Di dân tái định cư chính là thay đổi về môi trường sống của một cộng đồng, điều này làm cho nhiều giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có đời sống tín ngưỡng bị mai một hoặc mất đi. Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu những thay đổi trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào Dao vùng lòng hồ thủy điện Na Hang tái định cư ở huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, đồng thời lý giải nguyên nhân dẫn đến những thay đổi đó.
1. Tái định cư và những thay đổi môi trường sinh thái
Môi trường sinh thái được hiểu là toàn bộ các điều kiện tự nhiên và nhân tạo bao quanh con người, có tác động tới đời sống, sự tồn tại, phát triển của con người. Theo lý thuyết sinh thái văn hóa, môi trường sinh thái là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự hình thành, phát triển, biến đổi của các nền văn hóa: “Biến đổi văn hóa không phải là sản phẩm của tình cờ lịch sử hay là sản phẩm của sự tiếp xúc và vay mượn giữa các nền văn hóa như trường phái khuếch tán văn hóa chủ trương, mà là kết quả của quá trình thích ứng của các nền văn hóa với môi trường sinh thái địa phương” (1). Các điểm tái định cư (TĐC) mà đề tài khảo sát đều thuộc các huyện của tỉnh Tuyên Quang vì vậy vẫn nằm trong khu vực có điều kiện địa lý, khí hậu tương đối giống với nơi ở cũ của người Dao (huyện Na Hang). Tuy nhiên, mỗi điểm TĐC lại có những đặc điểm riêng, cụ thể và sự thay đổi ít nhiều này sẽ dẫn đến những thay đổi nhất định về văn hóa, trong đó có tín ngưỡng của người Dao.
2. Tín ngưỡng và nghi lễ thờ cúng
Người Dao vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang vốn theo tín ngưỡng đa thần và chịu ảnh hưởng khá sâu sắc từ tư tưởng của tam giáo. Đồng bào tin rằng, xung quanh con người chỗ nào cũng có các thần, thánh, ma, quỷ… gọi chung là miến (ma). Nhờ đó mà đời sống tín ngưỡng của người Dao khá phong phú với nhiều hình thức và nghi lễ liên quan đến thần linh, nghề nghiệp, vận hạn, chu kỳ đời người…
Tín ngưỡng và các nghi lễ nông nghiệp
Trong sinh kế truyền thống của người Dao, trồng trọt cây lương thực và chăn nuôi đóng vai trò chủ đạo. Bởi vậy, các lễ nghi nông nghiệp giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong đời sống tín ngưỡng của họ. Người Dao cho rằng hầu hạ cha mẹ thì được phúc, cúng tế thần thánh thì được lộc nên họ thực hiện nhiều lễ cúng để cầu mong cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, cho năng suất cao.
Một trong những nghi lễ quan trọng của người Dao là lễ cúng bản. Trước kia, lễ cúng bản khoi kềm được thực hiện thường niên hoặc 3 - 5 năm/lần tại miếu bản; còn tống trùng được tổ chức khi mùa màng bị sâu bệnh phá hoại. Các lễ cúng này đều do dân làng đóng góp nhân lực và lễ vật (gạo, gà, lợn, hương, tiền giấy, rượu...) để dâng lên thổ công. Ở các điểm TĐC, do quan niệm thổ thần là của dân sở tại, lại không có miếu bản nên lễ cúng bản gần như không còn nữa. Việc cúng cầu mùa, tống trùng giờ do các gia đình tự cúng tại ruộng nương với nghi thức đơn giản và không phổ biến.
Các dòng họ của người Dao thường tổ chức một số nghi lễ nông nghiệp như: cúng lập thu, cúng mở mùa gieo cấy, cúng tổ tiên dòng họ xin phù hộ mùa màng... Những nghi lễ này thực hiện tại nhà trưởng họ. Các gia đình trong họ đóng góp lễ vật và cử một người đại diện đến dự lễ. Đối tượng cầu cúng gồm: ma tổ tiên của dòng họ, thần nông, ma mùa thu. Cúng xong, mọi người ăn uống thụ lộc, bàn bạc về sản xuất, gieo trồng và giúp đỡ nhau trong phạm vi dòng họ. Hiện nay, nghi lễ này do các gia đình tự cúng. Lễ cúng đơn giản, họ khấn báo để tổ tiên phù hộ, rắc tiền mã ở ruộng và kiêng làm đồng.
