Phương thuật là một dạng tri thức bản địa xuất phát từ đời sống tín ngưỡng của con người, được ghi nhận ở nhiều nền văn hóa trên thế giới. Theo đó, người ta có thể dùng các động tác, ngôn ngữ, đồ vật được cho là linh thiêng để tác động đến cuộc sống, điều chỉnh nó theo mong muốn của bản thân. Ở Việt Nam, đặc biệt trong cộng đồng dân tộc thiểu số, việc sử dụng phương thuật còn rất phổ biến, không chỉ bởi đội ngũ “pháp sư” mà do chính người dân tự bảo lưu, thi hành và nhân rộng.
1. Giới thuyết chung về phương thuật và các khái niệm liên quan
Phương thuật là một thuật ngữ tôn giáo, mang tính phổ biến ở phạm vi nhân loại, là “hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, có tính kỳ bí và như một phép màu; thường được thực hiện bằng sự kết hợp giữa những lời nói và một quy trình với nhiều động tác quy ước tiếp nối nhau trong sự bảo đảm, lựa chọn chặt chẽ về tư cách của người thực hành; tác động đến thế giới tự nhiên và các lực lượng siêu nhiên nhằm đạt được kết quả mong muốn” (1).
Nếu như ma thuật phù thủy mang đậm màu sắc tâm linh kỳ ảo, được thực hiện bởi những thày pháp cao tay, gắn với các hình thức phù chú bí ẩn thì phương thuật thường được dân gian hóa. Nó trở nên hiền hòa và dung dị hơn trong những cái tên quen thuộc như mẹo, chữa mẹo, làm phép mà ai cũng có thể làm được. Nếu như phép thuật cổ xưa được bảo mật để đảm bảo tính thiêng thì phương thuật dân gian dễ dàng được nhân rộng bằng con đường truyền miệng.
Đôi khi, phương thuật có sự giao thoa với một số hình thức tri thức dân gian khác như y học dân tộc, nghi lễ tín ngưỡng. Một trong những mục đích phổ biến nhất của phương thuật là giải quyết các vấn đề về sức khỏe hay tai nạn bất ngờ. Sự kỳ bí của phương thuật có thể lý giải từ góc nhìn khoa học với sự tác động của các vị thuốc hay tác động vật lý, tâm lý. Nhận thấy mối liên quan đó, trong công trình Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, X.A.Tocarev đã viết: “dưới thuật ngữ chữa bệnh bằng phù phép, người ta hiểu: đó là y học dân gian kết hợp với những thủ thuật chữa bệnh mê tín và bịp bợm…” (2). Cùng chung mục đích chữa bệnh, nhưng phương thuật dân gian khác với y học ở một đặc tính cơ bản, đó là tính thiêng và yếu tố phép. Ví dụ, trong thuật chữa chàm cho trẻ nhỏ: người nhà ra chợ, lấy trộm một con tôm, mang về xoa vào chỗ bị bệnh, thì hành vi lấy trộm là nghi thức làm phép. Tuy nhiên, ranh giới giữa phương thuật dân gian và y học dân tộc mang tính chất tương đối. Không ít phương thuật bắt nguồn từ cơ sở khoa học. Trong trường hợp đó, yếu tố phép chỉ có tác dụng về mặt hình thức, tinh thần. Một số hình thức chữa bệnh dân gian chủ yếu được kiểm chứng bằng kinh nghiệm, sự lý giải trên bình diện khoa học không rõ ràng. Dần dần, người ta không xác định được đó thực chất là bài thuốc hay cách làm phép.
Ở một số trường hợp, phương thuật dân gian trở thành một nghi lễ tín ngưỡng, dạng thức phong tục đơn thuần. Trong đám cưới của người Việt cổ có tục giã cối đón dâu (mô phỏng động tác giao hoan nam nữ), trải giường cho cô dâu bằng một đôi chiếu úp vào nhau, cất hạt giống dưới gầm giường cô dâu mới… Những động tác đó thực chất cũng là một dạng thức làm phép. Sau này, khi đã trở nên phổ biến, người ta mặc định đó như phong tục.
2. Một số con đường hình thành phương thuật trong văn hóa dân gian
Hình thành theo tư duy liên tưởng và mô phỏng
Một trong những nguyên tắc hình thành phương thuật phổ biến nhất là quan sát sự tương đồng giữa các sự vật, hiện tượng rồi mô phỏng. Theo thống kê của tác giả, phần lớn các phương thuật gắn với thai phụ và sản phụ đều có yếu tố liên tưởng, mô phỏng. Ở miền núi, các cơ sở y tế thưa thớt nên phương thuật dân gian mang tính chất hộ sinh rất phổ biến. Nếu thai phụ đau bụng, người Tu Dí dùng nối buộc của cuộn chỉ cùng với lông của cây chông xủ trộn vào nhau cho sản phụ ăn. Sản phụ khó sinh, gia đình người Cờ Lao phải mời một cụ già trong bản tới rửa con thoi dệt vải trong chậu nước, lấy nước đó cho sản phụ uống để dễ sinh… Có thể thấy, dạng thức phương thuật này ít cơ sở khoa học, phản ánh niềm tin của con người trong điều kiện y tế cộng đồng chưa phát triển.
