến binh ở thuyền sau đầu đội mũ lông chim, đóng khố tua dài, một tay cầm rìu hoặc giáo, tay kia cầm khiên tư thế oai phong, dũng mãnh. Xung quanh thuyền, phía trên là chim bay rợp trời, phía dưới là cá và các loại chim, thú ăn bắt cá. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là diễn cảnh của một lễ hội khải hoàn. Cảnh tượng khải hoàn được nghệ nhân thể hiện thật hoành tráng. Thân thạp được khắc sâu ở mỗi hình chiếc thuyền mũi cong có nhiều người mặc y phục cài lông chim đứng trên sàn thuyền. Giữa lòng thuyền dựng một pháo đài, trên có một người đang cầm cung trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Những người còn lại đều đứng trên sàn thuyền với các loại vũ khí: cung, giáo, lao, rìu chiến, dao găm theo thứ tự ai sử dụng vũ khí đánh xa thì đứng đằng trước, vũ khí đánh gần đứng giữa và vũ khí phòng vệ đứng sau cùng.
Ngoài hoa văn trang trí người và thuyền, thân thạp còn trang trí một số hoa văn động vật như chim đang bay, cá sấu cặp đôi và nhiều băng hoa văn hình học… Hình dáng, cấu trúc con thuyền cũng như sức chở và sự bố trí binh lực trên thuyền cho thấy ở thời kỳ này, kỹ thuật đóng thuyền rất phát triển và có lẽ, chiến tranh cũng đã trở thành một hiện tượng phổ biến. Cư dân Đông Sơn đã tỏ rõ bản lĩnh quân sự vững vàng, tài năng chiến đấu không chỉ trên bộ mà còn cả dưới nước.
Thạp đồng Hợp Minh là một trong những chiếc thạp Đông Sơn được trang trí đẹp nhất. Ở giữa thân thạp là hai băng trang trí thể hiện hoạt động của con người với bốn chiếc thuyền chiến trong một lễ hội. Tính chất nghi lễ được nhấn mạnh bởi những cuộc diễu binh với từng đoàn thuyền chở chiến binh được hóa trang, tay cầm vũ khí, tay cầm đầu lâu kẻ thù, mang theo cả chiến lợi phẩm, tù binh. Chiến binh trên thuyền trang điểm lộng lẫy với những trang sức trên người, tay cầm vũ khí nhảy múa. Ở một số tiêu bản thạp khác có thể nhận ra họ cầm cả đầu lâu kẻ thù. Ở giữa thuyền, trong tiếng trống rộn ràng, tù nhân bị hành hình và treo đầu ở các mũi thuyền. Bên trên thuyền có chim bay và bên dưới thuyền là cá, rùa và các loại chim thú ưa nước, ăn cá.
Xưa nay, nội dung lễ hội mùa lúa mới chỉ thấy trên một số trống đồng Đông Sơn đẹp nhất, như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa,… với thạp Hợp Minh là lần đầu tiên cho thấy nội dung này được thể hiện trên thạp đồng với trình độ nghệ thuật như anh em sinh đôi với nghệ thuật trang trí trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Hoạt động khải hoàn sau chiến tranh hoặc có thể chỉ là một lễ đua thuyền thuần túy được nghệ nhân Đông Sơn mô tả rành mạch, thông qua ngôn ngữ tạo hình của riêng mình.
Thạp đồng Tân Hợp có trang trí hình kỷ hà ở gần rìa miệng và chân đế, giữa thân thạp là hai băng hoa văn chính. Băng trên là bốn thuyền và băng dưới là một dãy gồm các con hươu nai, trong đó đặc biệt là con thú đầu giống hươu nai, đuôi chẻ đôi như cái nơ và trên lưng có hai cánh nhọn như hai cánh sen. Trên thuyền thể hiện ba chiến binh: người đứng giữa cầm nghi trượng và một vật như đầu lâu kẻ thù, người đứng sau cầm chèo lái và người đứng phía trước mũi thuyền cầm rìu và khiên. Ngoài ra, thuyền còn chở những đồ đồng chiến lợi phẩm khá lớn, như bình, vò… Đặc biệt, ở khoảng cách giữa người chèo thuyền và người ở giữa có một vật đứng trông như hình một cái cây, nơi có những con chim lớn bay đến như để ăn hạt quả. Trên chiếc thạp còn thấy hình của một con chó (hay hổ?). Khoảng cách trống ở giữa các thuyền là những con công đứng. Cách thể hiện người xen lẫn chim, thú thấm đậm chất Đông Sơn, tạo nên một phong cách không thể lẫn lộn, phối trộn làm nên một cảnh đặc sắc. Và để diễn tả dòng sông trên đó có những con thuyền đang lướt nhanh, các nghệ nhân xưa điểm thêm giữa các con thuyền hình các loại cá, chim, cò, bồ nông... Ở đây, cách diễn tả vừa cụ thể, vừa có những trạng thái tư duy liên tưởng; mượn những hình tượng cá, chim, cò... để liên tưởng đến thiên nhiên sông, nước.
Chính môi trường sông nước Việt đã giúp hình thành nên một kho tàng đồ sộ và đa dạng, phong phú, thể hiện hình tượng con thuyền trong nghệ thuật tạo hình. Qua những chạm khắc trang trí hình thuyền tìm được trên trống đồng và thạp đồng Đông Sơn, chúng ta có thể tự tin tự hào về tổ tiên mình là những người thông minh, sáng tạo và đầy tài hoa.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016
Tác giả : YẾN VĂN HÒA