Đấu tranh phòng, chống các biểu hiện dân túy ở Việt Nam hiện nay

Hiện nay, sự gia tăng những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy có ảnh hưởng đến nước ta, nhất là khi nước ta đang chủ động hội nhập sâu rộng và toàn diện vào quá trình toàn cầu hóa. Nội dung thông tin này khái quát những vấn đề cơ bản nhất về sự xuất hiện chủ nghĩa dân túy; nguyên nhân dẫn đến sự phát triển và xu hướng lan rộng của chủ nghĩa dân túy ở nhiều nước, những biểu hiện và sự nguy hại của chủ nghĩa dân túy đối với Việt Nam, qua đó, nêu lên biện pháp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn biểu hiện dân túy ở nước ta hiện nay.

 

Chủ nghĩa dân túy bắt đầu xuất hiện trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vào giữa TK XIX ở Pháp. Nguồn gốc xã hội của chủ nghĩa dân túy là cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân, chủ yếu là nông dân, đòi ruộng đất và thủ tiêu các hình thức bóc lột của chế độ nông nô… Những sai lầm và bản chất phản động của trào lưu tư tưởng này đã bị Lênin phê phán trong tác phẩm Những người bạn dân là thế nào, họ đấu tranh chống những người dân chủ xã hội ra sao (1894). Từ những năm 50 TK XX, thuật ngữ chủ nghĩa dân túy được sử dụng nhiều hơn để mô tả một số phong trào chính trị khác nhau: chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản châu Âu, chủ nghĩa chống cộng và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Năm 2004, nhà khoa học chính trị Cas Mudde (Mỹ) đưa ra định nghĩa: chủ nghĩa dân túy là một hệ tư tưởng mỏng, chỉ đơn thuần xây dựng nên một khuôn khổ, một dân tộc trong sạch chống lại một tầng lớp tinh hoa mục nát. Hệ tư tưởng mỏng này có thể được gắn liền với các hệ tư tưởng dày như CNXH, chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng chống đế quốc hoặc chống phân biệt chủng tộc, nhằm giải thích và biện minh cho những mục tiêu cụ thể.

Tựu trung, có thể hiểu, chủ nghĩa dân túy là trào lưu tư tưởng, đường lối chính trị mang tính mị dân, tác động vào tâm lý của đám đông để tổ chức kêu gọi, lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng nhân dân phục vụ mục đích chính trị của cá nhân và tổ chức chính trị.

Chủ nghĩa dân túy có ba đặc điểm cơ bản sau:

Là trào lưu tư tưởng theo đuổi những chính sách được dân chúng ủng hộ trong ngắn hạn nhưng không bền vững, lâu dài; thường là những chính sách xã hội như trợ giá hàng hóa, trả lương hưu hậu hĩnh hoặc miễn phí chăm sóc y tế.

Là xu hướng chính trị lấy danh nghĩa nhân dân làm căn bản cho tính chính danh của chế độ, tuy nhiên nhiều quan điểm không coi nhân dân là toàn bộ dân số, mà chỉ đứng trên quyền lợi và thể hiện tiếng nói của một bộ phận dân chúng.

Là xu hướng chính trị sùng bái quyền lực cá nhân của nhà lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy có khuynh hướng, biểu hiện tôn vinh, sùng bái cá nhân; tuyên bố họ được giao sứ mệnh nắm giữ quyền lực, không phụ thuộc vào các thiết chế chính trị truyền thống như đảng phái, quốc hội, tòa án, báo chí…

Sự phục hồi và phát triển của chủ nghĩa dân túy hiện nay do những nguyên nhân cơ bản sau:

Sự bất ổn của nền kinh tế thế giới từ thập niên 90 TK XX đã đưa đến nghịch lý: lợi ích chủ yếu mang lại cho các công ty lớn hoặc công ty đa quốc gia, trong khi những người lao động phổ thông ở các nước phương Tây mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng gây tâm trạng bất bình, tệ nạn và mâu thuẫn xã hội.

Sự già hóa dân số, xung đột về văn hóa, đời sống bấp bênh của người lao động (nhóm người yếu thế) làm gia tăng sự bất mãn của người dân.

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, tự động hóa, đã thay đổi mọi mặt của đời sống; quá trình cá nhân hóa thông tin tăng cao, tin giả, tin sai lệch tràn lan, làm cho người dân hiểu không rõ vấn đề, hoang mang và bị các luồng thông tin chi phối, dẫn dắt.

Chính sách xã hội đối mặt với nhiều thách thức, chi phí an sinh xã hội tăng lên làm gia tăng đáng kể số nợ của chính phủ, gây tâm lý bất mãn với hệ thống chính trị hiện thời.

 Sự quan liêu, xa rời nhân dân của giới quan chức cầm quyền đã tạo ra khoảng cách lớn giữa lợi ích và tiếng nói của người dân với những người có quyền lực trong xã hội.

Những dòng di cư vào các nước phát triển trở thành thách thức đối với các chính phủ, sự ngăn cách tâm lý giữa người di cư với người bản địa tạo sức ép với hệ thống an sinh, mất an ninh, trật tự xã hội.

