Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng thời kỳ 1954-1975 và những thành tựu văn hóa, văn nghệ cách mạng

Quan điểm đường lối văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị và cũng được các nhà lý luận xuất sắc của Đảng nghiên cứu, trình bày trong các sự kiện văn nghệ của cả nước với sự ủng hộ của đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ, đã có ý nghĩa vạch đường chỉ lối cho sự phát triển của văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

1. Về bối cảnh lịch sử cách mạng Việt Nam 1954-1975

Năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng đi lên CNXH, trong khi đó ở miền Nam, chế độ Mỹ - Diệm ra sức phá hoại Hiệp định Genève, ban hành Luật 10-59 khủng bố dã man đồng bào ta. Chúng tiến hành chiến dịch “Tố cộng”, “Diệt cộng”, mở các cuộc càn quét đẫm máu, thảm sát những người có công trong kháng chiến chống Pháp và thân nhân những gia đình có người ra Bắc tập kết, cướp lại ruộng đất của nông dân. Năm 1964, giặc Mỹ lại đưa hơn nửa triệu quân viễn chinh và chư hầu vào miền Nam, đồng thời gây ra sự kiện “vịnh Bắc Bộ”, dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc nước ta.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ cứu nước (17-7-1966) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã sục sôi khí thế vào trận, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Miền Bắc đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bắn rơi hơn 4.000 máy bay của địch, bắt sống hàng trăm giặc lái. Đồng bào miền Nam đẩy mạnh ba mũi giáp công: “chính trị”, “binh vận”, “vũ trang”, đẩy mạnh phong trào đồng khởi, nhất tề nổi dậy phá ấp chiến lược, thi đua giết giặc lập công, lập thêm nhiều vùng giải phóng.

Với chiến lược “vừa đánh, vừa đàm”, Việt Nam đã đấu trí với Mỹ trên mặt trận ngoại giao, kết hợp cùng ý chí kiên cường của sức mạnh quân sự đã đập tan cuộc tập kích bằng B52 của giặc trong 12 ngày đêm tháng 12-1972 trên bầu trời Hà Nội, lập nên chiến công vĩ đại “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Việt Nam (27-1-1973).

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, đầu năm 1975, quân và dân ta mở cuộc tổng tiến công thần tốc trên nhiều mặt trận, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng thành phố Sài Gòn, Bắc Nam sum họp một nhà, mở ra thời kỳ đất nước thống nhất, hòa bình và phát triển đi lên xây dựng CNXH.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (13-2-1961) - Ảnh: tư liệu

2. Đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ trong công cuộc xây dựng CNXH trên miền Bắc, kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiến tới thống nhất nước nhà

Bước vào thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ vừa xây dựng CNXH trên miền Bắc, vừa tiến hành đấu tranh đòi Mỹ - Diệm phải thi hành Hiệp định Genève, Đảng ta đã đưa ra định hướng chỉ đạo xây dựng nền văn hóa XHCN trên miền Bắc, xây dựng cuộc sống mới, con người mới XHCN, theo đó là xây dựng một nền văn nghệ XHCN, phục vụ sự nghiệp cách mạng của cả nước.

Trong Thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (1957), Đảng ta đã xác định tính chất của nền văn hóa, văn nghệ mới ở nước ta là: “một nền văn nghệ XHCN về nội dung và dân tộc về hình thức” (1).

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng (5-9-1960) đã tiếp tục khẳng định: “Mục tiêu của cuộc cách mạng XHCN về tư tưởng là làm cho tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin chiếm ưu thế tuyệt đối trong đời sống tinh thần của nước ta và trở thành hệ tư tưởng của toàn dân, trên cơ sở đó mà xây dựng đạo đức mới của nhân dân” (2). Theo đó cần phải “…đẩy mạnh công tác giáo dục và đấu tranh tư tưởng nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, nâng cao không ngừng trình độ giác ngộ XHCN, tinh thần yêu nước, ý chí thống nhất Tổ quốc và ý thức làm chủ nước nhà của nhân dân ta, chống lại mọi biểu hiện của tư tưởng tư sản, phê bình tư tưởng tiểu tư sản, tiếp tục xóa bỏ tàn tích của tư tưởng phong kiến và những tư tưởng sai lầm khác” (3). Phải “…Phát triển nền văn nghệ mới với nội dung XHCN và tính chất dân tộc, có tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc. Nắm vững phương pháp hiện thực XHCN, phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm phản ánh chân thật cuộc sống mới, con người mới, góp phần giáo dục và động viên nhân dân phấn đấu cho cách mạng XHCN và sự nghiệp thống nhất nước nhà. Báo chí, xuất bản, thông tin, truyền thanh, điện ảnh và các công tác văn hóa khác phải thật sự trở thành vũ khí ngày càng sắc bén của giai cấp công nhân trên mặt trận tư tưởng và chính trị. Cần nâng cao tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính quần chúng của các công tác đó, chú trọng công tác thư viện, bảo tồn bảo tàng…” (4).

