Phát triển các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động văn hóa trên không gian mạng
Trong bối cảnh cuộc sống số, môi trường mạng đang tạo những điều kiện thuận lợi cho việc sáng tác, sản xuất, phổ biến và tiêu dùng văn hóa. Blockchain, Big Data, IoT khiến việc quảng bá, sở hữu, thưởng thức văn hóa nghệ thuật có nhiều xu hướng mới. Internet là không gian tự do nhất cho những thử nghiệm văn học, nghệ thuật. Quyền tự do biểu đạt không giới hạn trên không gian mạng khiến các cá nhân có cơ hội tối đa khám phá và thể hiện tài năng, sở trường. Chưa bao giờ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các chương trình, sự kiện văn hóa trên không gian mạng lại bùng nổ như hiện nay. Không ít nhà văn, ca sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim trẻ tài năng của Việt Nam được phát lộ thông qua môi trường này.
Trước hết nói về văn học mạng, khó có thể thống kê hết số lượng các sáng tác công bố trên các website, mạng xã hội, blog cá nhân, diễn đàn tiếng Việt, các mục văn học, lịch sử văn học... Tiêu biểu có thể kể đến các tác giả đã khẳng định tên tuổi trên không gian mạng như: Trần Thu Trang, Trang Hạ, Gào, Keng, Born, Kawi Hồng Phương, Nguyễn Ngọc Thạch... với những tác phẩm dậy sóng trong cộng đồng mạng về những đề tài nhạy cảm của thế giới thứ ba, đồng tính, mại dâm... Bên cạnh đó, có rất nhiều gương mặt trẻ mới bước vào sáng tác như: Nguyễn Dương Quỳnh Anh, Lạc Ngân Thiên, Bạch Tử, Đặng Hằng, Bùi Đình Huệ, Nguyễn Tâm, Hồ Nguyên Trừng… với hàng trăm tác phẩm và thể loại khác nhau, thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng.
Nhiều nhà văn, nhà thơ đã nổi danh trên văn đàn cũng nắm bắt được xu thế văn học trên mạng, tạo dựng trang web riêng để quảng bá tác phẩm như: Vương Trí Nhàn (vuongtrinhan.blogspot.com), Nguyễn Ngọc Tư (nguyenngoctu.net), Phong Điệp (phongdiep.net), Trần Thu Trang (sachcuatrang.com; tranthutrang.net)... Với sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi, văn học mạng ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, đời sống văn học nước nhà sôi động hơn với những cuộc tranh luận, phản biện sôi nổi, thẳng thắn trên mạng.
Trong lĩnh vực âm nhạc, internet là môi trường lý tưởng để giới làm nghề phổ biến, quảng bá sản phẩm âm nhạc, còn công chúng được thoải mái thưởng thức chúng. Việc dễ dàng tạo một kênh riêng trên YouTube khiến mọi người dần chuyển sang phát hành MV thay cho DVD. Nhiều MV thu hút hàng triệu lượt nghe chỉ trong thời gian ngắn. Rất đông nhạc sĩ chuyên nghiệp hiện chọn internet làm kênh phân phối các sáng tác mới như: Khắc Việt, Nguyễn Hải Phong, Hoàng Tôn, Mr. Siro... Âm nhạc đang chiếm lĩnh một phần quan trọng trên không gian mạng và trở thành lĩnh vực được nhiều người Việt Nam quan tâm khi gia nhập vào không gian này.
Đối với lĩnh vực điện ảnh, theo số liệu thống kê của Cục Điện ảnh năm 2022, có hơn 400 website tiếng Việt với kho phim lên tới hàng chục ngàn bộ phim trong nước và quốc tế. Ngoài những phim được số hóa từ phim chiếu rạp rồi đưa lên mạng, công chúng có thể tiếp cận với phim truyền hình rất nhanh chóng và thuận tiện. Hiện nay, xuất hiện một hình thức điện ảnh mới đặc trưng của thời đại internet là: phim chiếu mạng (web drama, web series). Trào lưu làm phim này xuất hiện ở các nước châu Á và du nhập vào Việt Nam từ năm 2010. Web drama và web series là những bộ phim lẻ hoặc nhiều tập được làm và phát hành thông qua các kênh trực tuyến, chủ yếu là YouTube. Những nhóm tiên phong làm phim chiếu mạng ở Việt Nam là BB & BG (2012), Thích ăn Phở (2013), FAPtv (2014). Nhiều bộ phim thu hút được số lượng khủng khán giả như: 5S online, Kem xôi TV, Mùa hoa oải hương năm ấy, Kim chi cà pháo, Tiệm bánh hoàng tử bé, Biên tập ký ức, Hạnh phúc của hai người đàn ông... Năm 2017, web drama âm nhạc La La School đã nhanh chóng đạt hơn 160 triệu lượt xem, trong đó tập cuối của phim đạt hơn 3 triệu lượt xem chỉ sau 24 giờ. Bộ phim Thập Tam Muội của Thu Trang thu về hơn 115 triệu lượt xem cho tổng 3 tập phim. Phim Bố già phiên bản điện ảnh của Trấn Thành năm 2021 cũng lấy cảm hứng từ bộ phim chiếu mạng cùng tên đình đám trước đó. Tập cuối của bộ phim đã thu hút hơn 11 triệu lượt xem chỉ sau 24 giờ phát trên YouTube.
Trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, việc đưa tác phẩm lên mạng cũng trở thành hình thức chủ đạo trong giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Khoảng 10 năm trở lại đây, không chỉ các nghệ sĩ được đào tạo bài bản mà cả những người không chuyên cũng quan tâm nhiều hơn đến mỹ thuật, nhiếp ảnh trên mạng. Nhiều website, facebook cá nhân, hội nhóm đã ra đời như: Art 60+ (với 4.490 thành viên), Vietnam Art Space (hơn 9.400 thành viên), Viet Art Now (hơn 4.200 thành viên)… Đặc biệt, nhóm All about Art and Artist có hơn 132.000 thành viên gồm các họa sĩ toàn cầu đăng tranh và công chúng thưởng thức tranh. Trên trang web của nhóm hiện có rất nhiều tranh của họa sĩ Việt Nam. Môi trường mạng tạo điều kiện cho họa sĩ và người thưởng thức dễ dàng trao đổi, gặp gỡ nhau, người sưu tầm, mua tranh có thể tương tác trực tiếp với họa sĩ, qua đó chia sẻ kinh nghiệm, thông tin rất thuận lợi.
Với sự phổ biến của máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại thông minh, việc đưa tác phẩm nhiếp ảnh lên mạng trở nên ngày càng dễ dàng. Số lượng hội nhóm, người yêu nhiếp ảnh tăng cao nhanh chóng. Đơn cử, vnphoto.net được thành lập năm 2005 bởi một nhóm nhỏ người Việt Nam yêu nhiếp ảnh, đến nay đã có hơn 22.000 thành viên trên khắp thế giới. Đây là nhóm có cơ sở dữ liệu bằng tiếng Việt lớn nhất về máy ảnh số, kỹ thuật chụp ảnh và thư viện ảnh. Xomnhiepanh.com cũng là một diễn đàn nhiếp ảnh lớn khác ở Việt Nam, ra đời từ năm 2005. Hiện diễn đàn có hơn 170.000 thành viên với trang Facebook page có hơn 73.000 người theo dõi. Tại đây lưu giữ một thư viện ảnh khổng lồ và những bài viết trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật nhiếp ảnh, lý thuyết thẩm mỹ, tổ chức các cuộc thi nhiếp ảnh lớn... (6).
Nhìn chung, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng có xu hướng chuyển dịch sang môi trường số. Các chương trình biểu diễn không khán giả được phổ biến rộng rãi thông qua nền tảng trực tuyến, mạng xã hội và đạt hiệu quả cao. Các tổ chức nghệ thuật tích cực xây dựng các sản phẩm số, quảng bá phim, tranh, ảnh, dịch vụ văn hóa trên nền tảng số. Đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia các khâu sáng tác, phổ biến, lưu hành tác phẩm trên không gian mạng ngày càng đông đảo.
Môi trường mạng góp phần đa kênh hóa, đa dạng hóa phương thức hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của người dân, đồng thời làm thay đổi mạnh mẽ nhu cầu, thị hiếu, gu thẩm mỹ của họ. Nếu trước đây, họ phải trực tiếp đến các thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, viện bảo tàng, triển lãm để tiếp xúc với tác phẩm thì hiện nay, họ có thể đọc sách điện tử, trùm chăn tại nhà xem phim, thưởng thức các chương trình nghệ thuật trực tuyến, tham quan bảo tàng ảo, tham gia các diễn đàn, hội, nhóm sở thích...
Tuy nhiên, do những khó khăn về kỹ thuật, công nghệ trong hoạt động quản lý, nên không gian mạng cũng được ví như cái chợ trời tự do với đủ loại vàng thau lẫn lộn, tràn ngập các sáng tác dễ dãi, tầm thường, thậm chí là dung tục, phản cảm.
