Cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng môi trường văn hóa trên mạng internet

Internet ra đời mở ra một thời đại mới trong lịch sử phát triển của nhân loại cùng với sự xuất hiện của xã hội số, kinh tế số, văn hóa số, đời sống số. Không gian mạng hiện đang làm thay đổi căn bản cách thức giao tiếp, làm việc, học tập, vui chơi, giải trí của con người.

Tuy được hòa mạng internet toàn cầu khá muộn (năm 1997), nhưng chỉ sau 25 năm phát triển, đến nay Việt Nam đã thuộc top đầu các quốc gia “năng động nhất về internet”. Theo Báo cáo Digital Việt Nam 2023, tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng internet, tương đương 79,1% tổng dân số (1). Theo We Are Social, người dùng Việt Nam dành khoảng 6 giờ 23 phút để lướt internet mỗi ngày và 5 nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất là: Facebook (91,6%), Zalo (90,1%), TikTok (77,5%), Facebook Messenger (77%) và Instagram (55,4%) (2). Việt Nam luôn nằm trong top 10 quốc gia có lượng người sử dụng Facebook cao nhất, trên cả các nước có công nghệ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc.

 Internet đang mở ra những chân trời mới cho việc tiếp cận, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, đồng thời làm thay đổi mạnh mẽ thị hiếu, thẩm mỹ, tư tưởng, lối sống của họ. Nền tảng mạng tạo điều kiện cho quá trình dân chủ hóa thông tin, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, gia tăng cơ hội bình đẳng cho các nhóm yếu thế, thiểu số, “ngoài lề” trong xã hội. Mạng internet cũng giúp cho quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa diễn ra nhanh chóng, chủ động và đa chiều hơn.

Song, bên cạnh những lợi ích, mặt tích cực không thể phủ nhận như vậy, internet cũng mang lại không ít mặt trái và tác động tiêu cực. Do tính chất tự do, ẩn danh, khó kiểm soát, internet là môi trường thuận lợi cho các chiêu trò lừa đảo, gian lận, phát tán thông tin xấu độc, các sản phẩm văn hóa kém chất lượng, các ứng xử lệch chuẩn, vô văn hóa. Theo khảo sát của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng. Do vậy, việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng để tìm ra các đối sách, giải pháp hữu hiệu nhằm xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh trên internet đang đặt ra cấp thiết.

1. Cơ sở lý luận về xây dựng môi trường văn hóa trên mạng internet

Khái niệm môi trường văn hóa

Cho đến nay, có không ít cách tiếp cận và quan niệm khác nhau về môi trường văn hóa, từ đó dẫn đến việc xác định các nội dung cần thực hiện trong công cuộc xây dựng môi trường văn hóa cũng rất khác nhau.

Về cách tiếp cận, có hướng tiếp cận theo hoạt động, theo điều kiện hoặc theo giá trị, chuẩn mực. Cách tiếp cận theo hướng hoạt động thường nhấn mạnh đến các hoạt động sống của con người, bao gồm hoạt động sáng tạo văn hóa, lưu giữ văn hóa, truyền bá văn hóa, hưởng thụ văn hóa, xây dựng văn hóa... Cách tiếp cận theo điều kiện tập trung vào những điều kiện bao quanh tác động đến con người. Cách tiếp cận theo hướng giá trị xem môi trường văn hóa được hình thành bởi các giá trị mà hoạt động của con người tạo ra và nói đến môi trường văn hóa là nói đến những giá trị, chuẩn mực trong hành vi, ứng xử, lao động, tổ chức, lãnh đạo và quản lý xã hội.

Về nội hàm khái niệm, có cách hiểu môi trường văn hóa theo nghĩa rộng (bao gồm các yếu tố cả vật chất lẫn tinh thần tác động đến con người ), có cách hiểu theo nghĩa hẹp (chỉ giới hạn ở các yếu tố tinh thần như: giáo dục, khoa học, văn nghệ, đạo đức, tôn giáo, triết học, tâm lý dân tộc, tập tục truyền thống...). Có thể thấy, dù ở đây các yếu tố tinh thần được nhìn nhận khá là rộng, nhưng nếu chỉ quan tâm đến khía cạnh tinh thần, mà không chú trọng đúng mức đến khía cạnh vật chất, thì sẽ là phiến diện, chưa đầy đủ khi bàn về môi trường văn hóa.

