CÁC HÌNH THỨC SINH HOẠT HIP HOP Ở HÀ NỘI

Văn hóa hip hop du nhập vào Việt Nam khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước và đã có ảnh hưởng nhất định tới giới trẻ Hà Nội. Sinh hoạt hip hop của giới trẻ Hà Nội diễn ra sôi nổi, đa dạng, phong phú, dưới nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là theo nhóm. Ngoài ra, họ còn tham gia những câu lạc bộ hoặc sinh hoạt trên các diễn đàn nhằm trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, đăng tải sáng tác mới. Ở mức độ mang tính chuyên nghiệp hơn còn có các công ty tổ chức đào tạo, nhận hợp đồng trình diễn hay tổ chức những cuộc thi nhảy và sự kiện có liên quan.

1. Sinh hoạt theo nhóm

Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, giới trẻ thường sinh hoạt hip hop theo hình thức các nhóm, đoàn. Giống như trên thế giới, giới trẻ ở Việt Nam thường dùng thuật ngữ crew với nghĩa là nhóm, đội, đoàn và đặt tên theo tiếng nước ngoài. Ngay từ thời kỳ đầu, ở Việt Nam đã có những nhóm sinh hoạt, biểu diễn, luyện tập vũ đạo như Big Toe, Playfull Boy, Halley, C.O, Milky Way. Sau này thì có S.I.N.E, NY Style…, và một số nhóm graffiti ở Hà Nội như Street Jockey, Devil Day, S5, Zappy 1988, BSP, T.O.Y, L.T.D… Các nhóm hip hop ban đầu được hình thành một cách tự phát do những thanh niên cùng sở thích tụ hợp với nhau. Sau này, khi đã có vị trí hay đạt được thành công nhất định thì các nhóm thường chuyển hướng sang hoạt động chuyên nghiệp hơn bằng cách thành lập công ty biểu diễn hoặc tổ chức sự kiện. Ngoài việc đi biểu diễn, họ còn tự đứng ra tổ chức các giải đấu để thu hút lực lượng trẻ tham gia cũng như tuyển dụng thêm thành viên mới.

Các nhóm graffiti ở Hà Nội thường xuyên hoạt động một cách thầm lặng. Thời gian mới xuất hiện, họ thường phải tìm nơi để vẽ. Các địa điểm đang giải tỏa, gầm cầu, nhà hoang… là những nơi thích hợp để giới graffiti thỏa sức sáng tạo. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể tìm được địa điểm lý tưởng nên họ thường tìm giải pháp là vẽ lên tường khi chưa được phép của chủ sở hữu.  Sau một thời gian, một số nhóm và cá nhân đã chuyển sang hoạt động chuyên nghiệp, vẽ tranh theo đơn đặt hàng trang trí nhà, nơi công cộng theo yêu cầu. Ngày nay, có nhiều cuộc thi vẽ graffiti đã được tổ chức với quy mô lớn, tạo ra sân chơi riêng, mang lại một tín hiệu tốt cho cộng đồng yêu bộ môn này tại Việt Nam.

2. Sinh hoạt theo hình thức công ty biểu diễn, tổ chức sự kiện

Đây là sinh hoạt hip hop của giới trẻ Hà Nội mang tư cách pháp 8nhân. Những công ty này thường do một nhóm người đã từng là thành viên của các nhóm nhảy thành lập nên. Họ thường là vũ công chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong luyện tập cũng như biểu diễn. Công ty ngoài việc kinh doanh còn là nơi thu hút các bạn trẻ yêu thích và đam mê văn hóa hip hop. Có thể kể tới một vài công ty như: Ngón Chân Cái, Super Star Entertainment Madona, Media.com. Ngón Chân Cái có thể coi là gặt hái được nhiều thành công nhất, sau một chặng đường dài 20 năm gắn bó với hip hop. Từ những ngày đầu thành lập cho tới nay, từ chỉ là một nhóm nhảy, cứ hợp rồi tan, tan rồi hợp, họ ngày càng phát triển và đạt được thành công nhất định. Các hình thức sinh hoạt hip hop của công ty ngày càng đa dạng như đào tạo thế hệ trẻ có chung sở thích, hướng dẫn học viên một cách bài bản, chuyên nghiệp. Big Toe cũng nhận tham gia biểu diễn cho nhiều hãng tài trợ, tổ chức các giải thưởng trong nước về hip hop, đặc biệt là môn vũ đạo giải trí, miễn sao phổ cập được loại hình văn hóa này rộng rãi hơn. Đối với các hoạt động trong nước, Big Toe còn tham gia làm bộ phim Bước nhảy xì tin với sự tham gia diễn xuất của rất nhiều thành viên trong nhóm. Điều đó cho thấy hip hop ngày càng tìm được vị trí trong xã hội. Đối với quốc tế, nhóm cũng thường xuyên được mời đi giao lưu, tham gia liên hoan nghệ thuật đường phố. Nhóm từng diễn trước nữ hoàng Đan Mạch và chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân chuyến thăm của hoàng gia Đan Mạch tới Việt Nam (tháng 11 - 2009), hay nhận được lời mời dạy hip hop ở Đức, Singapore, Malaysia. Tất cả những hoạt động của nhóm đã khẳng định và định hướng một tương lai rộng mở phía trước cho hip hop Việt Nam.