Hiện nay, Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ nghĩa dân túy không có cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội để tồn tại dưới dạng một chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ thông tin, hội nhập quốc tế sâu rộng, “nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế… có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ” (1), “việc giải quyết một số vấn đề xã hội chưa hiệu quả…” (2) là điều kiện để các biểu hiện dân túy bộc phát. Có thể nhận diện các biểu hiện dân túy ở nước ta dưới mấy dạng cơ bản sau:

Một là, những người có quan điểm dân túy hay đưa ra các phát ngôn gây sốc, cùng với nhiều hành vi và hình ảnh mị dân để lấy lòng dân chúng. Tại một số diễn đàn, hội thảo, hay trong các sự kiện có đông dân chúng tham gia, có thể nhận thấy những biểu hiện dân túy thông qua các phát ngôn không đúng với đường lối, chủ trương của Đảng, bỏ qua những quy định pháp lý, thiếu tính khả thi, vượt quá hoặc không đúng thẩm quyền. Thực tế này đã được Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với cương lĩnh, đường lối, điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên” (3). Những cá nhân theo chủ nghĩa dân túy thường “sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ, cực đoan nhưng dễ hiểu với đa số mọi người, hứa hẹn về quyền lợi cho số đông, thổi bùng ý niệm về sự xung đột lợi ích giữa các nhóm đa số và thiểu số” (4). Trong giải quyết những bức xúc của xã hội, họ có hành vi xử lý nhanh nhạy sự việc, đưa lại nhiều lợi ích cục bộ, trước mắt cho nhân dân, được một số phương tiện truyền thông tung hô như một thần tượng... Đây là sự biểu hiện của sắc thái dân túy mới.

Hai là, mượn danh đấu tranh vì dân chủ nhưng chống lại nền dân chủ của nhân dân, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Họ thể hiện thái độ không tôn trọng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước” (5).

Ba là, xuyên tạc, phủ nhận lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi từ bỏ con đường đi lên CNXH. Đây là biểu hiện của những kẻ cơ hội, bất mãn chính trị hoặc những cán bộ, đảng viên đã phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, giảm sút niềm tin vào độc lập dân tộc, CNXH, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bốn là, lấy danh nghĩa bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, biên giới quốc gia... để xúi giục, kích động người dân chống Đảng, Nhà nước, hạ thấp uy tín lực lượng vũ trang... Ở một số địa phương đã xuất hiện những người lấy danh nghĩa đại diện cho lợi ích của nhân dân để tổ chức tụ họp đông người, khiếu kiện, gây ra những hành động quá khích, vu khống chính quyền, kích động các hành vi phạm pháp, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá hoại chính sách phát triển kinh tế và môi trường đầu tư. Núp dưới danh nghĩa tổ chức xã hội dân chủ, nhưng họ chống lại nền dân chủ của nhân dân, lộ rõ chân tướng là những kẻ cơ hội chính trị.

Để đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện dân túy ở Việt Nam hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về nguy cơ, tác hại của chủ nghĩa dân túy và tầm quan trong của việc đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện dân túy ở Việt Nam

Làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục và làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí thống trị trong đời sống tinh thần của xã hội, tạo ra chất đề kháng trong tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những biểu hiện dân túy. Thực tế không phải khi nào người dân cũng có thể phân biệt được đâu là người theo hay không theo chủ nghĩa dân túy. Trong khi đó, sự cổ súy từ một vài người viết có chủ ý, hoặc do sự non nớt về chính trị của một số tờ báo hay các trang mạng xã hội sẽ dẫn đến sự nhầm lẫn trong đánh giá của công chúng. Vì thế, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần được cung cấp những kiến thức để nhận diện và tham gia đấu tranh với các biểu hiện dân túy dưới mọi màu sắc.

Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức

Toàn Đảng, mỗi chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên cần kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Đây là nền tảng tư tưởng để đấu tranh phòng, chống những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ Đảng khóa XII đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong các biểu hiện đó, có biểu hiện manh nha của chủ nghĩa dân túy, có biểu hiện là cơ hội cho dân túy bộc phát, lên ngôi. Vì vậy, cần nhận thức rõ rằng: phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng và chế độ, cũng như tương lai của dân tộc.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Ở Việt Nam, những người theo khuynh hướng dân túy, các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị đang lợi dụng những yếu kém của chính quyền các cấp, nhất là hiện tượng vô cảm, sách nhiễu dân, tệ tham nhũng, lãng phí để bôi nhọ, vu khống, phá hoại chính quyền nhân dân. Do đó, cần nghiêm túc, khẩn trương thực hiện cải cách hành chính nhà nước theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ pháp quyền, quy định trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ quan nhà nước, bãi bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương... Nắm bắt tình hình và kịp thời giải quyết những bức xúc, đáp ứng nguyện vọng, bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của nhân dân.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế

 Trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta chưa có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để hạn chế tác động tiêu cực. Tình hình đó đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, tổ chức kinh tế, xã hội cần kiên định và thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo chiến lược đối ngoại trong hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Nhất quán nguyên tắc bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Thực hiện tốt quan điểm Đại hội XII của Đảng: “Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế; hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, bất lợi” (6).

Tóm lại, những biểu hiện dân túy ở Việt Nam hiện nay thông qua phát ngôn, hành động của một số cá nhân, tổ chức tuy chưa thành hệ thống lý luận nhưng cũng rất nguy hiểm, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Việc phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện dân túy ở Việt Nam hiện nay cần sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự vào cuộc của báo chí, truyền thông, nhất là sự tham gia tích cực của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

____________

1, 2, 3, 5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.168, 133, 195, 185, 154-155.

4. Ngaynay.vn

 

Tác giả: Hoàng Văn Vân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11 - 2019

 

;