Trong gia đình, người Dao TĐC vẫn tiến hành các nghi lễ: cúng hồn lúa, ma ruộng, cơm mới… Khi mùa vụ thất bát, có sâu bệnh, các gia đình tổ chức lễ cầu mùa, tống trùng (trước kia là lễ cúng bản) nhưng không thường xuyên. Lễ cúng đơn giản, diễn ra trong một ngày. Thày cúng thay mặt gia chủ mời thổ công, thổ địa, thần núi, thần sông và tổ tiên về hưởng lễ vật, phù hộ cho gia đình, mùa màng bội thu.
Bên cạnh những nghi lễ nông nghiệp như trên, trước kia, các gia đình người Dao còn thực hiện một số lễ cúng nhỏ liên quan đến việc đi rừng và đánh bắt cá trên sông với mong muốn bội thu, tránh rủi ro. Tại các điểm TĐC hiện nay, do không có rừng, sông, suối nên những nghi lễ này không còn tồn tại. Có thể thấy, các nghi lễ, kiêng kỵ trong nông nghiệp của người Dao TĐC đã được lược bỏ nhiều, đặc biệt là các nghi lễ của cộng đồng, dòng họ.
Tín ngưỡng và nghi lễ thờ cúng tổ tiên
Tổ tiên được người Dao thờ cúng gồm: thủy tổ và khởi tổ của các đoàn di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam, được gọi là tồm miến (ma to hay ma gốc). Tiếp đến là tổ tiên của dòng họ và gia đình.
Đồng bào quan niệm, tổ tiên của gia đình là ma của những người thân trong gia đình đã qua đời, được tất cả các thành viên trong gia đình thờ cúng. Cúng tổ tiên được thực hiện vào các dịp lễ tết, cấp sắc, cưới xin, tang ma, vận hạn… Lễ vật cúng thường phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình: thịt lợn, gà, trứng, cá hoặc chỉ cơm rau và bánh trái, hoa quả, tiền giấy… Người cúng thường là chủ nhà hoặc mời thày cúng.
Ngoài việc thờ cúng vào các dịp lễ tết, người Dao còn thực hành một nghi lễ lớn đó là lễ cúng tổ tiên. Lễ này được làm trong quy mô gia đình, từ 5 - 10 năm/lần. Những gia đình có điều kiện, làm ăn phát đạt thì tổ chức lễ cúng để tạ ơn tổ tiên, thần linh mong tiếp tục được phù hộ. Những gia đình làm ăn sa sút, đi bói nếu tổ tiên yêu cầu thì phải cúng dâng lễ tổ tiên. Lễ cúng này tương đối tốn kém, gia chủ phải chuẩn bị từ 4-5 con lợn, gà, rượu và các loại thực phẩm đủ cho khoảng 20-30 mâm cơm. Dù tốn kém như vậy nhưng lễ cúng tổ tiên được tổ chức khá nhiều vào thời gian đầu ở các điểm TĐC. Họ cho rằng sau khi thực hiện nghi lễ này sẽ được tổ tiên phù hộ và yên ổn làm ăn trên vùng đất mới.