Tổng hợp từ nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau về môi trường văn hóa, bài viết sử dụng khái niệm môi trường văn hóa như sau: Môi trường văn hóa là tổng thể các yếu tố vật chất và tinh thần tác động đến con người, chi phối mối quan hệ giữa họ với nhau, từ đó ảnh hưởng tới nhân cách và định hướng giá trị của họ.

Những nội dung cơ bản trong xây dựng môi trường văn hóa trên mạng internet

Xuất phát từ các cách hiểu khác nhau về môi trường văn hóa, những nội dung cơ bản cần thực hiện trong xây dựng môi trường văn hóa cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng chủ yếu có thể quy về 2 luồng quan điểm.

Luồng quan điểm thứ nhất, chủ yếu là của các nhà khoa học cho rằng, những thành tố chính của môi trường văn hóa bao gồm: sản phẩm văn hóa, chương trình văn hóa, hành vi văn hóa, thiết chế văn hóa, phương tiện và cảnh quan văn hóa (3). Vì vậy, nội dung xây dựng môi trường văn hóa là tập trung vào xây dựng các thành tố đó.

Luồng quan điểm thứ hai, chủ yếu dựa vào các Nghị quyết về văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII xác định những nội dung cơ bản của xây dựng môi trường văn hóa gồm: Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; Xây dựng nếp sống văn minh; Gia đình, cộng đồng cư dân văn hóa; Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa; Tăng cường hoạt động của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp; Phát triển phong trào quần chúng hoạt động văn hóa, nghệ thuật (4).

Có thể thấy, những nội dung xây dựng môi trường văn hóa nêu trên chủ yếu thiên về các hoạt động tác nghiệp của ngành Văn hóa, gắn với nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa...

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33) tập trung vào việc xây dựng môi trường văn hóa ở các không gian sinh tồn chính của con người là gia đình, nhà trường và xã hội, bên cạnh việc quan tâm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa và các giá trị trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng (5).

Đúc rút tinh thần chính từ các quan niệm, cách hiểu nêu trên, đề tài Luận cứ khoa học về xây dựng môi trường văn hóa do PGS,TS, Bùi Hoài Sơn làm chủ nhiệm xác định 4 nội dung chính trong xây dựng môi trường văn hóa ở Việt Nam bao gồm: Xây dựng thiết chế văn hóa và cảnh quan văn hóa; Bảo tồn và phát huy giá trị phong tục, tập quán; Phát triển sản phẩm, dịch vụ và hoạt động văn hóa; Xây dựng đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử.

Áp dụng khung lý thuyết trên vào không gian internet, có thể thấy, do mạng là một không gian ảo hoàn toàn khác với không gian văn hóa ngoài đời, nên việc kế thừa toàn bộ các nội dung trên là không khả thi. Chẳng hạn, những yếu tố vật thể, trực quan, hữu hình như “thiết chế văn hóa” hay “cảnh quan văn hóa” sẽ không thể hiện diện. Ngoài ra, việc xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng sẽ không thể thành công nếu thiếu công tác quản lý, xây dựng và hoàn thiện thể chế. Bên cạnh đó, cần bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung liên quan. Chẳng hạn, chỉ “bảo tồn và phát huy giá trị phong tục, tập quán” sẽ là chưa đủ đối với đời sống văn hóa phong phú hiện nay, mà phải là “xây dựng các giá trị văn hóa” nói chung, bao gồm cả các giá trị truyền thống và đương đại. Ngoài “đạo đức, lối sống” nên thêm lĩnh vực “tư tưởng” như cách hiểu rộng về văn hóa trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII. Không phải là “xây dựng quy tắc ứng xử” mà phải là “văn hóa ứng xử” vì “quy tắc ứng xử” thiên về các quy định, nguyên tắc làm rõ trách nhiệm và cách hành xử phù hợp trong một tổ chức hoặc không gian nào đó, còn “văn hóa ứng xử” rộng hơn, bao gồm nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử, thể hiện triết lý sống, lối sống, lối suy nghĩ trong các mối quan hệ của con người với xã hội, tự nhiên và bản thân... Do vậy, nhiệm vụ “xây dựng các thiết chế văn hóa” nên thay bằng “hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý”; còn nhiệm vụ “xây dựng cảnh quan văn hóa” nên thay bằng “đảm bảo các yếu tố kỹ thuật - công nghệ, thiết kế, thẩm mỹ”.

