Sử dụng hiệu quả phương tiện truyền thông trong Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045

1. Lý luận về phương tiện truyền thông

Tính liên tục và biến đổi của phương tiện truyền thông

Suốt quá trình phát triển xã hội loài người, con người luôn có nhu cầu truyền đạt, thu nhận thông tin, giao tiếp với nhau; các cuộc cách mạng về khoa học, công nghệ cũng không hề thay đổi được nhu cầu đó. Trong một thời gian dài khi nhà thờ Cơ đốc giáo muốn triển dương ảnh hưởng, thì chính các nhà truyền giáo được cử đi phổ biến thông tin, trước hết là thông tin về Công giáo, đức Chúa, văn hóa La tinh. Các nước bang giao với nhau vẫn cử gián điệp thu thập thông tin tình báo (không chỉ về chính trị mà cả kinh tế, văn hóa, điểm yếu, mạnh của chính thể...) về nước khác. Các sứ giả, đặc sứ, sau này được gọi là đại sứ được cử đi để giao tiếp, thông thương, thương thuyết với nhà nước, tổ chức, cá nhân để tìm kiếm cơ hội đem lại lợi ích cho nước chủ thể. Để thực hiện tốt sứ mệnh của mình, họ cũng phải dựa vào nhiều dữ liệu thông tin có được thông qua nhiều thủ pháp, kể cả ngoại giao văn hóa (NGVH). Ngày nay, các vệ tinh, máy bay không người lái do thám, có thể đã trở thành những “gián điệp kiểu mới”, cộng thêm các “đường dây nóng” như đường dây Moscow - Washington, Bắc Kinh - Moscow, Washington - Jerusalem... và máy fax, máy tính cá nhân... cũng được coi là các “nhà ngoại giao mới”.

Tổng thống Sierra Leone thăm Nhà Triển lãm Việt Nam tại EXPO 2020 Dubai, UAE

Các nghệ sĩ, nhà điêu khắc, người biểu diễn loại hình nghệ thuật khác... trước đây phải đến tận các nước khác biểu diễn tác phẩm của mình, truyền bá nét đẹp của văn hóa bản quán quê hương. Ngày nay, các nghệ sĩ có thể thể hiện năng lực của mình tại đất nước của họ rồi qua báo chí, truyền hình, internet, các sản phẩm nghệ thuật của họ có thể tiếp cận với công chúng trên toàn thế giới một cách dễ dàng, đôi khi chỉ sau cái nhấp “chuột” máy tính...

Phương tiện truyền thông, chủ quyền và chính sách truyền thông quốc gia

Chính sách truyền thông của mỗi quốc gia luôn gắn với chủ quyền và có vai trò quan trọng. Hơn nữa, internet ảnh hưởng nhất định đến truyền thông giữa các nước nên phải quan tâm tới chủ quyền. Đúng như D.K. Thussu cảnh báo: “với internet, có nhiều dạng ý thức hệ mới, lạ lẫm, xuyên quốc gia được phát tán và hấp thụ” (1). Chủ quyền theo luật và thông lệ quốc tế gắn liền với quyền của một nước được bảo vệ biên giới của mình khỏi sự xâm lăng quân sự, quyền bảo tồn các nguồn lực và tài nguyên thiên nhiên; quyền lựa chọn thể chế chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa không bị can thiệp bởi một quốc gia khác. Khái niệm “chủ quyền thông tin” thường được hiểu là các quốc gia được hưởng đầy đủ các quyền lợi, trách nhiệm về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong lĩnh vực truyền thông và thông tin. Trong đời sống hiện đại, tin tức ngày càng nhiều, hình thành dòng chảy thông tin, nhiều quốc gia đã có ý thức xây dựng, duy trì chính sách tác động đến dòng chảy thông tin và truyền thông. Tổ chức UNESCO trong báo cáo tại Paris năm 1972 đã định nghĩa rằng: “Chính sách truyền thông là những bộ quy tắc và tiêu chí được xây dựng nhằm chỉ dẫn các ứng xử của các hệ thống truyền thông”. Nhằm phản kháng lại thực tế một số cường quốc truyền thông có quá nhiều ảnh hưởng đến dòng chảy thông tin, các Tổ chức quốc tế như Phong trào không liên kết, Hội đồng liên chính phủ vì sự hợp tác và thông tin giữa các nước không liên kết đã họp tại Lorn, Togo năm 1979, thống nhất các nguyên tắc cơ bản của các nước đang phát triển là: Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác; Quyền của mỗi nước phát triển hệ thống thông tin, truyền thông cũng như các hệ thống kinh tế - xã hội; chống độc quyền hóa thông tin; Quyền của mỗi nước sử dụng truyền thông báo chí để công khai quyền lợi, nguyện vọng và các giá trị chính trị, đạo đức và văn hóa; Quyền của mỗi nước được thông tin một cách nhanh chóng, khách quan và toàn diện; Việc trao nhận thông tin, truyền thông giữa các nước tuân theo điều kiện bình đẳng; Các nhà báo chịu trách nhiệm về các chủ đề khác nhau trong quy trình thông tin, truyền thông cho tính chính thống, khách quan và nguồn thông tin; Quyền của mỗi quốc gia được phản đối trong khuôn khổ hiến pháp về việc phổ biến tin tức sai trái hoặc bóp méo sự thật vì mục đích thiên vị quyền lợi hay gây hại cho quan hệ tốt đẹp giữa các nước...