Tổ tiên dòng họ gồm ma tổ tiên của các gia đình thành viên. Bàn thờ tổ tiên dòng họ được đặt tại nhà trưởng họ với đầy đủ các dụng cụ cúng bái như: tranh thờ, trống, chiêng, chuông, tù và, sách cúng… Việc cúng bái ma tổ tiên được ông trưởng họ đảm nhiệm. Trường hợp mồ mả tổ tiên bị động, cả dòng họ phải đóng góp lễ vật để cúng. Đặc biệt, trong nghi lễ dòng họ của người Dao còn có tết nhảy - lễ lớn liên quan tới cúng tổ tiên và bàn vương, với mục đích cầu xin tổ tiên giúp cho mọi thành viên trong gia tộc mạnh khỏe, làm ăn tốt. Đồng thời, đây cũng là một nghi lễ luyện âm binh để bảo vệ dòng họ. Tùy từng điều kiện của dòng họ và yêu cầu của tổ tiên mà tết nhảy được tổ chức 3, 5, 10 năm/1 lần, vào ngày mồng một hoặc mồng hai tháng giêng tại nhà trưởng họ. Nếu nhà trưởng dòng họ không đáp ứng được thì tìm một nhà trong họ khá giả, uy tín thay thế.
Tại các điểm TĐC, tết nhảy được tổ chức rất ít: thôn Tân Quang (Yên Sơn), họ Triệu tổ chức 2 lần; thôn Bó Cạu (Chiêm Hóa), họ Phùng tổ chức 1 lần (2)... Sở dĩ người Dao TĐC ít tổ chức tết nhảy là do điều kiện kinh tế, nếu làm nhỏ thì cảm thấy có lỗi với tổ tiên, ngại với mọi người, làm to thì không có đủ lợn, gà, gạo để tổ chức. Hơn nữa, do vai trò của dòng họ, trưởng họ đang dần trở nên mờ nhạt, rất nhiều người không biết trưởng họ là ai, tổ tiên dòng họ được thờ ở đâu. Khi nhà có việc, các gia đình sẽ đi hỏi thày bói, thày cúng; khi cần tương trợ, giúp đỡ thì nhờ họ hàng, láng giềng; có vấn đề tranh chấp thì gọi đến trưởng thôn… Các nghi lễ thờ cúng tổ tiên dòng họ cũng vì thế mà thưa thớt hoặc không được thực hiện.
Tín ngưỡng liên quan đến bệnh tật, vận hạn
Người Dao cho rằng, cuộc sống của con người yên ổn hay bất thường là do các thế lực siêu nhiên đem lại. Nếu các thần thánh phù hộ, ma quỷ không quấy nhiễu thì cuộc sống sẽ yên ổn; nếu thần thánh, ma quỷ gây hại thì sẽ dẫn đến vận hạn, bệnh tật và cái chết. Mỗi khi trong nhà có người đau ốm, gặp vận hạn hay có việc bất thường, họ đều nhờ thày bói tìm ra con ma gây hại, sau đó mời thày làm lễ cúng.
Cúng gọi hồn, thường xuyên diễn ra tại các thôn người Dao TĐC. Đó là lễ cúng cho những trường hợp trẻ em quấy khóc, những người ngã sông, ngã suối, người già bị ốm yếu…
Cúng giải hạn, được tổ chức theo quy mô gia đình và cộng đồng. Nếu thấy gia đình làm ăn thất bát, người nhà ốm đau nhiều, tai nạn hay chết bất đắc kỳ tử… thì sau khi đi bói, gia đình phải mời thày làm lễ giải hạn. Lễ giải hạn thường được tổ chức từ tháng giêng đến tháng tư, cũng có khi vào cuối năm. Tùy theo kinh tế gia đình và yêu cầu của các loại ma mà gia đình chuẩn bị lễ vật. Thông thường phải có gà, lợn, xôi, rượu, tiền giấy… Lễ cúng diễn ra trong một ngày, do thày cúng chủ trì, sau đó có bữa cơm mời anh em, dòng họ, hàng xóm đến tham dự.
