Lý Nam Đế là một bậc anh hùng hào kiệt, có công đánh đuổi giặc Lương, khai sinh ra triều đại tiền Lý, lập nên nhà nước Vạn Xuân vào TK VI. Ông được thờ phụng ở nhiều nơi, tập trung ở Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nội. Thôn Cổ Pháp (Phổ Yên, Thái Nguyên), nơi có đền thờ Lý Nam Đế, được các nhà nghiên cứu khẳng định là quê hương ông. Trên cơ sở tư liệu khảo sát, điền dã, bài viết tập trung giới thiệu một số di tích thờ Lý Nam Đế tiêu biểu ở Thái Nguyên; bước đầu chỉ ra đặc điểm, diện mạo, quy mô điện thờ, góp phần làm rõ thêm vị trí, vai trò của ông trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây.
Phổ Yên là một huyện trung du, nằm ở phía nam tỉnh Thái Nguyên. Vùng đất này được đánh giá là cửa ngõ của kinh thành Thăng Long xưa, là phên giậu quan trọng trong cuộc chiến đấu chống giặc phương Bắc. Trong lịch sử dân tộc, Phổ Yên cũng là nơi giàu truyền thống văn hóa Việt, nơi giao thương buôn bán phát triển quan trọng của đất nước. Nơi đây hội tụ được nhiều thuận lợi về yếu tố địa chính trị, kinh tế, địa quân sự của cả khu vực phía bắc. Trên cơ tầng những điều kiện tự nhiên, địa lý, thủy văn của vùng đất mà cộng đồng cư dân nơi đây trong quá trình tụ cư đã sản sinh, nuôi dưỡng, trao truyền những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.
Năm 2012, các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên chính là quê hương của Lý Nam Đế. Với niềm vinh dự, tự hào đó người dân Phổ Yên từ bao đời nay luôn gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp gắn liền với Lý Nam Đế. Đó là những di tích lịch sử, nơi phụng thờ, tưởng nhớ ngài cùng với hệ thống các nghi thức, nghi lễ, phong tục tập quán liên quan tới người anh hùng của dân tộc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, 1500 năm đã trôi qua kể từ ngày Lý Nam Đế băng hà, nhưng những dấu tích về ông vẫn luôn luôn được ghi nhớ, khắc sâu trong tâm trí những người dân Phổ Yên từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cho đến nay nó vẫn hiện hữu trong đời sống văn hóa của cộng đồng.
Theo thống kê bước đầu ở Phổ Yên hiện có 3 di tích có liên quan, phụng thờ Lý Nam Đế là chùa Hương Ấp, nhà thờ Lý Nam Đế, đền Mục. Ngoài ra còn có các địa danh liên quan đến sự nghiệp đánh giặc cứu nước của Lý Nam Đế như: cánh đồng Tráng, bãi Quần Ngựa, đồi Cao Vương…Từ đó làm nên diện mạo điện thờ. Những tư liệu nghiên cứu về kiến trúc, diện mạo điện thờ sẽ góp phần làm rõ thêm vị trí, vai trò của Lý Nam Đế trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây.
Chùa Hương Ấp được tương truyền là nơi ngài đã nương nhờ trong suốt quãng thời gian thơ ấu, theo học vị pháp tổ thiền sư. Trước đây, chùa được xây dựng bằng đá, mái lợp bằng cỏ tranh, còn có các hiện vật chôn vùi xuống lòng đất. Qua nhiều thế hệ, nhân dân vẫn gìn giữ, phụng thờ những hiện vật đó tại chùa, để tỏ lòng tri ân với vị hoàng đế đầu tiên có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, làm rạng danh non sông, đất nước.
Chùa tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, không gian thoáng đãng với thế đất kết duyên cơ minh đường thủy tụ, tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền án, hậu chẩm. Phía trước chùa có một dòng suối chảy qua, biểu tượng của sự tụ phúc; bên trái chùa có thế đất cao, uốn lượn tựa như thanh long, biểu tượng của yếu tố âm, phản ánh thế đi lên, hưng thịnh của ngôi chùa; bên phải chùa là núi con voi, biểu tượng của yếu tố dương. Có núi Cao Vương án ngữ để tránh những luồng gió độc, nhìn trực diện vào di tích. Phía sau chùa là gò đất cao, tạo cho thế tựa. Có thể nói, các thế hệ xưa đã lựa chọn được thế đất đẹp cho ngôi chùa với sự hội tụ của các yếu tố vừa hợp địa thế phong thủy, vừa hợp quy luật âm dương, ngũ hành. Điều đó cho thấy rằng thế hệ cha ông đã dành một tình cảm đặc biệt, thiêng liêng cho Lý Nam Đế. Điều này đã, đang được các thế hệ sau nối tiếp giữ gìn, phát huy, nhằm tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc. Ngoài ra, thế đất còn chứa đựng ý nghĩa sâu xa về tâm linh.
