Người Dao ở Thanh Hóa gồm hai nhóm: Dao quần chẹt và Dao đỏ. Trong đó, nhóm Dao quần chẹt ở vùng núi thấp có 10 làng với 6.748 người, tập trung ở huyện Cẩm Thủy và Ngọc Lặc. Nhóm Dao đỏ ở vùng núi thuộc huyện Mường Lát có 3 chòm: Suối Tút, Con Dao thuộc xã Quang Chiểu; Pù Quăn thuộc xã Pù Nhi.
Ở Thanh Hóa vẫn quen gọi người Dao quần chẹt là người Mán, Dao đỏ là người Giáo. Người Dao quần chẹt chủ yếu di cư từ Tuyên Quang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc đến Thanh Hóa vào đầu TK XX. Theo C.Robequain: “Người Mán đến Thanh Hóa khoảng năm 1905. Lúc đó, vài gia đình Mán bỏ làng Vĩnh Đồng, Kim Bôi (châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), nơi mà họ đã ở được hơn 30 năm và sau 4 ngày đi bộ họ đến ở làng Điền Hạ, tổng Điền Lư, châu Quan Hóa” (1). Ông còn nghiên cứu rất công phu con đường di cư của người Dao vào Thanh Hóa: “Mán Thanh Hóa còn biết tên gọi Du Cun mà đại tá Bonifacy (ông là nhà sử học Pháp, đã có một công trình nghiên cứu công phu về người Mán Hiến chương của người Mán) không thấy ở nơi nào khác ngoài Tam Đảo (Tuyên Quang). Cũng như Mán ở Du Cun Tam Đảo, người Mán ở Thanh Hóa có lẽ là một nhóm nhỏ của nguồn lớn Mán Đại Bản ở suốt từ Tây Nam Việt Nam đến Lào... chắn chắn là có thể tìm thấy một cái mốc giữa Mán Du Cun và Mán Thanh Hóa” (2).
Quá trình di cư ít và muộn hơn các tộc người khác nên cộng đồng Dao gặp không ít khó khăn trong buổi đầu lập nghiệp, tuy nhiên họ vẫn bám đất, bám rừng để tồn tại, bảo lưu được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, điều này được thể hiện rõ nét qua trang phục truyền thống.
Trang phục của người Dao quần chẹt ở Thanh Hóa vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng của những người ở rừng, chống chọi lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Trang phục của người Dao gồm các thành tố: mũ, khăn, áo, yếm, váy, quần, xà cạp, dây lưng, với gam màu chàm và đen quen thuộc. Các họa tiết hoa văn trang trí đa dạng, phong phú như cỏ cây, hoa lá, muông thú… đã được tối giản, cách điệu với những gam màu cơ bản: vàng, đỏ, trắng, xanh lá cây… Tất cả như khắc họa lên bức trang đầy màu sắc về thiên nhiên và con người nơi đây.
Ngày đầu đến Thanh Hóa, đàn ông Dao quần chẹt mặc quần áo không có gì đặc biệt, một áo dài, một áo cắt theo kiểu Mường (thường có màu trắng), vải khăn chít đầu (xanh lơ), tóc cài lược. Phụ nữ tự may trang phục bằng vải xanh mua ở chợ, ngực che một mảnh vải như yếm của phụ nữ Việt, thêu viền trắng... Họ cạo đầu trọc phía trước, tóc bôi sáp ong, mỡ, cuốn lại và chít khăn để giữ lấy. Cổ đeo nhiều vòng bạc, trên yếm có đeo 2 hình bán cầu rỗng bằng bạc (3).
Nhu cầu làm đẹp của con người thông qua trang phục là một xu hướng tất yếu, đồng hành cùng lịch sử phát triển của nhân loại. Trang phục truyền thống của người Dao quần chẹt cũng vậy, trải qua những biến động của lịch sử, sự giao thoa, hội nhập các nền văn hóa khác nhau, nhưng kết cấu trang phục, hoa văn, màu sắc... vẫn đọng lại theo thời gian. Nó đã trở thành nét độc đáo rất riêng của người Dao quần chẹt ở Thanh Hóa.
Trang phục sinh hoạt hàng ngày
Trang phục sinh hoạt hàng ngày của người Dao quần chẹt được phân chia theo giới tính, lứa tuổi. Cách tạo hình, trang trí trên trang phục của nam, nữ, người lớn, trẻ em thể hiện nếp sống sinh động của tộc người này. Trang phục trong sinh hoạt hàng ngày của nữ giới bao gồm: khăn, áo, yếm, dây lưng, quần, váy, xà cạp, đồ trang sức. Phụ nữ Dao quần chẹt không đội mũ, họ thường mặc áo dài, áo phụ nữ, các thành tố trang phục nổi trội về kỹ thuật cắt may và thẩm mỹ mỹ thuật. Quần của họ rất đặc biệt, cắt may theo lối truyền thống, quần chân què trên rộng, bó lại ở phần dưới gối (gọi là quần chẹt).
