Đa dạng văn hóa trong ASEAN: Cơ hội, thách thức và những giải pháp gợi ý

Khu vực Đông Nam Á hiện tại đang là tâm điểm thu hút nhiều nhà nghiên cứu trên phạm vi toàn thế giới, không chỉ bởi những chuyển biến năng động về kinh tế mà còn có “lực hấp dẫn” từ các giá trị văn hóa - lịch sử. Khi đề cập đến văn hóa Đông Nam Á, người ta thường nghĩ ngay đến một khu vực thống nhất trong đa dạng hay tương đồng trong dị biệt. Đó là điểm mạnh nhưng cũng là một trong những rào cản đối với tiến trình hội nhập và liên kết ASEAN.

1. Đa dạng văn hóa trong ASEAN

ASEAN hiện bao gồm 10 nước và dẫu các quốc gia đều có chung một cơ tầng văn hóa bản địa: văn hóa cây trồng, văn minh nông nghiệp lúa nước; chung đặc thù phát sinh, phát triển văn hóa trong tiến trình lịch sử... thì trong nguồn chung ấy, văn hóa mỗi nước vẫn có những dòng riêng tạo nên một bức tranh rực rỡ sắc màu. Đó là tính đa dạng của văn hóa. Sự đa dạng văn hóa trước hết thể hiện ở từng nước, sau đó là toàn khu vực. Trong quá trình giao lưu - tiếp xúc với các nền văn hóa bên ngoài, nhiều nước Đông Nam Á đã tiếp thu những yếu tố văn hóa đậm nhạt khác nhau, tạo nên sự đa dạng về văn hóa, nhất là về tôn giáo và tộc người.

Sự đa dạng tôn giáo

Trước hết, cần khẳng định mọi tôn giáo lớn trên thế giới đều có mặt ở Đông Nam Á: Phật giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo... Có thể nhận ra điều này khi nhìn vào bức tranh tôn giáo của một số nước như: Brunei Darussalam: Hồi giáo 63%, Phật giáo 14%, Thiên Chúa giáo 8%, các tôn giáo khác 15%; Campuchia: Phật giáo tiểu thừa 95%, các tôn giáo khác 5%; Indonesia: Hồi giáo 88%, Tin lành 5%, các tôn giáo khác 7%; Lào: Phật giáo 60%, thờ vật tổ 40%; Myanmar: Phật giáo 89%, Thiên Chúa giáo 4%, Hồi giáo 4%, các tôn giáo khác 3%; Philippines: Công giáo La Mã 83%, Tin lành 9%, Hồi giáo 5%, Phật giáo 3%; Thái Lan: Phật giáo 95%, các tôn giáo khác 5% (1)...

Đa dạng về ngôn ngữ - tộc người

Bên cạnh sự đa dạng về tôn giáo thì đa dạng về tộc người cũng là đặc điểm nổi bật ở Đông Nam Á. Hiện nay, trên thế giới có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ 10% trong số đó có bức tranh tộc người đơn nhất (nghĩa là mỗi quốc gia chỉ có một tộc người); còn lại là các quốc gia, vùng lãnh thổ có bức tranh tộc người đa dạng. Song, cấu trúc tộc người đa dạng và phức tạp nhất có lẽ là ở các nước Đông Nam Á. Trước tiên là Myanmar, nước này có rất nhiều tộc người khác nhau cư trú, hơn 130 đơn vị tộc người (theo Vũ Quang Thiện: đây là thiên đường cho các nhà nghiên cứu dân tộc học) (2). Thái Lan có khoảng 40 tộc người với rất nhiều ngành, nhóm địa phương khác nhau. Ở Campuchia, bức tranh tộc người đỡ phức tạp hơn nhưng thành phần các tộc người ở nước này cũng bao gồm hàng chục đơn vị. Lào chỉ khoảng 5 triệu dân nhưng có tới 48 đơn vị tộc người. Đối với Việt Nam, các nhà dân tộc học Việt Nam đã phân loại 54 đơn vị tộc người trên dải đất hình chữ S. Cơ cấu tộc người ở các nước Đông Nam Á hải đảo cũng rất đa dạng. Theo các nhà ngôn ngữ học, ở Indonesia có tới 300 nhóm ngôn ngữ tộc người khác nhau; ở Philippines, có hơn 90 nhóm địa phương thuộc nhiều tộc người khác nhau và ở Malaysia, cơ cấu tộc người bản địa sống rải rác trên khắp các vùng đất.