Tóm lại, các nội dung chính trong xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng internet sẽ bao gồm: Hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả quản lý liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa trên mạng internet; Phát triển các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động văn hóa trên không gian mạng; Xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống trên môi trường mạng; Xây dựng văn hóa ứng xử và các giá trị văn hóa trên không gian mạng; Tạo dựng các yếu tố kỹ thuật - công nghệ, thiết kế, thẩm mỹ liên quan.

Dựa trên một khung phân tích như vậy, bài viết sẽ tiến hành trình bày một cách khái quát về thực tiễn xây dựng môi trường văn hóa trên mạng internet ở Việt Nam hiện nay.

2. Thực trạng xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng internet ở Việt Nam hiện nay

Công tác hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả quản lý liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa trên mạng internet

Hiện nay, trong lĩnh vực văn hóa nước ta có 5 luật (Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thư viện), 50 Nghị định, 14 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 100 Thông tư, Thông tư liên tịch điều chỉnh trực tiếp. Hệ thống văn bản pháp luật này đã bước đầu tạo được khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ để thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân.

Từ khi internet xuất hiện ở Việt Nam đến nay, Đảng và Nhà nước đã có những ứng phó kịp thời với tình hình mới. Năm 2013, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16-9-2013 về Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 25-12-2013 về Phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet. Năm 2019, Ban Bí thư ra Kết luận số 53-KL/TW ngày 4-6-2019 về việc Chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên internet, mạng xã hội.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội đã ban hành Luật số 86/2015/QH13 ngày 19-11-2015 về An toàn thông tin mạng (Luật An toàn thông tin mạng); Luật số 24/2018/QH14 ngày 12-6-2018 về An ninh mạng (Luật An ninh mạng).

Một số Luật chuyên ngành văn hóa đã được sửa đổi, bổ sung để thích ứng với sự phát triển của internet như: Luật Ðiện ảnh sửa đổi, bổ sung năm 2022; Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022. Luật Thư viện mới được ban hành năm 2019 đã kịp thời cập nhật các điều khoản về thư viện số, lưu giữ, truy cập và khai thác thông tin qua thiết bị điện tử và không gian mạng. Một số luật tiếp tục được đưa vào lộ trình sửa đổi, bổ sung như: Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Xuất bản, Luật Du lịch... Một số luật có chủ trương xây dựng mới như: Luật Nghệ thuật Biểu diễn, Luật Mỹ thuật ngay từ đầu sẽ phải chú trọng đến nội dung văn hóa mạng.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1-3-2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18-1-2016 về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định số 53/2022/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021 về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, có hiệu lực từ ngày 1-1-2023. Nghị định này giúp tăng cường quản lý các dịch vụ truyền hình, nội dung số xuyên biên giới qua nền tảng OTT, tạo mặt bằng pháp lý công bằng giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Để triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021) trong đó có nhiệm vụ “đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa”, nhiều cơ quan, đơn vị đã tiến hành chuyển đổi số và bước đầu phát huy hiệu quả. Một số chương trình chuyển đổi số được Chính phủ phê duyệt như: Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Đề án Trung tâm phát hành phim trực tuyến...

Các chế tài xử lý vi phạm cũng ngày càng được hoàn thiện đảm bảo hiệu lực và tính răn đe. Mọi hành vi vi phạm pháp luật trên mạng đều bị xử lý nghiêm bằng xử phạt hành chính hoặc theo Bộ Luật hình sự. Đơn cử, theo quy định mới nhất, người cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung vi phạm quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 5.000.000-10.000.000 đồng; Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân phạt tiền từ 20.000.000-30.000.000 đồng. Phạt tiền từ 50.000.000-70.000.000 đồng đối với các hành vi: Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm cá nhân; Chủ động cung cấp thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Chủ động cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn... Thậm chí, nếu xác định được chính xác người tung tin đồn sai sự thật và tin đồn đó có tính chất vu khống, theo quy định tại Điều 122 của Bộ Luật Hình sự năm 2015, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Nhìn chung, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng ở Việt Nam ngày càng được kiện toàn để bám sát tình hình thực tiễn phát triển internet. Việc hoàn thiện thể chế góp phần tạo hành lang pháp lý ngày càng chặt chẽ hơn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng.

