Cụm từ Surma là tên gọi mà chính phủ Ethiopia sử dụng chung cho ba tộc người, gồm tộc Suri, Mursi và Me’en (còn gọi là tộc Bodi), hiện đang sinh sống chủ yếu ở phía tây nam của đất nước, với tổng số dân khoảng hơn 186.875 người (1). Cả ba tộc người này đều sử dụng ngôn ngữ Surmic của nhóm ngôn ngữ NiloSaharan, thuộc ngữ hệ Phi.
Cho đến nay, vấn đề nguồn gốc hình thành và phát triển của tộc người Surma ở Ethiopia vẫn chưa có cứ liệu đáng tin cậy. Tộc người này không có văn bản ghi chép lại, khiến vấn đề nguồn gốc của họ càng khó xác định. Ngoài tài liệu truyền khẩu có đề cập đến sự di cư của họ từ vùng hạ lưu sông Omo, không có một bằng chứng thuyết phục nào khác. Bản thân người Surma cho rằng họ là tộc người trước đây từng sinh sống ở những khu vực gần bờ sông Nile và di cư đến mảnh đất hiện tại vào khoảng 200 năm trước. Tộc Surma không chỉ có mặt ở Nam Ethiopia mà còn có hơn 12 nhánh ở các khu vực khác nhau; tất cả đều phải đối mặt với xung đột nội tộc và ngoại tộc hàng ngày.
Điều kiện tự nhiên và kinh tế
Do sinh sống trong khu vực thung lũng, gần sông Omo với nguồn nước và phù sa màu mỡ, kinh tế của người Surma chủ yếu dựa vào nông nghiệp (chăn, thả gia súc và trồng trọt). Đời sống kinh tế của họ có thể được chia thành hai loại hình chủ đạo là kinh tế chiếm đoạt và kinh tế sáng tạo.
Kinh tế chiếm đoạt
Trong khu vực người Surma sinh sống, có nhiều dạng địa hình với thảm động thực vật phong phú và trữ lượng khoáng sản nhất định, đặc biệt là các mỏ vàng. Rừng là nơi các loại động vật hoang dã trú ngụ và khá đa dạng về thể loại gồm rừng savan và thảo nguyên, rừng thưa cây lá kim nhiệt đới, rừng truông bụi gai hạn nhiệt đới… Do đó, ngoài việc thu hái các loại quả mọng và quả có thể ăn được trong rừng, suốt mùa khô, người Surma thường đi tìm và tích trữ mật ong. Họ còn đào vàng và dùng để trao đổi vật dụng thiết yếu với các tộc lân cận như Amhara và Shangalla. Loại hàng hóa đặc biệt mà người Surma thường dùng vàng để đổi là súng trường và một số loại vũ khí khác.
Để bổ sung vào nguồn dinh dưỡng hàng ngày, người Surma còn săn bắn các loài động vật trong rừng để lấy thịt như linh dương, voi, hươu cao cổ, báo, sư tử và đà điểu. Da, ngà voi, lông của các động vật này thường được bán cho các đại lý ở vùng cao nguyên để đổi lấy các nhu yếu phẩm như dao lam, chăn, vải vóc, kim, chỉ…
Kinh tế sáng tạo
Các làng của người Surma nằm rải rác giữa các thung lũng gần dòng sông Omo và bên các suối. Do đó, trồng trọt là hoạt động kinh tế chủ đạo và mang lại nguồn sống ổn định cho các gia đình. Một số loại cây trồng phổ biến của người Surma gồm khoai lang, khoai tây, sắn, bắp cải, gừng, ớt, catha edulis (còn gọi là cây chat, lá của loại cây này có chất gây nghiện), thuốc lá, cà phê, các loại hạt đậu. Trong số đó, ngô và lúa là hai lương thực chủ đạo. Từ ngô, người Surma sáng tạo ra một loại bia có tên là geso, làm thức uống cho tất cả thành viên trong gia đình, gồm cả trẻ nhỏ.
