Biến đổi không gian diễn xướng tại làng xoan An Thái

An Thái là một làng xoan cổ thuộc xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Hát xoan nơi đây được diễn xướng vào mùa xuân, với mong muốn có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân làng khi bước vào năm mới. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh Phú Thọ, Viện âm nhạc…, hát xoan làng An Thái ngày càng phát triển về số lượng hội viên và chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, trong đời sống hiện nay, không gian trình diễn của loại hình diễn xướng dân gian độc đáo này đã ít nhiều có sự thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di sản.

Hát xoan còn được gọi là hát cửa đình (khúc đình môn), diễn xướng kết hợp giữa nhạc cụ, hát, múa… phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Đây là sản phẩm văn hóa dân gian vùng đất Tổ, mang đặc điểm không gian của vùng miền núi trung du Bắc Bộ và đời sống nông nghiệp của cư dân trồng lúa nước.

Đến nay, các nhà nghiên cứu chưa xác định được thời gian xuất hiện loại hình dân ca lễ nghi, phong tục độc đáo này, nhưng nhìn chung, theo các truyền thuyết được lưu truyền, hát xoan ra đời gắn với tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng và những câu chuyện liên quan đến Vua Hùng. Phường xoan An Thái là một trong 4 phường xoan gốc (gồm Kim Đái, Phù Đức, Thét, An Thái) thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đến nay, các địa phương đã nhận được sự giúp đỡ về nhiều mặt từ Nhà nước như chính sách, tài chính, cơ sở vật chất để bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xoan, phù hợp với bối cảnh chung của xã hội.

1. Không gian diễn xướng của hát xoan cổ

Hát xoan làng An Thái được tổ chức hằng năm tại đình làng. Theo các nghệ nhân cao tuổi, đình làng ban đầu được làm bằng gỗ đinh, có những cột gỗ đường kính gần 1m, lợp lá cọ, trên có đục chạm các hình long, ly, quy, phượng. Đình nhiều lần được trùng tu lại nên đã thay một số xà và dui mè. Hiện nay, mái đình được thay toàn bộ bằng mái ngói âm theo kiến trúc đình làng phổ biến ở miền Bắc Việt Nam - mái cong.

Trong đình vẫn còn giữ được các cột gỗ lim có đục chạm hình long, ly, quy, phượng. Đình được đặt tại quả núi gọi là Núi Đình, hiện là trung tâm làng An Thái, xung quanh đình có tường xây bằng gạch, cổng đình vẫn giữ nguyên cách thiết kế xưa và được bảo tồn nguyên trạng, riêng bệ thờ Thần Nông đã bị mai một. Trong đình vẫn còn giữ được ba bộ ngai sơn son thiếp vàng, trong ba ngai còn ghi rõ hiệu: Áp Đạo Đại Vương, Viễn Sơn Đại Vương, Ất Sơn Đại Vương. Kèm theo bài vị còn có sắc phong bằng chữ nho của các vua triều Nguyễn. Bên cạnh đó còn có: 1 kiệu bát cống lớn, sơn son thiếp vàng, dành để khiêng kiệu rước Vua từ Hùng Vương Tổ Miếu về đình làng; 1 kiệu chung, sơn son thiếp vàng có 4 người khiêng 2 quạt cờ, 3 áo long bào, hai lọng; 8 bát tiểu: có đục chạm và sơn son thiếp vàng; 2 gươm trần, 2 mã tấu, 2 chuông đồng; 2 thanh đao, 4 giáo, 4 mác làm bằng gỗ tốt có sơn son thiếp vàng; 1 lọng lớn, 1 lọng chung và 1 lọng nhỏ; hơn 30 bộ áo chung nam bằng nỉ có viền chỉ vàng kim tuyến kèm theo xà cạp xanh có dây kèm theo; hơn 30 cờ thần đuôi nheo, trong đó có 1 chiếc rộng 4 thước có diềm bằng kim tuyến trong có chữ Hán ghi “Đại Vương”.

Đình làng An Thái trước khi tu bổ - Ảnh: Lại Thế Anh

Hát xoan ở làng An Thái được tổ chức giữa đình làng. Tuy nhiên, trước khi vào cuộc hát, toàn thể nhân dân tham gia lễ tế Vua Hùng trong đình, chọn một chủ tế có đạo đức phong quang, con cháu đề huề, thay mặt cho dân làng mặc trang phục áo thụng lam, chân đi hia đỏ vào chiếu làm lễ dâng Vua Hùng.

