Biệt thự số 46, phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, ngày nay là trụ sở cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Việc nghiên cứu công trình kiến trúc cũng như lịch sử ngôi biệt thự này sẽ giúp chúng ta thấy được những giá trị nổi bật cần được bảo tồn.
Nơi gắn liền với nhiều nhà hoạt động Đảng, Nhà nước
Từ năm 1954, ngôi biệt thự số 46, phố Tràng Thi là trụ sở của Mặt trận Liên Việt, tại đây diễn ra nhiều sự kiện lịch sử có tính chất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; là nơi làm việc của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, của nhiều trí thức Việt lớn.
Một số nhà lãnh đạo tiêu biểu từng có thời gian hoạt động, làm việc gắn với tòa nhà số 46 Tràng Thi.
Tôn Đức Thắng, sinh tại xã Mỹ Hòa Hưng, Long Xuyên, An Giang. Ông là một chiến sĩ cộng sản quốc tế, một nhà hoạt động lâu năm của Đảng, Nhà nước; từng giữ các chức vụ: ủy viên BCH TƯ Đảng (1951 - 1980), Trưởng Ban thường trực Quốc hội (1955 - 1960), Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1960 - 1969), Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam (1969 - 1980). Đối với công tác mặt trận, ông từng giữ các chức vụ: Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (1946 - 1951); từ tháng 3 - 1951, ông là Chủ tịch ủy ban toàn quốc Mặt trận Liên Việt; từ tháng 9 - 1955, ông là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đến tháng 2 - 1977, ông là Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hoàng Quốc Việt, tên thật là Hạ Bá Cang, sinh tại phường Đáp Cầu, Bắc Ninh. Ông tham gia các phong trào cách mạng từ năm 1925; từng bị thực dân Pháp bắt khi được cử đi dự hội nghị hợp nhất Đảng, bị xử tù chung thân đến năm 1936 mới được trả tự do. Ông từng là Ủy viên Bộ Chính trị BHC TƯ Đảng Lao Động Việt Nam (khóa II), trưởng ban dân vận mặt trận, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đối với công tác mặt trận, ông giữ nhiều chức vụ, như: bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ tịch đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977), Chủ tịch danh dự UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1983).
Huỳnh Tấn Phát, sinh tại xã Châu Hưng, Bình Đại, Bến Tre. Là một kiến trúc sư nổi tiếng, ông để lại nhiều công trình kiến trúc có giá trị. Năm 1960, ông tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, giữ chức vụ Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký UBTƯ, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Tháng 6 - 1969, ông được đại hội đại biểu quốc dân miền Nam bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, giữ chức vụ này đến năm 1976. Sau năm 1976, Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước. Ông còn đảm trách các chức vụ: Phó Chủ tịch hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1983 - 1988).
Nguyễn Hữu Thọ, sinh ra tại làng Long Phú (nay là thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An). Tháng 2 - 1962, tại Đại hội lần thứ I Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, ông được bầu làm chủ tịch. Tháng 6 - 1969, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam. Năm 1976, ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam thống nhất. Tháng 4 - 1980, ông làm quyền Chủ tịch nước. Từ tháng 7 - 1981 đến năm 1987, ông là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước khóa VII, khóa VIII, là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 1988 đến năm 1994.
Xuân Thủy, sinh tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1932. Ông là một nhà hoạt động công tác mặt trận lâu năm, tham gia làm báo Cứu Quốc của Tổng bộ Việt Minh thời kỳ bí mật (1944), làm Chủ nhiệm báo này từ năm 1944 - 1955. Năm 1955, Xuân Thủy được bầu làm Ủy viên BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1968, ông được bầu vào Ban Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận, Mặt trận TƯ. Ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1963 - 1965), là trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Từ năm 1981 - 1982, ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, kiêm Tổng Thư ký. Năm 1981, ông là Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII. Xuân Thủy là cán bộ chủ chốt của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam từ năm 1945 đến khi mất, là Ủy viên Thường trực Thường vụ Tổng bộ Việt Minh (1948 - 1950), Trưởng ban Thư ký UBTƯ Mặt trận Liên Việt, sau đổi thành Tổng Thư ký UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1951 - 1963). Ngoài ra, ông còn là bí thư Đảng đoàn UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, liên tục là Ủy viên đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Lê Quang Đạo, tên thật là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ra tại phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Là một nhà quân sự, lãnh đạo quân đội, ông từng được phong quân hàm trung tướng vào năm 1974. Ông là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, từng giữ các chức vụ: Ủy viên BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa III đến khóa VI, Bí thư TƯ Đảng các khóa IV, V. Từ năm 1987 - 1992, ông là Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Từ năm 1982, ông tham gia Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ năm 1988, ông là Bí thư Đảng đoàn UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến tháng 8 - 1994, ông là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các nhà lãnh đạo mặt trận, trong đó tiêu biểu là một số nhà lãnh đạo trên là những chiến sĩ cách mạng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; là những nhà hoạt động Đảng, Nhà nước, mặt trận. Bên cạnh đó, các vị còn là những nhân sĩ trí thức lớn, có uy tín đối với nhân dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế. Các nhà lãnh đạo trên là những danh nhân lịch sử, cách mạng, văn hóa của đất nước.