Dọc bờ sông Omo, người Surma còn gieo trồng cây sorghum (cây bo bo) để bổ sung vào nguồn dinh dưỡng. Các nguồn dinh dưỡng khác bao gồm loại rau đủ loại, sữa, tiết và thịt dê.
Đặc biệt, ở đây, có loại cây trồng độc đáo mà người dân gọi là cây ensete (tên khác là false bananas), có vẻ bề ngoài khá giống cây chuối. Loại cây trồng này chịu được khô hạn, thích ứng rất tốt với nhiều dạng địa hình nên được người Surma trồng phổ biến. Người dân có thể trồng rải rác xung quanh nhà, trồng thành cụm hoặc trồng dày đặc. Ngoài quả, các phần khác của cây cũng được sử dụng để chế biến thực phẩm. Lá và vỏ cây cung cấp thức ăn cho chăn nuôi và cũng là nguyên liệu cho ngành xe sợi, ngoài ra vỏ cây còn được xay ra để lấy bột. Người ta cũng chế biến được nhiều món ăn khác nhau từ cây ensete như làm món corm luộc (món amicho), làm men cho các loại bánh như bánh mì (kotcho), dùng bột để nấu cháo hoặc làm bánh bao.
Bên cạnh trồng trọt, với điều kiện tự nhiên nhiều đồng cỏ thấp, thuận lợi cho chăn thả gia súc, người Surma tiến hành chăn thả bò, dê, cừu, những loại gia súc được nuôi phổ biến nhất. Trong số đó, bò là loài động vật cực kỳ quan trọng đối với tộc người Surma, số lượng đàn bò được coi là thước đo vị thế của người đàn ông trong xã hội. Họ không bao giờ giết chúng, trừ khi cần phải tiến hành các lễ nghi mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng. Người đàn ông không được phép kết hôn khi họ chưa có đủ 60 con bò và số bò này phần lớn được giao cho gia đình của vợ sau khi lập gia thất. Như đàn ông của các bộ lạc khác, những người đàn ông Surma dành phần lớn thời gian chăm sóc đàn bò quý giá của họ và bảo vệ đàn bò trước sự cướp bóc của các tộc khác.
Thủ công mỹ nghệ hầu như vắng mặt trong tộc người Surma. Họ làm một số đồ dùng gia đình, như thớt gỗ, da và bầu đựng, các loại nồi nấu ăn từ đất sét. Một số vật dụng dùng cho nghi lễ bộ lạc, như trống, sừng và ngà là những tài sản cũ, chỉ còn được cất giữ trong một số ít các gia đình có vị thế ở làng.
Cách tổ chức xã hội của người Surma
Do đời sống bán du mục của người đàn ông Surma thường xuyên phải đối mặt với các trận chiến tranh giành đồng cỏ, cướp bóc gia súc và đối mặt với cái chết nên tuổi tác có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định vị thế xã hội của họ. Vị trí và vai trò của những người đàn ông trong làng được chia theo độ tuổi: trẻ em, thanh niên (tegay), sơ trưởng lão (rora) và các trưởng lão (bara) cao cấp. Các thành viên tuổi càng cao càng chứng tỏ sức bền, sự thiện chiến, dũng cảm. Những người trẻ tuổi chưa lập gia đình và chưa được coi là chiến binh, họ phải giúp gia đình chăm sóc gia súc tới khi họ 8 tuổi và thực hiện các trận đấu bằng gậy (donga) để giành quyền trở thành người lớn. Tuổi trưởng thành hay sơ trưởng lão là độ tuổi không phải ai ở tộc Suri có thể dễ dàng bước vào. Qua một khoảng thời gian từ 20 - 30 năm, bộ tộc mới tiến hành nghi lễ trưởng thành, chỉ diễn ra trong một ngày. Quyết định thành đinh của làng được đưa ra bởi một hội đồng gồm những người đàn ông lớn tuổi. Phụ nữ không được phép nói lên ý kiến của họ giữa những buổi thảo luận nhưng được phép bày tỏ ý kiến trước khi các buổi thảo luận diễn ra. Thủ lĩnh tinh thần của bộ lạc (cũng được biết đến như là Komoru) điều hành các cuộc thảo luận; Komoru nổi bật trong cuộc họp nhờ khoác lên mình những tấm vải sặc sỡ và gắn trên đầu chiếc mũ có gắn lông khỉ đầu chó.
