Thi thoảng chúng tôi ghé thăm ông – võ sư cao cấp Nguyễn Quang Tâm, trưởng môn phái Thiếu Lâm Mai Hãn, Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền Quảng Trị. Trưa nắng vàng, bên chén chè xanh, ông từ tốn kể về chặng đường phát triển của võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Trị.
Võ sư cao cấp Nguyễn Quang Tâm, Trưởng môn phái Thiếu Lâm Mai Hãn ở tỉnh Quảng Trị
Những trận đả lôi đài dậy sóng
Đôi mắt ông ánh lên khi những kỷ niệm về năm tháng thanh xuân sôi nổi võ thuật của mình… ùa về. Năm 1968, sau một thời gian dài “chinh chiến” khắp các võ đài ở Đông Dương, võ sư Trương Minh Hiếu trở về quê hương Quảng Trị và cùng với võ sư Trần Văn Hoa lập ra võ đường Mai Hãn (tên ghép lại từ 2 địa danh núi Mai Lĩnh - sông Thạch Hãn) để truyền dạy võ thuật cho thanh thiếu niên địa phương.
Võ đường Mai Hãn được thành lập năm 1968 thì đến năm 1969, cậu học trò 14 tuổi Nguyễn Quang Tâm (sinh năm 1955) cùng hai sư huynh sư đệ Đỗ Văn Tứ, Lê Bá Phục ghi danh theo học. Trải qua những năm tháng khổ luyện, ba huynh đệ Nguyễn Quang Tâm, Đỗ Văn Tứ, Lê Bá Phục từng bước khẳng định tên tuổi trong làng võ Quảng Trị với những trận đấu võ đài “dậy sóng”.
Nếu như võ sư Đỗ Văn Tứ (nguyên Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền Quảng Trị) nổi tiếng với những đòn chân nhanh, mạnh, cao thì võ sư Nguyễn Quang Tâm lại nổi tiếng với những đòn chỏ sắc lẹm.
Võ sư Nguyễn Quang Tâm nhớ lại: Khoảng những năm 1980, đoàn biểu diễn võ thuật Minh Hải của võ sư Hoàng Tùng, Hoàng Bá - một đoàn võ thuật nổi tiếng lúc bấy giờ quy tụ nhiều võ sĩ danh tiếng dừng chân tại Quảng Trị. Tại đây, đoàn vừa biểu diễn, vừa tổ chức đánh đài, thách đấu với các võ sĩ địa phương.
Trong đoàn võ thuật Minh Hải lúc ấy, có một võ sĩ rất mạnh có biệt danh Hắc Hổ đến từ tỉnh Sông Bé (tỉnh Bình Dương, Bình Phước hiện nay). Võ sĩ này trước đó đã liên tục hạ gục hàng loạt võ sĩ từ Bắc đến Nam trên suốt chặng dừng chân của đoàn. Tại Quảng Trị, võ sĩ Hắc Hổ cũng đưa ra lời mời thách đấu với các võ sư, võ sĩ Quảng Trị.
Không thể để mất mặt trước hàng nghìn khán giả nhà, sau cuộc thảo luận của giới võ thuật Quảng Trị, võ sĩ Nguyễn Quang Tâm – biệt danh “Tâm chỏ kiềng” được cử lên “phá đài”.
Vào trận, võ sĩ Hắc Hổ nhờ lợi thế cao hơn nên chủ động áp sát tấn công bằng những đòn đấm đá đá liên hoàn, dồn võ sĩ Quang Tâm vào góc đài để “ăn tươi nuốt sống”. Tuy vậy, nhờ bộ pháp nhanh nhẹn nên võ sĩ Quảng Trị liên tục thoát khỏi vị trí bất lợi và giữ được thế trận vững vàng. Trước sự áp đảo của võ sĩ Hắc Hổ, hàng nghìn khán giả lo lắng cho võ sĩ Nguyễn Quang Tâm vì sợ “gà nhà” không trụ nổi đến hết hiệp một.
Thế nhưng trong khi đang quá mải mê tấn công thì vùng hàm võ sĩ tỉnh Sông Bé bất ngờ bị hở ra. Chỉ chờ có thế, đòn chỏ cắm sở trường của võ sĩ Quang Tâm đột ngột phóng ra cắm thẳng vào mặt của võ sĩ Hắc Hổ khiến anh này gục xuống.
Võ sư Hoàng Tùng, Hoàng Bá dưới đài chết lặng khi thấy “Hắc Hổ” bị bại trận một cách nhanh chóng. Chiến thắng của võ sĩ Quang Tâm đã làm hàng nghìn khán giả Quảng Trị theo dõi trận đấu tối hôm ấy vỡ òa vui sướng.
