Trong bất cứ một hoạt động nào về kinh tế, xã hội hay giáo dục nói chung của mọi quốc gia, mọi khu vực, cơ sở hạ tầng vẫn luôn là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến kết quả của hoạt động đó. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển về mọi mặt. Sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với nền giáo dục đào tạo trong những năm qua đã tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo ngày càng trang bị tốt hơn các điều kiện giảng dạy và học tập của riêng mình. Chính việc xác định mục tiêu nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên trong từng ngành, tiếp cận trình độ của quốc gia, khu vực hay thế giới, đã đòi hỏi phương tiện dạy và học phải vươn lên tương ứng với mục tiêu đã đề ra.
Cơ sở vật chất của một trường bao gồm khu hành chính, các phòng học, nhà xưởng thực hành đến những trang thiết bị học tập phù hợp với chuyên môn giảng dạy. Hệ thống xây dựng cơ bản từ các giảng đường đến xưởng thực hành phải đủ chuẩn về diện tích, không gian thoáng mát và đầy đủ ánh sáng để tạo ra môi trường thích hợp cho việc học tập và sáng tạo.
Một hệ thống cơ sở vật chất hiện đại và phù hợp với các ngành đang đào tạo của nhà trường, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên và sinh viên tiếp cận kiến thức, rèn luyện kỹ năng một cách dễ dàng. Trên cơ sở đó, sinh viên sẽ tìm tòi, sáng tạo ra những cái mới, có tính ứng dụng vào thực tiễn.
Cơ sở vật chất được xác định là một điều kiện quyết định đến chất lượng đầu ra của một cơ sở đào tạo. Điều kiện về cơ sở vật chất đã được quy định trong các văn bản quản lý Nhà nước về việc thỏa mãn tiêu chí để mở ngành đào tạo. Qua việc đánh giá thực trạng về cơ sở vật chất của đa số các cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng khu vực Đông Nam Bộ, chúng tôi nhận thấy có hai vấn đề cốt lõi mà các trường cần thực hiện: quan tâm hệ thống trang thiết bị hiện đại, đáp ứng hoạt động giảng dạy của các ngành; tăng cường hệ thống xưởng thực hành trong các cơ sở đào tạo.
Hệ thống trang thiết bị hiện đại, đáp ứng hoạt động giảng dạy
Về đầu tư trang bị, nhà đầu tư phải xác định rõ yêu cầu, mục tiêu đào tạo như tôn chỉ hoạt động, lĩnh vực đào tạo của đơn vị, để thiết kế cơ sở vật chất phù hợp, đồng thời xác lập hệ thống thiết bị kỹ thuật đồng bộ, đơn giản, thiết thực và hiệu quả, vừa có tác dụng cụ thể vào thực tế xã hội, vừa có tác dụng đón đầu cho học sinh tiếp cận với xu thế phát triển trong tương lai. Từ đó việc mua sắm, lắp đặt sẽ tạo điều kiện tốt cho nhà giáo không ngừng cải tiến phương pháp dạy học, học sinh thích thú tìm tòi học tập theo từng khả năng riêng biệt của mình.
Ngày nay, hệ thống trang thiết bị phục vụ giảng dạy của một cơ sở đào tạo lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng liên quan chặt chẽ với thiết bị công nghệ hỗ trợ. Ví dụ: thiết bị như máy tính và các phần mềm hỗ trợ thiết kế chuyên dụng đều rất quan trọng đối với các ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất; bên cạnh đó, từng ngành lại cần có thêm thiết bị khác như máy in, máy may, các thiết bị kỹ thuật số chuyên dụng, máy móc liên quan tới nghề mộc…
Như vậy, một điểm chung của các ngành đào tạo mỹ thuật ứng dụng là hệ thống công nghệ thông tin. Thực trạng cho thấy, các cơ sở đào tạo đều có một số phòng học với nhiều máy tính được nối internet để học tập. Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, công nghệ phát triển rất nhanh nên hệ thống máy tính tại các trường đều mau chóng trở nên lạc hậu so với thực tiễn (khoảng gần ½ thời gian so với khấu hao 10 năm như quy định chung về tài sản). Để trang bị một phòng học với khoảng 25-30 máy tính, cơ sở đào tạo phải bỏ ra một khoản đầu tư không nhỏ nhưng thời gian khai thác không dài, do phải nhanh chóng nâng cấp để phù hợp với các phần mềm mới được cập nhật liên tục. Kinh phí mua bản quyền của các phần mềm đặc biệt cho từng lĩnh vực cũng rất cao nhưng bắt buộc phải chi trả, ví dụ phần mềm cắt may của ngành Thiết kế thời trang.