Tuy nhiên, việc đấu tranh vì một “trật tự thông tin thế giới mới” công bằng hơn đã gặp nhiều trắc trở bởi nhiều lý do, trong đó có lý do lợi ích mà một số cường quốc truyền thông vẫn muốn giữ hiện trạng “tự do hóa thông tin” có lợi cho họ, dù các tổ chức quốc tế đa phương như Đại hội đồng Liên hợp quốc, UNESCO có những lần lên tiếng ủng hộ các nước đang phát triển.

Thực tế, các phương tiện truyền thông đã có vai trò to lớn trong hoạt động ngoại giao nói chung và NGVH nói riêng đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trên quan điểm NGVH là thành tố quan trọng cùng các thành tố khác phải luôn vì mục tiêu đối ngoại, góp phần thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; Huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước; Nâng cao vị thế và uy tín đất nước ta. Đồng thời, “các phương tiện thông tin đại chúng (TTĐC) và mọi hoạt động giao lưu văn hóa đều phải hướng đến bảo vệ lợi ích, quyền lợi quốc gia, dân tộc” (2).

2. Lực lượng và hệ thống các phương tiện truyền thông thúc đẩy NGVH nước ta

Trong đời sống, có hai thứ thay đổi con người nhanh nhất là chiến tranh và tôn giáo. Chiến tranh dù không ai muốn nhưng nó thay đổi thế giới xung quanh con người, buộc con người phải đổi thay mới tồn tại, tôn giáo thay đổi thế giới quan, đức tin con người để từ đó con người thay đổi bản thân vì niềm tin của mình. Vậy tiếp theo là thứ gì, yếu tố gì? Tôi chắc là các phương tiện truyền thông, bởi trước hết, chúng liên tục tác động đến tư duy, tư tưởng con người, từ đó con người dần thay đổi hành động, hành vi của mình. Năm 2004, khi đến Trường Đại học Nam California (USC), tôi vào thăm và làm việc với GS,TS. Michael Park và nhận được nhiều gợi ý đáng nhớ. Ông là cựu biên tập viên Thời báo Los Angeles, ông từng đoạt giải Pulitzer năm 1987, người đã lãnh đạo trường Đào tạo Truyền thông Báo chí Annenberg (ASCJ) từ năm 2001 đến năm 2008.

Trong câu chuyện chung, tôi và ông đều nhắc đến GS, TS Zassoursky (Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonosov), người có quan điểm rằng, nhìn chung nhà báo nào đảm nhận được vai trò nhà phân tích sâu sắc thì phương tiện truyền thông nơi nhà báo tác nghiệp sẽ luôn có nhiều công chúng tìm xem tin bài, chương trình. Sau đó, GS, TS Michael Park nhấn mạnh đến sứ mạng đấu tranh chống các tệ phân biệt chủng tộc từng xảy ra ở Nam Phi của các nhà báo quốc tế trong đó có ông và không chỉ đấu tranh với cái xấu, còn phải biết phát hiện, đưa tin về những điều nhân văn, văn hóa, mới xuất hiện ở những địa bàn nhà báo tác nghiệp ở nước ngoài. Tôi quan tâm đến vai trò quảng bá hình ảnh một quốc gia ra nước ngoài của truyền thông nên đề cập với ông vấn đề đó.

