Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của sinh viên hiện nay

Mỗi cộng đồng, quốc gia muốn phát triển đều phải đặt ra mục tiêu phấn đấu. Lịch sử nước ta đã chứng minh khi quy tụ được toàn dân tộc vì mục tiêu chung sẽ tạo ra sức mạnh to lớn có thể làm nên những kỳ tích. Phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là khát vọng chung của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện sự nghiệp cách mạng vẻ vang này cần phải huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là vai trò của sinh viên - đội ngũ trí thức to lớn của đất nước. Sinh viên hiện nay đang đứng trước thời cơ và vận hội to lớn, do đó, cần phải bồi dưỡng để sinh viên nắm lấy thời cơ và góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển của dân tộc

Đọc sách truyền cảm hứng hăng say cống hiến trong sinh viên - Ảnh: Hồng Vân

Khát vọng phát triển đất nước là động lực tinh thần, mẫu số chung, mục tiêu chung để quy tụ sức mạnh toàn dân tộc nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, vị thế của quốc gia ngày càng được coi trọng trên trường quốc tế. Khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh ngang hàng với các cường quốc đã được nhân dân ta đặt ra từ nhiều thế kỷ trước như: quốc hiệu, quốc đô thể hiện sự trường tồn, vững mạnh của dân tộc, đặt tên nước là Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt… Suốt thời kỳ bị phong kiến phương Bắc đô hộ, khát vọng của dân tộc ta tập trung ở việc giành độc lập dân tộc, bảo vệ nền văn hóa để chống lại âm mưu đồng hóa. Khi giành được độc lập, xây dựng nhà nước phong kiến, khát vọng của dân tộc ta thể hiện tập trung ở việc giữ vững nền độc lập, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng nước ta bình đẳng với phong kiến phương Bắc. Trong mấy nghìn năm, do bối cảnh lịch sử, nhân dân ta phải liên tục chống chiến tranh xâm lược nên không có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế. Nhìn chung giai đoạn này, việc giữ vững độc lập chủ quyền và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ xuyên suốt.

Từ khi Đảng ta ra đời, đặc biệt, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (1). Những thành tựu này là cơ sở để Đảng ta đề ra khát vọng xây dựng đất nước ở tầm cao hơn, toàn diện hơn. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã tuyên bố về tầm nhìn và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Đó là: “Phấn đấu đến giữa TK XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến giữa năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” (2).

Thanh niên là rường cột của nước nhà. Chẳng thế mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với mong muốn tập hợp những thanh niên Việt Nam ưu tú, giàu lòng yêu nước, đang khát khao tìm đến con đường cứu nước đúng đắn, để xây dựng một tổ chức cách mạng và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về nước. Sinh viên là đội ngũ tiêu biểu, giàu tiềm năng nhất trong lớp thanh niên. Hiện nay cả nước có khoảng 2,4 triệu sinh viên (3). Vận hội phát triển đất nước một phần quan trọng do sinh viên gánh vác. Bởi sinh viên có tiềm năng và lợi thế to lớn về sức trẻ, sức sáng tạo, khát vọng lập thân, lập nghiệp và được trang bị cơ bản về khoa học, kỹ thuật. Sức của một người thì có hạn, nhưng sức mạnh của nhiều người khi được tập hợp thành một khối thống nhất, được tổ chức chặt chẽ thì có thể tạo nên nhiều kỳ tích. Do đó, cần tập hợp, giáo dục sinh viên để họ cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Đào tạo sinh viên toàn diện về đạo đức và tài năng

Đức và tài là hai mặt cơ bản của nhân cách. Sinh viên chỉ có thể góp phần vào sự nghiệp cách mạng khi họ là những con người toàn diện cả đức và tài: “Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người” (4). Thiếu một trong hai yếu tố, sinh viên đều không thể phát huy được tiềm năng cống hiến cho sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bởi vì, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc suy cho cùng là để từng bước xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp cách mạng trước hết cần những con người có đạo đức, đạo đức là gốc của người cách mạng. Thời đại nào cũng cần những con người có tài năng, trí tuệ. Đặc biệt, trong bối cảnh xây dựng đất nước giàu về vật chất, mạnh về tinh thần hiện nay lại rất cần những con người giỏi chuyên môn.

Sinh viên hiện nay đang có điều kiện thuận lợi hơn hẳn các thế hệ đi trước trong việc tiếp thu tri thức, làm giàu trí tuệ và từng bước chiếm lĩnh những đỉnh cao khoa học. Về cơ bản, sinh viên có ý chí, nghị lực tốt trong học tập, rèn luyện, luôn khát khao cống hiến. Tuy nhiên, những mặt trái của điều kiện kinh tế, xã hội đang tác động to lớn đến sinh viên, làm cho một bộ phận sinh viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, mơ hồ về lịch sử, sa ngã vào tệ nạn xã hội, thiếu trách nhiệm với chính bản thân và cộng đồng.

