Tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật là một trong những lực lượng quan trọng góp phần làm nên diện mạo đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc. Trong những năm qua, công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật đạt được nhiều thành tựu với những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, trước những tác động trái chiều từ nhân tố chủ quan lẫn khách quan, công tác đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật đang đứng trước những cơ hội và cả những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua.
1. Những cơ hội thuận lợi
Những năm qua, lĩnh vực văn hóa, nhất là văn hóa tinh thần luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, thể hiện qua việc ban hành nhiều quyết sách quan trọng, huy động tối đa nguồn nhân lực, tài lực để đẩy nhanh sự nghiệp phát triển văn hóa. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X (2008) Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (2014) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta khẳng định: “Nâng cao chất lượng các trường đào tạo văn học, nghệ thuật; hoàn thiện chương trình, nội dung, giáo trình... rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ chính sách đối với công tác đào tạo... Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài các năng khiếu, tài năng văn học, nghệ thuật”. “Trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cơ sở cống hiến cho đất nước. Chú trọng phát triển năng khiếu và tài năng trẻ...” (1).
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, những năm qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều đề án, chiến lược về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tạo hành lang, cơ chế thông thoáng, mang tính đặc thù để những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có cơ hội, điều kiện, môi trường tốt nhất phát huy tài năng, trí tuệ, từ đó có những cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Gần đây, đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1341/QĐ-TTg, ngày 8-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ) nhấn mạnh đến mục tiêu: “Phát hiện, đào tạo học sinh, sinh viên có năng khiếu vượt trội để trở thành những nghệ sĩ tài năng trong biểu diễn, sáng tác, giảng dạy; tham gia biểu diễn, dự thi các chương trình, cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và quốc tế; phát triển tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật có trình độ chuyên môn sâu, có đức, có tài, có khả năng sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật chất lượng cao mang tầm quốc gia và quốc tế; trở thành lực lượng văn nghệ sĩ nòng cốt, chủ đạo trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của đất nước” (2). Về mục tiêu cụ thể, đề án phấn đấu đến năm 2025, tuyển sinh và đào tạo được khoảng 1.800 sinh viên đại học; trên 200 sinh viên cao đẳng và khoảng 1.500 học sinh trung cấp theo học các lớp tài năng thuộc các lĩnh vực, ngành đào tạo của đề án (âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc và ngành sáng tác văn học).
Liên hoan tài năng ca trù - Ảnh: Lê Sơn
Có thể nói, đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành đề án riêng về đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự quan tâm, đầu tư và đánh giá cao của Nhà nước đối với tài năng trong lĩnh vực đặc thù này. Sự ra đời của đề án là một yêu cầu, tất yếu khách quan trong bối cảnh chung của khu vực và quốc tế hiện nay là hướng đến khai thác, phát huy mạnh mẽ sức mạnh mềm của văn hóa, gia tăng tiềm lực, sức cạnh tranh, hấp dẫn của những yếu tố văn hóa, nghệ thuật trong phát triển kinh tế, xã hội, khẳng định vị thế và uy tín quốc gia trên trường thế giới. Việc ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ cùng với các đề án về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thể hiện quyết tâm, nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc dành nhiều ưu tiên để đẩy mạnh sự nghiệp phát triển nền văn hóa dân tộc.
Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao, cùng với đó là đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Với nhiều người, văn hóa nghệ thuật là chất xúc tác không thể thiếu giúp con người thăng hoa, hăng say trong công việc, vượt qua những thử thách trong cuộc sống để hướng đến những giá trị thánh thiện của chân, thiện, mỹ. Bằng sự nhìn nhận, đánh giá khách quan về hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, nhiều gia đình ở thành thị lẫn nông thôn đã tạo những điều kiện tốt nhất về thời gian, tiền bạc để con em có thể tham gia vào hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hình thành thói quen, niềm đam mê, phát huy năng lực, sở trường của bản thân, mạnh dạn tiến bước trên con đường nghệ thuật. Nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp ở các vùng miền, tỉnh thành được thành lập, tạo mạng lưới về cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, đáp ứng tốt nhu cầu của người học và sự đòi hỏi của xã hội.
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng mang lại những cơ hội thuận lợi cho nhiều ngành nghề, nhiều giai tầng trong xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Sự hỗ trợ, kết nối của internet, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông đa phương tiện đã giúp các quốc gia, dân tộc, con người xích lại gần nhau để thấu hiểu, chia sẻ thông tin, tri thức, kinh nghiệm.
Nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều bộ phim điện ảnh, nhiều vở diễn kinh điển của nghệ thuật thế giới… được đăng tải, lan truyền mạnh mẽ, tạo nguồn cảm hứng, kích thích giới trẻ tham gia mạng xã hội. Bên cạnh đó, trên không gian mạng, người học có thể tiếp cận những tri thức về các loại hình nghệ thuật, tham gia các lớp đào tạo trực tuyến, tự học và trình diễn những tác phẩm nghệ thuật. Các tài năng, nghệ sĩ, diễn viên dễ dàng công bố những tác phẩm nghệ thuật của cá nhân, tạo dựng hình ảnh, đưa nghệ thuật tiếp cận gần hơn với công chúng. Có thể nói, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nghệ thuật cũng như nhiều ngành nghề khác đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi để cất cánh, không ngừng phát triển, vươn lên.
2. Những khó khăn, thách thức
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật trong những năm gần đây đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những khó khăn đó là sự khan hiếm nguồn tuyển sinh đầu vào của các cơ sở đào tạo tài năng nghệ thuật. Với tính chất là các trường chuyên biệt, đặc thù, việc tuyển chọn khâu đầu vào đỏi hỏi sự khắt khe, mang tính chuyên nghiệp (thi môn năng khiếu và các môn văn hóa) nên nhiều thí sinh ngại đăng kí dự thi. Trong khi đó, vấn đề phân luồng, phân ban ở cấp trung học phổ thông chưa thực sự hiệu quả, chưa mang tính bài bản nên nhiều học sinh có năng khiếu, sở trường nghệ thuật không có điều kiện, thời gian và môi trường để thể hiện phẩm chất, năng lực nghệ thuật. Nhiều gia đình cũng không muốn cho con em theo đuổi đam mê nghệ thuật, bởi trong suy nghĩ của họ đây là ngành nghề khó, đầu tư lớn, độ an toàn thấp, nhiều rủi ro, cơ hội việc làm không nhiều.
Tại Hội nghị công tác tuyển sinh năm 2019, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khối ngành nghệ thuật có số nguyện vọng đăng ký ở bậc Đại học thấp nhất (24.430) so với các khối ngành khác như: khối ngành kinh doanh, quản lý (822.956), khối ngành công nghệ, kỹ thuật (641.157), khối ngành khoa học xã hội, an ninh, quốc phòng (739.587), khối ngành sức khỏe (199.573)… Theo một số liệu khảo sát khác, cho thấy: “Mặc dù nhiều năm qua, Nhà nước đã ưu đãi, giảm 70% học phí cho sinh viên theo học ngành sân khấu truyền thống, hằng tháng còn có thêm tiền bồi dưỡng nghề, được cấp quần áo tập và các phương tiện học tập khác nhưng số lượng thí sinh thi vào các chuyên ngành nghệ thuật dân tộc vẫn ngày càng giảm. Năm 2015, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đề ra chỉ tiêu tuyển 45 diễn viên sân khấu kịch hát, nhưng chỉ tuyển được 15 diễn viên chèo, 11 diễn viên cải lương, 8 diễn viên cho múa rối…” (3).
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giới thiệu về ngành nghề đào tạo nghệ thuật của các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý đối với học sinh còn mang tính thời vụ, hình thức nên người học không có đầy đủ thông tin về ngành nghề, cơ hội học tập và triển vọng việc làm trong tương lai, dẫn đến nhiều học sinh chọn ngành nghề theo cảm tính, theo sự lựa chọn của bố mẹ, sự mách bảo của bạn bè, thiếu cái nhìn khách quan, công bằng về ngành nghệ thuật.
Sự thiếu hụt nguồn tuyển đầu vào, chất lượng người học không cao kéo theo những hệ lụy, khó khăn trong công tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, gây sự đứt đoạn giữa các thế hệ, thiếu sự tiếp nối trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Theo thống kê của Bộ VHTTDL, hiện cả nước có 54 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp, trong đó có 11 cơ sở đầu ngành, có uy tín, thương hiệu và đảm bảo các điều kiện để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật theo những tiêu chí, mục đích, yêu cầu mà Đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra. Phần lớn các cơ sở đào tạo còn lại, nhất là ở các tỉnh thành khó khăn, vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng (trường lớp, khuôn viên), hệ thống các thiết chế văn hóa (thư viện, nhà hát thử nghiệm, nhà tập đa năng, phòng hòa âm, các dụng cụ, khí cụ, đạo cụ, trang phục…) ở nhiều trường còn thiếu, cũ kỹ, lạc hậu, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu dạy và học của thày cô giáo và học sinh, sinh viên.
Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là một ngành nghề đặc thù đòi hỏi một quá trình liên tục, thường xuyên, lâu dài, bởi tài năng nghệ thuật gắn liền với yếu tố bẩm sinh, với truyền thống nghệ thuật của gia đình, dòng họ. Việc phát hiện tài năng nghệ thuật là tương đối khó. Để trở thành nghệ sĩ tài năng phải có quá trình khổ luyện, rèn giũa bền bỉ không chỉ với cá nhân mà cả với đội ngũ thày cô huấn luyện. Vì thế đòi hỏi một sự đầu tư tương xứng của gia đình, nhà trường, nhà nước và phải chấp nhận sự rủi ro, thua lỗ. Có một quy luật nghiệt ngã trong nghệ thuật là thời gian đào tạo, huấn luyện dài, gian khổ nhưng khoảng thời gian tỏa sáng, thăng hoa lại mang tính thời điểm, hữu hạn, gắn liền với tuổi thanh xuân và giai đoạn sung sức nhất của nghệ sĩ. Khi bước sang tuổi trung niên, nhiều nghệ sĩ ở một số loại hình nghệ thuật bắt đầu giải nghệ, lui vào cánh gà hoặc đảm nhận những công việc hành chính khác.
Đặc thù là thế nhưng lâu nay việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật thường bị hòa lẫn với mọi ngành nghề đào tạo khác với sự cào bằng chung, không có sự phân biệt rõ ràng với những cơ chế, chính sách đủ mạnh. Việc tuyển dụng tài năng nghệ thuật vẫn thực hiện theo Luật cán bộ, Luật công chức, viên chức với những chỉ tiêu, quy trình hướng dẫn chặt chẽ của Bộ Nội vụ. Cơ chế đặc thù, đặc cách trong tuyển dụng, trọng dụng tài năng nghệ thuật vẫn chưa được thông thoáng. Điển hình là trường hợp hai nghệ sĩ ưu tú xiếc trẻ nhất Việt Nam: Quốc Cơ và Quốc Nghiệp (hai anh em đã nắm giữ cùng lúc 2 kỷ lục Guinness thế giới: chồng đầu đi lên 90 bậc thang trong 52 giây tại Nhà thờ chính tòa Girona, Tây Ban Nha năm 2017; chồng đầu và bịt mắt đi lên đi xuống 10 bậc thang trong thời gian nhanh nhất 53,97 giây tại chương trình La Notte dei Record, Ý năm 2018, là nhóm thí sinh lọt vào đêm chung kết của Britain’s Got Talent mùa 12) đã bị rớt trong đợt xét tuyển đặc cách viên chức do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức do thiếu văn bằng, chứng chỉ.
Đội ngũ nghệ sĩ là cán bộ, viên chức biên chế trong các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, theo số liệu của Đề án nghiên cứu của Cục Nghệ thuật biểu diễn: “Số diễn viên trong độ tuổi từ 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%, và từ 25 - 30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%. Ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam có khoảng hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%” (4). Như vậy, số lượng diễn viên, nghệ sĩ trẻ quá khiêm tốn, báo hiệu sự khủng hoảng, thiếu hụt nhân lực trẻ, trong nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Trên thực tế, việc tuyển dụng biên chế với người trẻ lại gặp nhiều khó khăn khi số biên chế hiện tại của nhiều đơn vị đã cơ bản đủ.
Mặt khác, mức lương chi trả hằng tháng cho đội ngũ nghệ sĩ còn eo hẹp, không đủ cho chi phí sinh hoạt hằng ngày, khiến nhiều người chuyển nghề, làm thêm nghề khác để trang trải cuộc sống. Điều đó ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sự tận tâm cống hiến và tình yêu nghệ thuật của nghệ sĩ.
Mặc dù trong những năm qua, công tác đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật có nhiều đổi mới, từng bước bắt kịp xu thế hiện đại của thế giới với việc đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin, internet. Tuy nhiên, so yêu cầu thực tiễn thì những đổi mới trong đào tạo nghệ thuật, nhất là với nghệ thuật truyền thống còn chậm, nặng về lý thuyết và những kiến thức hàn lâm; thiếu việc trao truyền, giảng dạy những bí quyết, những kỹ xảo, kỹ năng trong thực hành, trình diễn. Hệ thống giáo trình giảng dạy của một số môn chậm cập nhật những thông tin, tri thức mới. Khung chương trình đào tạo toàn khóa còn có sự đan xen của nhiều môn ít liên quan đến ngành nghề đào tạo, có sự dàn trải, ôm đồm, thiếu chọn lọc. Phương pháp truyền dạy của một số thày cô chưa thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu của người học, khả năng vận dụng những phương tiện hiện đại trong giảng dạy còn hạn chế. Đây cũng chính là nguyên nhân cản trở sức nghĩ, sức sáng tạo của người học, dẫn đến thiếu vắng những công trình, tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, đỉnh cao để cống hiến cho công chúng. Lối mòn trong giảng dạy, nghiên cứu nghệ thuật, chậm tiếp cận những thành tựu của nghệ thuật thế giới khiến nhiều ngành nghề, lĩnh vực nghệ thuật khó có thể cất cánh, vươn xa.
Có thể nói, nghệ thuật là một nhu cầu không thể thiếu của con người. Đời sống văn hóa tinh thần có phong phú hay đơn điệu, nghèo nàn, phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ những người sáng tạo, trình diễn nghệ thuật. Vì thế, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là một yêu cầu cấp thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay để tạo ra không gian, môi trường sống lành mạnh, nhân văn, hướng con người đến những điều lớn lao, cao đẹp, thánh thiện. Để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với những tài năng nghệ thuật, đòi hòi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó có vai trò tiên phong của các cơ sở đào tạo. Phải tạo được sức hút (từ cơ chế, chính sách, môi trường học tập, uy tín, thương hiệu của nhà trường…) để trao cơ hội và đánh thức niềm đam mê, sáng tạo của thế hệ trẻ. Từ đó góp phần quan trọng vào sự thành công của công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay.
______________
1. tulieuvankien.dangcongsan.vn
2. thuvienphapluat.vn
3, 4. nhandan.com.vn
Tác giả: Ngô Lê Thắng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020