Đây chính là một trong số những trận “đã lôi đài” đỉnh cao của võ sư Nguyễn Quang Tâm thời trai trẻ. Có thể nói, đấu võ đài là đam mê ăn sâu vào máu của võ sư Nguyễn Quang Tâm, sở thích này cũng có khi gây ra những chuyện dở khóc dở cười.
Số là, vào khoảng năm 1986, võ sư Nguyễn Quang Tâm cùng sư đệ - võ sư Lê Bá Phục (hiện là Phó Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền Quảng Trị) vào Đồng Nai để thăm thầy Trần Văn Hoa. Tuy nhiên, do mải chơi và không tìm được địa chỉ nhà thầy nên cuối cùng số tiền hai anh em mang theo cạn kiệt.
“Lúc ấy, tại Biên Hoà có một võ đài dựng lên và quy tụ khá đông võ sĩ tham gia thi đấu. Hết tiền, bí quá nên anh Phục gợi ý tôi đến xin ban tổ chức cho tham gia thi đấu một trận để kiếm ít lộ phí đi đường. Ngỡ tưởng anh thanh niên Quảng Trị có máu liều thích lên võ đài thử chơi nên ban tổ chức đồng ý luôn”, võ sư Nguyễn Quang Tâm nhớ lại.
Sau đó, Ban tổ chức vô cùng bất ngờ khi anh thanh niên lạ lẫm kia với cặp chỏ sắc lẹm đã lần lượt hạ gục từng võ sĩ của đoàn. Đến lúc này, đoàn võ thuật mới biết người thách đấu chính là một võ sĩ thứ thiệt nên đã ngỏ lời mời anh tham gia vào đoàn. Võ sĩ Nguyễn Quang Tâm đồng ý và tiếp tục thi đấu thêm nhiều hôm nữa. Mọi chuyện chắc vẫn còn tiếp diễn nếu như không có chuyện võ sư Trần Văn Hoa phát hiện ra học trò của mình ngoài quê vào và “đang làm mưa làm gió” ở đây. Võ sư Trần Văn Hoa đã đến tận nơi lôi 2 cậu học trò của mình về nhà và mắng một trận xối xả.
“Cụ giận lắm, hỏi ai cho phép mà tự tiện đi đánh võ đài, lỡ có chuyện chi thì răng. Hai anh em chỉ biết im lặng nghe cụ chửi. Sau rồi mình cũng khai thật do tìm không ra nhà cụ với hết tiền nên đành phải làm vậy. Cụ trách hai anh em vào sao không nhờ người quen trong này dẫn đường về nhà mà tự ý đi tìm. Rồi cụ cũng nguôi giận bỏ qua, còn kêu hết tiền thì cụ cho tiền đi về chứ cấm quay lại đánh võ đài nữa”, võ sư Nguyễn Quang Tâm kể lại.
Ông Nguyễn Quang Tâm (áo trắng) luôn quan tâm động viên, giúp đỡ các võ sư trẻ về chuyên môn
Một đời nghiệp võ
Hơn 40 năm qua đi, võ sĩ trẻ Nguyễn Quang Tâm năm nào giờ đã là ông nội, ông ngoại của các cháu và là trưởng bối của hàng chục võ sư, hàng trăm huấn luyện viên võ thuật cổ truyền Quảng Trị. Sau khi kết thúc sự nghiệp đấu võ đài với những chiến tích lẫy lừng, ông lui về phía sau với vai trò người thầy để truyền lại tinh hoa võ thuật cho lớp đàn em, con cháu.
Sau hơn 40 năm, cùng với 2 võ sư Đỗ Văn Tứ và Lê Bá Phục, võ sư Nguyễn Quang Tâm đã nỗ lực gây dựng phát triển trở lại phong trào luyện tập võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Trị vốn đã thoái trào vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Đồng thời, ông cũng đã góp phần lớn công lao gây dựng vị thế cánh chim đầu đàn của môn phái Thiếu Lâm Mai Hãn trong làng võ cổ truyền Quảng Trị.
Võ sư Nguyễn Quang Tâm chia sẻ: “Cũng có những lúc anh em bất đồng quan điểm. Nhưng sau cùng, vì sự phát triển của võ cổ truyền tỉnh Quảng Trị nên anh em lại ngồi với nhau, gạt bỏ đi cái tôi của mỗi người để hướng đến mục đích chung gìn giữ và trao truyền tinh hoa võ thuật cổ truyền.
Với tôi, môn phái cũng giống như ngôi nhà, phải có người đối nội lo bên trong và cũng phải có người đối ngoại lo bên ngoài thì mới phát triển bền vững được. Mình không giỏi đối ngoại thì có anh Tứ, anh Phục lo việc đó. Thực sự, võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Trị có được sự phát triển như bây giờ, mình và các anh ấy cũng mừng và mãn nguyện lắm rồi”.
XUÂN THI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 543, tháng 8-2023