Trong lĩnh vực văn học, đó là sự xuất hiện của nhiều tác phẩm văn học mạng chất lượng thấp, những tiểu thuyết ngôn tình rẻ tiền, các tản văn ba xu, những sáng tác dưới mác văn học dân gian hiện đại đầy rẫy những giễu nhại, tiếu lâm vô văn hóa. Nhiều ấn phẩm bị cấm lưu hành ngoài thị trường lại được lan truyền thoải mái trên mạng. Việc sử dụng ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ thời @ một cách tùy tiện đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự trong sáng của tiếng Việt.
Trên mạng tràn ngập các video tự chế, các phim tự biên tự diễn chủ yếu khai thác cảnh nóng, sa đọa, giật gân, các phim xã hội đen, giang hồ, xăm trổ. Rất phổ biến là các phim hài nhảm có nội dung gây cười dung tục... Một số nhà phê bình điện ảnh đã đúc kết công thức chung của các bộ phim đình đám trên mạng là: giang hồ, bạo lực, hài nhảm. Đối với một bộ phận công chúng nghiêm túc, đó chỉ là những phim câu khách, rẻ tiền, ít tính giáo dục, nhưng đối với nhiều công chúng bình dân, chúng rất được ưa chuộng, chào đón. So với phim chiếu rạp, những phim này thường đạt được lượng người xem cao vì lưu hành lâu trên mạng.
Trong lĩnh vực âm nhạc, đó là đủ loại các thể nghiệm như: nhạc chế, nhạc mix, ca khúc giễu nhại, chủ yếu được đăng trên YouTube, Tiktok. Nhiều bài hát có âm nhạc hay, ca từ đẹp, nội dung nghiêm túc bị chế thành các bài hát dung tục, phản cảm. Lợi dụng công nghệ mới, rất nhiều nhạc sĩ nghiệp dư, ca sĩ hội chợ dựa vào kỹ thuật kích âm, phần mềm công nghệ cho ra những sản phẩm thảm họa.
Nghệ thuật biểu diễn có không ít chương trình, buổi diễn, game show chất lượng kém. Hiện tượng hát nhép, lợi dụng kỹ xảo, chiêu trò sân khấu đánh lừa người xem diễn ra phổ biến. Nhiều chương trình làm nhạc bằng kỹ thuật số, công nghệ chỉnh âm mang tới những sản phẩm rởm, ngôi sao ảo.
Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, đó là trào lưu chụp ảnh nude thiếu thẩm mỹ, khoe thân, ảnh độc lạ, săn xác tử thi, chế ảnh trong ảnh, cắt ghép “râu ông nọ cắm cằm bà kia” mang đến không ít tiếng cười, nước mắt cho những người trong cuộc.
Lĩnh vực mỹ thuật cũng tràn ngập những sáng tác “tự do chủ nghĩa” không theo một quy chuẩn thẩm mỹ nào. Nhiều sáng tác khó hiểu, đánh đố người xem, không đưa ra được những thông điệp văn hóa nghiêm túc.
Có thể nói, không ít trong số các sản phẩm đó chỉ xứng đáng là rác phẩm, nhưng nhờ tiểu xảo lăng-xê, lạm dụng công nghệ, cộng với tâm lý đám đông, chúng dễ dàng thu hút đông đảo công chúng truy cập. Tiêu chí làm nghệ thuật thương mại hiện nay được giới làm nghề tổng kết trong 3 chữ S: Sốc - Sex - Sến. Theo đánh giá của giới lý luận phê bình, hiện nay những tiểu thuyết mạng đình đám, những bộ phim giật gân, câu khách, những bài hát sến nhiều khi lại có sức hấp dẫn đại chúng hơn những tác phẩm, chương trình nghệ thuật tâm huyết, được đầu tư công phu bởi các văn nghệ sĩ đích thực. Tình trạng này rất đáng báo động, nếu không được kịp thời chấn chỉnh sẽ góp phần tạo nên một loại công chúng có gu thẩm mỹ xoàng xĩnh, thế giới tâm hồn nghèo nàn, thị hiếu kém cỏi và những nhận thức sai lệch về chân, thiện, mỹ. Điều đó về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tốt lành của văn hóa dân tộc.
Xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống trên không gian mạng
Nhờ những nỗ lực, cố gắng cả từ phía Nhà nước, giới văn nghệ sĩ lẫn cộng đồng, việc kiến tạo môi trường văn hóa trên không gian mạng đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận, từ đó có tác động tốt tới việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống con người.