Một điều luôn trăn trở của những nhà quản lý các cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng là giải quyết bài toán mâu thuẫn giữa chất lượng đào tạo và kinh phí đào tạo (ở đây, chỉ nói đến kinh phí trang thiết bị khấu hao cho đào tạo). Nếu không thường xuyên trang bị máy móc hiện đại theo kịp với thực tiễn thì sinh viên sẽ chỉ được dạy kiến thức lạc hậu, nhưng để đáp ứng với công nghệ mới nhất thì khấu hao kinh phí cho đào tạo lại cao. Điều này ảnh hưởng tới việc cân đối tài chính của các cơ sở đào tạo (đặc biệt là các trường tư thục). Từ đó xin đưa ra một số giải pháp sau:
Đối với các trang thiết bị có vòng đời hoạt động tuổi thọ cao, ít hỏng hóc, cơ sở đào tạo có kế hoạch trang bị theo lộ trình hoàn thiện từng bước. Điều này rất có ý nghĩa với sự phát triển của sự nghiệp đào tạo và ngân sách hằng năm của một cơ sở đào tạo.
Đối với các trang thiết bị có tuổi đời ngắn như công nghệ thông tin, cơ sở đào tạo có kế hoạch mua sắm một phần hoặc thuê trang thiết bị để phục vụ cho đào tạo. Nhà nước đã có chính sách khuyến khích các đơn vị hành chính công thuê thiết bị công nghệ thông tin nhằm giảm chi phí mua sắm. Những cơ sở đào tạo công được ngân sách nhà nước đầu tư trang bị hệ thống thông tin nên có kế hoạch tận dụng khai thác công năng của thiết bị khi còn chưa lạc hậu. Có thể kết hợp cho các đơn vị khác thuê để tích trữ kinh phí, nhằm tạo điều kiện nâng cấp cấu hình cho máy tính luôn đáp ứng được yêu cầu của phần mềm mới. Đối với những thiết bị thực hành bậc cao, việc đầu tư phải tới hàng tiền tỉ đồng. Vì vậy, sẽ không có nhiều trường đầu tư đủ yêu cầu đào tạo mà phải linh hoạt hợp tác với các các trường khác, có thể đi thuê thiết bị thí nghiệm hoặc liên kết, hợp tác hai chiều.
Hệ thống xưởng thực hành trong các cơ sở đào tạo
Trong một cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng, vai trò của hệ thống xưởng thực hành là rất quan trọng. Điểm theo từng danh mục ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng cho thấy một số máy móc, trang thiết bị cần đầu tư đối với các xưởng gắn với từng nghề như sau:
Ngành Thiết kế đồ họa cần có xưởng với các thiết bị hỗ trợ về thu thập và thiết kế hình ảnh. Ngày nay, việc chụp ảnh để lưu lại thông tin rất dễ dàng với chiếc điện thoại thông minh, tuy nhiên một máy ảnh có ống kính chuyên dụng vẫn đưa lại những hình ảnh tốt hơn nhiều để làm quảng cáo. Hình ảnh, tài liệu, thông tin của các đối tượng quảng cáo khi được thu thập xong, cần xử lý theo ý đồ của tác giả thiết kế bằng các phần mềm trên máy tính. Như vậy, những thiết bị đầu tiên của xưởng có gắn với các công nghệ thông tin. Để cho ra một sản phẩm quảng cáo thoả mãn được các yêu cầu, cần những thiết bị tốt để hỗ trợ trong suốt quá trình sáng tác.
Các máy móc của giai đoạn thứ hai mà xưởng nên có là thiết bị in ấn, từ in lụa, in offset đến in kỹ thuật số, in decal... Thực tế cho thấy, một nhà thiết kế quảng cáo giỏi, luôn có những sản phẩm tốt phục vụ thực tiễn là người am hiểu tường tận về các kỹ thuật in ấn. Sự khác biệt giữa màu sắc trên màn hình vi tính và từng kỹ thuật in, máy in đòi hỏi người thiết kế phải hiểu rõ sự dung sai để điều chỉnh cho đúng với ý tưởng. Việc có xưởng in còn tạo điều kiện cho nhà trường thực hiện rất nhiều các ấn phẩm có liên quan bởi nói đến mỹ thuật là đụng đến hình ảnh và màu sắc. Tuy nhiên, chi phí để đầu tư một xưởng đầy đủ thiết bị in cũng không hề nhỏ.
Ngành Thiết kế thời trang cần tới các thiết bị dựng mẫu, cắt may và thêu chi tiết. Đây là các thiết bị tối thiểu cho sinh viên thực hiện các bộ trang phục theo từng giai đoạn từ dễ đến khó, từ trang phục đơn giản như quần áo trẻ em đến bộ thời trang phức tạp như bộ complet hay đầm dạ hội... Để hỗ trợ tốt hơn cho ngành may, ngày nay đã có các máy may, máy thêu, máy cắt rất hiện đại và chuyên nghiệp, song yêu cầu sinh viên thành thạo kỹ thuật thêu và khâu bằng tay cũng là điều kiện quan trọng để họ có thể ứng dụng trong mọi tình huống.
