Brahms và âm nhac thính phòng

Trước năm 30 tuổi, Brahms bước đầu tiếp cận và có những biểu hiện tình cảm rất tự nhiên với lĩnh vực âm nhạc thính phòng. Tuy nhiên, vào thời gian này, phần lớn các tác phẩm đều bị bỏ dở hoặc không được xuất bản. Về sau, những tác phẩm thính phòng của ông được xuất bản tương đối đều đặn. Brahms chỉ đề cập đến loại tứ tấu đàn dây vào lúc chín muồi, đó là một thể loại khó, đã bị che khuất bởi Beethoven với những sáng tác khuôn mẫu vừa mực thước vừa đáng sợ. Mặt khác, Brahms bảo toàn thị hiếu về các dạng thức kết hợp nhạc cụ, ra đời những tác phẩm tứ tấu với piano, lục tấu đàn dây, tam tấu với kèn cor hay những bản sonate cho clarinette và piano.

Trước khi đặc trưng hóa các khía cạnh về hình thức âm nhạc thính phòng Brahms, Claude Rostand cho rằng, hiển nhiên trong đó luôn chỉ có vấn đề về âm nhạc thuần túy, không có những ý đồ hoặc lý do thực sự về văn học. Tuy nhiên nguồn cảm hứng thường rất rõ rệt: một bài thơ nào đó trong Regen sonate op.78 hay như trong Thuner sonate op. 100; tình cảm về thiên nhiên nói chung, đôi chút buồn bã như trong bản sonate op.120 cho clarinette và piano, bản tam tấu op.114 cho piano, violoncelle và clarinette, bản lục tấu cho đàn dây op.18 và 36… Bên cạnh đó, còn có nguồn cảm hứng dân gian, một vài yếu tố về tiểu sử… chi phối những sáng tác của Brahms.

Trên bình diện hình thức, Brahms bị ám ảnh bởi nhu cầu về khuôn phép và sự cân đối của các sơ đồ cổ điển. Hình thức sonate và các kỹ xảo về biến tấu đã được khai thác trong khuôn khổ kiểu Beethoven. Sự sáng tạo phong phú trong lối viết đã phản ảnh năng khiếu bẩm sinh của Brahms về giai điệu. Brahms và âm nhạc thính phòng là minh chứng điển hình cho khả năng tổng hợp giữa chủ nghĩa cổ điển và lãng mạn, chính xác hơn là sự hòa giải của hình thức chủ nghĩa và sự biểu hiện các tình cảm và một tính chất tự do nào đó về mỹ học.

lẽ, cần nói thêm về những chủ đề giàu tư tưởng khi đọc các tác phẩm. Bên cạnh một vài chủ đề nghiêm ngặt, còn có các kiểu kết hợp khác nhau về chiều dọc, chiều ngang, liệt tấu hay sự hoa mỹ… tạo nên những phần phát triển khác thường và cả phần coda rộng lớn. Claude Rostand nhận xét rằng: “Trong lĩnh vực thính phòng này, Brahms, người điều tiên sau Beethoven, đã tìm ra sự cân bằng đặc thù giữa hứng cảm và khoa học. Không nói quá khi cho rằng, trong thời gian đó, không ai sánh kịp ông” .

Ba bản sonate viết cho violon và piano

Sonate cho violon và piano số 1, giọng sol trưởng (op.78)

Bản sonate đầu tiên trong ba bản sonate viết cho violon và piano được thực hiện vào cuối năm 1878, tại Portschach vùng Carinlhie, nơi mà Brahms được xem như một nhạc sĩ lớn của Đức. Sau nhiều lần huỷ bỏ, bản opus 78 này là bản đầu tiên được xuất bản, Brahms và nghệ sĩ violon Hellmesberger trình diễn tại Vienne ngày 20 - 11 - 1879. Sau đó, Hans von Bülow và nghệ sĩ violon Norman Neruda đã mang tác phẩm đi trình diễn khắp châu Âu. Nhưng người truyền cảm lớn nhất lại là Joachim, ông giành chiến thắng với bản Concerto cho violon, cũng là người đầu tiên biên tập cho bản nhạc. Bản sonate này đã sử dụng giai điệu trong bản Lied op.59 số 3, Regenlied ở cả chương đầu và chương cuối, nên thường được gọi là bản sonate mưa rơi. Bên cạnh đó, bản sonate còn thấm đượm tính chất bi thương, tình cảm buồn bã, mơ mộng của nhà văn Bắc Âu, Klaus Groth. Chắc chắn đó là một đỉnh cao tuyệt đối của cảm hứng Brahms cũng như của tất cả nền âm nhạc thính phòng lãng mạn chủ nghĩa.