Như vậy, trong hoàn cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, cách mạng nước ta cũng đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ: xây dựng CNXH trên miền Bắc và đồng thời cả nước phải tập trung sức người, sức của để “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Những quan điểm cơ bản về xây dựng nền văn hóa XHCN đã từng bước được xác lập và vai trò của Đảng trong việc lãnh đạo xây dựng nền văn hóa mới cũng đã được khẳng định. Ngày 18-6-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 76-NQ/TW, Nghị quyết về Phát triển công tác văn nghệ trong hai năm 1959-1960. Trong nghị quyết này, Đảng ta đã đánh giá khái quát về công tác văn nghệ, đặc biệt là khẳng định thắng lợi của cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn - Giai phẩm phản động. Sau sự kiện đó, đội ngũ văn nghệ sĩ trên cả nước đã được nâng cao nhận thức về CNXH và quan điểm đường lối văn nghệ của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đảng ta đã xác định những nhiệm vụ cấp bách cần thiết của công tác văn nghệ, đề cao vai trò quan trọng của văn nghệ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, kiên quyết đấu tranh để khẳng định tư tưởng XHCN trong xây dựng và phát triển đất nước. Có thể nói, từ sau năm 1954, Đảng ta đã từng bước xây dựng đường lối văn hóa, văn nghệ phù hợp với tình hình lúc bấy giờ, khẳng định vai trò lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của Đảng, khẳng định những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh tư tưởng chống chủ nghĩa xét lại và các trào lưu tư tưởng phi vô sản khác, nhằm bảo vệ và khẳng định tư tưởng XHCN trong đời sống xã hội.

Cũng trong thời kỳ này, các nhà lý luận văn nghệ xuất sắc của Đảng như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, Hà Xuân Trường... đã liên tiếp nghiên cứu nhiều công trình lý luận để tuyên truyền, quảng bá và bảo vệ nền tảng tư tưởng lý luận văn nghệ cách mạng. Riêng đồng chí Trường Chinh đã có một số bài nghiên cứu rất sâu sắc và tâm huyết như: Phấn đấu cho một nền văn nghệ dân tộc phong phú, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội (Bài nói tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II, 24-2-1957); Tăng cường tính Đảng, đi sâu vào cuộc sống mới để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng tốt hơn nữa (Bài nói tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, tháng 12-1962); Văn nghệ phải góp phần giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến tới thống nhất nước nhà (Bài nói tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ IV, tháng 12-1968) (5).

Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ IV (1968) trong mục Về đường lối văn học, nghệ thuật của Đảng ta, đồng chí Trường Chinh khái quát thành tám quan điểm sau đây: “Văn nghệ là vũ khí sắc bén của giai cấp công nhân, của Đảng trong cuộc đấu tranh để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra; Văn nghệ ta phải thực sự là nền văn nghệ của nhân dân; Văn nghệ ta phải có tính dân tộc, văn nghệ ta là văn nghệ của nhiều dân tộc ở ta; Văn nghệ phản ánh hiện thực khách quan một cách cao đẹp, góp phần cải tạo hiện thực đó theo một lý tưởng nhất định; Mục đích của văn nghệ ta là giáo dục con người mới; Tiếp thu có phê phán những tinh hoa văn nghệ dân tộc và những thành tựu tốt đẹp của văn nghệ thế giới xưa và nay; Nắm vững phương pháp hiện thực XHCN để sáng tác và phê bình; Với CNXH và Chủ nghĩa cộng sản, chúng ta xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ cao đẹp nhất của loài người” (6).