Con người là chủ thể sáng tạo ra những thành tựu văn hóa, là người quyết định tới việc hình thành, phát triển văn hóa. Tuy nhiên, con người lại là sản phẩm của chính môi trường văn hóa đó. Danh nhân là những con người cụ thể, là sản phẩm văn hóa tiêu biểu của một dân tộc, được người đời tôn kính, ngưỡng vọng. Do vậy, danh nhân chính là hiện thân cho di sản văn hóa đẹp nhất của một dân tộc.
Theo cách hiểu thông thường, danh nhân là những nhân vật xuất sắc về đạo đức, trí tuệ, lúc sinh thời đã có những đóng góp lớn cho cộng đồng. Những phẩm chất ấy phải được đa số các thành viên trong cộng đồng khâm phục, ngưỡng vọng. Từ những khái niệm trên về danh nhân, có thể thấy dù định nghĩa khác nhau, nhưng tất cả đều đưa ra những tiêu chí chung đó phải là người nổi tiếng, là nhân vật xuất sắc về đạo đức, trí tuệ, có những đóng góp to lớn cho sự tiến bộ xã hội, được cộng đồng thừa nhận, tôn vinh. Họ phải là những tấm gương sáng để mọi người học tập. Do đặc điểm của quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc, các danh nhân đất nước cũng được chia thành nhiều nhóm như: anh hùng dân tộc, danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa, danh nhân cách mạng (1).
Chúng tôi cho rằng, danh nhân là nhân vật nổi tiếng, có đóng góp to lớn, xuất sắc trên một hoặc một số lĩnh vực như chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn của lịch sử Việt Nam; có đạo đức trong sáng, được lịch sử, nhân dân suy tôn, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Như vậy, không phải tất cả những nhân vật được ghi chép trong sử sách, trên bia ký; những người giữ chức vụ lớn, đỗ đạt cao trong các cuộc thi đều là danh nhân.
Theo quan điểm trên, người được suy tôn là danh nhân cần hội đủ các tiêu chí cơ bản sau:
Thứ nhất, người có đóng góp to lớn, có ý nghĩa quan trọng trên một hoặc một số lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển, tạo nên những chuyển biến mới trong từng giai đoạn của lịch sử đất nước, được ghi danh trong sử sách. Những cá nhân đó cụ thể là: nhà lãnh đạo, tướng lĩnh có công lớn hoặc chỉ là người dân bình thường nhưng có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước, được ghi danh trong sử sách; nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, tiêu biểu trong thời kỳ lập Đảng, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; nhà hoạt động chính trị, quân sự xuất sắc, có đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước; người có tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình nghiên cứu về văn hóa, khoa học xuất sắc, nổi tiếng, đánh dấu phát triển mới trên lĩnh vực này, được xã hội thừa nhận, suy tôn.
Thứ hai, người có đạo đức trong sáng.
Thứ ba, người là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.
Trong cuộc sống đời thường, phần lớn danh nhân rất chú ý trong ứng xử, họ là những người rất có trách nhiệm với xã hội, gia đình. Đương thời, họ đã là những tấm gương sáng, có tầm ảnh hưởng rộng đối với xã hội. Trong kháng chiến, nhiều danh nhân đã từ bỏ cuộc sống đô thị để theo cách mạng lên đường đi kháng chiến. Cuộc đời, quá trình lao động của mỗi danh nhân đã trở thành một bộ phận di sản văn hóa tiêu biểu của đất nước trong thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh.