Đào tạo sinh viên toàn diện là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội. Nhà trường, gia đình, xã hội phải cùng chung tay, không khoán trắng trong việc chăm lo, bồi dưỡng sinh viên. Với chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cần phải luôn đồng hành và giúp đỡ sinh viên. Luôn lắng nghe nắm bắt tâm tư, tình cảm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng để kịp thời giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên học tập, rèn luyện. Điều quan trọng, trong nhận thức của mỗi chủ thể cần chú trọng giáo dục sinh viên toàn diện, không nên coi nhẹ mặt nào.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực để sinh viên thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Động lực là yếu tố cơ bản thúc đẩy con người hành động. Khi có động lực phù hợp sẽ kích thích các chủ thể hoạt động với kết quả cao. Bài học từ quá trình đổi mới cho thấy, khi Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách phù hợp sẽ giải phóng được tiềm năng và sự sáng tạo của người lao động. Ngược lại, khi cơ chế, chính sách không phù hợp, lạc hậu với đòi hỏi của thực tiễn sẽ kìm hãm sự cống hiến của các chủ thể. Do đó, ngay trong quá trình sinh viên đang học tập, các bộ, ngành cần tiếp tục hỗ trợ sinh viên, nhất là sinh viên nghèo chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi. Nhà trường cần quan tâm, giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời động viên, chia sẻ về vật chất và tinh thần. Khen thưởng và lan tỏa tấm gương sinh viên tiêu biểu, có thành tích học tập tốt, sinh viên vượt khó học tốt. Nhà trường cần tạo ra nhiều mô hình giúp sinh viên nghiên cứu khoa học. Đây chính là con đường cơ bản, quan trọng để hình thành khả năng tư duy độc lập, phương pháp làm việc khoa học và năng lực làm việc sáng tạo của sinh viên. Bởi vì, đào tạo sinh viên là những người lao động ở trình độ cao, kiến thức trang bị ở nhà trường là cơ bản để sinh viên có thể tự học và giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra từ đòi hỏi của thực tiễn. Chỉ khi hình thành năng lực lao động sáng tạo, sinh viên mới phát huy được lợi thế, tiềm năng của bản thân và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.

Các cấp hội sinh viên cần kết hợp với nhà trường tư vấn, giúp đỡ động viên, khích lệ sinh viên tham gia nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, đẩy mạnh khởi nghiệp. Đồng hành và chia sẻ kinh nghiệm, rủi ro với sinh viên ở chặng đường đầu của quá trình lập thân, lập nghiệp. Ngày 30-10-2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án số 1665/QĐ-TTg “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập. Thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tiếp tục quan tâm, tạo môi trường thuận lợi nhất để hỗ trợ sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Đẩy mạnh tuyên truyền để sinh viên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Sinh viên phải là lực lượng dấn thân mạnh mẽ vào sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tuy nhiên, họ cũng là một trong những đối tượng dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo mạnh nhất. Làm tốt công tác tuyên truyền giúp sinh viên hiểu và tự nguyện cống hiến cho sự phát triển của đất nước, tạo ra trạng thái tinh thần tích cực để sinh viên vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão của bản thân. Thông qua hoạt động tuyên truyền sẽ cổ vũ, khích lệ sinh viên nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, hiểu được bổn phận, trách nhiệm, thời cơ và vận hội của sinh viên trong giai đoạn hiện nay.

Để tuyên truyền hiệu quả, nhà trường, đoàn thanh niên, các cấp hội sinh viên cần hiểu nhu cầu, nguyện vọng, sở thích, tâm lý sinh viên. Sử dụng hiệu quả mạng xã hội, các loại hình văn hóa, nghệ thuật, các diễn đàn, tọa đàm để truyền tải sinh động lý tưởng cách mạng, tấm gương đạo đức, tấm gương vượt khó và những tấm gương có nhiều cống hiến cho xã hội để truyền cảm hứng cho sinh viên. Khi được truyền cảm hứng sẽ thúc đẩy sinh viên nhiệt huyết, hăng say cống hiến, hành động với quyết tâm lớn để thực hiện được những mục tiêu xây dựng đất nước.

Phát huy tính tích cực của sinh viên trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Cách đây 65 năm, ngày 7-5-1958, tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, Bác Hồ đã căn dặn sinh viên: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt lại câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng để sửa chữa khuyết điểm của mình” (5). Trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập, người thanh niên Lý Tự Trọng đã có câu nói nổi tiếng “con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng” thì ngày nay có thể hiểu rằng, con đường của thanh niên nói chung, sinh viên nói riêng là cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Khi đã nhận thấy ý nghĩa xã hội lớn lao, sinh viên sẽ có đủ ý chí và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, lập nên những thành tích to lớn như thế hệ cha ông đã làm trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Sinh viên hiện nay phải dám nghĩ, dám làm, xung kích đi đầu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là phải tiên phong tiến vào khoa học công nghệ. Thành công đến với sinh viên khi họ ý thức được nhiệm vụ cần phải làm, biết xây dựng cho mình kế hoạch phấn đấu phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện, hoàn cảnh gia đình, xã hội. Mỗi năm tháng trên giảng đường là những ngày tươi đẹp và tương lai huy hoàng chỉ đến khi sinh viên kiên trì thực hiện ước mơ và hoài bão, luôn nỗ lực học hỏi, không ngại khó khăn, gian khổ, luôn có ý chí mạnh mẽ và tinh thần vươn lên trong cuộc sống.

Sinh viên hiện nay đang có điều kiện tốt nhất để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc nhằm biến những tiềm năng, lợi thế của sinh viên thành phong trào hành động cách mạng. Đây là một trong những nguồn lực to lớn của đất nước cần được khai thông mạnh mẽ hơn nữa nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước hiện nay.

______________

1. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng (2021).

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.112.

3. Văn kiện Đại hội đại biểu sinh viên toàn quốc nhiệm kỳ 2018-2023, tr.23.

4, 5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.399, 400.

TS PHẠM THỊ THU HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;