Sáng tạo khởi nguồn từ thế giới xung quanh, cụ thể là không gian thực tại mà ta đang sống. Không gian thực tại luôn luôn xen lẫn hai yếu tố: cái hiện thực cụ thể và cái trừu tượng. Hiểu một cách thô sơ, cái hiện hữu là cái nhìn thấy được, cảm nhận được (bằng năm giác quan của con người là thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác), và cái trừu tượng là cái không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được bằng năm giác quan trên. Trong vật lý, hai yếu tố nói trên được quy định là vật chất và phi vật chất; trong hóa học, là các nguyên tố và những gì không phải là nguyên tố. Trong triết học, đó là cái hiện hữu và cái hư vô, một phạm trù có tính biện chứng, luôn đối lập với nhau nhưng không thể thiếu nhau. Nhưng trừu tượng, nghĩa là “không có hình tượng cụ thể”, lại thông qua nhận thức của con người, lại có thể hiển hiện rõ ràng. Con người sống không thể thiếu không khí. Tuy chẳng thể “thấy” không khí xung quanh có hình dạng, màu sắc hay mùi vị ra sao nhưng con người lại có thể cảm nhận rõ ràng về sự tồn tại của nó ở xung quanh mình. Cứ như thế, rất nhiều vấn đề có thể hiểu được và cũng nhiều vấn đề thì không thể hiểu nhưng cảm nhận được. Cái cụ thể và cái trừu trượng cùng nhau tồn tại để tạo nên bản chất của cuộc sống.
Nhận thức về cái cụ thể và cái trừu tượng nằm trong quá trình nhận thức chung về nhân sinh quan và thế giới quan của con người với hai đại diện lớn là tư tưởng phương Đông và phương Tây. Bản thân chủ đề này là một trong những vấn đề trừu tượng nhất cho hai nền triết học trên nhưng cũng là vấn đề rất căn bản, để từ đó, con người có thể đưa ra những nhận thức về bản thân mình và thế giới xung quanh. Ở đây, có sự khác biệt trong nhận thức của hai luồng tư tưởng Tây và Đông. Người phương Đông cổ nhận thức thế giới bằng cảm quan, coi sự vật trong tự nhiên như nó đã là như thế, phải là như thế; con người, tự mình bằng các giác quan và tinh thần, cảm nhận sự vận động của cuộc sống và vũ trụ để tự coi mình là một phần trong đó. Thế giới là sự hài hòa của ba phạm trù Thiên - Địa - Nhân; thiên hạ chia thành bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, gọi là Tứ tượng, triết học là lẽ biến ảo của Âm - Dương; mọi vật được cấu tạo và duy trì đời sống bởi Ngũ hành vận chuyển (năm yếu tố Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ), tương sinh tương khắc… Không có một sự vật, một yếu tố nào là độc lập mà luôn được đặt, hiểu trong một cặp, một nhóm hoặc một hệ thống vừa là đối lập vừa là tương hỗ. Khái niệm “cụ thể và trừu tượng”, hay gọi là “thực và hư” (“hữu” và “vô”), không phải là hai khái niệm tách rời mà là một cặp phạm trù biện chứng. Trong “thực” thì có “hư”, trong “hư” lại có “thực”, cuộc sống là “hư hư thực thực”, là “sắc sắc không không”. Nhà Phật nói: “Thế giới vô cùng, vạn vật giai không” (thế giới là không cùng, mọi vật là hư ảo), ý nói sự vật trên thế giới giống như cuộc sống, vừa cụ thể vừa mơ ảo như giấc mộng.
Tre - tranh sơn mài của họa sĩ Trần Đình Thọ
Nghệ thuật luôn nằm chấp chới ở ranh giới giữa vật chất và phi vật chất, cái cụ thể và cái hư vô. Bức tranh là một sản phẩm vật chất, nhưng các giá trị tinh thần, thẩm mỹ do bức tranh ấy tạo ra là trừu tượng. Công trình kiến trúc là vật chất được hình thành từ một ý tưởng của nhà kiến trúc hoặc người đặt hàng kiến trúc. Tòa nhà thờ Thiên Chúa giáo được coi là căn nhà lớn che chở cho các giáo dân, con đường dẫn dắt con người lên thiên đường. Cánh cửa vòm Hồi giáo có thể tượng trưng cho Thánh địa Mecca, tín đồ khi cầu nguyện phải ngồi quay hướng về đấy. Ngôi đình cổ Việt Nam được coi là căn nhà lớn của cả dân làng. Câu ca, bài hát, giai điệu nhạc được cụ thể hóa bằng lời và bảy nốt nhạc, nhưng cái cảm xúc do câu hát tạo lên cho người nghe là trừu tượng, bởi mỗi người luôn có cảm xúc và liên tưởng khác nhau.