Danh nhân nhờ tài năng, cống hiến của mình đã được đông đảo công chúng biết đến, hâm mộ. Nhiều người không chỉ thành công trên những hoạt động chuyên môn, mà họ còn thành công trên những lĩnh vực khác. Chúng ta có thể thấy trong sự nghiệp của một số nhà lãnh đạo kể trên, hầu hết là những nhà hoạt động của Đảng, Nhà nước, nhưng có người còn là nhà lãnh đạo quân sự (Lê Quang Đạo), nhà ngoại giao xuất sắc, nhà thơ có tên tuổi (Xuân Thủy), kiến trúc sư được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (Huỳnh Tấn Phát)…
Đến nay, nhiều danh nhân không còn nữa, nhưng tài năng, cuộc đời của họ vẫn có tầm ảnh hưởng to lớn đối với đất nước. Họ đã để lại nhiều di sản lớn thông qua những di vật, hiện vật. Nhiều danh nhân sau khi mất đã được gia đình, địa phương, Nhà nước xây dựng nhà lưu niệm, phòng lưu niệm, bia tưởng niệm, tên đường phố để tôn vinh cuộc đời họ. Theo tiêu chí đánh giá được ghi trong điều 28, mục 1, chương 4, Luật Di sản văn hóa (2) thì ngôi biệt thự số 46, phố Tràng Thi cũng có thể được coi là di tích lịch sử, văn hóa có giá trị lưu niệm danh nhân.
Vấn đề bảo tồn giá trị lưu niệm danh nhân tại ngôi biệt thự số 46, phố Tràng Thi
Truyền thống uống nước nhớ nguồn, đạo lý ăn quả nhớ kẻ trồng cây là biểu hiện sâu sắc của một khía cạnh bản sắc văn hóa Việt Nam, nét đặc trưng trong bảng giá trị văn hóa dân tộc, chất keo liên kết cộng đồng trong quá khứ, hiện tại. Chính vì thế, ngay từ xa xưa nhân dân ta đã sáng tạo nên nhiều hình thức để ghi nhớ công tích của tiền nhân, tôn vinh những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa đất nước.
Kế thừa, phát huy truyền thống tôn vinh danh nhân, những người có công với dân, với nước, Đảng, Nhà nước ta ngay từ những ngày đầu lập nước đã hết sức quan tâm đến việc lưu niệm, tưởng niệm các danh nhân.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, di sản văn hóa là tài sản đặc biệt, là vốn quý của dân tộc. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã rất coi trọng các di sản văn hóa là di tích lịch sử, các công trình văn hóa nghệ thuật, các tài năng, danh nhân văn hóa. Đảng ta chủ trương bảo tồn lâu dài vốn quý đó để giáo dục nhân dân về lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, văn hóa, tạo điều kiện cho các thế hệ người Việt được tham quan, hưởng thụ, nghiên cứu các giá trị văn hóa cổ truyền ấy; nhằm sáng tạo ra những giá trị mới, thể hiện được tầm cao của thời đại, chiều sâu của lịch sử, vừa dân tộc, vừa hiện đại. Hội nghị BCH TƯ Đảng khóa VIII đã xác định: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới, giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học, dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể, phi vật thể” (3).
Từ nhận thức trên, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp lý liên ban đến vấn đề bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc nói chung, tôn vinh, tưởng niệm danh nhân nói riêng. Trong đó, văn bản số 3486-CV/VPTW, ban hành ngày 3-4-2003, của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về việc giao Bộ VHTT nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về những hình thức tưởng niệm, lưu niệm đối với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, các danh nhân văn hóa.
Tất cả các hình thức lưu niệm là nhằm gìn giữ, ghi nhớ công ơn của các danh nhân, góp phần vào việc bảo vệ, phát huy di sản. Đó chính là những tài sản quan trọng của dân tộc, là cơ sở để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, góp phần làm giàu kho tàng di sản văn hóa của dân tộc trong thời kỳ giao lưu, hội nhập quốc tế.
Như vậy, những quan điểm, đường lối, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về vấn đề bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc nói chung, việc tưởng niệm, tôn vinh danh nhân đất nước nói riêng đều được cụ thể hóa thành những chính sách trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Nội dung, hình thức hoạt động cụ thể được thống nhất quán triệt từ Luật Di sản văn hóa, các quy hoạch tổng thể, đề án được Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo cụ thể.
Từ những giá trị được phân tích trên, cùng với những tiêu chí đánh giá, quan điểm về bảo tồn di sản văn hóa của Đảng, Nhà nước, có thể thấy biệt thự số 46 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội là công trình kiến trúc xứng đáng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa với giá trị tiêu biểu là lưu niệm danh nhân. Trước mắt, công tác bảo tồn ở cấp thành phố theo Luật Di sản Văn hóa cần làm là gắn biển lưu niệm cho tòa nhà này.
_____________
1, 2. Luật Di sản văn hóa, Nxb Lao động, Hà Nội, 2013, tr.34, 50.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 BCH TƯ khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.15.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 - 2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH