Là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam, tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi làm sống dậy trong lòng độc giả tình yêu với thiên nhiên trù phú, con người hồn hậu của mảnh đất Nam Bộ. Sau bộ phim truyền hình nổi tiếng Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, một lần nữa tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi lại sống dậy trên màn ảnh. Phiên bản điện ảnh do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cầm trịch sau gần 2.000 ngày chuẩn bị đã chính thức khai máy vào tháng 12/2022 hiện đang là một trong số các bộ phim điện ảnh Việt được kỳ vọng nhất năm 2023.
Bản anh hùng ca về tình yêu quê hương đất nước
Những biến thiên thời cuộc của vùng đất đang trong cuộc hành trình khai phá, bên cạnh đó là thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, con người Nam Bộ nồng hậu chân thành, tất cả tạo nên một bản anh hùng ca về tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam. Nhà văn Đoàn Giỏi luôn hút hồn người đọc bằng sự quan sát tỉ mỉ và tinh tế của mình về miền đất phương Nam hào sảng. Qua ngòi bút của Đoàn Giỏi, thiên nhiên Nam Bộ hoang sơ khai nhưng hấp dẫn khó tả. Khu rừng đước cao to với các dòng nước len lỏi đục ngầu, nơi đại ngàn đầy nắng muôn loài muôn vật, xen lẫn trong đó mùi đất ẩm ướt mát lành và những con vật đồ sộ dữ dằn như chẳng thuộc về trần thế. Bức tranh đất rừng Phương Nam sẽ thiếu đi cái hồn khi không nhắc tới những con người chân thật, hào sảng. Đó là lão Ba Ngù vui tính nhưng có thể trở nên nghiêm túc bất cứ lúc nào, là cậu bé An tinh ranh, lanh lợi và có óc phán đoán. Là dì Tư béo chất phác, lương thiện, sẵn sàng cưu mang đứa trẻ đi lạc hay gia đình thằng Cò đã ấm áp nhận An làm con nuôi.
Phiên bản điện ảnh được kế thừa và phát triển từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim truyền hình nổi tiếng Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Đây là bộ phim gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam với những nhân vật đã ghi đầm dấu ấn trong lòng khán giả. Bởi vậy, nhiệm vụ đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và ê kíp của mình vô cùng khó khăn khi vừa phải làm hài lòng các độc giả trung thành của cuốn sách lại vừa không làm người hâm mộ điện ảnh thất vọng.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết, bộ phim vẫn bám theo hành trình phiêu lưu của chú bé An mồ côi mẹ trên đường đi tìm cha. Lưu lạc về phương Nam, An gặp những cảnh đời ngang trái, những mảnh đời lầm than của người nông dân dưới ách áp bức của địa chủ và thực dân Pháp.
Cùng với An, khán giả sẽ khám phá sự trù phú của thiên nhiên và nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất Nam Kỳ, sự hào hiệp của những người nông dân bám đất bám rừng và tinh thần yêu nước của người dân Nam Bộ đầu thế kỉ 20. Bên cạnh đó, tình cảm gia đình, tình bạn, tình người, tình thầy trò, tình yêu nước là những cung bậc cảm xúc sâu sắc sẽ đọng lại qua mỗi bước chân của An.
Thiên nhiên cảnh sắc Nam Bộ sẽ là một nhân vật quan trọng trong phim, là cái nền để chuyển tải câu chuyện thật hấp dẫn. Bởi vậy, việc lựa chọn bối cảnh và thiết kế mỹ thuật được ê kíp làm phim chăm chút tỉ mỉ kỹ lưỡng.
“Tôi ngồi đong đưa hai chân trên chiếc mui thuyền chở gạo ngóng lên chợ. Đèn măng-sông ở các hiệu buôn, các tiệm ăn của người Hoa kiều thắp lên sáng rực.” Cậu bé An, linh hồn của tiểu thuyết Đất rừng phương Nam đã được giới thiệu ở trang sách đầu tiên với bối cảnh là xóm chợ sôi nổi như thế, nơi đêm đêm cậu “nằm nghe tiếng gió rít thê lương từ các cánh đồng xa mông quạnh và lắng nghe tiếng nước chảy ào ào” từ con kênh thẳng tắp dưới chân. Để khởi động cho dự án chứa đựng tinh thần của một vùng đất địa linh nhân kiệt ở giai đoạn chống Pháp hào hùng, phim điện ảnh Đất rừng phương Nam đã chính thức khai máy bằng những cảnh quay tái hiện khu chợ nổi nhộn nhịp tại rừng tràm Trà Sư, An Giang.
Những bối cảnh đầu tiên của “hành trình chú bé đi tìm cha”
Cảnh quan đặc trưng được xây dựng trong phim là hình ảnh làng chợ nổi đặc trưng của miền Tây Nam Bộ vào thập niên 1920, xen vào đó là những dòng kênh ăm ắp trĩu nặng phù sa và khu rừng tràm xanh thẳm sâu hút tầm mắt, tạo nên vẻ đẹp lãng mạn đậm chất điện ảnh. Được UNESCO công nhận là “Rừng tràm đẹp nhất Việt Nam”, Trà Sư là cánh rừng đặc dụng vùng biên, được coi là “Kỳ quan hạ lưu dòng Mê Kông”. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, “Rừng tràm Trà Sư” được lựa chọn vì nơi đây vẫn còn lưu giữ nét đẹp hoang sơ và hùng vĩ của Nam Bộ xưa qua ngòi bút miêu tả của nhà văn Đoàn Giỏi.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết, vì điều kiện không cho phép mà phiên bản truyền hình đành phải ngậm ngùi bỏ đi yếu tố “rừng” trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam, chỉ được mang tên Đất phương Nam. Với phiên bản điện ảnh, anh cho biết, sau nhiều ngày khảo sát bối cảnh, ê-kíp quyết định lựa chọn rừng tràm Trà Sư để thể hiện chất “rừng” như trong tiểu thuyết vì nơi đây vẫn còn lưu giữ nét đẹp hoang sơ và hùng vĩ của rừng Nam Bộ. Nơi đây vẫn còn những đồng nước mênh mông rợp bóng tràm, là nơi những đàn chim đặc trưng của vùng đất này về sinh sống.
Cảnh quay đầu tiên của phim điện ảnh Đất rừng phương Nam tái hiện một chợ nổi đặc trưng của miền Tây Nam Bộ vào thập niên 1920 với hơn 300 diễn viên quần chúng. Từ hình ảnh hậu trường được đoàn làm phim chia sẻ, có thể thấy một cổng chợ bề thế được dựng lên với biển hiệu của các cửa tiệm được vẽ tay mang nét cổ xưa như “Tiệm vàng - cầm đồ Kim Sang”... Hệ thống kênh rạch của rừng tràm cũng giúp đoàn làm phim dàn cảnh hàng chục chiếc ghe thuyền tập hợp, làm nên một chợ nổi đậm chất miền Tây. Họa sĩ thiết kế Bùi Bảo Quốc cho biết, vì hiện tại rừng tràm Trà Sư đang được khai thác làm khu du lịch sinh thái, có một số cơ sở vật chất không hợp với không khi phim nên bối cảnh chợ nổi này phải dựng mới 70% và đây được xem là một trong những đại cảnh lớn nhất của phim.
Giám đốc sản xuất Nguyễn Trí Viễn cũng tiết lộ, đội ngũ thiết kế và sản xuất đã dành một tháng rưỡi để xây dựng đại cảnh chợ nổi, xây mới rồi lại phủ lên một lớp màu thời gian, cùng với chi tiết nội thất, phụ kiện được sưu tầm kỳ công để đảm bảo tính lịch sử. Qua màn hình, chợ nổi với hàng trăm con người sinh hoạt và mua bán hiện lên đầy chân thật khiến toàn bộ ê-kíp phải “nổi da gà” vì “sướng”.
Sau đại cảnh ở rừng tràm Trà Sư, ê-kíp sẽ đến với một thách thức khác là phục dựng bối cảnh Sài Gòn thập niên 1920 diễn ra ở thị xã Tân Châu, An Giang. Anh Nguyễn Trí Viễn cho biết nơi đây vẫn còn giữ được nhiều kiến trúc nhà cổ để tái hiện Sài Gòn hoa lệ một thời, và ê-kíp rất cảm kích chính quyền và người dân ở đây đã hỗ trợ nhiệt trình cho quá trình xây dựng bối cảnh. Dọc theo hành trình đi tìm cha của chú bé An, Đất rừng phương Nam sẽ có những bối cảnh trải dài từ Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây. Rất nhiều đại cảnh với số lượng diễn viên quần chúng lên đến hàng trăm và sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, ê-kíp vẫn quyết tâm tìm ra giải pháp để không bỏ một bối cảnh nào của câu chuyện.
Sau gần 2.000 ngày chuẩn bị, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng không khỏi xúc động khi cuối cùng cũng nhìn thấy dự án ấp ủ đã “thành hình thành tiếng”. Anh cho biết, nhìn chợ nổi đông đúc và nhộn nhịp anh thấy mình lạc vào không gian miền Tây những năm 1920 chống Pháp khốc liệt. “Mọi thứ lên hình thật đẹp và thể hiện rõ không khí miền Tây Nam Bộ nên tôi tin rằng bộ phim sẽ thể hiện được tinh thần và vẻ đẹp của vùng đất vừa hào hùng vừa thân thương gần gũi này”.
DIÊN VỸ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 526, tháng 2-2023