Tư tưởng trọng dân của Hồ Chí Minh

Với Hồ Chí Minh, nhân dân là chủ thể xã hội, chủ thể của mọi cuộc cách mạng. Theo Người, cách mạng có thành công hay không tùy thuộc vào lực lượng của nhân dân. Vì vậy, Người đặc biệt chú trọng chăm lo lợi ích của nhân dân: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta kính ta”. Đó đó là nền tảng, chiều sâu, giá trị cốt lõi trong tư tưởng trọng dân của Hồ Chí Minh.

Trọng dân là nét đặc sắc trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khi nghiên cứu những yếu tố tác động đến sự hình thành tư tưởng trọng dân của Hồ Chí Minh, trước hết phải kể đến những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trong đó chủ nghĩa yêu nước là yếu tố nổi trội hơn hết. Chính nhân tố đó đã thôi thúc Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và trong hành trình ấy, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã tiếp cận, kế thừa và phát triển những yếu tố tích cực của tư tưởng, văn hóa phương Đông cũng như phương Tây để làm giàu vốn tri thức của mình, hiểu sâu sắc hơn về nỗi khổ của người dân, về sức mạnh của quần chúng nhân dân. Nhãn quan chính trị, trí tuệ ưu việt, tình thương yêu giai cấp, hết lòng, hết sức, phụng sự Tổ quốc, nhân dân, luôn vì dân, gần dân, học dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân đã tạo nên giá trị đặc trưng riêng trong văn hóa chính trị của Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng trọng dân của Người nói riêng.

Đặc biệt, chúng ta cần quan tâm đến sự khác biệt giữa tư tưởng thân dân của Nho giáo và tư tưởng trọng dân của Hồ Chí Minh. Mặc dù, đây là tư tưởng tiến bộ, đều hướng đến việc lấy con người làm trung tâm, lấy dân làm gốc nhưng có khác biệt là Nho giáo chỉ biểu hiện tư tưởng “nới nhẹ sức dân”, “thân dân” của chế độ phong kiến chỉ dừng lại ở cử chỉ của kẻ “bề trên” đối với nhân dân, lấy lòng dân nhằm mục đích cho dân “yên bề”, xoa dịu mâu thuẫn trong xã hội, không ảnh hưởng đến quyền lực và địa vị của chế độ và giai cấp cầm quyền. Trong khi đó, Hồ Chí Minh đặt người dân, nhân dân ở vị trí trung tâm của xã hội, là người chủ, còn Chính phủ, cán bộ, chỉ là đầy tớ, công bộc của dân. Hồ Chí Minh muốn giải phóng người lao động thoát kiếp đời nô lệ về chính trị, kiệt quệ về kinh tế, bị tối tăm về tinh thần, văn hóa, tư tưởng, giáo dục và trở thành người chủ của đất nước. Tư tưởng trọng dân của Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở lời nói, mà còn biểu hiện sinh động qua thực tiễn cách mạng, điển hình nhất là cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, đưa người lao động từ vị trí nô lệ, làm thuê trở thành người chủ chân chính của đất nước, giành lại phẩm giá dân tộc và phẩm giá làm người.

Tư tưởng trọng dân của Hồ Chí Minh được biểu hiện cụ thể ở những nội dung căn bản sau:

Một là, xây dựng thiết chế văn hóa trọng dân. Hồ Chí Minh luôn có một tư duy: dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, dân là chủ, dân làm chủ, còn cán bộ chỉ là công bộc của dân, phục vụ dân. Người đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” (1). Sau này, Người còn dùng nhiều từ ngữ với nghĩa tương tự để nói về cán bộ trong điều kiện Đảng có chính quyền, như: “người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân”, “người con hiếu thảo của Tổ quốc”… Thấm nhuần tư tưởng đó, Đảng ta luôn xác định mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân, “xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân” (2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng tư tưởng lấy dân làm gốc để giáo dục cho cán bộ, đảng viên về đạo lý trọng dân, thể hiện rõ qua “6 điều không nên làm và 6 điều nên làm” (3). Trong đó, có những điều như “không bao giờ sai lời hứa”, “không nên làm hoặc nói gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ”. 12 lời khuyên này không chỉ là mệnh lệnh tối cao của chính quyền mà còn là một thiết chế văn hóa công chức trong cơ quan chính phủ dân chủ với nội dung chủ yếu là tôn trọng sức lực, của cải, đời sống tinh thần, phong tục tín ngưỡng và niềm tin của nhân dân. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức rõ được nguyên tắc này trong nhận thức thì mới chuyển hóa thành hành động cụ thể, thiết thực, có giá trị trong thực hiện nhiệm vụ với thiên chức là công bộc của dân.