Toàn bộ những công trình nghiên cứu lý luận của đồng chí Trường Chinh được tập hợp in thành sách Về văn hóa và nghệ thuật gồm hai tập do Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội ấn hành, tập 1 (xuất bản năm 1985) là toàn bộ những bài viết trước năm 1960, tập 2 (xuất bản năm 1986) là toàn bộ các bài viết từ 1961 đến năm 1986. Công trình Về văn hóa và nghệ thuật của đồng chí Trường Chinh đã tổng hợp nhiều vấn đề về tư tưởng lý luận văn học, nghệ thuật của Đảng ta như về mối quan hệ giữa văn học, nghệ thuật với chính trị; về phương pháp sáng tác hiện thực XHCN và những yêu cầu về tính giai cấp, tính Đảng, tính nhân dân, tính dân tộc của văn nghệ cách mạng, nhằm nâng cao nhận thức cho văn nghệ sĩ và công chúng.

Đồng chí Phạm Văn Đồng là nhà văn hóa mác-xít của Đảng, đã dành toàn bộ tâm huyết để nghiên cứu lý luận về văn nghệ nước nhà trong tác phẩm nổi tiếng: Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ (1973). Tác phẩm này đã bàn luận sâu sắc về sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ - chiến sĩ trong cuộc đấu tranh cách mạng và xây dựng CNXH.

Cùng phát triển theo định hướng nói trên, nhiều công trình lý luận văn nghệ theo quan điểm mác-xít đã xuất hiện để khẳng định và bảo vệ nền tảng tư tưởng lý luận văn nghệ của Đảng như:

 Báo cáo: Đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, nâng cao nhiệt tình cách mạng và tính chiến đấu trong văn nghệ, tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1964 của Tố Hữu chỉ ra nhiệm vụ chính trị quan trọng của văn học cách mạng nước nhà.

 Sách: Văn nghệ cách mạng và cách mạng không ngừng (1959); Mãi mãi đi theo con đường văn nghệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1971) của Hồng Chương; Mấy vấn đề văn nghệ (1961); Vì một nền văn nghệ Việt Nam (1971); Đường lối văn nghệ của Đảng, vũ khí trí tuệ và ánh sáng (1975) của Hà Xuân Trường; Noi theo đường lối văn nghệ Mác-Lê nin của Đảng (1968) của Nam Mộc; Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại (1930-1945) (1971); Trên mặt trận văn học (1972) của Vũ Đức Phúc.

Tổng hợp lại, có thể khái quát về đường lối của Đảng về văn hóa, văn nghệ ở nước ta thời kỳ 1954-1975 tập trung ở những nội dung then chốt sau:

 Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa XHCN mà trọng tâm là xây dựng cuộc sống mới, con người mới XHCN “hồng thắm”, “chuyên sâu”, có tinh thần yêu nước, yêu CNXH, có lẽ sống đẹp, có tinh thần tập thể, có thái độ sống “mình vì mọi người”, đặt lợi ích của đất nước, của tập thể lên trên hết để “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, sẵn sàng “Vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, bảo vệ miền Bắc XHCN, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu, Theo chân Bác), tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đi lên CNXH.

 Văn học, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng. Văn học, nghệ thuật, triết học, đạo đức... là kiến trúc thượng tầng xây dựng lên trên những điều kiện kinh tế nhất định và chịu ảnh hưởng sâu sắc của một bộ phận kiến trúc thượng tầng khác là chính trị, pháp luật.

Nền văn học, nghệ thuật của chúng ta là nền văn học nghệ thuật cách mạng được sáng tác bằng phương pháp sáng tác hiện thực XHCN luôn phản ánh cuộc sống hiện thực theo một quá trình phát triển có tính chất cách mạng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Phương pháp sáng tác hiện thực XHCN là phương pháp sáng tác tốt nhất, chứ không phải là duy nhất. Văn nghệ sĩ cần nắm vững phương pháp hiện thực XHCN (bao gồm phương pháp nhận thức đời sống hiện thực phương pháp thể hiện) để sáng tạo ra những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người.

 Văn nghệ có quan hệ mật thiết với chính trị, “Chính trị lãnh đạo văn nghệ và văn nghệ phục tùng chính trị”. Chính trị lãnh đạo văn nghệ là lãnh đạo về đường lối (bao gồm cả đường lối nghệ thuật) về phương châm, chính sách và tổ chức (chứ không can thiệp vào những vấn đề cụ thể có tính chất chuyên môn như chọn chủ đề, chọn hình thức nghệ thuật.

