Chào cờ

Chào cờ, hát Quốc ca là một nghi lễ thiêng liêng thể hiện lòng tự tôn dân tộc và sự đoàn kết gắn bó của mọi người trong mỗi quốc gia. Đó cũng niềm tự hào và trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc, với nhân dân.

Trong tất cả các sự kiện, dù lớn hay nhỏ, những hoạt động chính trị, xã hội của một cơ quan, một tổ chức, một địa phương… nằm trong khuôn khổ chính thể Nhà nước, chúng ta đều phải thực hiện nghi thức chào cờ. Nghi thức này liên quan tới nhiều nội dung chuẩn bị: phải thực hiện trong một không gian trang trọng, có trang trí theo quy định (trên lễ đài có cờ đỏ sao vàng, tượng Bác Hồ, khẩu hiệu…). Trong bài viết này, tôi chỉ bàn đến một vấn đề: ngôn ngữ trong lễ chào cờ cần phải thực hiện thế nào cho đúng.

Tham dự nhiều sự kiện có nghi thức này, tôi phát hiện ra sự thiếu thống nhất trong việc sử dụng ngôn từ.

Thông thường, sau khi nói chủ đề sự kiện (hội nghị, đại hội, lễ kết nạp Đảng, lễ nhận danh hiệu do Đảng, Nhà nước hay cơ quan Đảng, Nhà nước trao…) chúng ta đều thực hiện nghi thức chào cờ, hát Quốc ca.

Người chịu trách nhiệm công tác tổ chức (dẫn chương trình) đứng ra điều khiển lễ chào cờ, sẽ đưa ra các hiệu lệnh. Thứ tự là: “Xin mời các quý vị đại biểu (và toàn thể đại hội…) chỉnh đốn trang phục và đứng dậy chuẩn bị chào cờ”; “Đề nghị quý vị và đại biểu hát Quốc ca” (theo nhạc hoặc không theo nhạc)… Tiếp đó, người lĩnh xướng sẽ dõng dạc hô: “Tất cả chú ý! Nghiêm! Chào cờ! Chào!”. Sau khi có dự lệnh và động lệnh, các đại biểu sẽ bắt đầu hát hoặc đứng nghiêm, nhìn về quốc kỳ và lắng nghe cho hết bài hát. Khi bài hát vừa dứt, người lĩnh xướng hô tiếp: “Thôi! Xin mời các quý vị và các đại biểu ngồi xuống (hoặc “an tọa”)”.

Cũng có trường hợp, với sự kiện liên quan tới các đối tượng khác nhau, có thể thêm nghi thức. Chẳng hạn, với các tổ chức Đảng, sau khi hát Quốc ca sẽ có động lệnh tiếp “Quốc tế ca!”, với các hoạt động của thanh niên, thiếu niên sẽ là “Đoàn ca!”, “Đội ca!” và kết thúc là lời tuyên thệ (Ví dụ: “Vì Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại, sẵn sàng!”)…

Nhưng trong nhiều trường hợp, người trong ban tổ chức chịu trách nhiệm điều hành lễ chào cờ đã đưa ra các phát ngôn chưa đúng quy định. Có người chỉ hô “Nghiêm! Chào cờ!” (không có động lệnh “Chào!”), cũng không có động lệnh tiếp theo “Quốc ca!” để mọi người bắt đầu hát (cho đều và đúng nhịp). Có nơi lại có một cách điều hành khác lạ, thay vì hô “Chào cờ! Chào!” thì lại nói “Lễ Kỷ niệm (hay Đại hội) của chúng ta bắt đầu!” và Quốc ca sau đó cứ thế nổi lên. Có trường hợp, người trong ban tổ chức lại quá kính trọng một số nhân vật VIP đến dự, nên sáng tạo thêm nội dung lời mời: “Xin kính mời (đồng chí Nguyễn Văn A...) và toàn thể quý vị đứng dậy làm lễ chào cờ”. Thực tế, lúc đó, không cần có sự phân biệt trong khán phòng. Tất cả những người có mặt đều bình đẳng như nhau trước lá cờ Tổ quốc. Chỉ khi thực hiện xong nghi thức chào cờ, đến mục tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu thì mới cần xướng tên và chức danh các vị đại biểu quan trọng và các vị khách quý. Lại có trường hợp, đến khi kết thúc, có người lại nói: “Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Trần Văn B… và toàn thể các quý vị. Xin kính mời đồng chí… và quý vị an tọa”. Chào cờ là trách nhiệm của mỗi công dân và mỗi công dân phải có bổn phận thực hiện, sao lại cám ơn ở đây?

Nếu sự kiện phải có nghi thức chào cờ thì khi kết thúc, phải có nghi thức hạ cờ. Lẽ ra phải hô “Hạ cờ! Chào!” thì rất nhiều nơi lại lặp lại “Chào cờ! Chào!”. Hai tình huống khác nhau cần phải sử dụng hai hiệu lệnh khác nhau.

Có lẽ, đối với mỗi người, tùy từng hoàn cảnh công việc, dù ít dù nhiều, chúng ta cũng có lúc thực hiện nghi thức chào cờ. Nghi thức quen thuộc này thực ra rất đơn giản, đã được quy định trong các thông tư hành chính, thiết tưởng ai cũng có thể hiểu và nhập tâm. Vậy mà đây đó, vẫn xảy ra hiện tượng thực hiện một cách không thống nhất, làm mất đi sự tôn nghiêm, tính trang trọng của nghi thức.

 

Tác giả: Phạm Văn Tình

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 - 2019

 

;