Người Dao ở thôn Tân Quang (Hoàng Khai) lưu truyền câu chuyện hồ An Lướng mỗi năm bắt đi một người con trai. Gia đình có người bị ma bắt phải mời thày về cúng. Ở thôn Phiêng Tạ (Chiêm Hóa), từ khi TĐC, trong thôn xảy ra rất nhiều biến cố, tai họa làm chết nhiều người như đuối nước, ngã núi, tai nạn giao thông, tự tử hoặc ốm đau bệnh tật... Theo người Dao ở đây, nguyên nhân của những tai họa này là do nhiều người chặt phá rừng, phạm vào thần linh, thổ thần. Cũng vì lẽ đó, từ năm 2012, lễ cúng bản của người Dao ở Phiêng Tạ được tổ chức tương đối lớn để cầu mong thần linh, thổ thần phù hộ cho một năm mới người an vật thịnh, yên ổn làm ăn. Ngày làm lễ phải là ngày tốt, không phạm vào ngày kỵ của bất kỳ dòng họ nào trong thôn. Thời gian và địa điểm thực hiện lễ cúng hết sức bí mật, người không có nhiệm vụ thì không được biết. Kinh phí chuẩn bị lễ vật do các gia đình trong thôn cùng đóng góp. Số lượng thành viên tham gia lễ cúng được ấn định và lựa chọn từ trước với tiêu chí: thân thế tốt, có đạo đức, khỏe mạnh, có ý thức trách nhiệm. Vào ngày diễn ra lễ cúng, lúc gà gáy hay trời tối hẳn, đoàn người gồm thày cúng, đại diện các dòng họ, đại diện chính quyền thôn và những thành viên được chọn bí mật đến một khu vắng vẻ có cây to trong núi để làm lễ. Lễ vật gồm lợn, gà, xôi, bánh, cơm, tiền giấy… Sau khi cúng xong, những người trong đoàn sẽ ăn hết đồ cúng tại chỗ để cầu cho năm tới luôn no đủ. Mọi người cùng dọn sạch và xóa dấu vết để người khác, đặc biệt là người dân tộc khác không nhận ra nơi vừa tổ chức lễ cúng. Người Dao ở Phiêng Tạ hiện đang đề nghị lên thôn, xã cấp đất và cho phép họ xây dựng miếu thổ công để có nơi thờ cúng thần linh. Những điểm TĐC khác, ít gặp vận hạn nên việc thờ cúng thổ thần, cúng bản gần như không được thực hiện.
Các nghi lễ trong chu kỳ đời người
Lễ cấp sắc: theo truyền thống, người đàn ông Dao phải được giáo dục, rèn luyện về nhiều mặt để làm trụ cột của gia đình, dòng họ và cộng đồng. Phẩm chất của họ được khảo hạch qua những kỳ lễ đặc biệt gọi là lễ cấp sắc. Đối với nhóm Dao Tiền thì đây là nghi lễ bắt buộc đối với mỗi người đàn ông, làm sớm hay muộn tùy thuộc vào điều kiện gia đình. Tuy nhiên, đối với nhóm Dao Đỏ tái định cư về Hoàng Khai và Phúc Sơn, chỉ những người làm thày cúng to (cúng đưa ma, cúng giải hạn cộng đồng) mới làm lễ cấp sắc, người bình thường thì không. Lễ cấp sắc của người Dao là nghi lễ có giá trị nhân văn cao, thể hiện quan niệm, lễ tục của tộc người, giáo dục con người hướng tới những điều thiện, hiểu được luân thường đạo lý của cộng đồng. Đồng thời, nó cũng là môi trường hữu hiệu để sáng tạo, gìn giữ cũng như trình diễn những tinh hoa văn hóa tộc người, được thể hiện ở những bài hát, điệu múa dân gian được trình diễn trong nghi lễ, hình thành nên bản sắc văn hóa người Dao. Tại các điểm đề tài khảo sát, hiện nay còn rất ít người đã cấp sắc và hơn 10 năm rồi chưa có trường hợp nào cấp sắc mới.