Thông qua nền tảng internet, việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều so với các phương tiện truyền thông truyền thống. Không gian mạng khuyến khích các tầng lớp dân chúng quan tâm đến các vấn đề thời sự của đất nước, biểu lộ tinh thần dân chủ, ý thức công dân, trách nhiệm cá nhân... Đặc biệt, giới trẻ thường không quan tâm lắm đến đời sống chính trị, xã hội theo kiểu truyền thống, nhưng lại tỏ ra đặc biệt gắn bó và có trách nhiệm trên môi trường mạng. Trong tay những người trẻ có nhiệt huyết, internet trở thành công cụ hữu hiệu giúp họ mở rộng tầm nhìn về những vấn đề xã hội, chính trị, biến họ thành những công dân có trách nhiệm với xã hội, đất nước.
Tính tương tác cao của mạng internet cũng góp phần lan truyền, quảng bá, khuyến khích cái tốt, cái đẹp, việc tử tế, người tử tế. Rất nhiều hành động cao cả, tấm gương người tốt, việc tốt được lan truyền nhanh chóng trên mạng, truyền cảm hứng, khích lệ mọi người vươn tới những giá trị cao đẹp của chân, thiện, mỹ. Các hoạt động từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ cưu mang đồng bào vùng thiên tai, bão lụt, đại dịch COVID-19... góp phần củng cố và phát huy truyền thống trọng đạo lý, nhân nghĩa của người Việt Nam.
Mạng internet cũng là công cụ tốt để kịp thời điều chỉnh đạo đức, lối sống của người dùng mạng. Những sự việc, biểu hiện phi đạo đức, phản nhân tính như bạo hành phụ nữ, trẻ em, người già, các hành xử vô văn hóa khi bị đưa lên mạng luôn hứng chịu sự phản ứng gay gắt của cộng đồng mạng, đồng thời buộc các cơ quan pháp luật phải nhanh chóng vào cuộc.
Nền tảng internet cũng góp phần đa kênh hóa, đa dạng hóa phương thức tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của người dân, qua đó tạo nên lối sống lành mạnh, tích cực, giảm bớt các tệ nạn xã hội.
Không gian mạng tạo điều kiện thể hiện năng lực cá nhân, đảm bảo quyền tự do, dân chủ của con người, qua đó tạo môi trường cho tự do tư tưởng, tự do hành động. Kho tàng kiến thức rộng lớn trên mạng cũng góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy một xã hội học tập, giúp con người phát triển toàn diện, không ngừng tự hoàn thiện bản thân.
Tuy nhiên, không gian mạng cũng là môi trường thuận lợi để những hành vi lệch chuẩn, ứng xử vô văn hóa hoành hành. Xuất hiện những trò giải trí, tiêu khiển bệnh hoạn như trào lưu săn xác, săn rau, chợ tình di động, quảng bá lối sống buông thả, suy đồi.
Những hiện tượng tiêu cực tràn ngập trên mạng như lừa đảo, bẫy tình, cứu nét, môi giới mại dâm, tội phạm tin học, các cảnh đấm đá, đâm chém trong phim hành động, tiểu thuyết kiếm hiệp, game online... kích thích những hành vi côn đồ, bạo lực, phi đạo đức... Các thông tin cướp, giết, hiếp, chuyện vô luân, đồi bại nhan nhản trên mạng khiến con người trở nên chai sạn, vô cảm, suy giảm lòng tin vào nhân tính, vào luân lý và những điều tốt đẹp của xã hội. Đơn cử hiện nay trên mạng phát tán không ít clip quay cảnh nam, nữ sinh đánh nhau, các tai nạn giao thông thương tâm, nhưng xung quanh mọi người chỉ bàng quan đứng nhìn, trong đó có cả người quay clip, mà không mảy may giúp đỡ họ.
Môi trường mạng cũng đang ảnh hưởng đến tư tưởng, nhận thức, lẽ sống của nhiềungười, nhất là thế hệ trẻ, góp phần phân hóa và hình thành nhiều quan điểm sống khác nhau: thực dụng, hiện sinh, sống gấp, hưởng lạc; ích kỷ, lạnh lùng, vô cảm, bàng quan; đơn giản hóa, giải thoát mọi ràng buộc, để tư duy nghỉ ngơi; hư vô chủ nghĩa, hoài nghi tất cả; tự do khám phá và thỏa mãn bản thân... Tất cả những lối sống đó đã phần nào làm phân tán, lu mờ lối sống tốt đẹp, tích cực cần có ở con người.
