1. Đặt vấn đề
Từ điển tiếng Việt giải thích: “Đạo đức: 1. Đạo lý và đức hạnh, quy tắc nên theo trong cuộc sống; 2. Phẩm chất tốt đẹp của con người”. Trong cuốn giáo trình Đạo đức học, các tác giả cũng khẳng định: “Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc chuẩn mực xã hội nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống, sức mạnh của dư luận xã hội”. Điểm thống nhất của các khái niệm về đạo đức đều cho rằng đó là tổng hợp các nguyên tắc, chuẩn mực dùng để điều chỉnh hành vi, cách ứng xử của con người trong các mối quan hệ xã hội.
Thuật ngữ lối sống thông thường được sử dụng để mô tả, đánh giá về một loại hoạt động nào đó của con người và nhóm người nào đó. Tác giả Nguyễn Ánh Hồng đã đưa ra định nghĩa của Sôrôkhôva: “Lối sống là toàn bộ những hình thức hoạt động sinh sống tiêu biểu, là phương thức hoạt động đã được xác định”. Theo Đaxêpin: “Lối sống là tập hợp những hình thức hoạt động của con người trong một thể thống nhất với môi trường hoạt động của xã hội và cá nhân”. Tác giả Nguyễn Trần Bạt cho rằng: “Lối sống là phương cách thể hiện tổng hợp tất cả các cấu trúc, nền văn hóa, đặc trưng văn hóa của một người hay một cộng đồng”; khẳng định những yếu tố cấu thành lối sống gồm: “cách thức lao động làm ăn, kinh doanh…, các phong tục tập quán, cách thức giao tiếp, ứng xử, quan niệm về đạo đức và nhân cách”.
Như vậy, lối sống được hiểu một cách chung nhất chính là những hình thức, phương thức hoạt động sống ổn định ở cá nhân hay một nhóm xã hội nào đó, được xã hội chấp nhận. Lối sống của nhóm xã hội khi đã hình thành sẽ có tầm ảnh hưởng, sự phổ biến trong nhóm và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định, chịu sự chi phối của điều kiện sống và các mối quan hệ xã hội cụ thể (điều kiện kinh tế, vật chất, thói quen, phong tục, tập quán, tục tệ...). Do đó, lối sống sẽ định hình phong cách, nói lên hoạt động của cá nhân, nhóm, dân tộc… trong điều kiện của một hình thái kinh tế xã hội.
Theo nhóm tác giả: Hoàng Tuấn Anh, Nguyễn Chí Bền, Nguyễn Thị Hiền, Từ Thị Loan, Vũ Anh Tú, thuật ngữ xuống cấp đạo đức được dùng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, chưa có trong khoa học văn hóa. Tuy nhiên, nhóm tác giả cũng cho rằng, trong triết học có thuật ngữ tha hóa có thể được sử dụng tương đương như thuật ngữ xuống cấp. Từ đó, các tác giả đưa ra quan điểm: “Sự xuống cấp/tha hóa đạo đức… là quá trình đạo đức đi xuống từ cấp độ cao đến thấp. Đó chính là sự đứt gãy và phá vỡ những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội truyền thống vốn có của dân tộc và phát sinh những hành vi đi ngược với thuần phong mỹ tục, dẫn tới bạo ngược và nguy cơ làm tan rã, hủy hoại xã hội”. Trong bài viết này, chúng tôi cũng sử dụng quan điểm trên khi xem xét một số hiện tượng suy thoái, xuống cấp đạo đức, lối sống qua các mối quan hệ của gia đình.
2. Hiện tượng suy thoái, xuống cấp đạo đức, lối sống do lệch chuẩn trong các mối quan hệ giữa các thành viên gia đình
Qua tìm hiểu một số công trình nghiên cứu khoa học về đạo đức và suy thoái đạo đức lối sống của một số nhà khoa học như: Nguyễn Ngọc Phú, Hoàng Tuấn Anh, Nguyễn Chí Bền, Nguyễn Thị Hiền, Từ Thị Loan, Vũ Anh Tú, căn cứ thực tế cuộc sống và qua khảo sát trực tiếp tại TP.HCM, Tiền Giang, Đắc Nông, chúng tôi khái quát về một số biểu hiện suy thoái, xuống cấp đạo đức, lối sống do lệch chuẩn trong các mối quan hệ giữa các thành viên gia đình.
