Chuyện mùa dịch lên phim

Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, VFC đã có ngay bộ phim Những ngày không quên (đạo diễn NSƯT Danh Dũng và Trịnh Lê Phong) - là phiên bản đặc biệt cho sự kết hợp của hai bộ phim Về nhà đi con và Cô gái nhà người ta với những câu chuyện mang tính chất tuyên truyền phòng chống dịch. Ðợt giãn cách xã hội năm nay, VFC gấp rút sản xuất bộ phim Ngày mai bình yên xoay quanh những câu chuyện mùa dịch để vừa giúp khán giả giải trí, vừa tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch trong nhân dân. Ngay sau khi Hãy nói lời yêu kết thúc, bộ phim truyền hình Ngày mai bình yên sẽ tiếp sóng VTV3 vào 21h40 các ngày thứ 5, 6 hằng tuần, bắt đầu từ ngày 12/8.

Do bộ đôi NSƯT đạo diễn Vũ Trường Khoa và NSƯT Hoàng Tích Thiện làm đạo diễn, Ngày mai bình yên là câu chuyện xảy ra trong bối cảnh toàn xã hội gặp nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài. Theo đạo diễn, NSƯT Vũ Trường Khoa thì từ ý tưởng xây dựng kịch bản đến việc triển khai sản xuất bộ phim Ngày mai bình yên tương đối gấp. Bởi vậy, từ đội ngũ biên kịch, biên tập đến quay phim, diễn viên đều phối hợp rất ăn ý. Ðặc biệt, công sức của nhóm biên tập và biên kịch gồm Lại Phương Thảo - Diệu Linh - Phượng Diễm được đạo diễn đánh giá cao bởi việc nắm bắt được tinh thần nhanh, triển khai kịch bản gấp rút đóng vai trò quan trọng xây nên nền móng để cả ê kíp cùng thực hiện sao cho kịp tiến độ sản xuất và lịch phát sóng.

 Biên kịch Lại Phương Thảo tiết lộ chỉ có mấy ngày để hình thành khung kịch bản với nhiệm vụ đặt ra là vừa phải đảm bảo tính giải trí khi người dân đang thực hiện giãn cách, ở nhà xem phim, đồng thời bộ phim cũng phải đảm bảo được tính tuyên truyền, nâng cao công tác phòng chống dịch.

Ngày mai bình yên được hình thành ngay trong thời gian TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ. Phim là những câu chuyện được cập nhật từ thực tế đời sống trong những ngày cả nước gồng mình chống chọi với đại dịch COVID-19. Không chỉ là câu chuyện của một gia đình, những tình huống trong phim còn điển hình cho nhiều gia đình mà dịch bệnh và giãn cách xã hội là cơ hội để họ được gần nhau để thấu hiểu và yêu thương, gắn kết với nhau hơn. Hào hứng với câu chuyện đầy ý nghĩa nhưng đoàn làm phim cũng phải đối mặt với nhiều thử thách về thời gian, cường độ và điều kiện ghi hình khó khăn.

 

"Làm phim trong bối cảnh thực hiện giãn cách, chúng tôi quyết tâm rất lớn, khắc phục khó khăn: đảm bảo đủ 5K, vượt qua thời tiết nắng nóng. Mọi người đều lo lắng, nhưng đây là nhiệm vụ góp phần tuyên truyền cho nhân dân cả nước chống dịch”.

NSND Trung Hiếu

 

 Ngày mai bình yên có nội dung thời sự xoay quanh gia đình ông Phát với những câu chuyện hàng ngày trong cuộc sống thời dịch bệnh ở thành phố. Trên nền bối cảnh chung là toàn xã hội gặp nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, gia đình ông Phát - một giám đốc doanh nghiệp xây dựng, cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

 Là chủ một doanh nghiệp xây dựng, ông Phát vừa phải chật vật, căng mình để duy trì hoạt động công ty, tìm cách lo liệu trả lương cho nhân viên, vừa phải làm quen với “trạng thái bình thường mới” khi phải ở nhà thường xuyên, không còn bận rộn với công việc như bao năm qua. Từ khi sống gần như cả ngày cùng vợ con ở nhà, “đụng độ” thường xuyên với hai cô con gái: Trà - con gái cả mất việc làm ở công ty du lịch, còn Mai Khôi - cô gái út ở độ tuổi mới lớn cũng ở nhà học online, ông Phát mới thấy cuộc sống quá ồn ào, phức tạp. Tưởng rằng khi thực hiện giãn cách, công việc bên ngoài tạm dừng, cả nhà sẽ có nhiều thời gian bên nhau để gắn kết và tình cảm hơn. Nhưng chính vì ở gần nhau nhiều, sự khác biệt về quan điểm sống của mỗi thành viên trong gia đình lại khiến mâu thuẫn liên tục nảy sinh.