Hôn nhân của người Surma tương đối bền vững bởi việc kết hôn giữa hai cá nhân dựa trên thỏa thuận về kinh tế và có sự ràng buộc về lợi ích. Để đi đến được quyết định kết hôn chính thức, việc đầu tiên là xét đến tình cảm của cô gái, việc tiếp sau là xét đến số gia súc, súng đạn, tiền bạc mà nhà trai có thể đáp ứng theo yêu cầu của nhà gái. Thường mất vài tháng để hai gia đình đạt được thỏa thuận và tổ chức đám cưới. Vì hôn nhân là sự hợp tác, liên minh của cả hai gia đình, đôi khi là của hai dòng họ nên việc ly hôn rất hiếm khi xảy ra. Mỗi người đàn ông thường có nhiều hơn một vợ và mỗi vợ ở một lều khác nhau. Mỗi bà vợ với túp lều của họ như mỗi đơn vị kinh tế độc lập gồm bản thân bà vợ đó và con cái cùng với nhà cửa, vườn tược, hoạt động kinh tế và các mối quan hệ xã hội. Người chồng không có lều cá nhân, ông ta ngủ và ăn uống tại lều của một trong những bà vợ nào đó bởi hoạt động chủ yếu của người đàn ông vẫn là chăn thả và chăm sóc gia súc trên các đồng cỏ, đào vàng, làm nông nghiệp, tham gia chiến đấu và cùng thảo luận các vấn đề lớn với những người đàn ông khác trong làng.
Đời sống tinh thần của người Surma
Trong đời sống tinh thần của người Surma, không thể không nhắc tới các trận chiến đấu bằng gậy với một đầu vót nhọn, họ tổ chức các trận đấu thường xuyên để những người đàn ông trưởng thành chứng tỏ tư cách chiến binh trong một khu vực được xếp vào loại hình văn minh mũi giáo.
Tại sao việc tổ chức các trận chiến đấu có ý nghĩa quan trọng đối với tộc người ở khu vực văn minh mũi giáo này hơn là đối với khu vực khác? Jacques Maquet, trong tác phẩm Nền văn minh châu Phi, cho rằng các điều kiện tự nhiên là nguyên nhân cơ bản nhất khiến cho sự phát triển của các hình thức chiến tranh trở nên có thể và ngày càng cần thiết. Hầu hết các xã hội mũi giáo đều có kinh tế chủ đạo là chăn nuôi, gia súc có ý nghĩa quan trọng hơn cả so với các nơi khác trên thế giới vì chăn nuôi gia súc tạo ra sản lượng cao hơn nhiều so với làm nông, chủ sở hữu không phải định cư mà vẫn không mất đi chút giá trị của cải nào, một đàn gia súc mạnh khỏe có ý nghĩa thực tế hơn nhiều so với đất đai, vì nếu không trồng trọt thì đất đai là vô nghĩa. Tuy nhiên, vì sống trong một xã hội mà họ có thể dễ dàng có nhưng cũng dễ dàng mất đi gia súc (do dịch bệnh, điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, chiến tranh bộ lạc….) nên họ phải có cách thức và phương tiện tự vệ tất yếu. Vì thế không khó hiểu khi tổ chức chiến binh phát triển trong xã hội chăn nuôi (2).
Trong xã hội của người Surma, việc sử dụng gậy đầu nhọn để đấu với nhau không chỉ là một trận chiến phân cao thấp giữa những người đàn ông, mà nó còn được coi là một loại hình thể thao, một loại lễ nghi nghiêm túc để khẳng định sự thiện chiến, dũng cảm và mạnh mẽ của chiến binh. Một trong những mục đích mà các thanh niên tổ chức các trận đấu này còn là để tìm vợ. Khi xem các chàng trai chiến đấu, các cô gái có thể yêu thích một người nào đó và sẽ tìm cách tiếp cận bằng việc gửi thông điệp gián tiếp đến anh ta qua bạn bè và người thân của cô.