Việc sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề của gia đình ngày một gia tăng, gây nên những hậu quả nghiêm trọng
Trong gia đình truyền thống, việc sử dụng đòn roi, sức mạnh thể chất để dạy dỗ con cái và các thành viên gia đình được coi là biện pháp hiệu quả và được xã hội ủng hộ. Việc sử dụng bạo lực để dạy con trong gia đình truyền thống nhấn mạnh đến việc tuân thủ các chuẩn mực của đạo đức Nho giáo và thực hiện xây dựng gia pháp, gia phong ở từng gia đình.
Trong xã hội hiện đại, con người có quyền bất khả xâm hại về vật chất và tinh thần để đảm bảo sự phát triển cá nhân. Vì vậy, việc sử dụng đòn roi để dạy bảo, giáo dục trong gia đình được coi là sử dụng bạo lực gia đình, là hành vi vi phạm pháp luật, phải chịu các hình thức xử lý của pháp luật.
Theo kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam, do Việt Nam và Liên hiệp quốc thực hiện (2010): cứ 3 phụ nữ đã có gia đình hoặc từng có gia đình thì có một người (34%) cho biết họ từng bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục, hơn 58% phụ nữ cho biết họ đã từng là nạn nhân phải trải qua ít nhất 1 trong 3 loại bạo lực: thể xác, tình dục, tinh thần (kết quả từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và giới, số 1 - 2011).
Kết quả khảo sát của nhóm tác giả: Hoàng Tuấn Anh, Nguyễn Chí Bền, Nguyễn Thị Hiền, Từ Thị Loan, Vũ Anh Tú tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Huế, TP.HCM năm 2016 cho thấy có tới 56% người dân khẳng định bạo lực gia đình đang là biểu hiện đứng đầu về sự xuống cấp đạo đức trong gia đình. Nếu như trước đây, tình trạng bạo hành trong gia đình chỉ xảy ra ở mức độ thấp và tần xuất rất ít thì ngày nay, những hành vi bạo hành, nhất là bạo hành tinh thần xảy ra thường xuyên, với tần suất cao, thậm chí diễn ra không chỉ trong các gia đình có học vấn thấp mà ngay cả các gia đình có học vấn cao.
Nhận định trên phù hợp với số liệu Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL đưa ra: từ năm 2011 - 2015 có tổng số 157.859 vụ bạo lực gia đình được phát hiện, nạn nhân là phụ nữ (từ 16-59 tuổi) chiếm tới 117.206 trường hợp (chiếm 74,24%), 17.586 trường hợp là trẻ em (11,14%), 14.017 trường hợp là người cao tuổi (8,91%).
Còn ở Đắc Nông, theo thống kê chưa đầy đủ của Sở VHTTDL, từ năm 2008 - 2017 toàn tỉnh có 1.838 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực người già: 78 vụ (4,2%), bạo lực trẻ em: 135 vụ (67,3%), phụ nữ bị bạo lực: 1532 vụ (83%), nam giới bị bạo lực (5,1%); bạo lực thân thể: 993 vụ, bạo lực kinh tế: 141 vụ, bạo lực tình dục: 84 vụ.
