Đọc Dọc đường thơ - Nghĩ về một xu hướng cách tân thơ đương đại

Cách tân sáng tạo là quy luật tự nhiên, đòi hỏi của nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng, là lý tưởng thẩm mỹ của nhà thơ. Cách tân không phải là mục đích, mà chỉ là phương tiện, là thao tác kỹ xảo, là sự tìm kiếm những ý tưởng mới, hình tượng mới, là sức truyền cảm, làm rung động lòng người. Khi làm thơ, nhà thơ khó phân biệt đâu là trái tim, đâu là bộ óc, đâu là cảm xúc, đâu là trí tuệ, đâu là lý, đâu là phi lý (đánh giá thơ không có đúng - sai chỉ có hay - dở). Các nhà thơ, nhất là nhà thơ trẻ cần giữ vững bản lĩnh khi tìm đến cái mới, cái lạ, bởi không phải cái mới, cái lạ nào cũng đi tận cùng sáng tạo. Mọi thứ bắt chước kỳ quặc, mọi thứ suy nghĩ rối rắm, ngôn từ bệnh hoạn (mot malade), cách diễn đạt rắc rối, gượng gạo về đề tài tình dục, tình yêu nam nữ đều xa lạ với thơ đương đại. Trong vài chục năm gần đây, thơ đương đại đã xuất hiện một số nhà thơ, bài thơ theo xu hướng triết lý khi săn đuổi những đề tài xã hội và thân phận con người với những cảm hứng mới lạ, ngôn từ khái quát, kỹ xảo thơ theo phép biện chứng. Tuyển tập thơ Dọc đường thơ (1) của Phạm Đình Ân (2) là một hiện tượng của thơ triết lý biện chứng với những phần có tiêu đề: Nắng xối đỉnh đầu, Những hoàng hôn ngẫu nhiên, Hương rễ, Phấn hoa bay, Vòng quay… chứng minh cho nhận định vừa nói. Để triết luận về thời gian, chúng ta đọc: Xin lại thời gian, Búp non và cỗi già, Xuân tuổi 30… Triết lý biện chứng về cảm thức nhân thế: Vui và buồn, Người xưa, Tình nay, Cười và khóc, Rộng và rỗng, Người trong ảnh, Phóng sinh, Thị xã mới trên bờ biển cũ... Tôi xin dừng lại để nói đôi điều về bài Người trong ảnh:

                   Ảnh dần dần phai nhạt

                   Ác, hiền, đều già mau

                   Cả hình hài, cả ảnh

                   Ngày mai tìm ở đâu?

Đây là bài thơ độc đáo, nhờ tư duy biện chứng. Bố cục đoạn thơ có đối lập và đồng thuận, có mở và đóng, có câu hỏi nhân thế.

Tập thơ Vòng quay của nhà thơ Phạm Đình Ân đã được báo chí chú ý. Những bài thơ “đứng được” chưa nhiều, nhưng cái quan trọng là ý tưởng và ngôn ngữ theo theo xu hướng định đề triết luận:

                   Thắt buộc vào nhân thế

                   Muôn mặt đời dại khôn

                   Còn cái còn, mà mất

                   Mất cái mất lại còn

Phông văn hóa, trí thức triết mỹ… là gốc của câu thơ, phải có sự lịch duyệt, sự trải nghiệm, nhà thơ mới tìm ra được chân lý của cái đẹp. Điều này bao giờ cũng có 2 giai đoạn, để đi đến chân, thiện, mỹ trong thơ. Cái trước nằm ở giai đoạn cảm thụ tự nhiên (đoạn đầu), còn cái saucái phải trở nên (đoạn sau).

Chuyện nhân tình thế thái còn được nhà thơ ghi lại súc tích, đa nghĩa, mơ hồ trong Cái ghế, Cái kính. Trong bài thơ Cái ghế, chỉ có hai ý đối xứng, biện chứng mà nói được chuyện tài sản của công và con người giữ tài sản đó: Nhà công/ Người còn ghế mất/ Nhà riêng/ Người mất/ ghế còn. Bài Trên bậc thang ám chỉ ẩn dụ những kẻ mơ cao ngã đau, nhưng danh vọng thường kèm theo thất vọng:

       Ngửa mặt, bước lên nửa, nửa, nửa,...

       Ham hố trèo cao

       Mong xuống được đi lùi...

Đọc Cái kính, tôi xin phép không bình giải, bởi nói như Đổng Trọng Thư đời Đường bên Trung Hoa: “Thi vô đạt hổ”. Cái kính của Phạm Đình Ân làm tôi nhớ đến bài thơ Kém mắt của Chế Lan Viên tặng Tế Hanh. Xúc động sâu sắc tâm trạng bi quan của Tế Hanh, Chế Lan Viên có bài Kém mắt tặng nhà thơ, trong đó đặc biệt có hai câu: Nơi mắt nhìn không tới/Thì lòng ta đến thay… Đó là thơ, là văn hóa ứng xử.

Trong thơ cổ điển Trung Hoa, có nhà phê bình khen thơ ngắn, nếu trong thơ có tình và chất thơ hướng nội “tình sinh vụ văn, văn sinh vụ tình”. Cổ nhân thường nói: “Đoản thi tối hảo phá” (thơ ngắn thường khám phá điều hay, điều tốt lành). Bởi ở đó, con đường của thi ca là hướng nội, là tìm đến trái tim, tìm ra ý nghĩa của nhân trần, nhân tâm thế đạo của con người, bất chấp mọi khác biệt dân tộc, tôn giáo và ý thức hệ.