 Văn nghệ cách mạng mang tính giai cấp vô sản mà biểu hiện cao nhất là tính Đảng. Văn nghệ là vũ khí đấu tranh giai cấp. Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, tích cực góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng.

 Văn học, nghệ thuật có tính nhân dân, tính dân tộc và tính quốc tế.

 Cần đảm bảo tự do, dân chủ cho hoạt động sáng tác văn nghệ của văn nghệ sĩ để sáng tạo ra tác phẩm có giá trị và để phát triển tài năng nghệ thuật.

Có thể nói rằng, quan điểm đường lối văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị và cũng được các nhà lý luận xuất sắc của Đảng nghiên cứu và trình bày trong các sự kiện văn nghệ của cả nước với sự ủng hộ của đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ, đã có ý nghĩa vạch đường chỉ lối cho sự phát triển của văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

3. Những thành tựu phát triển rực rỡ của văn hóa, văn nghệ cách mạng thời kỳ 1954-1975

Sau năm 1954, miền Bắc nước ta đã từng bước tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng về quan hệ sản xuất; Cách mạng khoa học - kỹ thuật; Cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó Cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, tiến tới hình thành chế độ làm chủ tập thể XHCN, nền sản xuất lớn XHCN, nền văn hóa mới và con người mới XHCN. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, văn hóa văn nghệ XHCN của đất nước đã đạt những thành quả tốt đẹp. Cuộc sống mới, con người mới XHCN trên miền Bắc đã dần dần được hình thành với phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, phong trào xây vùng kinh tế mới, phong trào làm thủy lợi, phong trào phát triển giáo dục. Từ đây đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, trong đó tiêu biểu hơn cả là các điển hình: Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong, Trống Bắc Lý, Cờ Ba nhất (7). Miền Bắc đã trở thành hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đánh đổ chính quyền ngụy quyền Sài Gòn.

Văn học, nghệ thuật giai đoạn 1954-1975 tập trung nhiều vào đề tài Tổ quốc và nhân dân anh hùng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng giai đoạn này đã được khẳng định bằng những thành tựu rực rỡ của nền văn học, nghệ thuật hiện thực XHCN với cảm hứng ca ngợi công cuộc dựng xây cuộc sống mới, con người mới XHCN trên miền Bắc, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hình ảnh cuộc sống mới và con người mới XHCN trong hoàn cảnh vừa dựng xây CNXH và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc XHCN được thể hiện trong nhiều tác phẩm văn xuôi tiêu biểu như: Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm (Đào Vũ); Xung đột, Tầm nhìn xa, Mùa lạc, Đường trong mây, Họ sống và chiến đấu (Nguyễn Khải), Bão biển (Chu Văn), Cái hom giỏ (Vũ Thị Thường); Anh Keng (Nguyễn Kiên); Mặt trận trên cao, Vào lửa (Nguyễn Đình Thi); Vùng trời ( Hữu Mai); Sông Đà (Nguyễn Tuân)… Nhà thơ Tố Hữu được coi là “Lá cờ đầu của nền thi ca cách mạng Việt Nam” với sự nghiệp sáng tác đồng hành theo những chặng đường cách mạng, đồng thời cũng là nhà lãnh đạo đầy tâm huyết đã đóng góp nhiều công sức xây dựng nền tảng lý luận văn nghệ cách mạng. Cuộc sống mới, con người mới XHCN đã được tái hiện chân thật sinh động với cảm hứng ngợi ca hào sảng: Dân có ruộng dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng ấm áp làng quê/ Chiêm mùa cờ đỏ ven đê/ Sớm khuya tiếng trống đi về trong thôn (Tố Hữu - Ba mươi năm đời ta có Đảng).