Các con số chỉ thực trạng bạo lực đang diễn ra rất phổ biến, nhưng chúng tôi cho rằng tỷ lệ này trong thực tế có thể cao hơn. Bởi các gia đình Việt Nam đều có tâm lý “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, do vậy, bản thân người bị bạo hành thường im lặng cam chịu một mình, không chia sẻ với gia đình, bạn bè, chính quyền địa phương nơi cư trú, kể cả với cơ quan thực thi pháp luật…
Nhưng hiện nay, bạo lực gia đình đang diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, hành vi bạo lực không chỉ nhằm giáo dục con cái hay các thành viên trong gia đình theo các chuẩn mực đạo đức mà nhiều cá nhân và gia đình sử dụng bạo lực để giải quyết nhiều vấn đề của gia đình, cá nhân: nợ nần, bệnh tật, ma túy, ghen tuông, mất niềm tin… cho thấy mức độ nghiêm trọng, dấu hiệu của khủng hoảng con người. Đó chính là việc sử dụng bạo lực để cướp đi mạng sống của những người thân trong gia đình rồi tự hủy hoại bản thân để giải quyết bế tắc trong cuộc sống. Đó chính là việc cha mẹ giết con cái, vợ chồng giết nhau, con cháu giết ông bà…
Khi lý giải nguyên nhân của bạo lực gia đình, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cho rằng do bất bình đẳng giới, do đề cao cái “tôi” muốn chi phối, kiểm soát người khác… Hay các nguyên nhân: sức ép về công ăn việc làm, sự đòi hỏi về kinh tế, sự mâu thuẫn trong nuôi dạy con cái, sự bất hòa trong ứng xử giữa hai bên gia đình nhà chồng/vợ, sự thay đổi trong các quan hệ của các thành viên trong gia đình với những người ngoài gia đình, trong một xã hội rộng lớn hơn.
Khủng hoảng về đạo đức thể hiện trong quan hệ hôn nhân và ứng xử giữa các thành viên trong gia đình
Lệch chuẩn hay lệch lạc trong nhân cách sẽ dẫn đến sự xuống cấp về đạo đức, lối sống không chỉ diễn ra ở phạm vi sử dụng bạo lực trong gia đình mà còn thể hiện trong quan hệ hôn nhân và ứng xử giữa các thành viên trong gia đình.
Theo thống kê, ở Việt Nam hiện có khoảng 60.000 vụ ly hôn/năm, tương đương 0,75 vụ/1000 dân. Theo công trình nghiên cứu xã hội học của TS. Nguyễn Minh Hòa (Đại học KHXH&NV TP.HCM), “tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam là 31,4%, tức là cứ 3 cặp kết hôn lại có 1 cặp ly hôn. 60% số vụ ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ chồng chỉ từ 21 đến 30, trong đó 70% số vụ ly hôn khi kết hôn 1-7 năm và hầu hết đã có con”.
Kết hôn và ly hôn là quyền của con người. Khi không còn tình yêu, không tìm thấy hạnh phúc, pháp luật sẽ cho hai vợ chồng ly hôn. Đó là mặt tích cực của ly hôn để mỗi cá nhân có quyền tìm kiếm hạnh phúc mới, cũng phản ánh sự phát triển của nữ giới, không còn hoàn toàn lệ thuộc vào người chồng. Tuy nhiên, hậu quả của sự tan vỡ gia đình là đời sống tình cảm của những đứa trẻ, một môi trường bình yên để phát triển nhân cách.
Quan hệ hôn nhân tan vỡ hiện nay của các gia đình tại Việt Nam có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng yếu tố chủ chốt vẫn thuộc về các cặp vợ chồng đã có những khủng hoảng về nhân cách trong quan hệ hôn nhân, dẫn đến sự đổ vỡ của gia đình. Sự khủng hoảng về nhân cách trong ứng xử đối với các mối quan hệ trong gia đình giữa ông bà, cha mẹ và con cái cũng thể hiện sự suy thoái các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Trong văn hóa gia đình, giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam là sự hiếu đễ của con cái đối với cha mẹ, ông bà. Điều đó được thể hiện trong phẩm chất đạo đức, lễ phép, kính trên nhường dưới, trọng tình nghĩa, trọng giá trị tinh thần, đậm chất nhân văn. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển xã hội hiện nay, phẩm chất này đang bị mai một và xuống cấp. Do ảnh hưởng một cách thụ động, mù quáng của lối sống phương Tây, nhiều người có lối sống ích kỷ, đề cao vật chất và cái tôi cá nhân, coi thường người lớn tuổi, cho rằng họ lạc hậu, cổ hủ, không theo kịp thời đại. Trong gia đình hạt nhân (xu thế chung của sự phát triển xã hội), mối quan hệ của ông bà với con cháu trở nên lỏng lẻo, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin hiện đại đã cuốn con người vào nhiều thú vui khác, tạo cơ hội cho sự thờ ơ, không quan tâm đến những người xung quanh, nhất là với cha mẹ, ông bà… ngày càng phổ biến.