An Thái là một làng cổ nằm trong kinh đô Văn Lang xưa với cuộc sống nông nghiệp là chính, người dân nơi đây sống trong một vùng trung du bán sơn địa, ở quần cư trên các ngọn đồi nhỏ xen lẫn khe ngòi, thung lũng. Họ sinh hoạt chia theo các thôn, xóm nhỏ và mối quan hệ làng xóm (làng trên, xóm dưới). Hát xoan chịu ảnh hưởng về văn hóa, tư tưởng... từ thời kỳ Hùng Vương kéo dài suốt tiến trình lịch sử Việt Nam đến ngày nay. Tiếng hát xoan của người dân làng An Thái xưa gắn với đình làng mỗi dịp tế lễ. Người nông dân trong xã hội nông nghiệp xưa gắn bó cả cuộc đời với làng xã, mái đình là nơi mà cộng đồng cư dân tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa, chính trị... của làng. Mọi việc lớn trong làng đều được đưa ra đình làng bàn bạc cho các chức sắc và nhân dân quyết định, mái đình làng còn là nơi tổ chức hội họp giao lưu văn hóa... giữa làng sở tại với làng khác, là nơi các tầng lớp nhân dân gặp gỡ, trai gái trao duyên khi mỗi dịp làng mở hội. Mái đình làng nơi đây tập trung cho những nét văn hóa bản địa, những sinh hoạt văn hóa đặc sắc mang những đặc trưng riêng của làng An Thái.

Có thể nói, hát xoan đối với nhân dân nơi đây có một vị trí rất quan trọng trong tâm linh, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa cộng đồng... ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tinh thần, tư tưởng, nếp nghĩ, nếp sống của người dân. Trước hết, đó là tiếng hát thờ anh linh các vị Vua Hùng đã có công dựng nước và những nhân vật truyền thuyết liên quan đến nhà nước Văn Lang được hóa thân theo quan niệm nhân dân nơi đây trở thành những vị phúc thần, Thành Hoàng làng như: Vua, Đại Vương, Đế Vương... đem lại đời sống ấm no, dân khang vật thịnh, tiêu trừ cái ác đem lại những điều tốt đẹp cho dân làng, trở thành chỗ dựa trong đời sống tâm linh và tinh thần của người nông dân vùng đất cổ An Thái.

Nhang dâng đã đến Đại Vương

Ôi là dóng dảng thấy nhang từ dày

Trăm bước rước về đình đây

(Trích Thơ Nhang - hát xoan An Thái)

Các phường xoan trong vùng có tục lệ nước nghĩa (kết nghĩa) và giữ cửa đình. Theo tác giả Tú Ngọc trong cuốn Hát Xoan, dân ca lễ nghi phong tục, các phường xoan đến hát thờ gồm các làng: Tử Đà, Phù Ninh, Y Kỳ, Tiên Du, Cao Mại, Hữu Bổ, Thanh Mai, Cổ Tích, Cẩm Đội, Tử Du, Đức Bác (Vĩnh Phúc), Hoàng Chuế, Tây Cốc, Nông Trang, Dữu Lâu, Hương Nộn. Các làng có hát xoan đều thuộc vùng tiếp giáp giữa đồng bằng và trung du của tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, vừa có đồi gò, ruộng trũng, đầm hồ, vừa có đồng ruộng được sông Lô, sông Hồng bồi đắp, cư dân là người Việt trồng lúa nước lâu đời. Như vậy, chúng ta thấy rằng, hát xoan cổ nơi đây gắn với không gian cư trú là vùng đất trung du, gắn với các yếu tố địa lý của vùng đất Tổ xưa kia. Sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, môi trường diễn xướng đều gắn bó chặt chẽ với tín ngường thờ cúng Vua Hùng. Qua nghiên cứu, tác giả cho rằng, không gian văn hóa của hát xoan cổ là đình làng xoan gốc và đình làng của các làng kết nghĩa, đều nằm xung quanh khu vực Hạc Trì (gần đền Hùng, thuộc hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ).

2. Biến đổi về không gian diễn xướng của hát xoan hiện nay

Trước hết, là sự biến đổi về không gian nơi cư trú, sinh kế cũng như điều kiện tự nhiên và môi trường.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa và nền kinh tế thị trường, không gian hát xoan cổ đang có những biến đổi đáng kể. Trước hết là nút giao IC7 của đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai (KM 48-890). Nút giao đường cao tốc này được thiết kế nối với nhánh chính A1 vào đường Phù Đổng đi thành phố Việt Trì qua xã Hùng Lô (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) và con đường này hiện đi giữa hai làng xoan gốc Phù Đức và An Thái. Từ khi có đoạn nối giữa đường Phù Đổng vào IC7 Hà Nội - Lào Cai, mọc lên hàng loạt hàng, quán, khách sạn, nhà nghỉ… để phục vụ hành khách nhất là các dịp lễ lớn như Giỗ Tổ Hùng Vương, biến không gian văn hóa làng quê xưa dần trở thành vùng ven đô của thành phố Việt Trì với đời sống kinh tế mới hiện đại, nhộn nhịp… Một số công trình xây dựng của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Phú Thọ, các nhà máy mang hợp đồng xây dựng mới trong khu vực làng xoan An Thái, cũng làm thay đổi không gian làng quê nơi đây. Hiện nay, theo điều tra của tác giả, cơ sở hạ tầng của hai làng xoan gốc đã có nhiều thay đổi với 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, số nhà cao tầng chiếm từ 50-60% lượng nhà ở của hai làng. Đặc biệt, hiện nay, hai làng xoan gốc nối tiếp với quốc lộ 2, quốc lộ 32C, cầu Hạc Trì, cầu Văn Lang rất thuận lợi trong giao thông và phát triển kinh tế, xã hội.

