Văn hóa giữ nước Việt Nam là sản phẩm của sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đặc biệt là của sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập tự do, bảo vệ cuộc sống lao động hòa bình của nhân dân. Mỗi khi phải tiến hành cuộc đấu tranh chống xâm lược và đô hộ để giải phóng và bảo vệ tổ quốc thì các giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam được phát huy đến đỉnh cao, biến thành sức mạnh vô cùng to lớn, góp phần quyết định vào chiến thắng của dân tộc. Đồng thời, qua khói lửa chiến tranh, các giá trị văn hóa ấy được bổ sung, phát triển và nâng lên tầm cao mới. Giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam rất phong phú và luôn luôn vận động, phát triển cùng với sự vận động, phát triển của xã hội. Trong đó, lòng yêu nước nồng nàn; ý thức cộng đồng, cố kết dân tộc; nghệ thuật đánh giặc độc đáo; tính nhân văn cao cả là những giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam điển hình, tiêu biểu nhất.
1. Lòng yêu nước nồng nàn
Trong hệ thống những giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam thì lòng yêu nước là giá trị tiêu biểu nhất có vai trò chi phối và định hướng phát triển các giá trị khác, cũng như chi phối sự phát triển của văn hóa giữ nước Việt Nam nói chung.
Lòng yêu nước không phải là giá trị tinh thần riêng có của dân tộc Việt Nam. Theo V.I.Lênin, “chủ nghĩa yêu nước là một trong những tình cảm sâu sắc nhất đã được củng cố qua hàng trăm hàng nghìn năm tồn tại của các tổ quốc biệt lập” (1). Tuy nhiên, trong bảng các giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc ta thì chủ nghĩa yêu nước luôn được xếp ở vị trí đầu tiên. Nó trở thành tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị, là động lực tình cảm lớn nhất của đời sống dân tộc, đồng thời là bậc thang cao nhất trong hệ thống các giá trị đạo đức của dân tộc ta.
Yêu nước là tình cảm thiêng liêng của nhân dân ta từ xưa đến nay. Lòng yêu nước có nguồn gốc sâu xa từ ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - tổ quốc. Yêu nước biểu hiện ở khát vọng và hành động luôn đặt lợi ích của tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, là chăm lo xây dựng quê hương đất nước, sẵn sàng chống ách đô hộ và kẻ thù xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ những tình cảm bình dị và gần gũi đối những người ruột thịt, dần dần phát triển thành tình cảm gắn bó với làng xóm, quê hương và cao hơn hết là lòng yêu nước, tự tôn dân tộc.
Chủ nghĩa yêu nước của Việt Nam được sản sinh và nuôi dưỡng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hằng nghìn năm vừa anh hùng vừa bi tráng của dân tộc. Nó được định hình và thử thách trong hoàn cảnh rất đặc thù của dân tộc là luôn phải chống thiên tai và chống ngoại xâm. Có lẽ ít có dân tộc nào mà thời gian chống giặc ngoại xâm lại chiếm tới hơn một phần hai lịch sử của dân tộc. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần dân tộc sâu sắc vẫn tồn tại một cách bền bỉ và tỏa sáng rạng rỡ trên gương mặt tinh thần của cả dân tộc. Lòng yêu nước của nhân dân ta không chỉ là tình cảm mà còn trở thành triết lý sống và thành phương châm ứng xử, chỉ dẫn hành động, khẳng định các giá trị. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam không chỉ là một giá trị, mà điều quan trọng hơn nữa nó còn là cội nguồn, cơ sở của hàng loạt các giá trị khác nhất là các giá trị văn hóa. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam là cơ sở của chủ nghĩa anh hùng, tinh thần đoàn kết, đức tính cần cù, chịu khó, lối sống lành mạnh, lạc quan, yêu đời của nhân dân Việt Nam, làm nên cốt cách Việt Nam.
Chính chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc là nguồn sức mạnh vô địch giúp cho nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi thiên tai, địch hoạ, vững vàng tiến lên phía trước. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được hình thành từ rất sớm, được thử thách và khẳng định qua bao thăng trầm của lịch sử, được bổ sung, phát triển qua từng thời kỳ theo yêu cầu phát triển của dân tộc và thời đại, đã trở thành một trong những giá trị cao quý và bền vững nhất của dân tộc ta.