Chương 1, Vivace ma non troppo, nhịp 6/4, hình thức sonate ba chủ đề, ghép nối các ý tưởng phụ gần gũi, theo cách thức mang tính điển hình của Brahms, làm phong phú chất liệu chủ đề. Với khoảng 80 nhịp, tác phẩm thể hiện ngay từ đầu một chủ đề chính có tính giai điệu, sắc thái mezzo voce ở violon, trên một sự hồi tưởng đến bản Regenlied:

 

Ý nhạc phụ xuất hiện ngay ở nhịp thứ 10, phát sinh trực tiếp từ chủ đề thứ nhất, nhẹ nhàng, êm ái trên nền yên tĩnh của đàn piano. Chủ đề chính được nhắc lại trước nét nhạc dẫn vào chủ đề hai ở điệu tính át, sắc thái conanima được hát lên mãnh liệt ở đàn violon và chính nó cũng được phối hợp với một ý nhạc bổ trợ mới. Chủ đề ba được trình bày bằng những hợp âm trên đàn piano, ý nhạc phụ thứ ba xuất hiện đóng khép phần trình bày phong phú này. Phần phát triển tự do chỉ giữ lại chủ đề một và ba, không hướng tới xây dựng dài hơi trước khi sang phần tái hiện, đôi chút thu hẹp hơn phần trình bày nhưng đối xứng về trật tự nhất quán của các chủ đề cũng như các ý nhạc phụ. Phần coda gồm 20 nhịp được thực hiện trên nét nhạc của chủ đề chính, bốn nhịp cuối tạo thành kết.

Chương 2, Adagio, giọng mi giáng trưởng, nhịp 2/4, là chương nhạc rất đẹp, xúc động của phần trung tâm bản sonate, với giọng mi giáng trưởng và nhịp 2/4, trong hình thức ABA với phần coda. Chủ đề 1 được giới thiệu ở đàn piano, biểu cảm trên các quãng 3 và 6, với phong cách dân ca, được violon tiếp nối ở nhịp thứ 10 bằng ý nhạc phụ đầu tiên, giai điệu tuôn trào theo kiểu schumann. Chủ đề chính lần này trở lại với dàn violon trước một đoạn più andante ngắn ở đàn piano đơn tấu, xuất hiện như sự hồi tưởng thoáng qua của bản Regenlied. Đoạn chen B, với tư cách là trục trung gian của chương nhạc đã làm chủ đề hai vang lên như đám tang, kèm theo ngay sau đó một ý nhạc phụ với cách khai thác cùng một công thức tiết tấu. Một đoạn bắc cầu gần 20 nhịp dẫn đến sự nhắc lại của phần A, phần coda với điểm dừng nghỉ tự do lớn ở giọng mi giáng, tạo lên một kiểu yên bình vô tận.

