ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP Ở NAM ĐỊNH HIỆN NAY

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định được hình thành và đi vào hoạt động đã thu hút một lượng đông đảo người lao động tập trung làm việc. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp cùng các tổ chức chính trị đoàn thể, đời sống vật chất cũng như đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động đã được quan tâm, cải thiện một bước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, tác động trực tiếp đến năng suất lao động cũng như quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Vì thế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động trong các khu, cụm công nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng trong chính sách an sinh xã hội của tỉnh Nam Định hiện nay.

Tính đến ngày1-6-2016,lao động làm việc thường xuyên trong các khu công nghiệp tỉnh Nam Định là 32,198 người, trong đó số lao động đã ký hợp đồng lao động chiếm 97,8% (chủ yếu hợp đồng từ 12-36 tháng), lao động được tham gia bảo hiểm xã hội chiếm 81%. Lao động làm việc trong các ngành dệt, may chiếm tỷ lệ 63,25%; ngành cơ khí chế tạo và lắp ráp chiếm 16,3%; ngành chế biến gỗ chiếm 7,2%; sản xuất dược phẩm 3,5%. Lao động trong tỉnh chiếm 73,4%, lao động ngoài tỉnh 26,6%; lao động nữ chiếm 77,2%, lao động nam chiếm tỷ lệ 22,8%; lao động trong các doanh nghiệp FDI chiếm 52,8%, lao động các doanh nghiệp dân doanh chiếm tỷ lệ 47,2%. Trong các khu công nghiệp tỉnh Nam Định có 76 doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn, chiếm tỷ lệ 67,8% tổng số doanh nghiệp; 60 doanh nghiệp đã xây dựng thang lương và bảng lương, chiếm 54%; 76 doanh nghiệp đã đăng ký nội quy lao động, chiếm 67,8%; 41doanh nghiệp đã xây dựng thỏa ước lao động tập thể, chiếm 37 % (chủ yếu ở các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài). Hàng năm, các doanh nghiệp thực hiện tuyển mới khoảng 4.000 lao động, tình hình lao động trong các doanh nghiệp cơ bản ổn định, việc làm của người lao động bảo đảm và điều kiện lao động được cải thiện rõ rệt. Năm 2015, thu nhập của người lao động trong các khu công nghiệp tỉnh Nam Định bình quân đạt 4,5 triệu đồng/tháng. 5 tháng đầu năm 2016 đạt 4,8 triệu đồng/tháng (cao hơn mức lương tối thiểu vùng 2 khoảng 1,6 lần). Hiện nay, mức thu nhập bình quân này đối với ngành dệt, may còn thấp, đời sống của nhiều lao động còn rất khó khăn. Mặt khác, tiền lương làm thêm giờ ở doanh nghiệp đang có xu hướng tăng lên trong tổng thu nhập của công nhân, chiếm khoảng 22%. Các khoản hỗ trợ từ phía doanh nghiệp như tiền ăn ca, hỗ trợ đi lại, hỗ trợ nhà trọ... chiếm tỷ lệ khoảng 4% tổng thu nhập và tùy thuộc từng doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã thực hiện trợ cấp khó khăn và thuê nhà ở xã hội khu công nghiệp cho công nhân.

Những năm qua, các cấp công đoàn, doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp đã thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng môi trường làm việc văn minh, giáo dục nếp sống văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân viên chức, nhất là đời sống công nhân lao động trong các doanh nghiệp đã được các cấp chính quyền và tổ chức công đoàn trong tỉnh quan tâm. Các thiết bị, sân chơi phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, rèn luyện thể thao được nhiều đơn vị, doanh nghiệp xây dựng, từ đó các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên hơn với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng, đặc điểm sản xuất, kinh doanh của công nhân viên chức lao động và đơn vị, doanh nghiệp. Định kỳ hàng năm, các giải thể thao, liên hoan văn nghệ quần chúng được Liên đoàn Lao động tỉnh và công đoàn cơ sở duy trì có hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động tham gia. Riêng trong những tháng đầu năm 2016, vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, những sự kiện trọng đại của đất nước, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức và phối hợp với chính quyền tổ chức 854 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao với sự tham gia của 14.396 lượt cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Xác định người lao động là trung tâm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của đơn vị phát triển, một số công ty đã thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Ngoài các chế độ về tiền lương, tiền thưởng tết, động viên, thăm hỏi kịp thời công nhân ốm đau, thai sản, hiếu hỷ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo; trợ cấp nhà trọ, hỗ trợ xăng xe cho công nhân ở xa…, tạo điều kiện cho người lao động tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần, tạo động lực để người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Tổ chức chương trình văn nghệ, thời trang, hài kịch với sự tham gia diễn xuất của cán bộ, công nhân viên; tổ chức giải bóng đá; xây dựng và duy trì hoạt động của câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ, khiêu vũ thể thao và yoga…