Năm 2011, Viện Nghiên cứu người cao tuổi Việt Nam đã nghiên cứu thực trạng bạo lực gia đình với người cao tuổi ở 3 tỉnh: Phú Yên, Quảng Trị và Đắc Lắc. Kết quả cho thấy: 90% số người được hỏi cho biết đã từng bị con cháu bỏ rơi, không chăm sóc, 50% bị con cháu đe dọa nhốt trong nhà.
Tác giả Lê Ngọc Văn (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) cũng đã tiến hành nghiên cứu về người cao tuổi Việt Nam (60 tuổi trở lên) tại 6 xã phường của 3 tỉnh Đắc Lắc, Phú Yên, Quảng Trị. Kết quả cho thấy: 3% người cao tuổi được hỏi cho rằng họ bị con cháu đánh đập, 8,3% bị đe dọa, nhốt trong nhà, 15% bị bỏ rơi, không chăm sóc; nhóm người ở tuổi 60-69 bị đánh đập và bị đe dọa, nhốt trong nhà nhiều hơn so với nhóm tuổi 70-79 và nhóm 80 tuổi trở lên. Đây là những con số đáng phải suy nghĩ về thực trạng thái độ con cháu đối với cha mẹ, ông bà hiện nay.
Nguyên nhân của tình trạng này ngoài những vấn đề thuộc về xã hội như đã nêu ở trên, có một phần rất lớn thuộc về giáo dục của gia đình. Hiện nay, các gia đình thường chỉ có từ một đến hai con, điều kiện của gia đình không quá khó khăn nên phần lớn các gia đình đều coi con cháu như “báu vật”, bao bọc, chiều chuộng con một cách quá mức, khiến đứa trẻ dần cảm thấy việc cha mẹ yêu thương, hy sinh cho mình là nghĩa vụ, còn mình được quyền hưởng những hy sinh đó, nếu không được đáp ứng sẽ oán trách, sinh thói ích kỷ. Ngược lại, nhiều cha mẹ hiện nay vẫn còn sử dụng roi vọt để dạy con, nếu thường xuyên bị đánh mắng trẻ sẽ ác cảm, oán giận cha mẹ, hay chủ động bạo hành với người xung quanh, không loại trừ cha mẹ lúc đã già yếu. Ngoài ra, việc cha mẹ hay cằn nhằn con cái, chê bai người khác, khoe khoang về bản thân trước mặt con cái… cũng dễ gây ra ở trẻ những cảm xúc tiêu cực, dễ hình thành ý thức chống đối, kiêu căng, vụ lợi…, từ đó khó hình thành sự thiện chí, biết yêu thương, chia sẻ với những người yếu thế hơn mình.
Hiện nay, vẫn còn những bậc cha mẹ có suy nghĩ chỉ cần chăm sóc sức khỏe, còn việc dạy dỗ con nên người là nhiệm vụ của nhà trường. Sự thiếu quan tâm, dạy bảo của cha mẹ với con cái ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình cảm cha mẹ và con, dễ dẫn đến các hành vi lệch chuẩn trong cuộc sống của đứa trẻ. Không ít trẻ vị thành niên không được cha mẹ quan tâm đã bỏ học, lang thang bụi đời, để cuối cùng rơi vào vòng xoáy của các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, cướp giật, mại dâm, trộm cắp... để lại những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Cha mẹ ít hiểu tâm tư, nguyện vọng, sở trường của con cái, thường hay la mắng thay vì khuyên bảo khi con mắc sai lầm khiến trẻ trở nên khép kín, sống cô độc hoặc tìm đến những nhóm bàn bè để tụ tập, quậy phá thể hiện nỗi bức xúc của bản thân. Nghiên cứu của Học viện Cảnh sát nhân dân về hoàn cảnh gia đình của trẻ vị thành niên phạm tội năm 2016 cho thấy có đến 45% trường hợp là do cha mẹ bỏ bê, không quan tâm đến con cái.