Cũng trên cơ sở liên tưởng, có những phương thuật gắn với ý nghĩa thay đổi hiện thực thông qua các động tác biểu tượng: trẻ nhỏ khóc đêm thì xoay lại giường, người hấp hối khó mất thì chuyển sang giường khác, nuôi con khó thì đổi họ, nhận cha mẹ nuôi, trong gia đình, làng bản có sự bất hòa thì đổi lại thanh củi đang cháy trên bếp… Tất cả đều là nghi thức mô phỏng sự thay đổi hiện thực, số phận, tránh những điều rủi ro.
Hình thành trên cơ sở tiếp xúc, lây lan và giao tiếp giả định
Trong tư duy dân gian, khi tiếp xúc với con người, đặc tính của sự vật dễ được lan truyền. Đó là cơ sở hình thành quy tắc kiêng kỵ và phương thuật. Những người được cho là không may mắn như gia đình có tang, sức khỏe không tốt, vợ chồng không trọn vẹn phải tránh đến đám cưới, đám mừng nhà mới, buổi tế lễ... Ngược lại, người phúc lộc thường được lựa chọn như một đối tượng quyền năng để thực hiện ma thuật truyền sinh, lan tỏa sự may mắn đến người khác. Giả sử, chọn người đông con để trải giường, búi tóc, đón ngõ cho cô dâu; mượn khăn tã của em bé dễ nuôi để mặc cho em bé mới sinh…
Thiết lập một cuộc giao tiếp giả tưởng nhằm đặt điều kiện, điều chỉnh sự vật hiện tượng theo mong muốn của mình. Theo phong tục cổ Việt Nam, vào ngày Đoan Ngọ (5-5 âm lịch) người nông dân thực hiện nghi thức khảo quả: một người trèo lên cây, một người ở dưới gõ vào thân cây để khảo: “Cây kia, bao giờ mày ra quả? Quả mày thế nào?”... Người trên cây đáp lại theo mong muốn. Tương tự như vậy là các thuật mẹ xin sữa cây, người sống chạm tay vào người chết nhờ mang đi giúp mụn cơm, mụn cóc… Tất cả đều dược vận hành theo nguyên lý điều đình nhằm đạt được kết quả mong đợi.
Hình thành trên cơ sở chơi chữ
Một số phương thuật hình thành trên cơ sở khái niệm đồng âm, gần âm hoặc chiết tự câu chữ. Theo tư liệu của Nguyễn Dư, gặp trường hợp đẻ khó, người chồng phải dùng một vài phương thuật. Ví dụ như: lấy một cái dải rút quần vắt qua bụng vợ, nếu được cái dải rút váy của một người đàn bà hàng xóm đã từng sinh đẻ dễ dàng mang về vắt qua bụng vợ thì càng tốt. Trong tiếng Việt, chữ dải (dải rút) được coi là đồng âm với chữ giải nghĩa là tháo gỡ, cởi, mở. Người chồng còn có thể giúp vợ đẻ nhanh bằng cách đứng giữa nhà lao chiếc đòn gánh hoặc cái gậy ra ngoài sân. Cái gậy, hay cái đòn gánh quen thuộc của dân quê, chữ Hán Việt là côn gần giống từ con. Vì thế cho nên cái gậy hay chiếc đòn gánh, tượng trưng cho đứa con được lao ra ngoài sân (3).
Hình thành trên cơ sở vật thiêng, động tác mật
Sử dụng vật thiêng để tạo ra yếu tố phép là một trong những hình thức phương thuật cơ bản. Vật thiêng có nhiều dạng thức khác nhau, có thể bản thân mang sẵn tính phép hoặc được phù phép thông qua ngôn ngữ hay hành vi ma thuật. Một số ví dụ về dạng thức này như:
Bùa, ngải: là dạng thức vật thiêng phổ biến nhất, có cả ở người Kinh và các dân tộc thiểu số, manh tính ma thuật. Bùa có thể được làm từ thầy cúng, nhà sư, người cao tuổi với nhiều dạng. Người dùng bùa có thể dán bùa lên mái, tường nhà, đặt dưới gối, chiếu hay đeo trên người. Ở các dân tộc thiểu số, trẻ em dùng bùa rất phổ biến. Bùa chủ yếu mang tính chất trừ tà, trấn an, bảo vệ, trong khi đó, ngải thiên về mục đích điều chỉnh yếu tố bên ngoài theo ý định của chủ nhân, không loại trừ mục đích hại người.
Ta leo, bật phật: là những cành lá thiêng treo trước cửa gia đình có người (hoặc gia súc) sinh nở. Ngoài ra, để tránh ma tà đến gây hại cho đứa trẻ, người ta còn lấy cành dâu cắm ở đầu giường hay lấy tấm lưới bắt cá vắt trên cửa buồng sản phụ (4).
