GIẾNG CỔ HỘI AN

        Giếng cổ Hội An được xem như một giá trị văn hóa vật thể phản ánh rõ rệt đời sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân Chăm tại đây từ hơn 10 thế kỷ trước. Về sau cộng đồng người Việt, Hoa... tiếp quản có duy tu, sửa sang lại, song vẫn lưu giữ được dáng dấp giếng cổ 1000 năm. Khoảng 50% số giếng cổ hiện nay vẫn để sử dụng theo hướng bảo vệ nghiêm ngặt và đang là điểm tham quan hấp dẫn thu hút du khách thập phương.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và bảo tồn di tích Hội An (Quảng Nam), hiện nay trên địa bàn TP. Hội An còn khoảng 80 giếng cổ, phân bổ tập trung ở bờ bắc sông Đế Võng; thôn 5, thôn 6 xã Cẩm Thanh; khối phố 4 phường Thanh Hà và trong khu phố cổ. Các giếng cổ ở Hội An có ba kiểu dáng cơ bản: hình tròn (63%), hình vuông (17%), trên tròn dưới vuông (16%)... Tuy có nhiều kiểu dáng khác nhau, nhưng các giếng cổ Hội An đều có điểm chung là có khung gỗ vuông đặt dưới các thành gạch nhằm chống sụt lún, sạt lở.

Giếng cổ Hội An nếu ở vùng ven có kiểu dáng hình tròn, trong khi đó, ở khu phố cổ xuất hiện nhiều nhất là giếng hình vuông hoặc trên tròn dưới vuông. Các giếng này nằm trong khuôn viên của các di tích tín ngưỡng như hội quán, nhà thờ tộc, đình, miếu của người Hoa. Chất liệu để xây giếng chủ yếu là gạch, đá. Dưới cùng của đáy giếng là khung gỗ lim để bảo vệ nhằm chống sụt lún. Hầu hết trên các giếng này luôn có các bàn thờ để thờ thần giếng.

        Giếng Mái, nằm ở ngã 5, trước cửa chợ Hội An và chùa Ông, là giếng công cộng duy nhất ở phố cổ được lợp mái ngói vảy cá. Giếng Đá ở Trà Quế có hình tròn từ đáy lên, nhưng trên miệng lại hình vuông, 4 góc tường có 4 cây trụ đá vuông, không chỉ cung cấp nước ngọt mà còn là điểm nhang khói cúng thần vào ngày rằm, mùng một. Giếng Bá Lễ (nằm ở một kiệt nhỏ ở đường Trần Hưng Đạo - Hội An) có cấu trúc hình vuông, thành lát gạch, đáy lát gỗ, sâu khoảng 8m, có từ thời người Chăm xưa (khoảng TK VIII-IX), dưới đáy là khung gỗ lim rộng bản, tồn tại cả ngàn năm nay. Tương truyền khoảng vào TK XX, có một người đàn bà tên là Bá Lễ bỏ hơn 100 đồng tiền Đông Dương để trùng tu giếng cổ của người Chăm này và từ đó nó có tên Bá Lễ. Vào những ngày lễ, tết, rằm, mùng một..., người dân vẫn đến lễ tạ giếng như một nét văn hóa của người Hội An. Những người dân ở gần giếng Bá Lễ cho biết, hầu hết người Hội An đều biết đến giếng này với nét đặc trưng là nước rất trong, ngọt và không bị khô kiệt dù trong những ngày nắng hạn khắc nghiệt. Phố cổ Hội An, hầu hết người dân đều có nước thủy cục, nhưng khá đông cư dân nơi đây vẫn đi lấy nước giếng về nấu để làm tăng thêm hương vị các món cao lầu, xí mà, pha trà, nấu ăn, nhất là trong dịp tết đến xuân về.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 339, tháng 9-2012

Tác giả : Hòa Vang

;