Một ngày trước khi diễn ra một trận donga, những người tham gia chiến đấu phải thanh tẩy cơ thể bằng cách uống dung dịch chiết xuất từ một loại vỏ cây đặc biệt pha với nước. Sau khi uống, họ lại phải tìm cách nôn hết ra, coi đó là cách để loại trừ tạp chất của cơ thể. Từ đó, họ không được phép ăn gì cho đến khi trận đấu diễn ra. Trên đường đến trận donga, các chiến binh dừng lại bên sông để tắm rửa, sau đó lấy đất sét dưới sông tô vẽ, trang trí cơ thể với những hình thù mà họ thích, việc tô vẽ đó vừa là cách làm kẻ thù nhìn thấy phải sợ hãi, cũng vừa là cách giúp nổi bật các đường nét trên cơ thể cường tráng để thu hút sự chú ý của các cô gái. Tất cả những chiến binh cùng nhau đến trận donga đều đi chân trần và để hở dương vật, họ hầu như không có gì bảo vệ trên người để nhằm chứng tỏ lòng dũng cảm và sự thiện chiến của họ.
Bên cạnh nền văn hóa mũi giáo, người Surma còn có tục đeo đĩa môi và cắt da. Khi còn trẻ, để làm mình đẹp hơn, phần lớn phụ nữ thường cà răng hàm trên của họ và xẻ môi dưới. Đến tuổi dậy thì (khoảng 12 tuổi), phần lớn trẻ em nữ phải tìm cách loại bỏ răng dưới để giúp cho việc chọc thủng môi dưới được dễ dàng. Sau khi môi bị chọc thủng, họ đục cho lỗ hổng dưới môi to dần lên, dần họ kéo dài môi ra và một chiếc đĩa được đặt vào đó, một số phụ nữ có lỗ môi dưới đủ nhét một cái đĩa với đường kính 16 inches (tương đương 40,64cm). Đeo đĩa môi là tượng trưng cho vẻ đẹp, sức chịu đựng, dẻo dai của phụ nữ. Đĩa đeo trên môi càng lớn thì lễ vật hỏi cưới của nhà trai càng nhiều. Tuy nhiên, phụ nữ Surma không đeo đĩa môi thường xuyên, họ chỉ đeo chúng trong các dịp lễ, khi họ phục vụ bữa ăn cho chồng và các dịp đặc biệt khác. Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân tại sao tộc Surma có lệ đeo đĩa môi lạ kỳ này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng phụ nữ đeo đĩa môi để làm xấu mình, để chống lại sự xâm hại của chủ sở hữu nô lệ, tuy nhiên, giả thuyết này vẫn chưa có cứ liệu vững chắc.
Bên cạnh tục đeo đĩa môi, người Surma còn có tục cắt da tạo sẹo và họ rất tự hào về những vết sẹo, càng có nhiều vết sẹo trên người càng làm họ hãnh diện. Phụ nữ cắt da bằng cách đưa chiếc gai móc nâng da lên và dùng dao cạo rạch, người ta có thể nhuộm màu than đen, bôi tro, bột đá hay tẩm chất gây ngứa vào gai, vào kim để tạo các mô sẹo (3). Sau đó, chỗ da bị rạch dần để lại một vết sẹo. Đàn ông tạo sẹo trên da họ sau khi giết được một người nào đó từ một bộ lạc đối phương. Các nhà nhân chủng học miêu tả nghi lễ rạch da của đàn ông là cực kỳ đau đớn, kiểu bạo lực có kiểm soát, là cách thức để những thanh niên trẻ tuổi trong bộ lạc cảm nhận được máu và sự đau đớn, là một trong những cách để chứng tỏ sự trưởng thành của một người đàn ông.