Công ty cổ phần giải trí truyền thông thương mại và đào tạo Siêu Sao (SSE) được thành lập bởi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nhà báo Việt Thanh và bà Trương Thị Phượng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Kinh doanh bất động sản và resort Linh Phượng. Khẳng định tham vọng không chỉ dừng lại ở một công ty tổ chức sự kiện và đào tạo năng khiếu thông thường, SSE ngay lập tức nhắm tới, triển khai những dự án lớn như âm nhạc, giải trí chuyên nghiệp gắn liền cùng các kênh truyền hình được yêu thích. Công ty dự định sẽ thành lập một vũ đoàn chuyên nghiệp đúng nghĩa đầu tiên của Hà Nội, với tiêu chí cao, tuyển lựa để tìm kiếm thành viên từ nhiều nguồn khác nhau. Siêu Sao có phòng vũ đạo chuyên nghiệp, hiện đại với sức chứa hơn 30 người, cùng các chuyên gia đến từ Thái Lan và biên đạo hàng đầu hiện nay tại Việt Nam trực tiếp giảng dạy như Hà Lê, Anh Đức, Nguyễn Hùng Nam. Ngoài ra, công ty còn có rất nhiều cộng tác viên là những chuyên gia hàng đầu của thể loại hip hop, múa đương đại.

3. Sinh hoạt ở câu lạc bộ

 Tiêu biểu cho hình thức này phải kể đến câu lạc bộ Kinetic dance thành lập tháng 7 - 1992 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị và vẫn còn tồn tại đến nay. Thời kỳ đầu, Kinetic dance chỉ đơn thuần  đào tạo, đứng thứ 4 ở Hà Nội. Sau đó, câu lạc bộ thành lập nhóm nhảy gồm các giáo viên, học sinh tiềm năng lấy tên là C.O.L.D để tham gia biểu diễn và thi đấu. Khoảng thời gian ngắn sau khi thành lập, nhóm đã trở thành 1 trong 3 nhóm hip hop mạnh nhất Việt Nam, sau Big Toe và Zig zag. Ngày 9 - 6 - 2007, C.O.L.D đổi tên thành C.O (come on - hãy đến đây), là nhóm duy nhất hoạt động đủ 4 thành phần của hip hop là dance, DJ, graffity và MC (rap). Cùng với người anh cả Big Toe, C.O không ngừng hoàn thiện, công nghệ hóa, phát triển cả về số lượng và chất lượng, giúp đỡ các nhóm mới, mở rộng thêm chi nhánh tại Hải Phòng và TP.HCM. Vẫn giữ phương châm đào tạo là chính, C.O đã đào tạo được nhiều nhân tài như: MK (beatboxer số 1 Việt Nam), Cường Seven, Tín Hải, Long electric… Tuy rằng giờ đây họ làm việc ở nhiều nơi, nhưng cùng chung mục đích phát triển hip hop mang bản sắc Việt Nam.

Một số câu lạc bộ khác ở Hà Nội cũng tham gia đào tạo, tuyển sinh thường xuyên các lớp học vũ đạo như Họa Mi, Ba Đình, Mango... Một vài câu lạc bộ không phải là nơi đào tạo mà đơn thuần chỉ là nơi giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Hình thức câu lạc bộ cũng được phát triển rộng khắp trong giới sinh viên, học sinh. Những câu lạc bộ kiểu này tuy không phải là chuyên nghiệp nhưng vẫn có những buổi luyện tập đều đặn, tham gia biểu diễn và thi đấu giữa các trường. Nguồn thành viên của hip hop ở đây là vô tận bởi các thế hệ trẻ cứ nối tiếp nhau, lớp này ra trường lại có lớp khác tham gia. Cứ như vậy, hip hop, mà chủ yếu là thành phần nhảy và graffiti, trở thành sân chơi giải trí thú vị, hấp dẫn của giới trẻ. Sau những buổi lên lớp lĩnh hội tri thức, họ được là chính mình, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi để rồi lại tiếp tục phấn đấu cho tương lai. Cũng từ các hoạt động phong trào này, những người có khả năng đặc biệt hơn đã tìm thấy nghiệp của mình và trở thành vũ công hay họa sĩ theo phong cách hip hop.