Quần áo, đồ dùng phụ nữ: nếu trong phương thuật dân gian, phụ nữ có một sức mạnh thần bí đặc biệt. Trong đám cưới, họ là người trải giường cho cô dâu. Sản phụ mới sinh bị tắc sữa, người ta có mẹo: nhờ một bà góa (khác họ) lấy cành tre lén bỏ dưới gối sản phụ… Đặc biệt, đồ dùng cá nhân của họ rất hay được dùng trong: thuật giữ bão (lấy quần phụ nữ treo vào cột cái ngôi nhà), thuật chữa ma tịt (lấy quần áo lót của phụ nữ hơ lửa xoa vào người), thuật thúc cây ra quả (lấy quần bẩn của phụ nữ bó vào gốc hoặc quả non).
Đồ sắc nhọn, gia vị, máu, tóc, lông của người hoặc gia súc: do ảnh hưởng của quan niệm Đạo giáo, vật sắc nhọn như con dao, cái kim, đôi đũa… là những vật thiêng có sức mạnh trừ tà, át vía. Máu, lông tóc, gia vị cay, gắt (như hành, tỏi, ớt) cũng có đặc điểm tương tự.
Lời nói dối, việc làm lén, đồ ăn trộm: hành động mật này có thể xuất phát từ nguồn gốc tôn giáo sơ khai, khi các đạo sĩ làm phép cần giữ kín phương thức thực hiện. Trong quá trình dân gian hóa, người dân truyền miệng cho nhau song vẫn giữ nguyên tắc này, khiến nó trở thành một yếu tố thiêng.
3. Ý nghĩa của phương thuật dân gian trong đời sống tộc người
Mặc dù phương thuật là một trong những hiểu hiện của tư duy hồn nhiên thời kỳ sơ khai, đa thần giáo, song nó vẫn tồn tại khách quan và có ý nghĩa nhất định trong đời sống thực tại.
Trước tiên, đó là một dạng thức tri thức dân gian, là kinh nghiệm sản xuất, ứng xử xã hội được tích lũy qua nhiều thế hệ. Không ít các thuật mê tín, thậm chí nguy hiểm, song cũng có những phương thuật hiệu quả, xuất phát từ cơ sở khoa học, có ý nghĩa về mặt tâm lý. Ngày nay, khoa học vẫn bất lực trước nhiều căn bệnh nan y. Việc tìm đến và đặt niềm tin ở phương thuật dân gian có thể giúp cho người bệnh có tâm lý tốt trong quá trình đối mặt với bệnh tật.
Phương thuật dân gian chính là tấm gương phản chiếu diện mạo văn hóa cộng đồng. Ở đó, ta bắt gặp một thế giới quan sinh động, nơi con người đi từ tư duy hồn nhiên đến những liên tưởng lôgic, sáng tạo. Hệ thống phương thuật cũng bộc lộ tâm lý, tính cách, lối ứng xử trong các mối quan hệ xã hội. Một số phương thuật trở thành phong tục tập quán giàu ý nghĩa. Trong mối quan hệ mật thiết với y học dân tộc, qua sự kiểm chứng của dân gian, các nhà y học có thể phát hiện ra các phương pháp chữa bệnh hiệu quả.
Nghiên cứu phương thuật dân gian không thể không nhìn vào mặt trái với những phương cách mê tín, huyễn hoặc, đặc biệt, khi áp dụng trong việc chữa bệnh cho con người. Lời đồn thổi về những phép thuật gây hại (như bùa, ngải, chài, ma gà, trùng độc…) còn có thể đem đến định kiến nặng nề, thậm chí trở thành bi kịch cho cộng đồng hoặc những cá nhân.
Nhìn chung, phương thuật dân gian bao gồm những hành thuật mang yếu tố phép nhằm hướng tới mục đích nhất định như chữa bệnh, điều chỉnh quan hệ xã hội, thúc đấy sản xuất, thực hiện một ước nguyện tinh thần… Không thể phủ nhận rằng, dù chứa đựng những yếu tố bí ẩn, phần nào bao hàm sự mê tín, ngây thơ của thời kỳ lạc hậu, song phương thuật dân gian vẫn là một nguồn tri thức bản địa đặc sắc.
___________
1. Đỗ Thị Thu Hà, Phạm Đặng Xuân Hương, Nghi thức ma thuật truyền sinh trong đời sống dân gian, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 391, tháng 1-2017.
2. X.A.Tocarev, Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, Lê Thế Thép dịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994.
3. Nguyễn Dư, Phong tục Việt Nam: Các phương thuật, tuvilyso.org.
4. Nguyễn Thị Việt Thanh, Vương Toàn, Từ điển văn hóa các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Nxb Đại học quốc gia, 2015.
Tác giả: Nguyễn Thị Suối Linh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019