Con cái trong gia đình hiện nay cũng ít được quan tâm, dạy đối nhân xử thế, tôn trọng mọi người xung quanh, có lòng khoan dung, độ lượng, vị tha và những chuẩn mực giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Hơn nữa những điều này trẻ cũng không được chiêm nghiệm từ chính những tấm gương của người lớn trong gia đình qua cuộc sống hàng ngày. Do vậy, trẻ sẽ cảm thấy chới với và hoang mang trước những vấn đề của thực tiễn cuộc sống, so với những điều tiếp thu được từ sách vở, nhà trường trong quá trình hình thành, phát triển các phẩm chất nhân cách bản thân. Thông tin chính người trẻ tiếp cận để tự giáo dục hiện nay chủ yếu được tiếp thu qua mạng xã hội, tuy nhiên những thông tin này thường đa chiều và chưa phải thông tin chính thống, trong khi đó người trẻ lại chưa đủ hiểu biết và bản lĩnh trong xét đoán để tiếp thu.
Một biểu hiện của sự lệch chuẩn trong hành vi ứng xử của nhiều cha mẹ đối với con cái là đặt mọi kỳ vọng vào sự thành đạt của con hay giấc mơ về nghề nghiệp mà cuộc đời cha mẹ không đạt được. Do đó, họ cố gắng đáp ứng mọi chi phí cho việc học thêm để được vào đại học, theo đuổi ngành học mà cha mẹ sắp đặt, không tính đến nhu cầu, nguyện vọng, năng lực… để rồi khi vào đại học, nhiều em thất vọng, chán nản không tạo nên động lực học tập, sáng tạo. Như vậy, quá trình định hướng của cha mẹ đã lệch chuẩn trong giáo dục nhân cách tại gia đình.
Truyền thống gia đình, gia phong không được coi trọng
Sự bền vững của gia đình truyền thống trong chiều dài của lịch sử dựng nước và giữ nước, xây dựng được những hình mẫu nhân cách phù hợp có vai trò của yếu tố văn hóa gia đình. Đó chính là sự lan tỏa, kết tinh tác động của các giá trị văn hóa gia đình thành những chuẩn mực đạo đức được gọi là truyền thống, gia phong, gia pháp ở mỗi gia đình, hình thành “nếp nhà”, lối sống tuân thủ các quy tắc đạo đức tôn kính cha mẹ, ông bà, con cái vâng lời, hiếu thảo, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các thành viên trong gia đình, sống nghĩa tình với cộng đồng, không chú trọng đến lợi ích vật chất.
Các yếu tố này sẽ cố kết các thành viên trong mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, trong sự ràng buộc gia tộc và văn hóa làng xã. Các thành viên trong gia đình thực hiện với ý thức tự giác để bảo vệ gia đình trước dư luận xã hội. Trong xã hội hiện đại, các giá trị tự do, dân chủ, bình đẳng, cá nhân được đề cao, phát triển và cùng với các điều kiện khách quan đã làm phai mờ các các giá trị văn hóa của gia phong, gia pháp ở mỗi gia đình hiện nay.
Nhìn nhận một cách khách quan cho thấy một số truyền thống gia đình của người Việt vẫn được giữ gìn và phát huy theo chiều hướng tích cực trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung đối với lớp trẻ hiện nay nhiều mặt của truyền thống gia đình, gia phong dân tộc đã không được coi trọng nữa. Theo nghiên cứu của Phí Văn Ba (Viện Xã hội học): ở vùng nông thôn Việt Nam, chỉ có 60% nhóm người ở độ tuổi 40-55 và 20-35 cho rằng cần duy trì truyền thống gia phong như cũ, 30% ở nhóm tuổi 40-55 và 40% ở nhóm tuổi 20-35 cần duy trì có gạn lọc các truyền thống gia phong cũ, có 10% ở nhóm tuổi 40-55 cho rằng không cần duy trì các truyền thống gia phong.