Thực trạng hệ thống các cơ quan truyền thông báo chí Việt Nam

Theo số liệu Bộ Thông tin - Truyền thông (Bộ TTTT) đến đầu năm 2021, số lượng cơ quan báo chí giảm đi, nên còn 818 cơ quan báo in, báo điện tử. Trong đó, cơ quan báo in và báo điện tử có 623 cơ quan (75 cơ quan báo; 547 tạp chí, trong đó có 41 tạp chí chuyên ngành do các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quản lý) do Trung ương quản lý; 195 cơ quan (94 cơ quan báo, 101 tạp chí) do địa phương quản lý. Với tỷ lệ tăng nhanh về số người sử dụng internet tại Việt Nam và xu hướng số lượng báo in giảm cho thấy nhu cầu thụ hưởng thông tin của người dân đang có sự dịch chuyển mạnh sang báo điện tử và thông tin trên internet.

Về báo nói, báo hình, hiện cả nước có 72 cơ quan báo chí thuộc lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Ở Trung ương có 2 Đài phát thanh, truyền hình quốc gia; 1 Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; 5 đơn vị hoạt động truyền hình. Ở địa phương: có 64 đài phát thanh, truyền hình địa phương.

Vai trò là phương tiện truyền thông đại chúng đối với NGVH

Theo nghĩa rộng nhất, các phương tiện TTĐC (báo chí, phát thanh truyền hình, báo điện tử, điện ảnh, sách, quảng cáo ngoài trời và trên các vật liệu: kios, phương tiện giao thông, bảng hiệu, tờ rơi…; các phương tiện truyền thông mới - hay còn gọi là phương tiện truyền thông hội tụ, đó là sự kết hợp của ba yếu tố: công nghệ điện toán, mạng truyền thông và nội dung thông tin như internet, điện thoại di động, podcast, nguồn cấp dữ liệu RSS (RSS là định dạng XML được sử dụng để xuất bản nội dung được cập nhật thường xuyên như các mục blog, tiêu đề tin tức và podcast trong một định dạng chuẩn); các thiết bị ghi âm, ghi hình khác có thể truyền tải thông tin... Tại Việt Nam, các phương tiện phổ biến TTĐC phổ quát nhất là đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử và trang/ cổng thông tin điện tử. Đó cũng chính là công cụ, phương thức, nguồn truyền phát, tiêu thụ các sản phẩm văn hóa do các văn nghệ sĩ trong, ngoài nước được sáng tạo gồm: văn thơ, âm nhạc, múa, kịch, xiếc, nghệ thuật trình diễn, hội họa, điêu khắc, ảnh, phim (điện ảnh, phim truyền hình, tư liệu...), nghệ thuật kiến trúc, sản phẩm thủ công... Do đặc thù có thể truyền phát nhanh, xuyên không gian rộng lớn, tác động các giác quan, trước hết là tới 2 giác quan nghe nhìn - cửa ngõ thu nhận thông tin con người của công chúng, lại được hỗ trợ của các loại công nghệ hiện đại, nên khả năng của các phương tiện truyền thông nói chung và TTĐC nói riêng rất mạnh mẽ, sâu rộng.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, các phương tiện TTĐC chủ yếu của nước ta không chỉ giải thích đường lối, chính sách, chiến lược về văn nghệ, NGVH... của Đảng và Nhà nước ta mà còn là diễn đàn quan trọng để văn nghệ sĩ, học giả, giới báo chí, chính khách, các tầng lớp nhân dân bàn thảo, luận bàn các chủ đề trong đó có chủ đề văn nghệ được xã hội và mọi người quan tâm. Mặt khác, là vũ khí tư tưởng sắc bén, TTĐC đã tích cực tham gia đấu tranh chống các hiện tượng, lối ứng xử, tác phẩm văn nghệ có nội dung, hình thức phản văn hóa; nâng cao thẩm mỹ, dân trí; là bộ lọc để thu nhận thành tựu văn hóa nước ngoài, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia, dân tộc, quảng bá di tích lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam ra nước ngoài. Các phương tiện TTĐC còn góp phần làm giàu cho nội dung thông điệp của hoạt động NGVH và truyền bá tri thức, kinh nghiệm văn nghệ trong, ngoài nước; giới thiệu công trình khoa học về văn nghệ, thực tiễn kết quả ứng dụng tốt văn nghệ trong đời sống; sản phẩm nổi tiếng thuộc công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín của các tác giả Việt Nam (bao gồm của kiều bào) và của người nước ngoài.