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ lan rộng trên cả hai miền, lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ đã hăm hở “khoác ba lô” đi chiến trường, thâm nhập vào cuộc sống sôi động dựng xây trên khắp các nẻo đường Tổ quốc, tích cực tham gia vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Chủ đề Tổ quốc luôn là cảm hứng chủ đạo trong văn học, nghệ thuật nước nhà. Những sáng tác về tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi những người anh hùng trong cuộc đấu tranh chống giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước đã trở thành đề tài xuyên suốt trong thơ của Tố Hữu, Giang Nam, Thanh Hải, Thu Bồn, và là cảm hứng sâu sắc nổi bật trong văn xuôi (truyện ngắn, ký, tiểu thuyết) mà tiêu biểu là các tác phẩm: Sống như Anh (Trần Đình Vân); Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Hòn đất (Anh Đức), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), Mẫn và tôi, Gia đình má Bảy (Phan Tứ), Miền cháy, Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu); Người hậu phương, Đất làng (Nguyễn Thị Ngọc Tú)…

Đáng chú ý là vào thời điểm những năm 60, 70 của TK XX, đội ngũ văn nghệ sĩ (gồm nhiều nhà văn, nhà thơ) thuộc thế hệ trẻ tham gia chống Mỹ ngày càng xuất hiện đông đảo, hùng hậu, giàu sức sáng tạo với những tên tuổi mới như: Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Dương Thị Xuân Quý, Chu Lai, Thanh Thảo, Hoàng Nhuận Cầm, Lê Lựu, Lê Minh Khuê, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Hữu Thỉnh, Đỗ Chu, Cao Tiến Lê...

Từ năm 1954-1975, dòng chảy âm nhạc cách mạng là bản giao hưởng hùng tráng, là tiếng ca reo vui tràn đầy niềm tin về Bác Hồ, về Đảng, về cách mạng, về nhân dân Việt Nam anh hùng như các ca khúc: Quê tôi giải phóng (Văn Chung), Ca mừng đời ta tươi đẹp (La Thăng), Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý)... Đó là tình cảm nhớ thương quê hương day dứt của người con miền Nam ra Bắc tập kết như các ca khúc: Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp-Đằng Giao), Tình ca (Hoàng Việt), Bài ca hy vọng (Văn Ký); Vàm Cỏ Đông; Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường (Trương Quang Lục)... Trong không khí sôi sục cả nước lên đường chống Mỹ cứu nước, những bài ca hào hùng như: Mỗi bước ta đi (Thuận Yến); Anh vẫn hành quân, Trên đỉnh trường Sơn ta hát, Nổi lửa lên em, Cùng anh tiến quân trên dường dài (Huy Du); Ngọn đèn đứng gác (Thơ Chính Hữu, nhạc Hoàng Hiệp); Bước chân trên dải Trường Sơn (Vũ Trọng Hối)… đã cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước ra trận một cách hào hùng. Những ca khúc: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người (Trần Kiết Tường), Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Giải phóng miền Nam, Tình Bác sáng đời ta (Lưu Hữu Phước)… đã thể hiện tình cảm sắt son của các nhạc sĩ ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi sự nghiệp cách mạng giải phóng quê hương, đất nước…

Hòa cùng với sự phát triển sôi nổi của văn học và âm nhạc, điện ảnh cách mạng Việt Nam cũng có nhiều khởi sắc. Các cơ sở hoạt động điện ảnh quan trọng lần lượt xuất hiện và nhanh chóng trưởng thành, như: Xưởng phim Thời sự, Tài liệu trung ương (1956), Xưởng phim truyện Việt Nam (1956), Xưởng phim hoạt họa và búp bê Việt Nam (1959). Các tác phẩm điện ảnh được sản xuất đã đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng xây dựng CNXH trên miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đội ngũ những người làm phim Việt Nam đã được đào tạo, bổ sung, trưởng thành nhanh chóng góp phần tích cực cho sự phát triển nghệ thuật thứ bảy của nước nhà. Nhiều tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng đã ra đời như: Chung một dòng sông; Chị Tư Hậu; Nổi gió; Trên vĩ tuyến 17, Nguyễn Văn Trỗi, Biển gọi, Rừng O Thắm, Tiền tuyến gọi, Chị Nhung, Không nơi ẩn nấp, Đường về quê mẹ, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bài ca ra trận, Em bé Hà Nội… Bên cạnh đó là đề tài xây dựng cuộc sống mới và truyền thống cách mạng, gồm có các phim: Vợ chồng anh Lực, Quê nhà, Biển lửa, Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, Đến hẹn lại lên...