Về mối quan hệ họ hàng, với kiểu gia đình hạt nhân chiếm ưu thế, điều kiện đi làm ăn xa là chủ yếu, áp lực công việc lại khá lớn nên mối quan hệ họ hàng về cơ bản khá lỏng lẻo. Thường từ thế hệ thứ 3 và đặc biệt là thế hệ thứ 4, thứ 5 đã rất ít có mối liên hệ thường xuyên và gần gũi, do vậy sự ảnh hưởng qua lại cũng gần như không có gì. Mối quan hệ làng xóm ở nông thôn, miền núi thường có cơ sở từ mối quan hệ họ hàng nên vẫn còn có sự gắn kết nhất định, nhưng cũng đã có sự thay đổi, không còn “tối lửa, tắt đèn có nhau” mà theo chiều hướng xã giao nhiều hơn, nhất là với những người không cùng họ mạc. Còn ở các thành phố lớn, hàng xóm ở cận kề nhà nhau nhưng hầu như không biết nhau, sống chủ yếu theo kiểu “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”. Việc thăm viếng họ hàng, làng xóm cũng ít diễn ra, chủ yếu khi có công việc, sự kiện chung cần mọi người tham gia. Những quy chuẩn về lời ăn, tiếng nói trong gia đình cũng ít được chú ý…
Việc truyền thống gia đình, gia phong không được coi trọng, sẽ tạo nên một môi trường tác động không tích cực đến quá trình giáo dục nhân cách từ gia đình. Cha mẹ không nêu gương, mỗi cá nhân đề cao cái “tôi” và “làm theo ý thích” không cần biết đến các quan hệ khác trong gia đình sẽ dẫn đến việc quan hệ vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em diễn ra theo kiểu “cá mè một lứa”, “cá đối bằng đầu”; điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách con người.
3. Tín ngưỡng, tôn giáo đang được sử dụng như một hình thức cầu danh, cầu lợi
Niềm tin vào thế giới siêu nhiên đã hình thành niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc. Đây cũng là một giá trị của văn hóa gia đình Việt Nam mang ý nghĩa tích cực. Thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ trong gia đình đã trở thành tín ngưỡng, gắn kết các thành viên gia đình hướng về nguồn cội. Các tôn giáo giúp con người sống lương thiện, làm việc tốt, tránh xa những việc làm sai trái, thiếu đạo đức.
Nhưng hiện nay, sự suy thi xuống cấp về đạo đức đã làm biến dạng niềm tin vào tín ngưỡng, tôn giáo. Các thiết chế tôn giáo (đình, chùa, đền, miếu…) đang trở thành nơi nhiều cá nhân và gia đình của họ đến cầu danh, cầu lợi, chứ không phải chỉ là cầu bình an. Niềm tin về tâm linh giúp con người sống lương thiện, hy vọng vào kiếp sau, nhưng niềm tin đến cực đoan như những điều đang diễn ra tại các lễ hội,… thì thật sự là một thách thức đối với sự phát triển nhân cách, sự phát triển xã hội. Khi con người hoàn toàn chỉ còn tin vào thần thánh thì còn đâu niềm tin vào chính bản thân mình, không còn tin vào phẩm chất, năng lực của chính mình thì còn đâu động lực để phấn đấu, sáng tạo.
Do vậy, sự suy thi về đạo đức dẫn đến sự mê tín mù quáng, đã có rất nhiều cái chết thương tâm từ chính sự mê muội vào tướng số, thầy bói…. Tôn trọng niềm tin tín ngưỡng tôn giáo, nhưng cần phải tin vào chính đức, tài của bản thân để đem lại hạnh phúc cho chính mình và gia đình.
Thực tế cuộc sống cho thấy sự suy thi, xuống cấp về đạo đức, lối sống của con người hiện nay đã xuất hiện khá phổ biến do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do lệch chuẩn trong các mối quan hệ giữa chính các thành viên trong gia đình. Những biểu hiện này tạo ra những bức xúc và gây nên hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển của con người và xã hội, đòi hỏi phải có sự nhìn nhận một cách khách quan, tìm ra giải pháp giải quyết kịp thời, đồng bộ góp phần mang lại cho mỗi gia đình, xã hội sự bình yên, thân thiện và phát triển.
Tác giả: Đỗ Ngọc Anh - Hoàng Hồng Hạnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018