Nhìn chung, cộng đồng ASEAN có sự đa dạng về văn hóa. Đây là cơ hội song cũng là thách thức đối với mỗi quốc gia và cả khu vực trong quá trình hội nhập, liên kết ASEAN.

2. Cơ hội, thách thức và những giải pháp cho tính đa dạng văn hóa trong ASEAN

Cơ hội

Không ai có thể phủ nhận, sự đa dạng văn hóa trong ASEAN có rất nhiều mặt tích cực như:

Mang lại sự phong phú về bản sắc: Chưa bàn đến các phong tục, tập quán, lễ hội… chỉ riêng về kiến trúc, chúng ta đã bắt gặp một ASEAN đa sắc màu. Bên cạnh những kiến trúc Phật giáo là vô số nhà thờ Thiên Chúa giáo, Hồi giáo... Sự đa dạng văn hóa làm tăng sức hấp dẫn của ASEAN và góp phần quảng bá hình ảnh ASEAN ra thế giới bên ngoài. Đa dạng văn hóa mang lại sự phong phú về bản sắc, gắn kết… đồng thời trao quyền tự quyết cho mỗi quốc gia thành viên trong việc gìn giữ, bảo tồn, quảng bá các di sản văn hóa của mình, nhất là trong bối cảnh hiện nay: nhiều quốc gia trên thế giới đã coi văn hóa như một thứ quyền lực - sức mạnh mềm (soft power) để quảng bá và gây dựng thương hiệu của đất nước. Cái để nhận ra sự khác biệt giữa các quốc gia, các châu lục ngày nay chính là văn hóa. Văn hóa là chiếc thẻ căn cước của mỗi quốc gia (3).

Đa dạng văn hóa là phương tiện hiệu quả để thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và chống lại các định kiến. Đa dạng văn hóa hết sức cần thiết đối với ổn định xã hội, là điều kiện cần giúp các nền văn hóa xích lại gần nhau, học hỏi, chia sẻ, thẩm thấu các giá trị tinh hoa. Trong ý nghĩa như vậy, đa dạng văn hóa bắc một nhịp cầu để các nước hiểu biết lẫn nhau nhằm chống lại các định kiến và sự phân biệt. Hiểu biết lẫn nhau để gắn kết, tạo nên sức mạnh tập thể chống lại các âm mưu chia rẽ đến từ bên ngoài. Điều này hết sức cần thiết đối với sự ổn định xã hội và tạo ra sự đồng thuận trong nội khối.

Đa dạng văn hóa là nguồn lực cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là du lịch, sản xuất hàng thủ công và các ngành công nghiệp văn hóa phụ thuộc phần lớn vào sức sáng tạo và tài sản văn hóa của người dân bản xứ. Đừng quên Đông Nam Á vốn là khu vực giàu có về văn hóa và di sản, hàng năm thu hút lượng lớn khách du lịch nước ngoài đến tham quan, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước.

Thách thức

Bên cạnh sự tích cực thì đa dạng văn hóa cũng đặt ra những thách thức đối với các quốc gia đa tộc người, đa văn hóa trong ASEAN.