2. Ý thức cộng đồng, cố kết dân tộc
Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước và là biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước. Chính trong hoàn cảnh luôn luôn phải chống lại giặc ngoại xâm với tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn ta gấp nhiều lần mà truyền thống này được hình thành và củng cố. Bởi vì trong thử thách đầy cam go, khắc nghiệt ấy chỉ có đoàn kết một lòng nhân dân ta mới có sức mạnh để bảo tồn dân tộc, phát triển sản xuất. Cha ông ta đã ý thức sâu sắc rằng “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.
Tinh thần đoàn kết là nguồn sức mạnh to lớn để nhân dân ta đánh thắng mọi thế lực ngoại xâm. Lịch sử dân tộc đã cho thấy rằng bất cứ khi nào chúng ta không thực hiện được đoàn kết toàn dân, trong nội bộ có sự chia rẽ thì sức mạnh đất nước bị suy yếu, kẻ thù dễ dàng chiến thắng, còn đất nước bị đặt trước sự tồn vong. Thất bại của nhà Hồ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh đầu TK XV là một trường hợp tiêu biểu. Còn khi nào nhân dân ta trên dưới đoàn kết một lòng thì cho dù kẻ thù có hùng mạnh đến đâu cũng bị nhân dân ta chặn bước tiến xâm lược. Những trang sử hào hùng và vẻ vang của nhà Trần chống quân Nguyên Mông, của cả dân tộc ta chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ là minh chứng hùng hồn cho chân lý mà Hồ Chí Minh đã tổng kết “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”. Ông cha ta từ xưa đã ý thức rõ rằng với một dân tộc đất không rộng, người không đông chỉ có đoàn kết chúng ta mới có sức mạnh để chiến thắng mọi kẻ thù. Chính vì vậy cha ông ta kiên quyết chống lại chính sách chia rẽ của các thế lực ngoại bang và xu hướng cát cứ của các thế lực phong kiến.
Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng dân tộc sâu sắc là một giá trị truyền thống của văn hóa giữ nước Việt Nam mà ngày nay vẫn cần được giữ gìn và phát huy. Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn khẳng định rằng “đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta” (2).
3. Nghệ thuật đánh giặc độc đáo
Nghệ thuật đánh giặc độc đáo cũng là một trong những đặc trưng nổi bật của giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam. Đặc trưng đó được biểu hiện trong phương thức, phương châm và cách chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Xuất phát từ tương quan so sánh lực lượng, bao giờ dân tộc ta cũng phải đương đầu với những đế quốc hùng mạnh. Đặc điểm đó đòi hỏi chúng ta phải có nghệ thuật quân sự, cách đánh độc đáo. Về phương thức, từ xa xưa, ông cha ta đã biết lấy “cử quốc nghênh địch” làm phương thức chủ yếu, có ý nghĩa bao trùm trong các cuộc khởi nghĩa và tiến hành chiến tranh chống xâm lược; cả nước đánh giặc, toàn dân đánh giặc để giành lại nền độc lập dân tộc. Phương châm cơ bản chỉ đạo xuyên suốt các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc ta là lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh. Nhờ vậy mà dân tộc ta đã biết khoét sâu chỗ yếu của địch, củng cố chỗ mạnh của ta, chuyển hóa dần lực lượng hai bên để cuối cùng ta có đủ thực lực giành thắng lợi. Nghệ thuật đánh giặc độc đáo còn biểu hiện ở cách đánh linh hoạt, thiên biến vạn hóa; kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với các hình thức đấu tranh chính trị, binh vận, ngoại giao. Nghệ thuật đánh giặc độc đáo của ông cha ta không những chỉ có giá trị trong chiến tranh, mà ngay cả thời bình khi Đảng ta xác định đối tượng và đối tác đã thể hiện quan điểm vừa kiên cường, tự chủ, vừa mềm dẻo và linh hoạt. Việc xử lý các tình huống nảy sinh trong tranh chấp lãnh thổ, biển đảo hiện nay cũng cần có những phương pháp linh hoạt, hiệu quả, kiên trì kết hợp đấu tranh trên nhiều mặt. Đó chính là những nội dung mới trong nghệ thuật đấu tranh giữ nước hiện nay.
