Đội Bóng chuyền xã Quảng Tùng hiện nay - Người đội mũ là HLV Nguyễn Hừng Đông
Xác định hoạt động thể dục thể thao có vai trò rất quan trọng, nhằm nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần của người dân, những năm qua, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã vận dụng nhiều giải pháp phù hợp, thúc đẩy phong trào thể dục thể thao quần chúng khá hiệu quả. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao sức khoẻ, rèn luyện thể chất, đảm bảo yêu cầu phát triển con người một cách toàn diện; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, hạn chế các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Trong đó, xã Quảng Tùng nằm bên hữu ngạn sông Roòn, thuộc nhóm xã có phong trào mạnh của huyện Quảng Trạch.
Chúng tôi về thôn Di Luân, thăm gia đình ông Nguyễn Hừng Đông (sinh năm 1959) và bà Phạm Thị Cảnh (sinh năm 1961) - một gia đình văn hóa - thể thao có nhiều đóng góp cho phong trào của địa phương và của huyện nhà. Tại đây, chúng tôi được nghe một câu chuyện khá lý thú, về “thiên tình sử” của ông bà thuở mới yêu nhau. Điều chúng tôi cho là lý thú, lại bắt nguồn chính từ công tác văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở, đã kết nối, xe duyên cho họ trở thành vợ chồng. Đó là vào những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước, với lòng đam mê từ người cha, anh thanh niên Nguyễn Hừng Đông vừa trở thành cây văn nghệ, vừa là cầu thủ bóng đá, bóng chuyền của xã Quảng Tùng. Cách đấy không đầy cây số, có cô thôn nữ Phạm Thị Cảnh ở làng biển Cảnh Dương, là chiến sĩ Trường Sơn vừa trở về từ tuyến đường Hồ Chí Minh. Cũng từ chiếc nôi truyền thống của gia đình (anh trai cô là vận động viên từ trong quân đội) cô vừa hăng say hoạt động văn nghệ, vừa là cây “đập” dứt điểm tốt nhất của bóng chuyền Cảnh Dương. Cho đến nay, nhiều người dân ở làng biển này còn nhớ như in hình ảnh cô Phạm Thị Cảnh, lúc đơn ca bài “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” của nhạc sĩ An Thuyên, cùng những cú “tung người” nhẹ tênh và bàn tay “đập”, như “cắm” trái bóng xuống trước mặt các vận động viên đội bạn.
Thế rồi, anh thanh niên Kẻ Phường(1) và cô thôn nữ Kẻ Xã(2) cùng có mặt trong một Liên hoan thể dục thể thao toàn huyện. Đây là dịp để trai Phường, gái Xã gần gũi, tìm hiểu nhau. Sau Liên hoan, họ tiếp tục qua lại và dần dà mến tiếng quen hơi, được hai bên gia đình đồng ý, họ cùng nhau đi tới hôn nhân.
Những năm sau, họ có với nhau ba người con, hai trai và một gái út. Vốn có truyền thống đam mê từ cha mẹ nên bắt đầu từ tuổi thiếu niên đến lúc trưởng thành, những người con của họ đều rất hăng hái trong hoạt động văn hóa thể thao. Hai con trai Nguyễn Viết Nam và Nguyễn Viết Quang, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, trở thành những vận động viên bóng đá, bóng chuyền của xã, của huyện. Bản thân ông Nguyễn Hừng Đông, sau nhiều năm là vận động viên giàu kinh nghiệm, giờ được giao làm huấn luyện viên bóng chuyền của xã và của Hội Người cao tuổi. Ngoài việc tích cực tìm tòi cầu thủ, phát hiện hạt nhân cho phong trào, ông còn rất nhiệt tình trong việc vận động nhân dân và các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ kinh phí, phục vụ việc tổ chức các giải đấu. Vợ ông, bà Phạm Thị Cảnh nhiều năm là Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Di Luân. Hiện bà là Phó Ban Liên lạc, Phó Ban Nữ công Bộ đội Trường Sơn huyện; đồng thời là vận động viên bóng chuyền nữ của Hội Phụ nữ, vận động viên bóng chuyền hơi của Hội Người cao tuổi xã. Ngoài ra, bà còn rất nhiệt tình trong các Hội diễn nghệ thuật quần chúng, được đánh giá là giọng hát có sức truyền cảm lớn trong nhân dân. Con gái của gia đình, Nguyễn Thị Tố Anh là vận động viên tích cực của Đội Bóng chuyền nữ xã Quảng Tùng, thành viên Đội tuyển Bóng chuyền nữ huyện Quảng Trạch, từng tham gia Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Quảng Bình năm 2021-2022.
Với những thành tích của các thành viên, gia đình ông Nguyễn Hừng Đông và bà Phạm Thị Cảnh đã có hàng chục năm được công nhận Gia đình Thể thao cấp xã và năm lần đạt Gia đình Thể thao cấp huyện. Trong xu thế phát triển thể dục thể thao như hiện nay, từ lòng đam mê truyền thống của những người đi trước, cả 5 thành viên trong gia đình ông bà vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động, đưa phong trào của quê hương ngày càng đi lên.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tùng cho biết: “Trong lĩnh vực thể dục thể thao, gia đình ông Nguyễn Hừng Đông và bà Phạm Thị Cảnh luôn đi đầu, nêu tấm gương cho các hộ gia đình trên địa bàn thôn Di Luân và xã Quảng Tùng. Trong gia đình, từ cha mẹ, đến các con trai, gái rất tích cực tham gia luyện tập thể dục thể thao, đặc biệt là bóng chuyền và đi bộ. Hằng năm, gia đình đều được bình chọn Gia đình Thể thao cấp xã và một số năm cấp huyện”.
Những năm gần đây, thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân, các cấp uỷ, chính quyền huyện Quảng Trạch đã đầu tư và kêu gọi xã hội hóa phát triển hạ tầng, thiết chế văn hoá, thể dục thể thao từ cơ sở đến khu dân cư. Nhà sinh hoạt cộng đồng, sân bãi, dụng cụ tập luyện và thường xuyên tổ chức giao lưu, thi đấu, tạo thói quen đưa luyện tập thể thao trở thành nhu cầu của đời sống. Để phong trào có hiệu quả, huyện đã chỉ đạo 17 xã trên địa bàn định hướng cho các gia đình, phấn đấu nâng cao tỷ lệ đạt Gia đình Thể thao; coi hoạt động thể dục thể thao không chỉ duy trì sức khoẻ cho bản thân, mà còn phòng tránh bệnh tật, tăng thêm tuổi thọ để tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Phấn đấu đạt Gia đình Thể thao là xây dựng một gia đình hoà thuận, có lối sống văn hóa, tạo điều kiện cho con, cháu học hành và luyện tập. Đó cũng là gia đình thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; hưởng ứng tốt các hoạt động thể dục thể thao và tham gia đóng góp vì sự lớn mạnh của phong trào. Chính vì vậy, việc xét tặng danh hiệu Gia đình Thể thao sẽ được các cấp quan tâm hơn, nhiều Gia đình Thể thao tiêu biểu sẽ được công nhận, cụ thể như gia đình ông Nguyễn Hừng Đông và bà Phạm Thị Cảnh ở thôn Di Luân, xã Quảng Tùng.n
__________
1. Kẻ Phường: Tên gọi thôn Di Luân thời trước
2. Kẻ Xã: Tên gọi xã Cảnh Dương thời trước
NGUYỄN TIẾN NÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 537, tháng 6-2023