Trong Dọc đường thơ, có một chùm thơ viết về đề tài quê hương, đất nước. Ở đó, chúng ta tìm đọc Phố Phùng Khắc Khoan (Hà Nội), Tắm suối ở Côn Sơn, Sông Luộc đầu đời, Lạng Sơn - Một mùa thu kỳ thú,... được ghi bằng vài nét chấm phá về các bậc hiền tài đất nước, về những cảnh quan thiên nhiên do cha ông đời đời làm chủ. Bài thơ tình Sông Chu tuổi thơ là một tứ thơ dạt dào đầy cảm xúc:

       Một châu thổ nhỏ cũng phù sa

       Đất bãi ngoài sông nới mãi ra

       Bến trăng mỏng mảnh, mình em tắm

       Nước dỡn, vai thon, ngực nõn nà

Trong quá trình cách tân, thơ ngắn triết lý cần tránh những hình tượng thơ tối nghĩa, răn dạy… Thơ Phạm Đình Ân có một chùm bài viết về các loại hoa, đều là những loài hoa có ích, làm đẹp cho đời. Ở đó, cảnh và người khăng khít, cảnh làm đẹp cho người, và người tôn vẻ đẹp cho cảnh. Thơ ông thường hướng nội, có đến hàng chục bài thơ nói về các loài hoa. Nói hoa là cái cớ, là cái cảnh để nói tình người, dù có khi là đa đoan, có khi là phận bạc. Chuyện nhân đức, nhân thế chỉ vì lỡ hẹn (Hoa mười giờ); Mượn màu sắc, mùi hương của Hoa dâm bụt để nhớ về chốn xưa, người cũ; Bông mai vàng làm ta nhớ đến một mùa Tết ở phương Nam, lỡ hẹn; cái biện chứng giữa thiên nhiên và con người: có mất, có được; có nhận - có cho (Bông điên điển)…

Phạm Đình Ân đang bơi trong dòng thơ triết luận, biện chứng để tìm đến cái mới, cái sáng tạo. Sáng tạo trong thơ là một hình thái chống lại sự bất biến của hiện thực, của nghệ thuật, nhưng cần cẩn thận tránh những câu thơ, đoạn thơ tối nghĩa, những ngôn từ răn dạy. Ở ông và cùng ông, kể cả những bậc đàn anh, đồng môn đã có những thành công được bạn đọc ghi nhận. Cách tân trong thơ Mai Quỳnh Nam được thể hiện theo thi pháp tiền giả định (présupposition) để đi tìm ý nghĩa của nội hàm. Viết về cái chết, Mai Quỳnh Nam có cái nhìn điềm tĩnh về nỗi đau của sự tất yếu, nhưng đầy nhân bản: Khi chào đời tôi khóc, quẫy đạp đủ rồi/ Giờ là khi đời khóc, chào tôi… Nhà thơ trẻ Nguyễn Khoa Linh với tám tập thơ bỏ túi có tên chung là Nghiệm để nói cách nhìn đời, nhìn người thật sâu sắc. Chỉ xin dẫn vài câu:

       Ham hố đủ rồi, ham hố gì

       Mất - còn biến dị hố ham chi?

       Quan tham, lại nhũng thành dây

       Chẳng phường sấp mặt, cũng mày mũi gian.

Đinh Thị Minh Thúy trong bài thơ Một vị trí buổi chiều đã chọn phương thức ứng xử của người đời qua không gian biển và thời gian chiều, đêm để đối sánh cái có giới hạn và cái vô hạn của tự nhiên… Sự cách tân theo xu hướng triết luận, chúng tôi còn tìm thấy trong nhiều tập thơ đương đại: Những kỷ niệm tưởng tượng (Trương Đăng Dung), Sự mất ngủ của lửa (Nguyễn Quang Thiều), Hoan ca (Đỗ Doãn Phương)... đều có những câu thơ hay, ý lạ, nhưng không nhiều, có nhiều đoạn khó hiểu. Đó là những nhà thơ đồng hành với Phạm Đình Ân.

Thơ triết lý là “món ăn lạ”, đòi hỏi sự nâng cao tri thức, trí tuệ, tài năng, thị hiếu của nhà thơ với bạn đọc. Đi tìm cái đẹp của con người và thế sự từ cái đối xứng và phi đối xứng, cái lý tính và phi lý tính, cái hài hòa và cái hỗn độn… bằng ngôn ngữ súc tích, phóng khoáng, những ý tưởng ẩn tích, huyền ảo nhưng tránh xa vào xã hội học dung tục, những diễn ngôn dễ dãi, làm cản trở sự đồng tình, đồng điệu của người đọc, khi đến với dòng thơ này, trong đó có tuyển tập thơ Dọc đường thơ của Phạm Đình Ân.

_________________

1. Tập thơ Dọc đường thơ của Phạm Đình Ân, Nxb Hội Nhà văn, 2019.

2. Nhà thơ Phạm Đình Ân - nguyên Trưởng ban Ban lý luận phê bình Báo Văn nghệ đã bước vào tuổi trung niên, có tám tập thơ đã được xuất bản. Trong đó tập thơ Phấn hoa bay đoạt giải Nhì do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng năm 2010.

Tác giả: GS Hồ Sĩ Vịnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021

;