Hát trống quân là một hình thức ca hát dân gian của người Việt, có ở nhiều nơi thuộc các tỉnh trung du và châu thổ Bắc Bộ. Ngày xưa, hát trống quân thường diễn ra vào mùa thu những đêm trăng thanh, gió mát.
Hát trống quân có từ bao giờ, câu trả lời không dễ dàng. Nhiều truyền thuyết đã được lịch sử hóa và địa phương hóa cũng hé lộ thời điểm ra đời của hát trống quân, tuy nhiên thời điểm ra đời của hình thức ca hát dân gian này vẫn chưa được xác định.
Hát trống quân được chia làm hai bên nam nữ, mỗi bên ở một đầu dây của trống đất. Họ thường cử một đại diện vừa có giọng hát hay, vừa có tài ứng đối linh hoạt, thậm chí còn mời thêm những người có kinh nghiệm để làm cố vấn. Sau mỗi câu hát, người ta dùng dùi đánh vào đầu dây, âm thanh phát ra thùng thình vui tai càng tạo cho không khí của cuộc hát thêm phấn chấn.
Hát trống quân có nhiều chặng, nhưng chỉ sử dụng một làn điệu âm nhạc. Tuy nhiên, ngoài điệu hát chính, để tránh sự buồn tẻ, người ta có thể hát thêm một số làn điệu dân ca khác, nhưng khi kết thúc cuộc hát, bao giờ cũng quay lại làn điệu ban đầu.
Nội dung của hát trống quân: trên cơ sở ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước, thì ý tứ sâu xa là chuyện ướm hỏi tình duyên. Căn cứ vào nội dung này, nhiều người xếp hát trống quân vào loại ca hát giao duyên.
Theo diễn trình của cuộc hát, có một nhạc cụ duy nhất không thể thiếu được, đó trống đất - trống quân (thổ cổ). Cách làm trống đất ở mỗi nơi một khác. Họ đào một cái hố khoảng trên dưới nửa mét (có nơi người ta còn cho cả thùng phi xuống, hoặc không đào hố mà úp ngược thùng phi lên mặt đất) làm hộp cộng hưởng; đường kính mặt hố khoảng 30-40cm; úp mâm hoặc miếng ván mỏng lên miệng hố, công đoạn cuối cùng là căng sợi dây thừng đã được ghim ở hai đầu bằng một nạng chống đặt giữa mâm, chia dây ra hai phần bằng nhau.
Tuy có sự khác nhau về cách làm thậm chí cả chất liệu, nhưng hộp cộng hưởng của trống đất được lập theo nguyên tắc âm dương tương sinh. Vì theo quan niệm xưa, con người sống ở, thác gửi, đều nhờ đất. Đất là cái vừa linh thiêng, vừa bí ẩn đối với con ngời trong quá khứ, hiện tại, cũng như tương lai.
Nhạc cụ trống đất được chế tác một cách đơn giản, nhưng lại mang đầy hàm nghĩa về văn hóa. Trước kia, người ta thường đổ 100 vỏ ốc nhồi xuống hố đất - hộp cộng hưởng. Khi đệm cho hát, hai người dùng que gõ vào phần dây bên nhóm của mình. Tiếng trống thùng thình như lời của đất cùng với tiếng hát bay lên làm cho đất trời hòa quyện với nhau. Như thế là, ngoài vấn đề về âm dương tương sinh, có lẽ 100 vỏ ốc cũng nhắc nhở chúng ta cho chúng ta biết thêm ý nghĩa về truyền thuyết trăm trứng - cội nguồn của dân tộc. Mặt khác, nó cũng phản ánh cái tâm thức về tính phồn thực của những người dân lao động nơi thôn dã ở các tỉnh trung du và châu thổ Bắc Bộ.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 315, tháng 9-2010
Tác giả : Dương Anh