Xây dựng văn hóa ứng xử và các giá trị văn hóa trên không gian mạng
Văn hóa ứng xử là các biểu hiện hành xử của con người trong mối quan hệ vớitự nhiên, xã hội và bản thân. Văn hóa ứng xử được biểu hiện qua thái độ, ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi, cách thức xử lý vấn đề... phản ánh tính cách, trình độ hay sự giáo dục của con người. Người ứng xử có văn hóa là người lịch thiệp, lễ độ, biết đối nhân xử thế, hiểu mình hiểu người để hành xử đúng đắn, văn minh.
Hiện nay, văn hóa ứng xử trên không gian mạng ở Việt Nam không thiếu những biểu hiện tốt đẹp, những hành xử văn minh. Cuộc sống số, văn hóa số tạo điều kiện hình thành những cách biểu hiện mới về văn hóa ứng xử. Những nét hay nét đẹp trong ứng xử giữa người với người, nhất là người khuyết tật, người già neo đơn, cơ nhỡ, trẻ vô gia cư hay những hành động nhỏ bé nhưng ý nghĩa trong các sinh hoạt thường ngày được lan tỏa rất nhanh trên không gian mạng, từ đó truyền cảm hứng, nhiệt huyết cho những người khác. Còn những hành vi lệch chuẩn, ứng xử phản cảm thì bị cộng đồng mạng lên án, phê phán, đồng thời các cơ quan công quyền phải nhanh chóng xử lý, từ đó góp phần định hình các khuôn mẫu, chuẩn mực xã hội để điều tiết, chấn chỉnh các cá nhân và cộng đồng.
Các sản phẩm văn hóa, hoạt động và chương trình văn hóa, những biểu hiện tốt đẹp trong văn hóa ứng xử trên mạng góp phần hình thành và củng cố các giá trị văn hóa truyền thống như: tinh thần nhân ái, nghĩa tình của văn hóa Việt Nam, truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “chị ngã em nâng”; những biểu đạt mang đậm bản sắc dân tộc trong các sáng tác văn hóa nghệ thuật. Không gian mạng cũng tạo điều kiện cởi mở tiếp thu và bổ sung những giá trị văn hóa mới của thời đại như: tinh thần dân chủ, bảo vệ nhân quyền, tuân thủ pháp luật, khoan dung văn hóa, cộng sinh cộng tồn, tôn trọng sự khác biệt...
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít vấn đề đáng báo động về văn hóa ứng xử trên không gian mạng, có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường văn hóa. Hiện tượng đề cao thái quá cái tôi dẫn tới những lệch lạc trong ứng xử, lợi dụng môi trường mạng để đánh bóng tên tuổi. Những hình ảnh nóng bỏng, kích động tràn ngập mạng xã hội gây nên những hiệu ứng xấu, tạo sự bắt chước, làm theo trong thanh thiếu niên. Nhiều người trẻ ngày càng trở nên háo danh hơn trên mạng xã hội. Họ thích phô diễn bản thân, thể hiện “tôi khác người”, “tôi đặc biệt” để thoả mãn “cơn khát hào quang ảo tưởng”, trong khi chẳng quan tâm gì đến những vấn đề nghiêm túc của cuộc sống, đến tình hình chính trị, xã hội của đất nước.
Xuất hiện những biểu hiện vô văn hóa trong ứng xử với người khác như: bôi nhọ, xúc phạm cá nhân, gieo tin đồn thất thiệt, triệt hạ đối thủ, ném đá hội đồng, bóc phốt, đấu tố, bắt nạt trên mạng... Trong thái độ ứng xử với tự nhiên là các hành vi dã man tra tấn sinh vật, vật nuôi để làm video clip, xâm hại cảnh quan môi trường trong các lễ hội...
Ứng xử vô văn hóa còn thể hiện trong cung cách ăn mặc, lời ăn, tiếng nói. Tràn ngập mạng xã hội là những hình ảnh ăn mặc thiếu vải, khoe thân, thậm chí cả ở những chốn tâm linh tôn nghiêm. Không hiếm những lời nói khiếm nhã, tục tĩu, thô lỗ được công nhiên phô bày trong các comment, status. Nhiều người không ngần ngại sử dụng những từ ngữ khó nghe, vô văn hóa để “đả thương”, xúc phạm, dìm hàng người khác. Xuất hiện những thánh chửi diệu nghệ có hàng ngàn người theo dõi. Kết quả khảo sát của Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS) của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho thấy, 78% người được hỏi tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội, tập trung ở: nói xấu, phỉ báng (61,68%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,59%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76); kỳ thị tôn giáo (15,09%) (7).