4. Tính nhân văn cao cả
Bản chất của văn hóa là sáng tạo và nhân văn. Giữ nước là hành động văn hóa vì nó mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Đó là hành động bảo vệ quyền sống, quyền bình đẳng, bảo vệ phẩm giá con người, bảo vệ các giá trị văn hóa, văn minh, lòng tự tôn dân tộc, thể diện quốc gia. Đồng thời giữ nước là chống lại mọi âm mưu và hành động xâm lược, nô dịch, tàn sát, cướp bóc… tức là chống lại cái ác, cái dã man, cái tham lam bất chính, chống lại những gì phản văn hóa, văn minh.
Văn hóa giữ nước Việt Nam được quy định bởi tính chất chính nghĩa của các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Tính chất chính nghĩa của các cuộc chiến tranh là nguồn gốc tạo nên tính nhân văn cao cả trong công cuộc giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ngay từ xa xưa, với tư tưởng quân sự đánh đuổi địch là chính để tránh thương vong lớn cho quân ta, dân tộc ta luôn đề cao những hình thức đấu tranh phi vũ trang. Trong chiến tranh, khi thấy đối phương tinh thần chiến đấu đã nao núng, các nhà lãnh đạo chiến tranh của ta đã chủ động đề xuất ra biện pháp thương lượng để chấm dứt chiến tranh, tạo điều kiện cho quân xâm lược rút về nước an toàn nếu chúng tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Tính nhân văn cao cả còn biểu hiện qua cách đối xử với tù, hàng binh, coi họ cũng là nạn nhân của chiến tranh, hoặc đối xử khoan hồng với những người đã lầm đường làm tay sai cho giặc. Chủ nghĩa nhân văn luôn có giá trị ở mọi thời đại. Trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay càng không thể coi nhẹ giá trị này. Những phẩm chất thủy chung, tình nghĩa, tôn trọng và đề cao giá trị con người… đang là những điều còn trăn trở trong xã hội hiện thời, nền văn hóa mới cần khôi phục, phát huy các giá trị truyền thống mang tính nhân văn đó, làm cho xã hội ngày càng xuất hiện nhiều những giá trị chân - thiện - mỹ.
Có thể nói, văn hóa giữ nước vừa là sự kết tinh của hoạt động giữ nước, vừa là động lực căn bản của công cuộc giữ nước. Những đặc trưng trên luôn tồn tại trong sự thống nhất biện chứng, phản ánh giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc. Những giá trị đó vừa là sự phản ánh công cuộc đấu tranh chống xâm lược, vừa có ý nghĩa định hướng, chi phối nhận thức, tình cảm và hành động của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Nó cho phép dân tộc ta giải quyết được mâu thuẫn giữa một bên là dân tộc nhỏ, người không đông với một bên là những đội quân hùng mạnh, có vũ khí hiện đại.
Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy rằng các giá trị văn hóa giữ nước đã ăn sâu vào máu thịt của con người Việt Nam qua các thế hệ và đó chính là sức mạnh Việt Nam suốt nhiều thế kỷ. Từ khi có Đảng lãnh đạo, các giá trị tốt đẹp của văn hóa giữ nước Việt Nam được khơi dậy và phát triển lên tầm cao mới, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay, do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cũng như do yêu cầu của thời đại mới, những giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam đang có sự biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Chính vì vậy, bên cạnh việc xác định rõ, hiểu sâu sắc những giá trị đặc trưng của văn hóa giữ nước truyền thống Việt Nam thì cần phải nắm bắt được hướng biến đổi của những giá trị này để có những tác động phù hợp nhằm nuôi dưỡng, gìn giữ, phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc, đồng thời không ngừng tiếp nhận có chọn lọc, bổ sung, phát triển những giá trị ấy phù hợp với điều kiện lịch sử mới.
_______________
1. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 29, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.226.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.510.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 - 2018
Tác giả : LÊ HUY TUYNH