Trước hết, các ấn phẩm báo chí đóng góp bằng cách luôn chú ý mở nhiều chuyên mục văn nghệ và đăng tải nhiều bài, tin, ảnh, video... về văn hóa, nghệ thuật và liên quan đến cả chủ đề NGVH của nước ta.

Các chương trình phát thanh truyền hình có nhiều đổi mới, sáng tạo nhất là chương trình văn nghệ được đầu tư tốt, ngày càng chiếm được sự yêu thích của công chúng. Phát thanh vẫn phát huy vai trò trong xã hội hiện đại, ví dụ âm nhạc phát trên ô tô, sóng phát thanh đến tận vùng sâu, vùng xa của đất nước. Còn chương trình truyền hình là món ăn hầu như không thể thiếu đối với đa số các hộ gia đình, nhiều khi thay thế cho nhà hát, rạp chiếu phim, sân khấu... Bên cạnh các phim truyện chiếu trên truyền hình như: Người phán xử, Mátxcova mùa thay lá, Hướng dương ngược nắng... thì ngày càng có nhiều bộ phim có tính văn hóa - lịch sử, phim tư liệu giới thiệu phong cảnh, sinh hoạt, truyền thống văn hóa bằng tiếng Việt, có phụ đề tiếng Anh hoặc lồng tiếng Anh, đem lại hiệu quả nhất định đối với văn hóa trong nước và quảng bá ra nước ngoài.

3. Các phương tiện truyền thông thúc đẩy NGVH hiệu quả

Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 theo Quyết định số 208/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14-2-2011 (cùng các chiến lược liên quan NGVH, truyền thông của Bộ VHTTDL; Bộ TTTT) đã được các bộ, ngành chức năng, các địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan hưởng ứng, triển khai, thực hiện với các kết quả tích cực. Trong Chiến lược Ngoại giao văn hóa có đề cập trực tiếp nên nội dung nghiên cứu: “Sử dụng các phương tiện và công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại...” và “Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao...”. Có thể khẳng định những kết quả trong giai đoạn vừa qua đã tạo nền tảng vững chắc, làm đà để trong 10 năm tiếp theo sẽ có những bước phát triển mới kế tiếp, phát huy những thành tựu thu được, khắc phục các hạn chế, mục tiêu là đến mốc 2030 sẽ có những điểm mới trong lĩnh vực NGVH của đất nước ta. Mặt khác, một trong những cơ sở chắc chắn góp phần cho sự tin tưởng đó chính là sự phát triển nhanh chóng của hệ thống các phương tiện truyền thông nói chung, kể cả phương tiện TTĐC ở nước ta.

Báo chí in ra đời tồn tại đến ngày nay nhưng các cuộc cách mạng công nghệ với nhiều phát minh quan trọng đã tạo điều kiện để có thêm báo nói, báo hình, báo điện tử, báo chí dữ liệu, báo chí robot (AI), báo chí đồ họa, báo chí đa phương tiện; các loại báo chí sáng tạo như báo chí nhập vai (Immersive Journalism), bản tin kèm nhạc Rap... Gia nhập đội ngũ phương tiện truyền thông đã có thêm các phương tiện truyền thông mới, truyền thông xã hội ngoài các phương tiện đã liệt kê và phương tiện TTĐC truyền thống. Truyền thông xã hội là phương thức truyền thông dựa vào sức mạnh lan tỏa và tương tác mạnh của các mạng xã hội phổ biến như: Facebook, Twitter, YouTube, linkedIn, blog, forum... Đó là các kênh truyền thông trên internet cho phép người dùng có cơ hội tương tác và tự trình bày nội dung thông điệp để giao lưu, chia sẻ thông tin, có thể làm phong phú thêm trang web dựa trên nền tảng là các dịch vụ trực tuyến (các mạng xã hội). Ngoài các phương tiện truyền thông phổ biến, có nguồn lực dồi dào trong xã hội được cả hệ thống chính trị - xã hội quan tâm, được tổ chức phục vụ bài bản vì mục đích giao lưu, NGVH thì chúng ta vẫn cần huy động các loại phương tiện truyền thông khác (truyền thông mới, truyền thông xã hội; truyền thông cá nhân, nhóm...). Vì vậy, cần có chiến lược lâu dài, lộ trình cụ thể để nâng cao mặt bằng dân trí, chú trọng kinh tế tri thức, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng để mọi tầng lớp nhân dân ta có đủ kiến thức, tầm nhìn, tính tự giác, trách nhiệm trong việc sử dụng phương tiện truyền thông vì mục tiêu NGVH, xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia, dân tộc đẹp đẽ, ấn tượng trong tâm thức của chính người Việt và của cộng đồng thế giới.