Phong tục và nghi lễ cưới xin: hầu hết các quy tắc, nghi lễ chính, những kiêng kỵ… trong cưới xin của người Dao vẫn được thực hiện như truyền thống. Tuy nhiên, bối cảnh TĐC, giao lưu văn hóa tộc người, cũng ít nhiều tác động đến quan niệm và nghi lễ cưới xin của người Dao. Hiện nay, việc lấy lá số không còn quan trọng. Họ cho rằng, các con đã ưng nhau rồi, nếu lấy lá số không hợp thì khổ con, lại suy nghĩ nhiều, không vui. Nếu gả con gái cho người dân tộc khác thì sẽ theo phong tục bên nhà trai, gả con gái cùng dân tộc thì vẫn thách cưới nhưng lễ vật đã giảm đi nhiều. Nếu trước đây nhà trai phải tìm đủ số đồng bạc theo yêu cầu thì nay chỉ cần 4 - 6 đồng (trả ơn sữa mẹ, công sinh thành), số còn lại có thể quy ra tiền mặt. Nếu ngày trước, nhà gái nhất định phải ngủ lại nhà trai, ăn 3 - 4 bữa cơm mới về thì nay, đa phần nhà gái chỉ ăn 1 - 2 bữa cơm và về luôn trong ngày... Về trang phục cưới, hầu như các cặp đôi đều chụp ảnh cưới với cả trang phục truyền thống và âu phục. Sau khi thực hiện các nghi lễ chính: đón dâu, vào cửa, làm lễ nhận tổ tiên... cô dâu chú rể, bố mẹ hai bên có thể mặc trang phục tân thời để tiếp khách, mời rượu. Rạp cưới, ban nhạc, người dẫn chương trình, màn hình karaoke, pháo điện… được thuê trọn gói theo cách khá phổ biến ở thành phố và các vùng lân cận.
Nghi lễ tang ma: có lẽ sự thay đổi môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trong quá trình TĐC không có nhiều tác động đến tập quán tang ma của người Dao. Các nghi lễ tang ma vẫn được tiến hành theo phong tục truyền thống, từ quan niệm về hồn, về cái chết, nghi thức làm ma, tiễn hồn… Tuy nhiên, cũng có một số thay đổi như: cộng đồng phúng viếng bằng tiền thay vì gạo, rượu như trước; thực phẩm, đồ thiết yếu trong tang ma có thể mua dễ dàng ở ngoài thị trường; con cháu cũng bớt phần kiêng kỵ khi có người thân trong gia đình mất; người chết được chôn cất tập trung trong nghĩa trang theo quy định của địa phương…
3. Những tác động của môi trường sinh thái đến hoạt động tín ngưỡng
Môi trường và con người cùng tồn tại trong mối quan hệ hữu cơ, môi trường có thể là động lực nhưng cũng có thể là rào cản trên con đường phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của con người. Trải qua quá trình sinh tồn, người Dao vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đã tích lũy và học hỏi được những tri thức, kinh nghiệm quý báu trong việc ứng xử với môi trường tự nhiên vì mục đích tồn tại của cộng đồng. Bên cạnh những tri thức về bảo vệ tài nguyên đất, rừng, nguồn nước, người Dao còn quan niệm và ứng xử với tự nhiên như với chính con người. Tin rằng mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên từ rừng, sông, suối, cây cối, loài vật… đều có linh hồn, họ phải tôn trọng, bảo vệ tự nhiên để có được cuộc sống yên ổn, mùa màng bội thu. Trong bối cảnh TĐC, với những thay đổi cơ bản về môi trường sống, người Dao đã thay đổi phương thức mưu sinh để thích ứng, tồn tại, phát triển. Xuất phát là một nền kinh tế tự cấp tự túc, gắn bó, khá lệ thuộc vào tự nhiên, khi môi trường sinh sống thay đổi sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trong hoạt động sinh kế. Biến đổi về sinh kế là nguyên nhân quan trọng dẫn đến những biến đổi trong tín ngưỡng và các nghi lễ nông nghiệp của đồng bào. Ví dụ, khi cây lúa nương biến mất thì các lễ thức trong canh tác nương rẫy cũng bị mai một theo. Một số nghi lễ vốn được tiến hành trong canh tác cây lúa nương nay được chuyển sang cây lúa nước nhưng giảm dần giá trị và sự linh thiêng. Bên cạnh đó, những thay đổi về điều kiện đất ở, đất sản xuất, đặc biệt đất rừng, đặc điểm cư trú cũng dẫn đến những biến đổi các thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ thần bản mệnh của cộng đồng, tín ngưỡng liên quan đến ngôi nhà và tín ngưỡng liên quan đến bệnh tật, vận hạn.