Về bố cục mặt bằng tổng thể, chùa Hương Ấp có hình chữ đinh, với kết cấu ba gian hai chái. Trong không gian tòa thượng điện, tiền đường, các lớp tượng được bài trí gần như giống với mô tip chung của các ngôi chùa Việt. Tại vị trí trên cùng, cao nhất của tòa thượng điện là hàng tam thế Phật, dưới là bộ 3 tượng an nan, a di đà, đại thế chí; ngoài ra còn có tượng văn thù bồ tát, quan âm nam hải, phổ hiền bồ tát,quan âm chuẩn đề… Đặc biệt, tại nhà tổ của chùa Hương Ấp hiện nay có thờ pho tượng tổ, mà theo đại đức Thích Minh Tâm, trụ trì chùa Hương Ấp cho biết rằng tượng tổ đó chính là chân dung vị thiền sư, người đã nuôi dưỡng Lý Nam Đế, cho đi tu hành học đạo, rồi đưa ngài về Giang Xá. Để ghi nhớ công ơn người nuôi dạy đức vua, di ảnh, bài vị của Lý Nam Đế được thờ cùng tượng tổ trên ban thờ nhà tổ.
Công trình nhà thờ Lý Nam Đế được xây dựng ở bên phải không gian chùa Hương Ấp, đây cũng là vị trí đẹp, nhìn ra núi Cao Vương, địa thế rộng mà bằng, đất cao mà thoáng. Vị trí này có ngụ ý nhìn lại những ngày hào hùng nhất của dân tộc, hướng về cội nguồn như một truyền thống tốt đẹp ngàn đời của con người Việt Nam. Nhà thờ Lý Nam Đế được xây dựng với quy mô nhỏ, nhưng trang nghiêm, hài hòa, kết hợp với chùa Hương Ấp như một thực thể không tách rời.
Nhà thờ được xây dựng theo bố cục hình chữ đinh, phía trước là hai trụ biểu, trên mặt ngoài, mặt phía trong của trụ có đắp nổi hai đôi câu đối chữ Hán, ca ngợi công ơn của Lý Nam Đế: “Diệt Lương tặc, sáng Lý triều, Vạn Xuân kiến quốc khôi độc lập. Trấn dân an kỳ, vật phụ, Thiên Đức kỷ nguyên hướng thái bình” (Diệt giặc Lương, lập nên triều Lý, dựng nước Vạn Xuân lấy lại độc lập. Giúp dân an, cầu vạn vật sung túc, kỷ nguyên Thiên Đức hướng tới thái bình); “Cổ pháp tự nhạc lẫm dư anh, thánh minh sinh trưởng địa linh xuất thế. Việt điện càn khôn lưu vĩ tích sơn hà thị Lý Nam Đế triệu cơ” (Chùa, núi ở đất Cổ Pháp uy nghi, sinh ra nhiều bậc tài thánh minh lớn lên ở vùng đất thiêng. Đất trời đất Việt lưu lại công ơn to lớn với núi sông là Lý Nam Đế tạo lập cơ đồ).