 Ngay từ năm 1965, ngành phim Tài liệu - Thời sự đã đưa lên màn ảnh hàng loạt tác phẩm phim tài liệu có giá trị thời sự nóng bỏng về cuộc kháng chiến chống Mỹ như: Đòn trừng phạt đích đáng; Hãy chặn tay bọn giết người; Mỹ nhất định thua, ta nhất định thắng; Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Khai thác mảng đề tài miền Nam chiến đấu và thắng lợi có các phim rất đặc sắc như: Du kích Củ Chi, Chiến thắng Khâm Đức, Đội nữ pháo binh Long An, Vài hình ảnh về chiến thắng Khe Sanh, Chiến thắng đường 9 Nam Lào, Làng nhỏ bên sông Trà… Một số tác phẩm điện ảnh phản ánh chiến thắng năm 1975 như: Thành phố lúc rạng đông, Chiến thắng lịch sử năm 1975

Nghệ thuật hội họa cách mạng thời kỳ 1954-1975 ở nước ta có hai thế hệ họa sĩ trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến. Thế hệ thứ nhất ra đời trong kháng chiến chống Pháp mà tiêu biểu là các họa sĩ tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và các họa sĩ được đào tạo trong các khóa Kháng Chiến, khóa Tô Ngọc Vân như: Mai Văn Nam, Phan Thông, Phan Kế An, Kim Đồng, Quang Phòng, Mai Văn Hiến, Lê Thanh Đức, Lưu Công Nhân, Mai Long, Trọng Kiệm… Thế hệ thứ hai trưởng thành trong công cuộc xây dựng CNXH trên miền Bắc và tham gia kháng chiến chống Mỹ với các tên tuổi tiêu biểu như: Vũ Giáng Hương, Lê Lam, Nguyễn Hải, Quang Thọ, Lê Trọng Lân, Đinh Trọng Khang, Huy Oánh, Lê Công Thành, Đào Đức, Cổ Tấn Long Châu, Hoàng Trầm…Hầu hết đội ngũ họa sĩ cách mạng đều đi theo hội họa hiện thực XHCN với ý thức hệ chính trị sâu sắc và chịu ảnh hưởng tư duy thẩm mỹ của hội họa Liên Xô và các nước XHCN, luôn thể hiện tinh thần nghệ thuật hướng tới quảng đại quần chúng nhân dân, sáng tác rất nhiều thể loại tranh cổ động, tuyên truyền vận động toàn dân tham gia xây dựng CNXH và đấu tranh chống Mỹ ngụy, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

4. Kết luận

Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong thời kỳ 1954-1975 là điều kiện tiên quyết để xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn nghệ XHCN, xây dựng cuộc sống mới và con người mới XHCN, trong điều kiện cách mạng nước ta cùng giương cao hai ngọn cờ Độc lập dân tộc và CNXH, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng CNXH trên miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đánh đổ chế độ ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc cùng đi lên CNXH.

Theo tiếng gọi của Đảng, toàn thể dân tộc ta đã nhất tề hưởng ứng tích cực làm nên những dòng thác cách mạng mãnh liệt, tiến công kẻ thù. Cũng như đông đảo quần chúng công - nông - binh, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ trên cả nước đã hăng hái xây dựng nền văn nghệ cách mạng, với cả một kho tàng to lớn về tác phẩm văn hóa, văn nghệ trên các loại hình cơ bản như văn học, âm nhạc, điện ảnh, hội họa… cùng nhiều thể loại phong phú, có giá trị tuyên truyền giác ngộ, giáo dục, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua ái quốc, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đó là sự thật hào hùng, oanh liệt trên đất nước ta suốt hai thập kỷ từ 1954-1975. Văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam đã trở thành một “binh chủng” đặc biệt, tích cực đóng góp cho chiến thắng vĩ đại 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, để cho nước non ta liền một dải, cho Nam Bắc sum họp một nhà, cả nước quyết tâm đồng lòng nhất trí đi lên CNXH, tạo tiền đề quan trọng cho sự nghiệp đổi mới được bắt đầu từ năm 1986, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

_________________

1. Thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 2, ngày 20-2-1957, Văn kiện của Đảng và Nhà nước về Văn hóa văn nghệ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.12-21.

2, 3, 4. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.459-550, 551, 930.

5, 6. Dẫn theo PGS, TS Trần Thái Học, Quan điểm văn hóa, văn nghệ của đồng chí Trường Chinh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007, tr.24, 14.

7. Phú Quý, Những điển hình thi đua tại hậu phương miền Bắc, qdnd.vn, 30-4-2015.

PGS, TS NGUYỄN TOÀN THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021

;