Hát xoan còn gọi là ca xoan hoặc khúc đình môn là một loại dân ca cổ hát ở cửa đình, chỉ có ở một số địa phương thuộc tỉnh Phú Thọ. Theo truyền thuyết thì hát xoan có từ thời các vua Hùng, diễn ra vào những ngày đầu xuân, khi có hội hè, đình đám các làng kết nghĩa mời nhau đến hát và chúc xuân.
Người tham gia hát xoan thường tổ chức thành từng phường, gọi là phường xoan. Mỗi phường có từ 8 - 15 người gồm nam thanh nữ tú, nam gọi là kép, nữ là đào. Đứng đầu mỗi phường xoan là ông trùm, người nhiều tuổi đã từng tham gia hát nhiều năm, có uy tín, thuộc nhiều bài bản, có kinh nghiệm trong việc luyện tập, giao tiếp và quản lý phường xoan.
Thường thì, khi nhận lời đi hát với làng kết nghĩa, các phường xoan phải có lịch luyện tập chu đáo từ tháng chạp. Cuộc hát xoan đa phần diễn ra một đêm, còn nếu hát thi giữa các phường với nhau thì có thể diễn ra hai, ba đêm.
Hát xoan luôn phải trình diễn theo một lề lối, quy trình nhất định. Đầu tiên là hát chúc do ông trùm hát. Tiếp đến là giáo trống, giáo pháo được một kép vừa hát vừa múa những động tác đánh trống đeo trước ngực. Sau đó đến thơ nhang, các cô đào đứng thành hàng ngang trước hương án vừa hát vừa làm động tác như dâng hương. Tiếp theo là đóng đám, rồi giọng vặt và 14 quả cách theo thú tự: kiều giang cách, nhân ngâm cách, tràng mai cách, ngư tiều canh mục cách, đôi dây cách, hồi liên cách, xoan thời cách, hạ thời cách, thu thời cách, đông thời cách, tứ mùa cách, thuyền chèo cách, tứ dân cách, chơi dâu cách.
Sau 14 quả cách, đến các trò chơi hấp dẫn, thử tài trí thông minh của người chơi như xin hoa đố chữ, gài hoa, giã cá, chơi đúm...
Âm nhạc trong hát xoan không phức tạp, có số lượng âm ít, âm vực hẹp, giai điệu đơn giản, sử dụng ít nốt luyến láy, dễ hát. Ở chặng nghi thức của hát xoan, hầu hết các bài bản đều là thang 3, 4 âm, đây có thể coi là dạng những bài bản âm nhạc cổ nhất. Các quãng trong giai điệu hát nói không vượt quá quãng 8, thường là từ quãng 2 đến quãng 5. Từng từ, từng chữ trong lời ca thường chỉ ứng với một đến hai, ba nốt nhạc.
Lời ca trong hát xoan dựa trên nhiều thể thơ: 4 chữ, 5 chữ, lục bát, song thất lục bát, thất ngôn... Thể thơ 4 chữ, 5 chữ là hai thể cổ nhất được dùng nhiều trong phần hát nghi thức tế thần. Nội dung trong lời ca mang đậm nét yếu tố tín ngưỡng. Ngoài ra, lời ca còn đề cập tới nhiều khía cạnh trong cuộc sống lao động, trong quan hệ xã hội và mối quan hệ tình cảm giữa trai - gai, vợ - chồng...
Nhìn chung hát xoan là loại dân ca xuất phát và hiện đang tồn tại ở những làng cổ thuộc vùng đất cổ Phú Thọ, nên những yếu tố văn hóa xa xưa vẫn còn hiện hữu đến ngày nay. Chính vì nhận biết và quý trọng những giá trị ấy, năm 2009, chính phủ đã đồng ý cho lập hồ sơ di sản hát xoan để trình UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Và, trưa 24-11-2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali (Indonesia), hát xoan Phú Thọ chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 333, tháng 3-2012
Tác giả : Tuệ Anh