Ở bên trong nhà thờ, vị trí trang trọng nhất là hậu cung, nơi đặt tượng thờ Lý Nam Đế. Ban thờ được xây cao 1,2m, hai bên xây ba bậc lên xuống, chính giữa ban thờ đặt tượng vua được tạc trong tư thế ngồi trên ngai vàng. Nghệ nhân đã tạc tượng Lý Nam Đế khá chuẩn mực về dáng vẻ so với di ảnh được đặt thờ bên cạnh. Qua kiểu dáng tượng cho thấy Lý Nam Đế hiện ra là một đấng minh quân với tướng mạo oai phong, lẫm liệt, đầu đội mũ vương, mắt mở lớn, mày lưỡi mác, râu dài, đen, tai lớn, dái tai chảy hình giọt mật, mình khoác long bào, hai tay đan vào nhau, từ ánh mắt toát ra vẻ uy nghiêm nhưng sâu thẳm trong đó như đang có nỗi lòng lo lắng cho dân, cho nước. Tượng ngồi trên long ngai được sơn son thếp vàng, uy nghi lộng lẫy, phía trước là bài vị, trên có khắc dòng chữ Hán: “Quốc vương thiên tử tiền Lý Nam Đế thánh vị”. Điện thờ vua được bài trí các đồ thờ gồm: lư hương, chân đèn, hạc, hoa sen... để làm tăng thêm sự lộng lẫy, thâm nghiêm của cung vua. Chính giữa phía ngoài cửa cung có đặt bức rèm che màu vàng nhằm tránh những ánh mắt nhìn trực diện vào chốn thâm nghiêm, hai bên tạc hai pho tượng chầu: một quan võ, một quan văn. Phía bên trái là một quan văn được tạc trong tư thế đứng, đầu đội mũ quan, tay ôm ống quyển. Bên phải là một quan võ, mình mặc võ phục, ánh mắt trang nghiêm, tay cầm giáo. Tất cả hệ thống tượng thờ, sự bài trí các di vật, đồ thờ trong nhà thờ Lý Nam Đế như đang khắc họa lại khung cảnh của một buổi chầu trong triều đình mà trong đó có nhà vua, bá quan quần thần. Sự bài trí này tạo cho di tích như sống lại một thời kỳ vẻ vang của dân tộc, đồng thời toát lên vẻ trang nghiêm của chốn linh thiêng. Cũng giống như hậu cung của các ngôi đình thờ thành hoàng làng, cung vua trong nhà thờ Lý Nam Đế luôn buông rèm vải để tạo ra không gian linh thiêng, phụ nữ không được phép vào không gian này. Các công trình tôn giáo, tín ngưỡng đã hòa hợp với nhau, cùng tồn tại trong tâm thức của mỗi người dân nơi đây, là niềm tự hào của vùng đất Cổ Pháp, Tiên Phong nói riêng, huyện Phổ Yên nói chung.
Nếu chùa Hương Ấp là nơi nuôi dưỡng Lý Nam Đế thời niên thiếu thì đền Mục là nơi phụng thờ ngài với tư cách là vùng đất sinh ra Lý Nam Đế (xứ đồng Thái Bình). Hiện nay, đền Mục thuộc thôn Hòa Bình, Thái Nguyên. Đền được xây dựng ở vị trí trung tâm, nằm trên một gò đất cao với thế đất đẹp, có thế đất rồng chầu, hổ phục, ở phía Tây Nam có hình nhân bái tướng, xung quanh đền có lối đi khép kín, dựa vào núi, phía trước mặt có nhiều con ngòi hội tụ lại với nhau. Đền có quy mô nhỏ, vì vậy kết cấu kiến trúc khá đơn giản nhưng vẫn mang phong cách kiến trúc truyền thống. Đền Mục rất linh thiêng, còn lưu giữ được nhiều hiện vật như: sắc phong, lưỡi mác bằng đồng, bát hương cổ, bia đá, câu đối.
Về diện mạo, điện thờ trong đền được bài trí khá chuẩn mực. Đây là đơn nguyên kiến trúc mang chức năng đặc biệt quan trọng, là linh hồn của di tích đền, là nơi ngự của Lý Nam Đế, thánh Cao Sơn, Quý Minh với tư cách là thành hoàng của làng. Chức năng quan trọng đó được thể hiện thông qua việc sắp đặt tượng thờ cũng như đồ thờ trong hậu cung, cụ thể như sau: ban thờ thứ nhất bài trí bát hương, ngai thờ, bài vị ghi tên vị hiệu Lý Nam Đế: Quốc vương thiên tử tiền Lý Nam Đế thánh vị, ngai thờ sơn son thiếp vàng, thân là các chấn song con tiện. Phía dưới chân ngai rồng trang trí mặt hổ phù ở 3 phía, bên trên mặt hổ phù trang trí hình rồng. Đặc biệt trong hậu cung có pho tượng Lý Nam Đế được tạo tác giống với phong cách của pho tượng trong cung thánh ở đền làng Giang Xá (Hoài Đức, Hà Nội). Pho tượng được đặt trên một bục cao nhất giáp với tường hậu, tạc trong tư thế đang ngồi, mặc áo long bào, bên ngoài chùm vải màu đỏ, chân đi hia, tay kết ấn, đầu đội mũ vương, mắt sáng, tai to, kéo dài từ đuôi mắt đến gần cằm. Ngoài ra, còn một số đồ thờ khác như đôi hạc thờ bằng sứ, đôi hạc thờ bằng đồng, chân đèn, mâm bồng, lọ hoa. Ban thờ thứ hai trong hậu cung là nơi thờ thành hoàng làng Cao Sơn, Quý Minh, trên bài vị có ghi: “Cung phụng Cao Sơn, Quý Minh thần thành hoàng”. Gian tiền đường chính giữa treo bức hoành phi bằng chữ Hán: tối linh từ (ngôi đền linh thiêng). Trên 2 cột cái gian giữa có treo khung, bên trong là bài thơ bằng chữ Hán ca ngợi vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi mà Lý Nam Đế đã từng sinh sống, khởi nghiệp:
Khói hương thắng ý cảm thần linh
Mẫn chúc giáng lâm độ phước lành
Lộc phật trợ duyên người đức thiện
Phúc tiên dành chứng kẻ tâm linh
Chân long suôi gạo ấn huy đỉnh
Núi biển Thái Bình ấp địa linh
Đền Mục dấu xưa khai đế nghiệp
Mục điền tích cổ dậy hùng binh
Đền Mục được coi là một trong những di tích quan trọng liên quan đến việc phát hiện quê hương gốc của Lý Nam Đế, đồng thời là nơi tôn vinh, ghi nhận công lao của vị vua xưng đế đầu tiên của nước ta.