Trong tôn giáo, tín ngưỡng, người Surma có vị thần tối cao tên gọi Tuma (một số tài liệu gọi là Tumu). Đó là thần bầu trời, thần của quyền lực, tuy nhiên, vị trí của vị thần này được định nghĩa khá mơ hồ. Một số người đàn ông được coi là có khả năng liên lạc với thần; họ sẽ thay mặt dân làng gửi lời cầu nguyện tới thần Tuma. Do điều kiện tự nhiên của vùng sinh sống khá khô hạn vào mùa khô nên lời cầu xin phổ biến nhất của người liên lạc với thần linh này là cho mưa xuống, giúp cho cây trồng, vật nuôi và con người phát triển. Người Surma gọi người liên lạc là người tạo mưa. Người này cũng có thể cầu xin thần linh giúp dân làng ngăn nạn châu chấu và dịch bệnh. Bên cạnh đó, người Surma cũng tin vào bùa chú và bói toán; bùa hộ mệnh được làm từ một loại rễ cây bí mật mà chỉ có họ biết, họ thường đeo bùa trên người với nhiều mục đích khác nhau, như bùa tình yêu, bùa bảo vệ khi xuất hành...
Về cái chết, người Surma cho rằng chết là không trong sạch, không tinh khiết nên cấm kỵ việc chạm vào thi thể, trừ những thành viên trong bộ tộc. Sau khi dự tang lễ của người chết, người trong tộc phải lau rửa thân thể bằng máu cừu. Thi thể của những người chết trong các trận chiến với bộ tộc khác hay các trận donga không được mang về làng, chỉ để lại ngay tại nơi giao đấu và phủ cành cây lên. Thường dân làng sẽ để tang người đã chết trong 5 ngày. Vào những ngày đó, họ giết nhiều gia súc, chia thịt và máu cho toàn bộ khách khứa. Với người Surma, chết là hết, họ không có khái niệm có thế giới bên kia, không có thiên đường, địa ngục hay khái niệm siêu thoát.
Trong hơn 20 năm qua, cùng với quá trình hội nhập kinh tế - văn hóa, cuộc sống truyền thống của người Surma đã bị xáo trộn dữ dội. Sự xuất hiện của các công trình thủy điện bên dòng sông Omo, việc tiến hành các dự án xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã, sự xuất hiện của khách du lịch nước ngoài, của các loại vũ khí hiện đại như súng, đạn... vừa tác động tích cực vừa gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên đất đai, môi trường, con người.
Những nghi lễ dần bị biến mất, thay vào đó là những cuộc thanh trừng không do dự và vô cùng đẫm máu. Người Surma thường cảm thấy bị bỏ quên và bị phân biệt đối xử. Họ cho rằng việc giải trừ quân bị của chính phủ Ethiopia không khả thi, vì trên thực tế, các tộc lân cận vẫn tiếp tục tấn công họ bằng súng đạn. Ethiopia cũng đã ban hành lệnh cấm các hủ tục như cướp phá gia súc và đeo đĩa môi. Vào năm 1994, một đạo luật cấm tổ chức các cuộc đấu gậy donga được ban hành; tuy nhiên, luật này có rất ít ảnh hưởng.
Trong những năm gần đây, Liên minh châu Âu đã tài trợ cho chính phủ Ethiopia để tiến hành kế hoạch xây dựng một công viên quốc gia ở vùng đất của người Surma, với hy vọng kích thích phát triển loại hình du lịch hoang dã. Tuy nhiên, cùng với quá trình hòa nhập kinh tế, văn hóa đó, môi trường tự nhiên sẽ biến đổi ra sao và chính quyền sở tại có quan tâm đến nhu cầu thực tế cũng như tôn trọng cách sống của người Surma hay không, đó vẫn là những câu hỏi chờ đợi những nghiên cứu khác trong tương lai.
______________
1. Số liệu thống kê của chính phủ Ethiopia vào năm 2007.
2. Jacques Maquet, Nền văn minh châu Phi, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2007, tr.165 - 170.
3. Adamson Hoebel, Nhân chủng học - khoa học về con người, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2007, tr.362.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018
Tác giả : NGUYỄN THỊ TUYẾN