Rõ ràng nhiệm vụ đặt ra cho mỗi chúng ta là cần nhấn mạnh rằng: ngoài việc lựa chọn phương tiện truyền thông/ phương tiện TTĐC thích hợp nhất; phải tính toán chủ đề, nội dung, thủ pháp văn nghệ lý thú phù hợp với lợi thế chuyển tải thông điệp; lựa chọn địa bàn ưu tiên, hình thức và nội dung đúng mong muốn của đối tượng công chúng khi tác nghiệp NGVH. Giao lưu văn hóa và NGVH có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra hình ảnh một quốc gia tích cực và góp phần nhất định đối với hoạt động giao lưu, kết nối tính thân thiện, hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia. Về các thủ pháp văn hóa nghệ thuật cần được mọi phương tiện truyền thông, cả TTĐC chú trọng để gắn kết, chuyển tải hay dùng là chủ đề, nội dung, hình thức (kể cả ý tưởng sáng tác phục vụ truyền thông NGVH), xin liệt kê các thủ pháp văn hóa chính trong hoạt động, quy trình NGVH như sau:

Thuật hùng biện (có thể về triết lý văn nghệ, quảng bá sản phẩm văn nghệ tiêu biểu nước chủ thể, lợi thế và tiềm năng giữa nước chủ thể và đối tác để giao lưu, hợp tác…); Tranh luận, lý lẽ dựa trên luật pháp và thông lệ quốc tế để bảo vệ quyền lợi quốc gia (ở đây trước hết là lợi ích dân tộc, văn hóa, danh dự uy tín của quốc gia, tổ chức mình đại diện); Thơ ca hay ví dụ như: Tổng thống Bill Clinton lẩy Kiều khi đến thăm Việt Nam 11-2000, ông Joe Binden đọc Kiều khi tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Washington); Âm nhạc (kể cả các cuộc thi ca nhạc, thi sáng tác ca khúc ca ngợi nước đối tác và tình hữu nghị song phương, đa phương…); Hội họa, điêu khắc, nói rộng là nghệ thuật thị giác (kể cả giao lưu sáng tác tranh, thi tranh tài giữa các nước về nghệ thuật thị giác); Ưu tiên dùng phim chiếu trên truyền hình, điện ảnh; ảnh chụp, internet để chuyển tải nội dung giao lưu văn hóa, hình ảnh tiêu biểu văn hóa chủ thể và các đối tác; Dùng các phương tiện TTĐC khác, mạng xã hội truyền thông nội dung, thông điệp có mục đích NGVH; Hiệp ước về văn hóa (song phương, đa phương); Thể thao (các loại hình bóng đá, bóng rổ, võ thuật…); Diễn đàn quốc tế (UNESCO, ASEAN, Liên minh nghị viện thế giới IPU…); Các ngày, tuần, năm văn hóa giao lưu các nước; Triển lãm sách và các sản phẩm văn hóa nghệ thuật khác (chú trọng sản phẩm/ dịch vụ công nghiệp văn hóa thể hiện quốc hồn quốc túy, thương hiệu quốc gia để tác nghiệp); Tôn giáo, văn hóa tín ngưỡng để giao lưu, kết nối quan hệ; Trao đổi với các đoàn văn hóa nghệ thuật, nhà báo chuyên, chuyên gia về NGVH viết bài, tham luận; Dùng các thủ pháp NGVH kết hợp chuyến thăm cấp cao với việc giới thiệu một số điểm nhấn đặc thù văn hóa, sản phẩm văn hóa; Ẩm thực; triết lý dưỡng sinh - y học truyền thống dựa trên văn hóa cổ truyền (ví dụ đặc sản của phương Đông); Thời trang, lễ hội, nhảy múa (Nga dùng Kalinka, Tây Ban Nha có Flamenco, Ireland có Riverdance, Việt Nam có múa nón, nhảy sạp…); Các học bổng văn hóa, liên quan NGVH để trao đổi, hợp tác.