4. Sinh hoạt trên các diễn đàn, mạng xã hội

Chính sách mở cửa đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hip hop có thêm cơ hội để quảng bá mình nhờ vào các diễn đàn trên mạng internet. Người tham gia diễn đàn vô cùng đông đảo, bao gồm những thành viên chuyên nghiệp, người yêu thích một trong bốn thành phần của hip hop, người muốn tìm hiểu nó để mở rộng về kiến thức nghệ thuật, hay các bậc phụ huynh muốn tìm hiểu xem bộ môn này là gì mà hấp dẫn con cháu họ đến thế. Trên diễn đàn, cả những người đã quen biết nhau hay xa lạ đều có thể tự do chia sẻ suy nghĩ, kinh nghiệm, tranh luận về một vấn đề, khía cạnh mà họ hiểu hoặc chưa hiểu hết. Những người đi trước truyền thụ, giảng giải cho người đi sau những ngón đòn, phương pháp luyện tập để trở thành vũ công. Các DJ thì dạy nhau cách làm nhạc, trộn nhạc sao cho hay và hiệu quả, đậm chất hip hop. Các họa sĩ thì đưa lên mạng những hình ảnh, tác phẩm theo phong cách graffiti còn rất mới lạ ở Việt Nam. Còn các MC thì soạn các đoạn ca từ mới phù hợp với văn hóa, phong tục và ngôn ngữ của người Việt.

Ở Việt Nam, có nhiều diễn đàn về DJ và rap nổi tiếng như vn88.com, dj247.net, rap.vn... Một số diễn đàn của giới trẻ cũng có các diễn đàn con chuyên về hip hop như yeuamnhac.com, ttvnol.com. Diễn đàn của các trường phổ thông, cao đẳng, đại học cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

Những diễn đàn công khai như vậy thực chất mang tới nhiều mặt lợi hơn là hại. Thứ nhất, nó giúp cho tất cả mọi đối tượng muốn theo học các thành phần của hip hop luyện tập dễ dàng, chủ động, tiết kiệm được thời gian. Thay vì phải tìm kiếm tư liệu, băng đĩa hay đến trung tâm như trước đây thì hiện nay trên các trang web đã có sẵn hình ảnh hoặc video clip về những bài học, buổi trình diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và trên thế giới, giúp họ có thể tự nghiên cứu, học theo. Thứ hai, khi theo học các khóa đào tạo tại trung tâm hay câu lạc bộ thì cần phải đến địa điểm cụ thể nên sẽ hạn chế số lượng người tham gia. Ngược lại, số người tham gia trên diễn đàn là không giới hạn nên rất phát triển, thành phần cũng đa dạng hơn. Thứ ba, điều này phần nào đó giúp cho người ngoài cuộc có cái nhìn tổng quát về văn hóa hip hop theo chiều hướng tích cực, khách quan, để chấp nhận nó là nghệ thuật đường phố nhưng không hề yếu kém về tính thẩm mỹ, nghệ thuật và xã hội.

5. Sinh hoạt ở các trung tâm, nhà văn hóa

Các trung tâm hoạt động theo phương thức chủ yếu là dạy và đào tạo theo nhu cầu của người tham gia một cách tự nguyện.

Các lớp dạy nhảy, vẽ phong cách hip hop ở trung tâm không mang tính chuyên sâu mà bình dân, dễ làm, dễ hiểu, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa những người làm nghề chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Dù bị coi là nghệ thuật đường phố xuất phát từ tầng lớp thấp trong xã hội nhưng về bản chất, hip hop lại rất cá tính, với những kỹ thuật không hề đơn giản. Điển hình là các động tác dẻo dai, phức tạp của sự vận động cơ, xương khớp trên cơ thể, nếu tập luyện không đúng phương pháp sẽ phải gánh chịu chấn thương. Vì vậy, giáo viên các lớp dạy dance ở trung tâm thường là thành viên của các nhóm nhảy chuyên nghiệp. Họ truyền thụ cho học viên những kỹ thuật cơ bản, chính xác từ kinh nghiệm thực tiễn của mình.