Xung quanh khu vực này còn có một loạt địa danh lịch sử liên quan đến sự nghiệp đánh giặc cứu nước của Lý Nam Đế như cánh đồng Tráng, là nơi Lý Nam Đế chiêu mộ thanh niên trai tráng để tuyển quân chuẩn bị khởi nghĩa; bãi Quần Ngựa, là nơi Lý Nam Đế luyện binh mã; đồi Cao Vương (người dân địa phương đọc chệch đi là đồi Khao Vương), là quả đồi đẹp, rộng, bằng phẳng, nơi Lý Nam Đế khao quân sau khi đánh giặc trở về. Chính vì vậy, Tiên Phong ngày nay mang đậm dấu ấn của một làng Việt cổ với không gian thoáng đãng, ruộng đồng rộng lớn, màu mỡ, phì nhiêu, cây cối, rừng rú sầm uất, hữu tình, thơ mộng, chứng tỏ vùng đất này từ xa xưa con người đã dày công khai phá dựng xây.
Trong cuộc kháng chiến năm 1947, tất cả những công trình kiến trúc tôn giáo như đình, chùa, đền, miếu mạo ở đây đã bị phá hủy hoàn toàn. Thần tích, thần sắc, gia phả, ngọc phả, sắc phong, hoành phi, câu đối cũng không còn. Do đó, việc khôi phục lại diện mạo của làng xã cổ xưa gặp phải muôn vàn khó khăn. May thay, trong ký ức dân gian, những địa danh cổ cùng với những hiện vật được khai quật như công cụ đồ đá, đồ gốm, đồ đồng, các vũ khí chiến đấu đã chứng minh cho nhận định làng Cổ Pháp, tổng Tiên Phù là vùng đất cổ có cả một bề dày về văn hóa, truyền thống trong lịch sử liên kết với nhau.
Những ngày dâng lễ, mở hội tại đền, chùa nhằm tưởng nhớ ngày khởi binh dựng nghiệp, ngày sinh, ngày mất của Người, ngày lệ làng đã ăn sâu vào máu thịt, truyền từ đời ngày sang đời khác. Làng Cổ Pháp hiện nay vẫn lấy ngày 10 - 4 hàng năm là ngày hội thi bánh dày, vẫn còn giữ phong tục làm cơm hòm, làm chè lam trong những ngày lễ tết, là những chế biến quân lương của thời Lý Nam Đế.
Những dấu tích, ký ức về Lý Nam Đế luôn luôn in đậm trong tâm trí của người dân Cổ Pháp. Các thế hệ nối tiếp nhau vẫn giữ gìn các di tích phụng thờ đức vua để tỏ lòng tri ân với vị hoàng đế đầu tiên đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, làm rạng danh non sông, đất nước. Đó là niềm vinh dự, tự hào của người dân Thái Nguyên nói chung, người dân Phổ Yên nói riêng. Hào khí cũng như uy linh mà người anh hùng dân tộc Lý Bí, vị hoàng đế đầu tiên của đất Việt xưa như phù hộ cho nhân dân trên quê hương của Người ngày càng rạng rỡ. Đất, người Phổ Yên luôn hun đúc được hào khí của cha ông, khí thiêng của núi Tam Đảo hùng vĩ, của sông Cầu, sông Thương thơ mộng ở mọi thời điểm. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, khí thiêng ấy, hào khí ấy luôn sản sinh ra những con người ưu tú, đóng góp những chiến tích lừng lẫy, làm sáng ngời thêm trang sử của nước nhà.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016
Tác giả : NGUYỄN THỊ THANH MAI