Đa dạng văn hóa dễ dẫn đến sự va chạm và xung đột giữa các nền văn hóa. Phải thừa nhận, ở thời điểm hiện tại, sự va chạm văn hóa đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu cũng như trong nội bộ từng quốc gia, dân tộc. Va chạm ấy, có thể xuất phát từ sự khác nhau của các hệ giá trị, chiều sâu tâm linh, tôn giáo hoặc tư tưởng. Thực tế này đã từng diễn ra ở các quốc gia Đông Nam Á - mà biểu hiện cụ thể của nó là xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, xung đột giữa người bản địa và người nhập cư... Tất cả xung đột này dù ngắn hay dài đều để lại những hậu quả hết sức nặng nề đối với đời sống kinh tế - văn hóa - chính trị - xã hội khu vực; thậm chí là môi trường lý tưởng để chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa khủng bố phát triển. Thực tế cho thấy, một số xung đột sắc tộc ở khu vực Đông Nam Á trong những năm gần đây đều liên quan đến những người Hồi giáo. Chẳng hạn như gia tăng xung đột giữa những người Thái theo Hồi giáo với những người Thái theo Phật giáo ở miền Nam Thái Lan; xung đột giữa người Hồi giáo Moro ở Mindanao thuộc miền Nam Philippines với người Cơ đốc giáo; đụng độ giữa người theo đạo Phật và cộng đồng người Rohingya theo đạo Hồi tại bang Rakhine (Myanmar)…

Đa dạng văn hóa tác động đến hội nhập và liên kết ASEAN. Sự đa dạng văn hóa (trong đó chủ yếu là tôn giáo) cũng có những tác động tới quá trình liên kết và hội nhập ASEAN. ASEAN đang nỗ lực hành động để tạo ra tính liên kết ngày càng chặt chẽ hơn. Gần đây, những người đứng đầu Bộ Văn hóa Thông tin Nghệ thuật ASEAN (COCI) đã thiết kế chương trình học về ASEAN ở các cấp - giúp hiểu nhau, hiểu chính mình, tạo tinh thần khoan dung tôn giáo và chấp nhận sự khác biệt. Tuy nhiên, thực trạng xung đột ở Myanmar, Thái Lan, Philippines… chủ yếu do sự kỳ thị tôn giáo - sắc tộc giữa người Hồi giáo và Phật giáo (Myanmar, Thái Lan); người Hồi giáo và Công giáo (Philippines) với chủ nghĩa bá quyền văn hóa tồn tại ở một số quốc gia (đặc biệt ở những quốc gia cộng đồng người Muslim chiếm tỷ lệ cao và trở thành quốc giáo thì chủ nghĩa ly khai vẫn là bài toán nan giải khi chính phủ các nước này muốn giữ đất, giữ người và bản sắc văn hóa của mình.

3. Những giải pháp cho tính đa dạng văn hóa trong ASEAN

Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tính thống nhất và đa dạng trong cộng đồng các dân tộc. Hiện nay, ở Đông Nam Á, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tính thống nhất và đa dạng trong cộng đồng các dân tộc là vấn đề không khó về lý luận nhưng nan giải về thực tiễn đối với những người hoạch định chính sách văn hóa và các nhà lãnh đạo ASEAN. Bởi vì trong bản kế hoạch tổng thể, người ta chỉ thấy các nước chủ yếu tập trung vào chương trình giáo dục nâng cao nhận thức và hiểu biết về sự đa dạng văn hóa, lịch sử, thể chế... của các quốc gia ASEAN trong khi bản sắc chung ASEAN vẫn chưa được xây dựng thành khái niệm rõ ràng. Nói hướng đến mục tiêu “hòa nhập trong đa dạng” thì mặt “đa dạng” vẫn rõ nét hơn mặt “hòa nhập”. Vậy nên, muốn xây dựng một cộng đồng ASEAN lấy nhân dân làm trung tâm; một ASEAN đùm bọc, tương thân tương ái; tạo nên một khu vực đồng thuận thì các nhà lãnh đạo ASEAN phải chuyển sự “đa dạng” về trong “thống nhất” giống như Tầm nhìn ASEAN: Một bản sắc, một cộng đồng. Bản sắc ASEAN là “chất keo” kết dính các quốc gia trong khu vực. Chỉ khi tạo dựng được bản sắc chung thì ASEAN mới hài hòa và bền vững trong phát triển.