Chương 3, Allegro molto moderato, giọng sol trưởng, nhịp 4/4, vừa mang hình thức sonate vừa mang hình thức rondo. Về sơ đồ, người ta phân biệt được ba đoạn được nối tiếp nhau, từ nguyên bản của chủ đề Regenlied, đến chủ đề có tính chất trữ tình ở nhịp thứ ba mươi bằng những sự mô phỏng lẫn nhau giữa hai nhạc cụ. Phần thứ hai của chương nhạc nhắc lại chủ đề thứ nhất và xuất hiện thoáng qua chủ đề A của chương 2, rất nhiều ý nhạc sát kề được hình thành rồi tan biến đi. Đoạn cuối cùng nhắc lại một lần nữa chủ đề đầu tiên của chương 3, chương 2, sau cùng là chủ đề của Regenlied, mặc dù ở điệu trưởng, phần kết thúc chỉ trình bày sự hồi tưởng, vọng nhớ quê hương... Vì vậy, không nên khêu gợi một cách quá sức tưởng tượng để tác phẩm hoàn toàn tắm trong nỗi buồn hững hờ của cơn mưa giữa mùa hạ, mang trong bản thân nó niềm hy vọng chói lòa vể một chiếc cầu vồng. Hẳn là chính trong sự kín đáo, trong một kiểu lãng quên, mà tác phẩm sonate op.78 này đã kết thúc, tuy nhiên với một sự phong phú giai điệu thật kỳ diệu, vừa tràn trề dào dạt vừa cô đọng, vừa quý phái vừa đắm say, có lẽ đây là một trong những bản nhạc được người yêu nhạc đánh giá cao nhất trong tất cả các tác phẩm thính phòng của Brahms.

Sonate cho violon và piano số 2, giọng la trưởng (op.100)

Bản sonate thứ hai cho violon và piano này thường được gọi với cái tên Thuner Sonate, là một trong mười hai tác phẩm của Brahms ra đời ở ven hồ Thun, Thụy Sỹ, trong địa phận an bình của Hofstatten. Chính tại nhà của thi sĩ Widmann, người bạn ở thành phố Berne của nhà soạn nhạc, đã diễn ra cuộc trình tấu tác phẩm này. Sau khi nghe bản sonate này lần đầu tiên, Widmann đặt cho nó tên gọi Thimer sonate, nhà thơ đã ký thác vào chủ đề của tác phẩm khoảng 60 câu thơ, làm cho ta hiểu được chất thơ mộng sâu xa trong tác phẩm: “Ở đó, nơi dòng nước sông Aar, bắt nguồn từ hồ êm đềm trôi về thành phố nhỏ. Ở đó, nơi những hàng cây che bóng dịu dàng, tôi trải mình giữa đồng cỏ gợn sóng, nằm nghĩ mơ màng trong những ngày hè đẹp đẽ hết sức sung sướng này mà tôi khó có thể kể lại...”. Bản sonate đã được Brahms và nghệ sĩ violon Hellmesbergei biểu diễn ngày 2-12-1886 tại Vienne, xuất bản vào năm sau đó. Tác phẩm gồm ba chương:

Chương 1, Allegro amabile, nhịp 3/4, trong điệu tính la trưởng và hình thức sonate ba chủ đề. Chủ đề đầu được giới thiệu với sự tươi tắn, giản dị ở đàn piano, dường như phô bày sự giống nhau và ngẫu nhiên với bản Preslied, bài hát concours trong tác phẩm Những bậc thày ca sĩ của Wagner:

 

                                  

Sau 30 nhịp của chủ đề này đã tiếp nối ý nhạc phụ thứ nhất, được thực hiện bằng những quãng rộng ở đàn violon. Sau nhịp 50, một cầu nối đã dẫn đến chủ đề hai, biểu đạt bằng chất trữ tình ở đàn piano, khi đó nổi lên một ý nhạc mới sát kề, mang chất tiết tấu. Cuối cùng là chủ đề thứ ba xuất hiện, kết thúc phần trình bày gần 90 nhịp, với tính kiên nghị, hứng khởi vui vẻ. Ngoài ra, chủ đề ba còn thống trị phần phát triển, với sự biến dạng rõ rệt: bằng thủ pháp canon trên nền pédale sol thăng, hình thức cantabile tô điểm, hoặc kết hợp với chủ đề thứ nhất thu gọn. Phần tái hiện không làm đảo lộn thứ tự chủ đề của phần trình bày. Để kết thúc, phần coda có sự mở rộng hiếm thấy, với 22 nhịp, được xây dựng trên chủ đề ban đầu cùng hai ý nhạc phụ của chương nhạc, thể hiện khí chất anh hùng.

