Chiều 16-7, tại Cục Điện ảnh (147 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo khoa học “Quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề án nghiên cứu khoa học “Công tác quản lý phim trên không gian mạng”, có phạm vi nghiên cứu rộng, liên quan đến sự phối hợp của các bộ, cơ quan, đơn vị phát hành phổ biến phim trên môi trường số.
Tham dự Hội thảo gồm các đại diện đến từ Bộ VHTTDL, Bộ TTTT và các đơn vị liên quan, doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường số.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, TS Đỗ Quốc Việt cho biết: trong xu thế hiện nay, đã có sự thay đổi về thói quen và phương thức xem phim của khán giả. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp phát hành phim trong nước và nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển các ứng dụng phổ biến phim trên không gian mạng như: VTVgo, FPT Play, Galaxy Play, DA.NET, Apple TV, Disney Plus, WeTV…
Theo số liệu từ App Annie, chỉ tính riêng trên điện thoại dùng hệ điều hành Android vào đầu năm 2020, Netflix đã có 1,6 triệu người dùng dịch vụ tại Việt Nam. Mỗi năm Netflix thu về hơn 1.728 tỷ đồng, tương đương với gần 1/2 doanh thu phòng vé của phim Việt chiếu rạp năm 2023 tại Việt Nam với số lượng ước đạt 150 triệu USD (gần 3.700 tỷ đồng).
TS Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh phát biểu đề dẫn hội thảo
Sau gần một thập kỷ phát triển mạnh mẽ, hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng đã đặt ra cho công tác quản lý nhà nước những khó khăn, bất cập. “Trước thực trạng đó, chúng tôi mong muốn thông qua Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia sẽ phân tích, nhận định, đánh giá, tìm ra những vướng mắc, hạn chế, từ đó, đề ra giải pháp khắc phục góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam" - TS Đỗ Quốc Việt chia sẻ.
Tại hội thảo, bà Ngô Minh Nguyệt – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cho biết: Sự phát triển của nền tảng mạng là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược. Xu thế này sẽ ngày càng phát triển khi công nghệ giúp các nền tảng ngày một tiếp cận nhanh tới người dùng. Với độ mở lớn, nhiều luồng thông tin, nhiều bộ phim đều có thể xuất hiện, tiếp cận với người dùng. Dù đã có nhiều cam kết, những đảm bảo, ràng buộc từ các nhà thiết kế, lập trình phần mềm hay các đơn vị cung cấp dịch vụ, quản trị mạng nhưng sự phát triển quá nhanh, quá mạnh của không gian mạng đôi khi vẫn vượt tầm kiểm soát và gây lên nhiều hệ lụy phức tạp trong xã hội.
Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng cùng những tác động nhiều chiều của nó mang lại, nhiều quốc gia đã có những điều luật, các quy định để hạn chế, ngăn chặn các tác động tiêu cực đến người dùng, đến xã hội. Việt Nam cũng vậy, đã có những điều luật, các quy định cho các doanh nghiệp, nhà phát hành và cả người dân khi tham gia, sử dụng, kinh doanh trên mạng xã hội.
Khán giả ngày càng dễ dàng tiếp cận các bộ phim trên mạng
Với phim ảnh, Luật Điện ảnh sửa đổi 2022 cũng đã có những điều luật quy định về việc phát hành, phổ biến phim trên các nền tảng mạng. Thực tế nhiều năm qua đã chỉ rõ có những cài cắm tinh vi về chủ quyền, những tranh chấp trên đất liền, biển đảo… được lồng ghép trong những câu chuyện, hành động, lời thoại của nhân vật. Những “xâm lấn” từ từ bằng con đường phim ảnh, văn hóa đang đe dọa trực tiếp đến nhận thức của công chúng, sẽ dẫn dắt theo những tư tưởng sai lạc về nhận thức, cũng như các hiểu biết sai về chủ quyền lãnh thổ, về dân chủ, dân quyền trong đời sống xã hội, tôn giáo.