Bên cạnh việc tích cực sử dụng các biện pháp hành chính, quản lý bằng các định chế của pháp luật, các cơ quan hữu quan cũng tiến hành dùng công nghệ quản lý công nghệ như: sử dụng các giải pháp kỹ thuật, dựng “tường lửa”, “lá chắn” để kiểm soát, giám sát không gian mạng; sử dụng các phần mềm hoặc trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm duyệt, lọc thông tin, ngăn chặn nội dung xấu độc, cảnh báo các sai phạm từ người dùng, tự động mã hóa hoặc gỡ bỏ các nội dung vi phạm...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thể chế hóa và thực thi công tác quản lý liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa trên mạng internet hiện vẫn còn rất nhiều yếu kém, khó khăn. Mặc dù hệ thống văn bản pháp luật có số lượng lớn, song, các nội dung liên quan trực tiếp đến xây dựng môi trường văn hóa trên mạng còn rất hạn chế. Hiệu lực pháp lý và tính quy phạm của các văn bản còn thấp, thiếu những quy định xử sự cụ thể khiến việc xử lý sai phạm còn nhiều lúng túng. Một số nội dung của các văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo nhau, khiến việc thi hành trở nên phức tạp, vướng mắc. Một số lĩnh vực chưa có Luật hoặc Pháp lệnh để điều chỉnh (nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sĩ...), hoặc thậm chí chưa có văn bản điều chỉnh (lĩnh vực văn học, quản lý trò chơi...) làm hạn chế hiệu lực và hiệu quả quản lý.

Việc xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng cũng đang đối mặt với những thách thức to lớn do sự can thiệp, chi phối, “hướng lái” của các “nhà mạng” nước ngoài. Hiện nay, các máy chủ dịch vụ OTT xuyên biên giới đều được đặt ở nước ngoài, nằm ngoài phạm vi kiểm soát của chúng ta, nên rất khó quản lý.

Công tác cấp phép, quản lý bản quyền, kiểm duyệt, kiểm soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn. Cách thức quản lý hiện nay có kết hợp tiền kiểm với hậu kiểm, tuy nhiên, việc xử lý các sai phạm chủ yếu là chạy theo vụ việc, khi báo chí, dư luận đã phản ánh mới bắt tay vào giải quyết. Khi đó các thông tin sai lệch, hành vi phản cảm hoặc tác phẩm có vấn đề đã phát tán rộng rãi trên mạng, rất khó thu hồi. Hoạt động ngăn chặn các thông tin xấu độc, biểu hiện lệch chuẩn, hành vi phản cảm, thiếu văn hóa còn rất lúng túng, bị động.

Nguồn nhân lực quản lý mạng còn nhiều hạn chế, thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa đảm bảo, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, vì vậy, hiệu quả công tác giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng chưa cao. Trên phương diện kỹ thuật - công nghệ, trong điều kiện Việt Nam hiện nay và thậm chí vài năm tới, khả năng ngăn chặn các vi phạm pháp luật chưa được cải thiện nhiều. Hoặc khi chúng ta tìm ra công cụ xử lý một loại vi phạm này thì lại liên tục xuất hiện những loại vi phạm khác thông minh và tinh vi hơn...

(Còn tiếp)

_______________

1. datareportal.com, Digital 2023: Vietnam (Kỹ thuật số 2023: Việt Nam), 13-2-2023.

2. tuvandoanhnghiep.travinh.gov.vn, Vietnam Digital report 2023 (Báo cáo Kỹ thuật số Việt Nam năm 2023), 6-4-2023.

3. Phương Thảo, Một số suy nghĩ về khái niệm, cấu trúc và đặc trưng của “Môi trường văn hóa”, vnq.edu.vn, 25-3-2013.

4. Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tulieuvankien.dangcongsan.vn.

5. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tulieuvankien.dangcongsan.vn.

GS, TS TỪ THỊ LOAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;