Chương 2, Andante tranquillo, giọng fa trưởng, nhịp 2/4, và Vivaee di più andante, giọng rê thứ, nhịp 3/4. Chương giữa có hình thức khá phức tạp, nối tiếp nhiều đoạn, sắp xếp khéo léo các yếu tố tương phản, những yếu tố của andante và scherzo. Các đoạn, yếu tố được sắp xếp với nhau theo quy luật rõ ràng, đảm bảo tính thống nhất. Đoạn Andante Tranquillo đầu tiên thể hiện chủ đề nhẹ nhàng, hạnh phúc, trước tiên ở đàn violon, tiếp đó là piano. Ngay từ nhịp 16 trở đi, phần Vivace chấp nhận một dáng vẻ nhảy múa rất phóng túng trên một chủ đề xuất hiện trong ba hình thức trình bày khác biệt. Sự quay lại phần Andante tạo thành đoạn thứ ba, chủ đề ban đầu được biến đổi, trong giọng rê trưởng. Vivace di più, đoạn nhạc tiếp theo cho phép trở lại chủ đề của Vivaee trước, nhưng càng hư ảo hơn càng tốt, càng xung động thơ mộng hơn. Đoạn cuối cùng liên kết giữa hai nhân tố: sự trở lại ngắn gọn của Andante và sự gợi lại kết thúc của phần Vivace.

Chương 3, Allegretto grazioso, giọng la trưởng, nhịp 2/2, nhịp điệu tương đối chậm. Chương nhạc này là một kiểu rondo, chủ đề, điệp khúc thể hiện sự hồi tưởng rõ rệt bản Lied nổi tiếng của nhạc sĩ:

 

Trước khi xác lập chủ đề chính, các hợp âm rải của piano tham gia vào một đối, thể hiện màu sắc u ám, đượm buồn. Sau cùng, trong phần thứ ba của chương nhạc, nhắc lại các nhân tố khác nhau, một lần nữa tái hiện chủ đề điệp khúc với phần coda ngắn, kết thúc trong một tình cảm hạnh phúc lặng lẽ, tuyệt đối của những ngày cuối hè tỏa sáng dịu dàng.

Sonate cho violon và piano số 3, giọng rê thứ (op.108)

Đây là bản nhạc được phác thảo từ năm 1886 và hoàn thành trong mùa hè 1888 bên bờ hồ Thun, mùa hè cuối cùng của Brahms ở Thụy Sỹ. Bản sonate thứ ba cho violon và piano, nhà soạn nhạc dành tặng cho một người bạn, Hans de Bulow. Bản nhạc này không đưa ra sự phát triển đối vị và giao hưởng nghiêm ngặt như thường lệ mà trôi chảy hoàn toàn tự do. Bản sonate số 108 có 4 chương, trong đó, chương 2 tạo thành đỉnh một cách chắc chắn, tạo nên một tác phẩm vừa huy hoàng, vừa bay bướm, trở thành một trong những tác phẩm có ý nghĩa nhất của phương thức lớn kiểu Brahms và trong toàn bộ tác phẩm thính phòng của nhà soạn nhạc.

Chương 1, Allegro alla breve, nhịp 2/2, ngay từ phần trình bày đã thể hiện được sự phong phú trong cách sắp xếp các thành tố giai điệu. Chủ đề đầu tiên được giới thiệu trên đàn violon, hết sức biểu cảm, vừa phong phú vừa thấm đượm ý niệm sử thi. Còn chủ đề hai, đầu tiên trình bày riêng trên đàn piano, mang tính giai điệu hơn, bớt xáo động. Trên từng chủ đề đều được ghép thêm hai ý nhạc phụ, có tính chất trữ tình và tiết tấu. Phần trình bày được kết thúc trên những hợp âm rải rộng của piano. Với 46 nhịp, phần phát triển nổi bật nhất chương nhạc này, chủ đề cơ bản được giới thiệu bằng cả hai nhạc cụ. Một nốt pédale át - la ở tay trái của đàn clavier đã hỗ trợ suốt chiều dài câu nhạc như một dấu ngân tự do hùng hậu. Claude Rostand cho rằng: "Ngược lại với truyền thống cổ điển xử lý phần phát triển như một épisode nhằm làm cho người nghe mất định hướng về điệu tính cơ bản của tác phẩm, Brahms ở đây đã nhấn mạnh về điệu tính bằng sự dựa vào âm át. Như thế người ta có thể coi phần phát triển này như kiểu cadenza dài đợi chờ sự bắt vào phần tái hiện”. Cuối cùng, trong hơn 45 nhịp phần coda, nốt pédale được nhấn mạnh, kết thúc một cách kiên nghị chương nhạc này, một chương nhạc phong phú cả về hình thức lẫn ý nhạc.