Trong khi bà Trúc, vợ ông Phát luôn cố gắng tìm mọi cách để kết nối, giúp không khí trong gia đình bớt căng thẳng thì chính lúc này, dì Mai - cô em gái mãi không chịu lớn của Trúc lại liên tiếp gây chuyện bằng những dự án “khởi nghiệp” mùa dịch. Mọi chuyện thậm chí trở nên rắc rối hơn khi bố và em trai ông Phát từ quê lên và bị mắc kẹt lại thành phố bởi quy định giãn cách xã hội.

“Bất đắc dĩ” phải sống chung cùng nhau dài ngày, đại gia đình liên tiếp phát hiện ra nhiều bất đồng quan điểm, những khoảng cách thế hệ và cả những bí mật lâu nay bị che giấu.

Biết bao tình huống dở khóc dở cười xảy ra nhưng cũng chính lúc này, các thành viên trong gia đình ông Phát lại mở lòng với nhau hơn, cảm nhận sâu sắc hơn về sự sẻ chia, thấu hiểu. Tình hình dịch bệnh khó khăn cũng là lúc cả gia đình có cơ hội nhìn thấu được tình cảm của nhau, nhận ra giá trị của tình yêu, của tình người ấm áp. Ðó cũng là dịp để mọi người trong gia đình cùng cảm nhận đầy đủ về tình thân và nghĩa đồng bào.

Bộ phim đan xen nhiều hình ảnh xúc động như câu chuyện những người phụ nữ chung tay nấu suất ăn thiện nguyện mang cho lực lượng chống dịch tuyến đầu, những người công nhân tình nguyện giảm lương, chậm lương để giúp công ty đang bên bờ vực phá sản, sự giúp đỡ chân tình của những người hàng xóm trong khu phố thời dịch bệnh…

Bên cạnh những câu chuyện gia đình vừa đời thường vừa hài hước, phim còn lồng ghép các biện pháp phòng chống dịch, mang lại những giây phút giải trí đầy ý nghĩa cho khán giả trong những ngày giãn cách xã hội.

Khá lâu mới trở lại màn ảnh nhỏ, NSND Trung Hiếu vào vai ông Phát. Anh chia sẻ: “Làm phim trong bối cảnh nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách, chúng tôi quyết tâm rất lớn. Khi nhận lời mọi người đều lo lắng cho an toàn làm phim, nhưng đây là nhiệm vụ góp phần tuyên truyền cho nhân dân chống dịch, cho nên chúng tôi quyết tâm khắc phục tất cả khó khăn: đảm bảo đủ 5K, hạn chế tiếp xúc, vượt qua thời tiết nắng nóng”. Có thể nói, không chỉ có dịch bệnh, việc đi lại hạn chế mà thời tiết nắng nóng cũng chính là những rào cản mà cả đoàn phim phải vượt qua.

Với nội dung bám sát hơi thở cuộc sống thực tế, diễn xuất chân thật của dàn diễn gạo cội kết hợp cùng dàn diễn viên trẻ cũng là điểm hấp dẫn của Ngày mai bình yên. Cùng với NSND Trung Hiếu trong vai một người đàn ông gia trưởng, vì hiếu thắng mà gây tổn thương cho người khác, vừa đáng giận nhưng cũng rất đáng yêu còn có sự xuất hiện của NSND Quốc Trị đảm nhận vai ông Ðại - bố ông Phát và NSƯT Tiến Minh trong vai Chiến - em trai ông Phát tạo nên tuyến truyện thú vị. Tình cảm nhưng chưa biết bày tỏ cách yêu thương, dịch bệnh đã giúp ba bố con tưởng như luôn khắc khẩu xích lại gần nhau và nhận ra rằng họ chưa bao giờ hết yêu thương nhau.

Trong vai bà Trúc - vợ ông Phát, diễn viên Thuý Hà diễn tả một người phụ nữ vô cùng khéo léo, tâm lý, biết cương nhu đúng lúc, trong khi đó Kiều Anh có một vai diễn khác lạ khi hóa thân thành dì Mai vừa bốc đồng vừa thực dụng. Dàn diễn viên trẻ đều là những gương mặt khá tươi mới như Kiều My, Quang Trọng, Tố Uyên…

Khai thác nhiều tình huống đời thường trong xã hội thời dịch bệnh, xem phim Ngày mai bình yên khán giả sẽ cảm nhận những tình cảm ấm áp của từng nhân vật trong phim. Từ đó củng cố và lan tỏa niềm tin với thông điệp lạc quan: Vượt qua những ngày giông bão, chắc chắn bình yên sẽ tới!

Tác giả: Minh Trang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 472, tháng 8-2021

;