Lồng ghép các loại hình văn hóa nghệ thuật với nhau để phương tiện TTĐC truyền thông thành chiến dịch, bổ sung các ưu thế mỗi loại hình cho nhau.

Ngoài giới chính khách, chuyên gia, nhà ngoại giao, văn nghệ sĩ, nhà báo… cần chú ý tới việc giao lưu văn hóa của các tầng lớp công chúng trẻ trung, năng động như thanh niên, phụ nữ, du học sinh, kiều bào, công chúng đặc thù thuộc Hội cựu chiến binh, người yếu thế, dân tộc ít người…

Thay lời kết

Có rất nhiều đề xuất nhằm kiện toàn phát triển các lĩnh vực truyền thông và NGVH, nhưng xuất phát từ chuyên môn và vấn đề quan tâm, chúng tôi xin khuyến nghị thêm một số điểm sau:

Thứ nhất, do truyền hình là phương tiện truyền thông phổ cập, gần gũi với đa số các hộ gia đình, vì thế cần ưu tiên nhiều hơn cho việc bố trí chương trình chuyên biệt, dài hơi. Về lâu dài, có thể xây dựng một chương trình truyền thông chủ đề NGVH thật hấp dẫn, phổ cập (bằng tiếng Việt cho người biết tiếng Việt và kèm phụ đề tiếng Anh phát trên kênh đối ngoại) nằm trong kênh liên quan văn hóa nghệ thuật để tăng thêm sự thống nhất nhận thức cho toàn xã hội về các lĩnh vực đó lại quảng bá được hình ảnh Việt Nam và các lợi ích khác về dân trí, về đa dạng chương trình...

Thứ hai, các Bộ ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ VHTTDL, Bộ TTTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban ngành liên quan, các địa phương, cần thống nhất cao về chiến lược chung, các mảng giao thoa, lĩnh vực riêng để thuận tiện trong chỉ đạo chung, trách nhiệm cụ thể và sự phối hợp nhịp nhàng. Các đơn vị tham mưu, triển khai trực tiếp là cấp Cục, Vụ, Viện, Phòng, Trung tâm... của các Bộ ngành; các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự, các cơ quan Phái đoàn đại diện Việt Nam ở nước ngoài và bộ phận chức năng tỉnh thành trong nước, cần phối hợp tốt trong việc xây dựng các đề án, chương trình, truyền thông có nội dung NGVH; chủ động hơn nữa việc giao lưu, hợp tác, cung cấp sản phẩm NGVH để các phương tiện truyền thông nước ngoài có điều kiện tiếp cận dễ dàng, hiểu đầy đủ, toàn diện về Việt Nam, từ đó họ và công chúng nước họ dễ có thái độ thân thiện, khách quan và ủng hộ chúng ta nhiều hơn từ NGVH, lan sang các mặt khác. Các Đại sứ quán và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (gồm các đại diện đài, báo Việt Nam) trong nhiệm kỳ của mình nên có chiến lược truyền thông phục vụ NGVH để phát huy hơn nữa vai trò nằm ở các nước sở tại của mình.

Thứ ba, hai lĩnh vực văn hóa và giáo dục đều cần quá trình chăm lo, bồi dưỡng, kết hợp phát hiện năng khiếu và nền dân trí tốt cả bề rộng và có chế độ chọn lọc, trọng người giỏi phù hợp. Ngay từ nhỏ, các em nhỏ cần được học hành đủ cả toán, văn, đạo đức, khả năng kỹ thuật... và nay điều kiện vật chất xã hội tốt hơn, nên chú trọng thêm việc học nhạc, họa, nghệ thuật, xã hội cần để tâm đúng mức tới đời sống tâm hồn, hướng thượng. Nếu cả xã hội ngoài việc chăm chuyên môn, đều quý trọng văn hóa nghệ thuật, đến các hội trường công sở rộng có kê chiếc piano trang trọng (một biểu tượng trong văn hóa ở nhiều nước), chắc chắn công chúng sẽ có thay đổi nhất định trong ứng xử văn hóa. Lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu từng dạy: Cán bộ là đầu mọi việc. Bác rất cẩn trọng, quan tâm đến 2 lĩnh vực đó, khi chọn người đứng đầu ngoài phẩm chất, năng lực cán bộ xứng tầm, Bác chọn họ là những nhà văn hóa như Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Hiếu... Ngày nay, ngoài quy trình, bằng cấp, uy tín, chuyên môn đáp ứng quy định, thiết nghĩ 2 lĩnh vực đó vẫn cần bổ nhiệm các nhà văn hóa đứng ra phụ trách để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đất nước thời hội nhập và giải quyết ổn thỏa những trăn trở của xã hội. Nếu giáo dục tốt, mặt bằng dân trí, trí thức cao, không chỉ trong lĩnh vực truyền thông, NGVH mà các lĩnh vực khác, sẽ dễ dàng chọn lọc được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đối với việc đánh giá tôn vinh những cá nhân có thành tích đặc biệt ở những lĩnh này, nên chăng chúng ta phải có thêm những danh hiệu có tính động viên tinh thần như: Đại sứ danh dự lưu động của Việt Nam trong lĩnh vực truyền thông đối ngoại, Đại sứ danh dự lưu động của Việt Nam trong lĩnh vực NGVH và các Huân chương cao quý có thể đặt tên kiểu như huân/ huy chương Mặt trời hồng cho người hoạt động Truyền thông đối ngoại, huân/ huy chương Cầu vồng đẹp cho người hoạt động trong NGVH.