Bên cạnh đó, đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định còn những hạn chế nhất định. Người lao động thường xuyên phải làm việc tăng ca nên không có thời gian để thư giãn, giải trí. Với mức thu nhập còn thấp, trong khi đó lạm phát, giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhanh, tiền lương hàng tháng chủ yếu dành cho nhu cầu thiết yếu như lương thực, thực phẩm, chi trả tiền thuê nhà ở, đi lại, may mặc, phương tiện sinh hoạt cá nhân, nên đời sống người lao động khó khăn. Cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của người lao động còn ít, điều kiện bố trí thời gian để họ tham gia vui chơi, giải trí còn rất hạn chế. Vì vậy, người lao động thiếu điều kiện để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ về văn hóa, tinh thần như vui chơi giải trí lành mạnh, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu... Một bộ phận người lao động còn tư tưởng nhảy việc, nguy cơ tranh chấp lao động về lợi ích vẫn còn xảy ra, dẫn đến tình trạng lãn công và ngừng việc tập thể. Nhà ở của người lao động chậm được giải quyết, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn còn cao, trách nhiệm đối với xã hội của một số chủ doanh nghiệp chưa tốt đang đặt ra khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về lao động tại các khu công nghiệp tỉnh Nam Định. Còn nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng tập trung cho sản xuất, rất ít quan tâm đến nhu cầu sinh hoạt, giải trí cho người lao động, các nội dung như cải thiện điều kiện việc làm, chăm sóc sức khỏe và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho người lao động chưa được đầu tư nhiều.

Để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện về chủ trương, chính sách, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được thụ hưởng giá trị đời sống văn hóa, tinh thần. Trên cơ sở quán triệt, vận dụng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh cần ban hành các chỉ thị, nghị quyết về phát triển đời sống vật chất, văn hóa như: giảm thời gian làm thêm giờ, có chính sách bình ổn giá, hạn chế tăng ca vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, chính sách về bán và cho thuê nhà ở xã hội, về tạo việc làm, đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội... Việc đầu tư cho công nhân phải được thỏa đáng, nhất là nhanh chóng đưa tiền lương áp sát với mức sống tối thiểu của họ. Trong quy hoạch tổng thể xây dựng khu công nghiệp phải có tỷ lệ đất đai cân đối giữa xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất với xây dựng bệnh viện, trường học, công viên, chợ, khu vui chơi giải trí và cảnh quan thiên nhiên hài hòa. Phải chú ý đến việc xây dựng và phát triển dịch vụ công cộng như giáo dục, y tế, khu vui chơi giải trí… phục vụ cho người lao động sau những ngày làm việc căng thẳng. Xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa xã hội đồng bộ; tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa cho người lao động. Tổ chức thường xuyên, định kỳ các cuộc thi nâng bậc, thi thợ giỏi, thể thao, văn nghệ, tìm hiểu về pháp luật, tình yêu, hôn nhân, gia đình. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần.

Hai là, nâng cao nhận thức và phát huy tính chủ động trong tiếp cận và thụ hưởng đời sống văn hóa, tinh thần của chính người lao động. Cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. Tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, sự đồng thuận xã hội và thống nhất hành động để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác dạy nghề, hướng nghiệp cho người lao động, tạo những điều kiện bình đẳng để đối tượng này có đủ điều kiện hưởng thụ văn hóa, tinh thần và các chế độ phúc lợi xã hội khác. Giải quyết tình trạng cách biệt giữa nông thôn và thành thị, lao động chân tay và lao động trí óc; đào tạo một đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa có chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức và am hiểu sâu rộng về phong tục tập quán của các đối tượng lao động, từ đó xây dựng các chương trình và kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình sinh hoạt văn hóa.

Ba là, huy động các nguồn lực tham gia xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh, xây dựng ở mỗi doanh nghiệp, mỗi khu công nghiệp những tổ chức cơ sở đảng mạnh là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến chất lượng cuộc sống và mọi mặt sinh hoạt của người lao động trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đặc điểm tình hình sản xuất, đời sống kinh tế xã hội, UBND tỉnh cần xác định nội dung và định hướng các loại hình sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho người lao động. Trên cơ sở đó, cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp và tất cả các thành phần kinh tế tham gia phát triển các loại hình dịch vụ, câu lạc bộ, cơ sở sinh hoạt văn hóa, tinh thần. Mỗi doanh nghiệp, cụm công nghiệp cần có các loại hình câu lạc bộ, thư viện, có các loại hình sinh hoạt cộng đồng, các hội nghề nghiệp, hội theo giới.

Đặc biệt, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị, xã hội, chú trọng xây dựng và hoàn thiện các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong các doanh nghiệp như tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ. Các tổ chức xã hội này vừa bảo vệ quyền lợi người lao động, vừa gắn kết nghĩa vụ và quyền lợi người lao động với các tổ chức đảng, chính quyền và các doanh nghiệp. Đây là nơi đề xuất các sáng kiến, xây dựng nội dung và tổ chức các phong trào quần chúng, định hướng và hỗ trợ công nhân những điều kiện vật chất, điều kiện pháp lý để học tập nâng cao trình độ, tổ chức cuộc sống sinh hoạt, vui chơi, giải trí.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đội ngũ người lao động trong các khu công nghiệp ngày càng giữ vai trò và vị trí quan trọng. Vì vậy, cần quan tâm nâng cao đời sống văn hóa và vật chất cho họ. Đây cũng là một giải pháp để thực hiện chính sách an sinh xã hội với người lao động và là tiêu chí để xây dựng tỉnh Nam Định trở nên văn minh, hiện đại, ngang tầm với các tỉnh, thành phố trong cả nước.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : TRẦN THÙY LINH

;