Xuất phát từ sự đam mê cái hay, cái đẹp, thích khám phá, chinh phục, nhiều người đã đến với hip hop bằng tình yêu nghệ thuật thuần khiết. Đối với họ, đơn giản chỉ là yêu thích bộ môn này và muốn được thể hiện mình chứ không hề có tác động của yếu tố kinh tế. Ngày nay, những sinh hoạt ngoại khóa này đã trở thành món ăn tinh thần gần gũi với giới trẻ Hà Nội.

6. Sinh hoạt độc lập

Khác với dạng sinh hoạt nhảy hip hop, các DJ và rapper thường hoạt động độc lập. Trong giới DJ, mỗi người đều muốn tạo cho mình một phong cách riêng biệt, bởi vậy nghề này có sự cạnh tranh cao, đòi hỏi tính độc lập. Đặc thù của DJ là làm việc trong các vũ trường, quán bar. Thường thì họ chỉ làm việc một mình, cá biệt một vài nơi có thể có 2 DJ phối hợp chơi nhạc cùng nhau. Các DJ thời kỳ đầu học nghề một cách tự phát vì đam mê bằng cách theo học những người đi trước, hoặc qua tài liệu trên mạng. Sau này, đã có nhiều trung tâm đào tạo ở Hà Nội cũng như trên cả nước, giúp cho DJ trở thành một nghề nghiệp.

Giới DJ chia làm hai lĩnh vực: sáng tác và chuyên nghiệp. DJ sáng tác là những người có khả năng sáng tác hoàn chỉnh một tác phẩm mà chỉ sử dụng chất liệu âm thanh do chính họ tự tạo ra. Ngoài ra, họ có thể sử dụng các mẫu âm thanh có sẵn để trộn với những ý tưởng của mình. Những DJ dạng này không nhiều bởi họ cần được đào tạo bài bản về âm nhạc. Ở Việt Nam, điển hình cho dạng DJ này là Trí Minh, Hoàng Touliver… DJ chuyên nghiệp là những người chỉ đơn thuần làm nghề trộn nhạc ở vũ trường, quán bar và các buổi vũ hội âm nhạc. Họ thường chỉ là những người yêu thích nghề DJ, chỉ tự học và tích lũy kinh nghiệm qua quá trình làm việc.

Nhiều người thường cho rằng nghề DJ là đơn giản, bởi công việc chỉ là lựa chọn, phát nhạc và ghép chúng lại. Nhưng trên thực tế, nghề này yêu cầu phải có thẩm mỹ âm nhạc cao, nhạc cảm và kỹ thuật tốt.

DJ cũng là nghề cần sự đầu tư kinh tế ban đầu rất lớn so với các thành phần khác trong hip hop. Các thiết bị cho DJ đều là ngoại nhập nên chi phí rất tốn kém. Ngoài các thiết bị, DJ còn phải trang bị cho mình một bộ sưu tập nhạc rất lớn.

Hạn chế của phần lớn các DJ Việt Nam nói chung là kiến thức âm nhạc chuyên nghiệp. Trừ một số người có qua các trường âm nhạc chuyên nghiệp, còn lại phần lớn đều dựa theo kinh nghiệm hay tự học. Một DJ tốt thường phải có cả hai mảng kiến thức. Đó là kiến thức về âm nhạc để có thể sáng tạo nên giai điệu, khúc thức, hòa âm… và kiến thức về kỹ thuật âm thanh để chỉnh, sáng tạo các hiệu ứng âm thanh cho bản nhạc của mình. Ngoài ra, DJ thường phải nghe rất nhiều, luôn cập nhật bộ sưu tập nhạc của mình để có thể trộn và hòa âm nhiều bản.

Có thể thấy, hip hop là cầu nối hữu nghị của giới trẻ khắp thế giới và có sức mạnh gắn kết cộng đồng trong xã hội. Thông qua sinh hoạt hip hop, giới trẻ hướng tới cái đẹp và khắc phục cái xấu trong chính bản thân mỗi người. Các sinh hoạt hip hop cũng phần nào đáp ứng được nhu cầu giải trí của giới trẻ Hà Nội, mang lại nhiều điều bổ ích, cần thiết.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : NGUYỄN MAI KIÊN

;