Hội họa phương Đông luôn chú trọng biểu đạt cái hư bên cạnh cái thực, trong tranh luôn là sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực và trừu tượng. Hội họa phương Tây tiệm tiến trên con đường hiện thực, nhưng trong tranh vẫn sử dụng các yếu tố trừu tượng. Sử dụng giỏi yếu tố trừu tượng là một kỹ năng để tăng chất hiện thực cho tác phẩm. Và khi một bức tranh toàn mô tả cảnh thực, cảm quan do bức tranh đó tạo ra lại là trừu tượng.
Vậy thì đâu là yếu tố trừu tượng trong tranh? Hiểu theo cách đơn giản nhất, phần vẽ có hình thể là thực, phần vẽ không có hình thể là trừu tượng. Chỗ nào vẽ thì là thực, chỗ bỏ không vẽ là trừu tượng. Trên tranh sơn thủy Trung Quốc, núi non, rừng rậm (sơn) được vẽ rất kỹ càng, thậm chí có thủ pháp (gồm 6 cách) dùng để mô tả đá núi; ngược lại, sông nước, mây mù sương khói (thủy) được khái lược, thậm chí bỏ, không vẽ. Vậy thì núi non là thực, mây nước là hư ảo. Tác phẩm Đảo luyện đồ của họa gia Chu Phỏng thời Đường, vẽ các cô gái đang căng lụa, mô tả rất kỹ từng nhân vật và động tác căng lụa, còn lại thì bỏ trống. Thế mà người xem vẫn hình dung được đó là một cảnh cung đình. Tranh Ngũ Hổ của phường tranh dân gian Hàng Trống, Hà Nội xưa, mô tả năm con hổ trong năm màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen, bốn con ở bốn góc, một con ở giữa. Bức tranh được vẽ rất cụ thể, tỉ mỉ, nhưng lại là mô tả cho một ý tưởng trừu tượng: cách hiểu của người xưa về thế giới có ngũ phương (bốn phương và trung tâm), ngũ hành, 5 loại vật chất cấu tạo nên vũ trụ, tự nhiên, con người, tạo vật. Tranh Ngũ hổ chủ yếu đề cập tới sức mạnh của vật chất thông qua việc hình tượng hóa chúng trong hình hài của chúa sơn lâm.
Đối với tranh sơn mài hiện đại Việt Nam, một mảng son đỏ có thể biểu hiện cho bầu trời như trong tranh Tre của họa sĩ Trần Đình Thọ. Mặt nền sơn đen được giữ nguyên lại, làm thành màn đêm trăng sao và mặt nước, như trong tác phẩm Đánh cá đêm của họa sĩ Nguyễn Khang. Cách các họa sĩ vận dụng yếu tố trừu tượng như thế đã tạo ra biết bao nhiêu dư địa tưởng tượng cho người thưởng thức.
Việc sử dụng yếu tố trừu tượng trong nghệ thuật phương Tây khá phức tạp và tinh vi. Nến trong hội họa phương Đông, khoảng trống là trừu tượng thì trong hội họa phương Tây, khoảng trống vẫn có hình thù cụ thể, có thể là trời mây, sông núi, phong cảnh, đồ vật… Thường, chúng không bị bỏ trống mà được mô tả kỹ càng. Yếu tố trừu tượng được vận dụng ở đây là sự tương tác, đối lập, được tạo nên bởi các hình thể và màu sắc qua thủ pháp tạo hình, nhằm từ đó gây ấn tượng thẩm mỹ đến người xem.
Xem tranh Sóng biển của Monet, ta như nghe thấy tiếng sóng vỗ ầm ào, xem tranh Hoa súng của ông, ta lại thấy mình như đứng cạnh đầm hoa, vô cùng mát mẻ. Các bức tĩnh vật hoa của Cezanne có thể khiến ai đó cảm nhận được mùi hương của hoa trái ngay trước mắt. Những yếu tố ảo đó ẩn hiện không rõ ràng nhưng lại tạo nên sự sinh động của tác phẩm, cũng là những yếu tố có tính trừu tượng.