Môi trường sinh thái có một vai trò quan trọng đối với thực trạng biến đổi văn hóa nói chung, biến đổi đời sống tín ngưỡng của người Dao nói riêng. Trong bối cảnh TĐC, một mặt do thay đổi môi trường sinh thái, mặt khác, các chương trình, chính sách hỗ trợ TĐC cũng góp phần dẫn đến sự đơn giản hóa đời sống tín ngưỡng của đồng bào. Ví dụ, với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, từ việc làm đất, chọn giống, gieo trồng, chăm bón, thu hoạch cây trồng… dẫn đến kết quả năng xuất đảm bảo mà không cần tới các lễ thức rườm rà. Theo Malinowski, mọi thể chế, các thực hành văn hóa đều đóng vai trò thỏa mãn nhu cầu sinh học, tâm lý cơ bản của con người trong xã hội. Có 7 nhu cầu tâm lý cơ bản của con người: dinh dưỡng, tái sản xuất, sự thoải mái về thể xác, sự an toàn, sự nghỉ ngơi, di chuyển, tăng trưởng. Vì vậy, văn hóa phải được hiểu như là một phương tiện có mục đích mang tính chức năng hay tính công cụ (3). Nghĩa là, một trong những nguyên nhân quan trọng của sự biến đổi này phải kể đến vai trò của chủ thể văn hóa. Thực tế cho thấy, các thực hành tín ngưỡng liên quan đến bệnh tật, giải hạn đã và sẽ tiếp tục được duy trì vì nó cần thiết, có vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của người Dao. Khi gặp vấn đề lớn, những bất ổn đe dọa tới cuộc sống, sinh kế và tính mạng của cộng đồng thì các nghi lễ cộng đồng sẽ được thực hành. Ngược lại, khi cộng đồng nhận thấy các nghi lễ không còn cần thiết thì họ có thể bỏ và lãng quên. Như vậy, nguyên nhân quan trọng trong các trường hợp này là sự lựa chọn, vai trò quyết định của chủ thể văn hóa.
Điều kiện cư trú liền kề, xen cư cũng được coi là một trong những tác nhân dẫn đến biến đổi văn hóa tộc người. Tuy nhiên, trong phạm vi vấn đề nghiên cứu, yếu tố này gần như không có tác động đến đời sống tín ngưỡng của đồng bào Dao. Trong một số nghi lễ, người Dao có thể tìm thày bói, thày cúng của người Tày, người Kinh hoặc ngược lại. Người Tày sở tại và người Tày cùng TĐC cũng có quan niệm về thế giới, về bói ma và cúng gọi hồn, giải hạn tương đối giống với người Dao. Ngoài ra, chúng tôi không nhận thấy có sự thay đổi nào về mặt tín ngưỡng, thực hành nghi lễ của cộng đồng Dao do sống xen cư với các dân tộc khác. Điều này có thể do tính bền vững của văn hóa tâm linh, cũng có thể do thời gian TĐC chưa đủ để cho thấy sự ảnh hưởng về đời sống tín ngưỡng của các dân tộc trong vùng TĐC.
_______________
1. Hoàng Cầm, Phạm Quỳnh Phương, Diễn ngôn, chính sách và sự biến đổi văn hóa - sinh kế tộc người, 2012.
2. Tư liệu điều dã.
3. R.Jon Mcgee, Richard L.Warms, Lý thuyết nhân loại học giới thiệu lịch sử, Lê Sơn Phương Ngọc, Hoàng Đình Phúc dịch, 2010.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 - 2018
Tác giả : ĐỖ THỊ KIỀU NGA