Trong sự thống nhất của một bộ thời trang khi trình diễn, người thiết kế thường coi nhẹ phần phụ kiện đi kèm như giày dép, túi xách, kẹp tóc... Thực tế, sinh viên rất khó chăm chút cho phụ kiện khi mà xưởng không có phương tiện để hỗ trợ cho họ, vì vậy, một xưởng thời trang nên quan tâm đến các thiết bị tạo phụ kiện.
Ngành Thiết kế nội thất là ngành có liên quan nhiều đến các sản phẩm về đồ gỗ. Sản phẩm nội thất có thể được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau như sắt, nhôm, kính, inox, mây, tre... nhưng đa số bằng gỗ. Căn cứ vào những sản phẩm cơ bản mà từng cơ sở đào tạo có ngành này sẽ trang bị cho xưởng những thiết bị tương ứng. Thực tế, một xưởng nhằm phục vụ cho sinh viên học làm các đồ dân dụng không phức tạp lắm, như bàn ghế, giường, tủ, kệ... cũng không đòi hỏi quá nhiều máy móc với chi phí cao. Yếu tố tích cực ở đây là sinh viên có khả năng tự sáng tác và thực hiện những sản phẩm nội thất có thẩm mỹ và công năng cao, phù hợp với môi trường sử dụng. Điều này sẽ tạo nên sự tự tin để sinh viên đưa vào các đồ án thiết kế của mình những sản phẩm phù hợp nhất, hài hòa với không gian thiết kế. Tuy nhiên, cần chú ý bố trí hệ thống máy móc trong xưởng cho khoa học để tránh ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Ngành Truyền thông đa phương tiện là ngành có sự gắn kết mật thiết với công nghệ thông tin. Các trang thiết bị, máy móc bảo đảm cho thày và trò của ngành giảng dạy, học tập là máy tính với các phần mềm luôn cập nhật mỗi năm. Hỗ trợ cho sinh viên đi sâu vào chuyên ngành là phim trường, phòng thu âm… để thực hiện các sản phẩm đồ án phim ngắn, phim quảng cáo, phim hoạt hình. Các sản phẩm của ngành Truyền thông đa phương tiện như phim quảng cáo, hoạt hình, wesite... luôn gắn với yếu tố mới của các phần mềm được nâng cấp hằng năm. Vì vậy, cơ sở đào tạo phải luôn bổ sung các điều kiện giảng dạy của mình sao cho không lạc hậu với thực tiễn. Bên cạnh đó, việc đưa họ đến thực tập tại các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực có liên quan sẽ tạo cho sinh viên được làm việc, tiếp xúc với thực tiễn.
Ngành Điêu khắc chất liệu và Gốm mỹ thuật là ngành gắn với các nghề truyền thống của Việt Nam. Hệ thống xưởng cho hai ngành này bắt buộc phải đủ rộng để sinh viên học tập và sáng tác ra các sản phẩm từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Hiện nay, công nghệ phát triển đã tác động nhiều đến phương pháp tạo hình của chính các nghề truyền thống, ví dụ: Xưởng điêu khắc công nghệ 4.0 hay còn gọi là điêu khắc kỹ thuật số sẽ bao gồm máy tạo hình tự động như máy in 3D, máy CNC... được điều khiển bằng máy tính. Tuy nhiên, để vận hành trang thiết bị và rèn luyện các thao tác trên máy, sinh viên cần phải có kiến thức và kỹ năng về điêu khắc một cách vững vàng. Vì vậy, việc thực hành trên các chất liệu truyền thống như nặn trên đất là không thể bỏ qua.
Tương tự xưởng điêu khắc, xưởng gốm cũng bao gồm các thiết bị từ đơn giản, như bàn xoay để tạo hình, đến phức tạp, như hệ thống lò nung được điều khiển bằng lập trình. Tại xưởng, sinh viên sẽ được rèn luyện các kỹ năng cần có để tự sáng tác và tạo hình ra các sản phẩm.
Cơ sở vật chất là điều kiện rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Kinh phí để mua sắm máy móc, trang thiết bị gắn liền với từng ngành không nhỏ, chưa kể đến việc cần có một nguồn hằng năm để bảo trì và bổ sung nhằm tránh để xưởng lạc hậu. Việc cải tạo và hiện đại hóa cơ sở vật chất hiện có chưa phải giải pháp cơ bản để giải quyết bất cập về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo. Việc hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp hoặc liên kết của các cơ sở đào tạo trong sử dụng trang thiết bị đào tạo sẽ là giải pháp tiết kiệm về kinh phí và tận dụng được hết công suất thiết bị.
______________
Tài liệu tham khảo:
1. Huỳnh Công Minh, Nhà trường hiện đại: Cơ sở vật chất kỹ thuật một đặc trưng quan trọng!, Báo Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh, ngày 2-3-2019, nguồn: www.giaoduc.edu.vn
2. Trịnh Vĩnh Hà - Trần Huỳnh, Cơ sở vật chất các trường đại học, cao đẳng, báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20-11-2010, nguồn: www.tuoitre.vn
Tác giả: Trần Đình Quả
Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020