Các họa sĩ thời Phục hưng dường như vận dụng yếu tố trừu tượng một cách đa dạng và phức tạp nhất. Kiệt tác Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci thể hiện chân dung một thiếu phụ có vẻ đẹp trí tuệ sâu thăm thẳm, không có dung nhan rực rỡ nhưng có sức lôi cuốn mạnh mẽ toát ra từ nội tâm đầy ma lực. Người ta thống kê được rằng, Da Vinci đã sử dụng tới 10 yếu tố, chia thành 5 cặp đối lập: sáng - tối, lồi - lõm, xa - gần, ẩn - hiện, tĩnh - động. Tất cả các yếu tố đó chỉ nhằm để tạo thần khí cho nhân vật, đến nỗi từng chi tiết nhỏ, ánh mắt hay bàn tay, cũng có vẻ đẹp bí ẩn như toàn thể tác phẩm.
Trong sáng tác thuộc những dòng tranh đòi hỏi khả năng miêu tả hiện thực cao như tranh chân dung, yếu tố trừu tượng có thể là gì? Tất nhiên, khi vẽ tranh chân dung, họa sĩ vẫn có thể sử dụng các thủ pháp đối chọi về hình và màu để tạo ấn tượng thị giác. Nhưng bên cạnh đó, họa sĩ còn có thể tạo ra sức ám thị và ẩn ý hàm chứa qua nội dung. Bức tranh chân dung Giáo hoàng của danh họa Velazquez, người Tây Ban Nha, TK XVII, quả là đem lại một ấn tượng thị giác xuất sắc và người xem còn có thể đọc ra được từ đó bao nhiêu thói hư tật xấu của loài người. Sức ám thị và hàm ý toát ra từ bức họa cũng là yếu tố trừu tượng.
Yếu tố trừu tượng trong tranh là những gì ẩn chứa trong bức tranh mà tuy không thể thấy được bằng mắt thường nhưng lại có thể được cảm nhận bởi tri giác của người xem. Nó có thể là tinh thần tác động đến người xem, hoặc là sức ám thị thị giác, hoặc là hàm ý ẩn giấu qua hình tượng, hoặc là sử dụng các thủ pháp nghệ thuật với màu và hình để tạo ra những ảo giác đối lập, xung đột trong tác phẩm. Những ảo giác đối lập đó bao gồm không - có, hư - thực, tĩnh - động, rỗng - đặc, xa - gần (chiều sâu), lồi - lõm, sáng - tối,.. Khả năng nhận biết các yếu tố này tùy thuộc vào trình độ tri thức và trải nghiệm cảm xúc của người thưởng ngoạn.
Một điểm nữa là yếu tố trừu tượng rõ ràng hoàn toàn khác với tranh trừu tượng. Tranh trừu tượng là sản phẩm của hội họa phương Tây hiện đại còn yếu tố trừu tượng đã có mặt trong suốt chiều dài lịch sử hội họa của cả phương Đông và phương Tây. Tranh trừu tượng hình thành từ sự phá bỏ hình thể và tuyên ngôn từ bỏ lối vẽ hiện thực, là một quá trình tiệm tiến của hội họa phương Tây. Nó không liên quan đến các yếu tố trừu tượng như đã bàn ở trên, dù nó có thể cũng xuất phát từ một ý tưởng hiện thực hoặc từ một yếu tố trừu tượng. Một bức tranh trừu tượng nhưng có thể lại biểu hiện một ý tưởng hiện thực, còn yếu tố trừu tượng lại làm nên phần hồn của tác phẩm. Như loạt tranh Đàn bà của Kandinsky hay Mùa thu của Jackson Pollock, hình thức là trừu tượng nhưng nội dung là hiện thực, đúng hơn là diễn giải hiện thực theo hình thức trừu tượng. Tranh trừu tượng cũng có bao hàm cả yếu tố trừu tượng và phần cụ thể. Yếu tố trừu tượng cũng có thể đóng góp sự sống động cho tranh trừu tượng.
Tác giả: Vũ Anh Tuấn
Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11-2019