Trang phục truyền thống của nam giới mặc hàng ngày gồm: khăn đội đầu, áo, dây lưng, quần… được cắt may giản dị, ít trang trí. Họ đều đội khăn hình chữ nhật, hình vuông bằng vải bông nhuộm chàm, được trang trí công phu, cầu kỳ. Quần cũng được cắt may theo kiểu chân què, cạp lá tọa, màu chàm hoặc đen, không có hoa văn trang trí.
Trang phục truyền thống của trẻ em có kiểu dáng giống người lớn nhưng kích thước nhỏ, trang trí ít hoa văn hơn. Lối tạo dáng, kỹ thuật cắt may tương tự như người lớn nhưng đơn giản hơn. Trang phục của các em trai thường có: khăn, mũ, áo, quần; các em gái thường có khăn quấn đầu, mũ, áo, quần hoặc váy.
Đồ trang sức của người Dao quần chẹt gồm: vòng cổ, vòng tay, hoa tai, nhẫn, xà tích… được làm bằng bạc, đồng, không chỉ có ý nghĩa để trang trí, làm đẹp mà còn là hồi môn, vật làm tin được sử dụng trong đám cưới, hỏi…
Trang phục truyền thống trong lễ hội
Lễ hội của người Dao quần chẹt ở Thanh Hóa là dịp để mọi người giao lưu, sinh hoạt cộng đồng, phụ nữ, nam giới thường diện những bộ đồ đẹp nhất, đeo rất nhiều đồ trang sức. Những trang phục này được làm hàng năm nhưng chỉ được mặc trong những ngày lễ hội. Đối với các cô gái, lễ hội chính là thời điểm để diện những bộ trang phục đẹp nhất do chính tay mình làm ra, thể hiện sự khéo léo trong công việc thêu thùa, cắt may. Đối với các chàng trai, qua cách mặc, cũng như các nét thêu hoa văn trang trí trên áo, quần của các cô gái để đánh giá và lựa chọn cho mình một cô gái vừa chăm, vừa khéo.
Đồ trang sức cũng chỉ được dùng trong các ngày lễ hội, làm tăng thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để người phụ nữ thể hiện sự giàu có thông qua số lượng, trọng lượng của trang sức đeo trên người.
Trang phục của thày cúng: loại trang phục này chỉ được sử dụng trong lúc hành lễ (cấp sắc, đám ma, chẩu đàng…). Trang phục của thày cúng bao gồm: khăn, mũ, dây quấn đầu, áo, dây lưng, váy, xà cạp… mang đặc điểm về kỹ thuật, trang trí của từng nhóm. Các loại mũ, áo sử dụng tùy theo bài cúng.
Cho đến ngày nay trang phục của người Dao quần chẹt ít nhiều có sự biến đổi, họ không còn cạo đầu, tóc bôi sáp ong, mỡ nữa. Tuy nhiên những thành tố trang phục khác và mục đích sử dụng không hề thay đổi, có chăng chỉ ít nhiều thay đổi về màu sắc, họa tiết, hoa văn trang trí, điều này chủ yếu là do gu thẩm mỹ của những người làm ra nó. Cụ thể như:
Trong ngày cưới, cô dâu mặc yếm truyền thống bên trong, bên ngoài mặc thêm một chiếc yếm lụa màu đỏ có trang trí họa tiết rồng phượng và ngoài cùng là áo khoác dài mặc theo kiểu truyền thống.
Dây lưng của người Dao quần chẹt ở Thanh Hóa chỉ sử dụng màu xanh lá cây, đỏ, khác với người Dao quần chẹt ở Ba Vì, sử dụng ba màu: xanh lá cây, đỏ, hồng. Bên cạnh đó, gấu áo của họ cũng thêu họa tiết, hoa văn nhiều hơn người Dao quần chẹt ở Ba Vì.
Người Dao quần chẹt ở Thanh Hóa vẫn may quần theo kiểu truyền thống, quần chân què, cạp lá tọa, một số phụ nữ đã biến tấu thành quần chun, phần trên vẫn cắt rộng, đũng dài để tiện hơn cho sinh hoạt hàng ngày. Phần họa tiết hoa văn, màu sắc được sắp xếp, thêu theo tư duy thẩm mỹ của từng người.
Trước những biến đổi của môi trường, xã hội, việc giữ gìn những giá trị truyền thống trong trang phục nói riêng, trong văn hóa tộc người nói chung gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số thực sự đạt được hiệu quả khi bản thân cộng đồng đưa ra được những phương hướng, giải pháp cụ thể và tự giác thực hiện điều đó.
_______________
1, 2, 3. Charles Robequain, Le Thanh Hoa, Nxb G.Van và Trường Viễn Đông Bác Cổ, Pháp, 1929.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017
Tác giả : BÙI THỊ HẰNG