Hai là, đánh giá đúng vị trí, vai trò của nhân dân. Một chân lý bất di bất dịch trong tư tưởng trọng dân của Hồ Chí Minh là đánh giá đúng vai trò, vị trí to lớn của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Vai trò đó thể hiện tập trung ở các điểm: thứ nhất, quần chúng nhân dân là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội; thứ hai, quần chúng nhân dân là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội; thứ ba, quần chúng nhân dân là lực lượng sáng tạo ra mọi giá trị văn hóa tinh thần của xã hội. Với quan điểm đó, Hồ Chí Minh đã đưa vai trò của nhân dân lên tầm cao mới, là chủ thể sáng tạo ra lịch sử, người chủ thực sự của đất nước và nhân tố con người là nguồn lực cơ bản tạo nên sức mạnh vô địch để kháng chiến, kiến quốc.

Ba là, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân và phải học dân. Trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt nhân dân ở vị trí trung tâm, mọi đường lối lãnh đạo, chính sách đều xuất phát từ sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân và yêu cầu cán bộ đảng viên phải thực sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, coi đó là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Theo Người, nhân dân là chủ thể tạo ra cả sức mạnh vật chất lẫn sức mạnh tinh thần: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (4). Học dân là nét đặc sắc trong tư tưởng trọng dân của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực trong việc tôn trọng dân, gần dân, gắn bó với dân, học dân để phục vụ nhân dân. Đó là nhu cầu, động lực quan trọng làm cho chính trị của Người hợp lòng dân và thuận thời đại, đó chính là văn hóa dân chủ.

Bốn là, có hiếu với dân, lắng nghe ý kiến và tâm tư nguyện vọng của dân, phải đền đáp một cách xứng đáng những nhu cầu của nhân dân. Theo Người, “trọng dân” là phải có hiếu với dân, “làm cho dân có ăn, có mặc, làm cho dân có chỗ ở và làm cho dân được học hành” (5). 4 điều cốt yếu này thể hiện cán bộ là công bộc của dân, hiếu với nhân dân như người con có hiếu với cha mẹ. Nghĩa là, phải thương dân, chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ cho nhân dân, phải xem những gì có lợi cho nhân dân, cho dân tộc là chân lý, phục vụ nhân dân là phục tùng một chân lý và làm công bộc cho dân là việc làm cao thượng.

Người hiểu rõ hơn ai hết, thấu hiểu hơn ai hết rằng cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc đều do mồ hôi, nước mắt của dân mà có; bởi vậy, chúng ta đều phải đền đáp, báo hiếu xứng đáng với nhân dân. Trong bối cảnh nước nhà mới giành độc lập, bộn bề khó khăn, Người nhấn mạnh: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” (6).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh 
(phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 30-1-1957 - Ảnh tư liệu

Cán bộ, đảng viên phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, đây là nội dung không thể thiếu trong tư tưởng trọng dân của Hồ Chí Minh. Bởi theo Người, việc Chính phủ biết lắng nghe ý kiến đóng góp, phê bình của dân sẽ giúp cho Chính phủ sửa chữa được những sai lầm, khuyết điểm mà tự mình không thể phát hiện ra. Chính vì vậy, nội dung này đã trở thành phong cách làm việc dân chủ ở Hồ Chí Minh. Người đặc biệt chú trọng đến thực hành dân chủ cho dân. Có thực hành dân chủ cho dân thì dân mới phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo trong công việc, có trách nhiệm cao đối với Chính phủ, đối với chế độ.

Ngày nay, trong xu thế hội nhập và phát triển toàn diện đất nước với mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, vấn đề quan trọng là cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp thật sự là những công bộc của nhân dân, phải là những người có đủ phẩm chất năng lực, đủ đức, đủ tài, nhằm thực hiện có hiệu quả tư tưởng trọng dân của Hồ Chí Minh bằng những hành động cụ thể, thiết thực; việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm và việc gì có hại cho dân hết sức tránh với mục tiêu cuối cùng là vì nhân dân.

____________           

1, 5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.65, 175.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.125.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.501.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.453.

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.518.

 

Tác giả: Đặng Văn Khương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 - 2019

;