Đứng trước các diễn biến phức tạp, đa chiều từ không gian mạng mang lại, vai trò của quản lý nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng càng trở nên cấp thiết. Việc nhận thức sớm, nhận thức đúng cũng như dự báo những nguy cơ, hiểm họa từ một số bộ phim sẽ giúp các cơ quan quản lý có các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn kịp thời các tác hại xấu, độc không cho chúng phát tán rộng rãi…
Ông Bùi Huy Cường - Đại diện Bộ Thông tin và Truyền Thông phát biểu tham luận tại hội thảo
Ông Bùi Huy Cường – Phó Trưởng Phòng Quản lý dịch vụ, Cục PTTH - TT điện tử, Bộ TTTT cho biết, cuối năm 2022, hầu khắp Việt Nam từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã được phủ sóng 4G. Trong một thống kê, số lượng người xem phim trên các nền tảng mạng chiếm tới 39%, lớn hơn rất nhiều so với xem phim trên truyền hình hay tại các rạp chiếu. Mặc dù đã có sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL, Bộ TTTT nhưng việc quản lý những sản phẩm phim trên môi trường mạng thực tế vẫn còn khá nhiều bất cập, nguyên nhân phần lớn là do số lượng phim phát sóng trên môi trường mạng quá nhiều, cũng như thời gian phối hợp xử lý còn chậm. Ông Bùi Huy Cường kiến nghị, cần tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị về phân loại phim theo độ tuổi hoặc danh sách các bộ phim có vi phạm hay cấm chiếu.
Chia sẻ về một thực tế khi nhiều sinh viên ra trường hiện nay thích đầu quân cho các công ty truyền thông hơn là các hãng phim truyền thống, TS Đặng Thu Hà - Trưởng Bộ môn Biên kịch và Lý luận, Phó Trưởng khoa Nghệ thuật Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết, lực lượng này tham gia sản xuất các Short Form Video (phim video dạng ngắn) với khoảng 30 - 50 nội dung phim ngắn trong một tháng. Với số lượng phim lớn và có tác động mạnh mẽ đến giới trẻ thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý việc phát hành trên không gian mạng cũng như vấn đề bản quyền, xác định chủ thể sáng tạo khi một số phim là sự cắt ghép, dàn dựng hay trích từ các camera an ninh…
TS Đặng Thu Hà - Phó Trưởng khoa Nghệ thuật Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng, cần tăng cường bồi dưỡng năng lực cảm thụ nghệ thuật cho giới trẻ
Bà Đặng Thu Hà cũng cho rằng, cần tăng cường bồi dưỡng năng lực cảm thụ nghệ thuật, cụ thể là điện ảnh trong các trường học, đây là giải pháp lâu dài nhằm tạo ra một lớp công chúng trẻ cho tương lai.
Đến từ công ty Cổ phần truyền thông FPT, bà Tô Nam Phương - Phó Tổng giám đốc FPT Play chia sẻ: Việt Nam hiện có 78 triệu người dùng mạng, thuộc top đầu của thị trường phát triển Internet. Theo bà Phương, với việc áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, kiểm soát những hình ảnh, lời thoại nhạy cảm sẽ dần dần dễ dàng hơn. Hiện nay, công ty đang thử nghiệm đưa AI vào kiểm duyệt hình ảnh, đường lưỡi bò… và bước đầu có hiệu ứng tốt.
Chia sẻ những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp tham gia phổ biến phim trên không gian mạng tại Hội thảo, đồng thời bà Hoàng Thị Bích Hà - Phó Giám đốc MyTV cũng đưa ra giải pháp, đó là cần có các chương trình lồng ghép, giáo dục cho lớp trẻ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để tạo nên những thay đổi trong nhận thức và có các ứng xử hợp lý trong tương lai. Cần giáo dục cho các em về ý thức không sử dụng những sản phẩm lậu, vi phạm bản quyền ngay từ nhỏ để tạo nên những thói quen tốt.
Toàn cảnh Hội thảo
Ông Nguyễn Ngọc Hân – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông đa phương tiện đã nhấn mạnh vấn đề với những phát triển của công nghệ không khó để rà soát những hình ảnh, chi tiết, mẫu âm thanh vi phạm thông qua áp dụng công nghệ, sử dụng trí tuệ nhân tạo để rà soát các bộ phim, các website… Ông Hân cho rằng, cần có sự bắt tay giữa các bộ, ngành và các công ty công nghệ với các bộ phim trong nước khi phát hành ra nước ngoài. Công nghệ hiện nay đã có thể giúp ghi danh, đánh số và cung cấp một số giải pháp bảo vệ bản quyền trên không gian mạng.
Tổng kết hội thảo, TS Đỗ Quốc Việt khẳng định: Việc quản lý phổ biến phim trên không gian mạng luôn là một thách thức. Nhưng cùng với sự chung tay của các bộ, ngành, các đơn vị phát hành phim, công ty công nghệ thì những thách thức đó có thể được từng bước khắc phục và mang tới một môi trường mạng lành mạnh hơn cho các chủ thể sáng tạo, nhà phát hành và cả công chúng.
NGUYÊN AN