Nếu như Anh có bóng đá, Tây Ban Nha có đấu bò tót thì Thổ Nhĩ Kỳ có vật dầu (yagli gures). Đây là nước đầu tiên có môn vật, sau này trở thành một môn thể thao Olympic. Trong vật dầu, đô sĩ đều ở trần và chỉ mặc một loại xà cạp ngắn (kispet) làm từ da trâu, nặng tới 13 cân, che phần thân dưới, đồng thời bôi dầu ô liu trơn khắp người. Các trận đấu diễn ra ở mọi nơi và nổi tiếng nhất, quan trọng nhất tại Edirne, phía tây bắc đất nước, vào cuối tháng sáu hay đầu tháng bảy.
Vật dầu đã được tổ chức lần đầu tiên từ thời quốc vương Ottoman Orhan Gazi. Năm 1346, ông và anh trai là Suleyman Pasha cùng 40 người lính đi chinh phục vương quốc Dardanelles (nằm giữa biên giới Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp). Trên đường về, họ dừng chân tại thị trấn Ahir Kapi Cayiri và tổ chức vật lộn cho vui. Đến cuối ngày, chỉ còn một cặp lính đang đấu, đó là anh em nhà Ali và Selim Pehlivan. Do tới sẩm tối chưa ai thắng, Suleyman Pasha đã ra lệnh dừng trận đấu, hẹn đến lễ hội mùa xuân hàng năm tại Ahirkoy sẽ tổ chức lại, ai thắng sẽ nhận được một chiếc xà cạp. Đến hội, đôi lính lại lao vào vật lộn, rồi chết vì mệt. Toán lính đã chôn xác họ dưới gốc cây đa già, nhưng thật đặc biệt, vài năm sau, ngôi mộ biến mất. Ở vị trí đó, xuất hiện dòng suối nước trong như pha lê, chảy ra bình nguyên. Suleyman Pasha đã đặt tên nơi này là Kirkpinar hay 40 dòng suối dựa theo sĩ số trong toán lính, đồng thời duy trì các cuộc thi vật. Cuộc thi dần trở thành truyền thống của thành phố Edirne, thủ phủ của đế chế Ottoman trong suốt 91 năm, cũng là cuộc thi lâu đời nhất thế giới.
Cho đến nay, vật dầu vẫn được tổ chức quanh năm. Mỗi địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ có một giải thi đấu và trên toàn quốc có khoảng 40 giải lớn. Giải lớn nhất là kirkpinar, diễn ra vào mỗi độ hè với khoảng 1000 đô sĩ, tập trung trong ba ngày để chọn ra quán quân. Bất kể lứa tuổi, vùng miền, tôn giáo đều có thể tham dự. Vì sự hấp dẫn của giải đấu, hàng triệu người đã không kể thời gian, công việc, đi hàng trăm cây số tới xem. Nếu là năm có giải đấu tranh đai vàng thì cùng nhau rước đai vàng qua phố, đi tới đâu là khua chiêng gõ trống đến đó, mang những dàn trống davul, kèn zurna vào khán đài để cổ xúy cho các võ sĩ mình yêu thích. Sự kiện này được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể.
Hàng trăm đô sĩ xếp hàng phía trước bãi cỏ kế với sới vật, hạng nào đứng vào hạng ấy và chờ xướng tên thánh vào sân. Kế thừa truyền thống hào hùng, ban tổ chức đọc các bài thơ để khơi dậy tinh thần thượng võ, sức mạnh của chiến binh Ottoman và Thổ Nhĩ Kỳ. Các đô sĩ hùng hồn, vỗ tay vào hai bên hông giống như một ban nhạc Ottoman vỗ trống và thổi kèn. Sau đó, họ cúi chào mọi người và bôi một hỗn hợp dầu ô liu và nước, giúp thân thể chống lại cái nắng oi bức của tháng sáu, tháng bảy. Họ cũng xoa dầu lên người để đối phương khó túm hơn. Khi ban tổ chức tuyên bố khai mạc trận đấu thì bắt đầu vào sới, 20 cặp một lần. Từng cặp quỳ xuống làm lễ bái tổ, chạy nhảy, khởi động và chào đối phương. Sau lần chào hỏi thứ tư, họ bắt đầu thi đấu. Nhanh như cắt cả hai lao đến, ghì lấy nhau, túm tay, túm chân, thậm chí dúi đầu đối phương xuống đất. Thông thường là túm lấy cạp quần đối thủ để tạo lực kéo hay đẩy ngã đối phương. Ngày nay, các đô sĩ không mặc gì ngoài xà cạp, trước bụng có một miếng thẻ sắt khắc tên, tuổi hay quê quán. Chiếc xà cạp là vật cho phép đô sĩ có thể túm lấy để xô đẩy đối phương. Nếu mất xà cạp trong khi thi đấu thì cũng đồng nghĩa với việc thua trận.
Luật thi đấu vật dầu theo thời gian đã thay đổi ít nhiều, song nhìn chung gần với luật thi đấu tự do thời La Mã và các môn thể thao Olympic. Đô sĩ sẽ thắng khi làm ngã đối thủ xuống nền đất và chạm vai xuống đất hay có thể nâng bổng, nhấc rê đối thủ đi bốn bước. Khi một đô vật trẻ hơn thắng một đô vật lớn tuổi, anh sẽ phải hôn tay người lớn tuổi. Do mình mẩy trơn tuột nên vật dầu cần phải có kỹ năng, sức khỏe hơn người thường, chịu được sức nặng của đối thủ và thời tiết nắng nóng, mồ hôi hay cát bụi bay vào mắt…
Nhà vô địch sẽ được 100 nghìn USD cùng với danh hiệu quán quân (baspehlivan) của năm. Nếu vô địch ba năm liên tiếp sẽ được nhận đai vàng 14 carat, nặng 1,5kg. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ rất kính trọng những nhà vô địch vật dầu. Các em nhỏ luôn xem nhà vô địch là những anh hùng, nhờ đức tính trung thực, lễ nghĩa, rộng lượng… Gần đây, các em đã tôn sùng Ahmet Tasci, người đã đoạt đai vàng Altin Kemer, phần thưởng cao nhất trong môn thể thao đấu vật. Anh vốn là một thợ nề và nay được mệnh danh là ông vua khắp Bosphorus.
Có tất cả 13 hạng đấu tương ứng với các giải đấu. Lớn nhất là giải hạng nặng Bas Pelihvan, giải vừa Basalti, giải trung Buyuk Orta, giải nhẹ K Orta Kucuk… đều được các trọng tài đánh giá không chỉ vì trọng lượng mà còn vì độ tuổi và thành tích. Xưa kia, độ tuổi thi đấu là từ 7 đến 70, nay là 12 tới 40. Ngày thi đấu thứ nhất được dành cho các giải hạng nhẹ, ngày thứ hai và thứ ba là hạng vừa và hạng nặng. Vào ngày thứ ba, ngay cả tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đến xem trận chung kết và trao phần thưởng cho nhà vô địch. Trong ba ngày, người ta dùng tới 100 thùng dầu ô liu tương ứng với hai tấn dầu cho việc bôi trơn. Người trơn, trời nắng, ban ngày nhiệt độ lên tới 40˚C, song các đô sĩ vẫn say mê tranh đấu, trên khán đài vẫn ngợp khán giả hò reo.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014
Tác giả : Chu Mạnh Cường