Thứ tư, cần phát huy lợi thế của internet, phương tiện truyền thông mới, mạng xã hội, báo chí điện tử, trang tin điện tử trong việc truyền thông văn hóa và NGVH. Phải chủ động tham gia các hội chợ sách báo quốc tế (Các nhà xuất bản lớn, uy tín như: Chính trị quốc gia, Thế giới, Kim Đồng, Giáo dục Việt Nam... nên thử nghiệm in sách theo chuẩn quốc tế, có nội dung lý thú, có cả bản in tiếng Anh để tăng cường hội nhập), tham gia hội chợ, Liên hoan phim ảnh, báo chí, phát thanh truyền hình quốc tế, triển lãm sản phẩm văn hóa nghệ thuật quốc tế để quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam; chọn lọc kỹ và tổ chức dịch ra các thứ tiếng phổ biến các tác phẩm văn thơ giá trị cao vừa đại diện tâm hồn tình cảm Việt Nam, vừa ở tầm quốc tế, để từng bước xây dựng cho thương hiệu văn nghệ “Made in Viet Nam” trên trường quốc tế. Ngoài phương tiện TTĐC trong nước, có thể hợp tác có chọn lọc với các cơ quan truyền thông quốc tế (CNN, Reuters, NY Times...) nếu đem lại hiệu quả NGVH nước ta và phù hợp chính sách, pháp luật.

Thứ năm, về mặt đào tạo, bồi dưỡng, cần đầu tư chất lượng giáo trình, chương trình, giảng viên, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ học hành, thực tập tại các cơ sở đào tạo có ngành liên quan truyền thông, NGVH. Đó là các cơ sở đào tạo uy tín như Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM... Trong các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn chuyên môn về truyền thông, NGVH cho cán bộ, phóng viên, nhà quản lý, cần liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng, gắn với thực tiễn đất nước, bối cảnh hội nhập và các địa bàn quan trọng, có nhiều Case Study (một phương pháp nghiên cứu tình huống hay sự việc thực tế) phong phú, lý thú, bổ ích. Mặt khác, các Bộ ngành liên quan cần có chủ trương, chính sách, động viên, khuyến khích, tạo động lực để mọi người công tác trong lĩnh vực truyền thông, NGVH luôn phát huy tinh thần tự học hỏi, rèn luyện để ngày càng hoàn thiện vừa giỏi lý luận, hiểu biết toàn diện về chuyên môn về truyền thông, NGVH các nước mình đang quan hệ, có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong lĩnh vực được phân công tác nghiệp.

________________

1. Daya .K. Thussu, International Communication: Continuty and Chance (Truyền thông quốc tế: Liên tục và Thay đổi), Nxb Blomsbury Academic, 2010, tr.75.

2. Lê Thanh Bình, Vũ Trọng Lâm, Truyền thông giao lưu văn hóa và vấn đề bảo vệ lợi ích và an ninh văn hóa quốc gia, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2015, tr.152.

Tài liệu tham khảo

1. Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 14-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, 2020.

3. Mai Phan Dũng, Ngoại giao văn hóa - Con đường thành công mới của đối ngoại Việt Nam, baoquocte.vn, 3-9-2020

PGS, TS LÊ THANH BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

;