Chương 2, Adagio, giọng rê trưởng, nhịp 3/8, có kết cấu trong sáng và tương đối ngắn gọn. Đó là một giai điệu trìu mến và đắm say tạo thành chủ đề chính, được violon hát lên nồng nhiệt, đầy biểu cảm (espressivo):

 

 

Chủ đề hai, rất ngâm ngợi, được bao bọc bằng những hợp âm rải phong phú của dàn piano. Phần coda, dựa trên chủ đề một, đã kết thúc bằng sự giản dị, toát lên sự mơ mộng tràn trề cho cả chương nhạc.

Chương 3, Un poco presto e con sentimento, giọng fa thăng thứ, nhịp 2/4. Đây là một kiểu dáng scherzo, được phân bố trong ba đoạn, khai thác triệt để hai chủ đề. Chủ đề đầu, gây ấn tượng bởi tính kích thích, có tiết tấu và hơi kỳ ảo. Đầu tiên được trình bày ở đàn piano, trong đó, đàn violon chỉ tham gia nhấn nhá các hợp âm sắc nhọn. Ở nhịp 17, chủ đề đầu kết hợp với một ý nhạc phụ rất linh hoạt bởi violon. Sau đó là sự xuất hiện muộn màng và mau lẹ của chủ đề hai, nó cũng đảm bảo sự tối thượng cho dàn violon. Đoạn trung tâm với 50 nhịp, phát triển tự do, hợp thành phần tái hiện chủ đề đầu tiên và ý nhạc phụ của chủ đề đó. Phần coda đã khai thác và làm nổi bật chủ đề này với sức sống kỳ diệu.

Chương 4, Presto agitato, giọng rê thứ, nhịp 6/8, hình thức sonate được xác lập trong chương cuối. Bên cạnh đó, cần phải nhận thấy tính cơ động của sự sắp xếp các chủ đề, điều đó tạo nên tính chất riêng biệt của mỗi chủ đề. Trong phần trình bày, chủ đề chính khẳng định tính chất nồng nhiệt, chinh phục với đàn violon trên nền đệm vững chắc của piano. Ý nhạc phụ không cùng một chất dũng cảm mà gần như do dự, dưới hình thức đối thoại giữa hai nhạc cụ. Từ đó dẫn đến chủ đề thứ hai, những hợp âm trầm đẹp đẽ của piano được violon nhấn mạnh với tiếng hát mãnh liệt. Triển khai chủ đề thứ ba, người ta dự vào từ nhịp 77 bằng một sắc thái crescendo, dựa trên đàn violon và nhắc lại bằng mô phỏng ở piano. Cũng như trong chương mở đầu, phần phát triển gây ngạc nhiên bởi tính chất ngắn gọn (gần 60 nhịp) và sự khai thác độc đáo. Còn phần tái hiện có quy mô rộng lớn, nhưng không đóng góp một sự thay đổi đáng kể nào đối với phần trình bày. Phần coda không kém phần quan trọng so với phần coda của chương 1, đã kết thúc bản nhạc trên những nhịp đầy kiên nghị, một tính chất hồn nhiên bộc phát của chủ đề chính trong chương nhạc cuối cùng này.

 


Nguồn : Tạp chí VHNT số 379, tháng 1-2016

Tác giả : NGÔ HOÀNG LINH

;