Nâng cao tính khoan dung và tôn trọng lẫn nhau giữa các nền văn hóa. Không phân biệt đối xử, kỳ thị hay nói rộng ra, cần có sự đối thoại liên văn hóa, nghĩa là văn hóa của bất kỳ vùng miền nào, dân tộc nào, quốc gia nào cũng cần được tôn trọng như nhau. Không có chuyện “bá quyền văn hóa”, coi văn hóa của mình mới là “đẳng cấp”, có giá trị còn văn hóa của các cộng đồng, dân tộc khác thấp kém, tầm thường. Đây là đòi hỏi khách quan cũng như nguyện vọng thiết tha của nhân dân trong khu vực. Có như vậy mới giúp giảm khác biệt, tạo dựng lòng tin, hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giữa các quốc gia, cộng đồng người. Tất nhiên, để đối thoại văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực có hiệu quả, phải đưa ra những hướng hợp tác cụ thể và thích hợp: khái niệm đối thoại cần được mở rộng, không chỉ dừng ở cam kết chính trị mà cần có các chương trình hành động để biến ý chí chính trị thành thực tế cuộc sống; các chương trình và nội dung đối thoại, hợp tác văn hóa - văn minh cần vươn tới mọi tầng lớp nhân dân; nội dung cũng như hình thức đối thoại cần phong phú, đa dạng; đảm bảo đối thoại theo tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

Nâng cao nhận thức của người dân về ASEAN. Thực tế cho thấy, sau hơn 50 năm thành lập, ASEAN ngày càng được người dân trong khu vực biết tới nhiều hơn song không phải ai cũng có nhận thức đúng và đầy đủ về tổ chức này - kể cả các chuyên gia. Vì vậy, cần tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau để chấp nhận sự khác biệt. Trong bất cứ trường hợp nào, sự hiểu biết cũng là cần thiết nhằm giảm thiểu sự xung đột. Chúng ta có thể làm được điều này với các biện pháp cụ thể sau:

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... các nước ASEAN cần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác văn hóa trong khu vực bằng cách soạn thảo nhiều chương trình, dự án giao lưu văn hóa giữa các quốc gia; các hoạt động giao lưu phải được phổ biến trên khắp các địa bàn dân cư nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tiến tới hình thành cái gọi là bản sắc chung ASEAN.

Xây dựng môn học về ASEAN ở bậc đào tạo đại học và sau đại học (hiện nay chỉ có một số quốc gia như: Việt Nam, Malaysia, Indonesia là có môn học, mã ngành đào tạo này)... Ở Việt Nam, Đông Nam Á học còn là một bộ môn trực thuộc các khoa Đông Phương học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM. Chúng ta đã có các giáo trình, sách chuyên khảo về văn học Đông Nam Á, ngôn ngữ - văn hóa Đông Nam Á, lịch sử Đông Nam Á...

Phối hợp đồng bộ giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Có thể nói, trong xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa như hiện nay, để giải quyết những vấn đề chung thì việc hợp tác giữa các nước ASEAN với nhau, giữa ASEAN với các nước trong khu vực không còn là điều xa lạ. Văn hóa chính là cầu nối trong quan hệ quốc tế của mỗi nước. Để có được sự hòa hợp giữa các quốc gia trong khu vực, bất chấp sự khác biệt về chế độ chính trị, trình độ phát triển cần xem xét sự phát triển và gắn kết của Đông Nam Á dưới góc độ văn hóa.

Kết luận

Chúng ta đang coi trọng sự hợp tác về kinh tế, chính trị và an ninh để xây dựng một cộng đồng ASEAN thống nhất, song, nếu những vấn đề về văn hóa - xã hội, nhất là văn hóa tộc người và những đa dạng, khác biệt không được coi trọng đúng mức, đồng thời đưa ra các biện pháp giải quyết thích hợp thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN ổn định, bền vững và phát triển trong tương lai.

________________________

1. Trần Khánh (chủ biên), Những vấn đề chính trị kinh tế Đông Nam Á thập niên đầu thế kỷ XXI, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006, tr.254-255.

2. Vũ Quang Thiện, Lịch sử Myanma, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005, tr.12.

3. Phạm Đức Dương, Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.11.

TS HÀ THỊ ĐAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

;