Tạo dựng các yếu tố kỹ thuật - công nghệ, thiết kế, thẩm mỹ phù hợp
Xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng, ngoài các yếu tố thuộc về nội dung, còn cần quan tâm đến những yếu tố hình thức, thiết kế, kỹ thuật, công nghệ liên quan. Đặc điểm của truyền đạt thông tin trên mạng là truyền thông đa phương tiện (multimedia) có sự kết hợp giữa văn bản với âm thanh, màu sắc, hình ảnh tĩnh, hình ảnh động... Do vậy, để xây dựng môi trường văn hóa đúng nghĩa trên không gian mạng cũng cần coi trọng việc thiết kế mỹ thuật, đồ họa phù hợp, có tính thẩm mỹ cao, tuân thủ các tiêu chuẩn chung về văn hóa, giáo dục, đạo đức.
Hiện nay, cùng với tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học, công nghệ, phương diện thiết kế mỹ thuật trên không gian mạng cũng có sự phát triển ngoạn mục. Các thiết kế ngày càng đẹp hơn, cầu kỳ, bắt mắt, hấp dẫn hơn. Từ giao diện của các website đến các bài viết, video clip, chương trình nghệ thuật đều rất sinh động, mới lạ. Việc sử dụng các biểu trưng, ký hiệu, hình ảnh minh họa rất đa dạng, tươi mới, lôi cuốn người dùng. Bên cạnh ứng dụng 2D, hiện nay ứng dụng 3D được sử dụng phổ biến, tiết kiệm thời gian cho khâu thiết kế và tăng sự sinh động hấp dẫn cho các video clip, phim, quảng cáo, games.
Trên không gian mạng cũng không tránh khỏi tình trạng tự do vô tổ chức về thiết kế, thẩm mỹ, lạm dụng công nghệ. Nhiều website sử dụng các thiết kế độc lạ, những thử nghiệm thái quá dẫn đến sự rối loạn thẩm mỹ, rối rắm khó hiểu hoặc những hình ảnh phản cảm, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, các tiêu chuẩn chung về đạo đức và văn hóa.
3. Kết luận
Đời sống số, xã hội số, văn hóa số buộc chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề mới nảy sinh. Hiện nay, hầu như tất các phương diện của cuộc sống thật đều có mặt trên mạng và thậm chí nhiều người sống, sử dụng thời gian trên mạng nhiều hơn ngoài đời thực. Điều đó đỏi hỏi chúng ta phải có những điều chỉnh, thích ứng, thay đổi phù hợp. Cùng với việc xây dựng môi trường văn hóa ở ngoài đời thực chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng.
Với tính chất không gian ảo, con người ảo, việc xây dựng môi trường văn hóa trên mạng internet đang gặp rất nhiều khó khăn. Công tác chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa trên mạng hiện được đặt ra ở tất cả các khâu: thể chế, nguồn lực, nội dung, công cụ, cách thức, giải pháp. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là chúng ta không làm được.
Để phát huy những mặt tích cực của không gian mạng và khắc phục những mặt trái của nó, rất cần tới sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bộ, ngành liên quan cũng như vai trò của các gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
(tiếp theo số 539 và hết)
__________________
6. Từ Thị Loan (chủ biên), Internet và sự tác động đến văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2019, tr.141-142.
7. Hoàng Phương, Gần 80% người dùng mạng xã hội là nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét, vnexpress.net, 12-4-2017.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Văn Bính, Xây dựng môi trường và hoàn thiện các chuẩn mực văn hóa, Nxb Quân đội nhân dân, 2013.
2. Mai Hải Oanh, Bàn về môi trường văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 334, 4-2012.
3. Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tulieuvankien. dangcongsan.vn.
4. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tulieuvankien.dangcongsan.vn.
5. Phương Thảo, Một số suy nghĩ về khái niệm, cấu trúc và đặc trưng của “môi trường văn hóa”, vnq.edu.vn, 25-3-2013.
6. Tổng cục Chính trị, Nuôi dưỡng giá trị văn hóa trong nhân cách người chiến sĩ quân đội nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.
7. Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới về lượng người dùng Internet, doanhnhantrevietnam.vn, 8-12-2022.
GS, TS TỪ THỊ LOAN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023