Nếu như xưa kia với không gian văn hóa làng quê và bên mái đình làng vào dịp hội hè mỗi khi xuân về, thì không gian sinh hoạt hát xoan hiện nay đã có nhiều biến đổi để đáp ứng nhu cầu của con người và đời sống nơi đây, đặc biệt từ khi hát xoan được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo cụ Nguyễn Thị Lịch - trùm xoan phường An Thái, hiện nay, phường xoan đã truyền dạy hát xoan cổ cho hơn 6.000 người của 34 Câu lạc bộ (CLB) xoan cấp tỉnh như: CLB khu 5 Văn Phú, CLB khu 2 Phượng Lâu, CLB xã Hùng Lô, CLB xã Bảo Yên, CLB thị trấn Thanh Thủy, CLB xã Phú Nham, CLB xã Chân Mộc, huyện Đoan Hùng, CLB xã Minh Phú, CLB xã Phú Hộ… Ngoài ra, các nghệ nhân của làng An Thái còn tổ chức dạy hát xoan cho các trường học cấp 1, 2, 3 trên địa bàn tỉnh và các nhà trường có nhu cầu được trao truyền về xoan cổ. Ngoài ra, còn truyền dạy cho các cơ quan trong tỉnh như Trung tâm Văn hóa tỉnh Phú Thọ, các Trung tâm Văn hóa huyện, Công an tỉnh, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ, Sở Khoa học Công nghệ, Nhà Văn hóa thành phố, Hội Phụ nữ… Truyền dạy hát xoan được diễn ra trong không gian mới, đó là nhà văn hóa của khu, tổ đối với các câu lạc bộ; trong hội trường, sân trường đối với các cơ quan, đơn vị, trường đại học, trường phổ thông trên địa bàn. Hát xoan hai làng An Thái và Phù Đức còn biến đổi mạnh mẽ hơn khi được đưa lên sân khấu phục vụ khách du lịch hay biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật.

Năm 2011, tỉnh Phú Thọ đã quyết định phục dựng miếu Lãi Lèn trên diện tích 3000m2, trở thành một điểm tham quan cho khách du lịch muốn tìm hiểu về hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Kiến trúc miếu Lãi Lèn hình chữ Đinh gồm tiền tế và hậu cung theo hướng Đông Nam, lợp ngói mũi hài, có hai tòa nhà tả vu, hữu vu theo kiểu nhà 5 gian truyền thống, trước miếu là bình phong bằng đá. Trong khuôn viên có Nhà trưng bày Nghệ thuật hát xoan, đây cũng là nơi phường xoan Phù Đức và An Thái, Kim Đới, Thét thường xuyên giới thiệu và biểu diễn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Kết luận

Không riêng làng xoan An Thái, mà rất nhiều loại hình diễn xướng dân gian hiện nay đứng trước sự thay đổi về không gian diễn xướng do thay đổi về cơ sở hạ tầng, nhu cầu của con người và các chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Nắm vững và hiểu rõ các ảnh hưởng khi không gian diễn xướng của các loại hình dân ca truyền thống thay đổi sẽ giúp ta nhận ra những mặt tích cực và tiêu cực, từ đó có hướng đi tốt hơn trong công tác bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện nay (1).

__________________________

1. Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, mã đề tài HPU2.2022-CS.01.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Xuân Lâm, Địa chí Vĩnh Phú, Ty Văn hóa Vĩnh Phú, Vĩnh Phú, 1974.

2. Bùi Thị Mai Lan, Hát Xoan làng Phù Đức (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, 2012.

3. Lâm Tô Lộc, Nghệ thuật múa dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1997.

4. Nguyễn Lộc, Hát Xoan Phú Thọ, Tạp chí Dân tộc học, số 3, 1974, tr.83-89.

5. Nguyễn Lộc, Múa hát Xoan (nguồn gốc, thể thức), trong Những vấn đề lịch sử Vĩnh Phú, tập 1, Ty Văn hóa Vĩnh Phú, 1975.

6. Luật Di sản Văn hóa và Nghị định hướng dẫn thi hành, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001

Ths LẠI THẾ ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;