BIẾN ĐỔI GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Trong điều kiện toàn cầu hóa đời sống kinh tế, việc xây dựng nền kinh tế thị trường là yêu cầu bắt buộc để nước ta hội nhập vào đời sống kinh tế quốc tế, tận dụng điều kiện bên ngoài cho sự phát triển kinh tế trong nước. Nước ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vừa mang những đặc trưng chung của kinh tế thị trường vừa có những đặc điểm riêng của nền kinh tế thị trường đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Những đặc điểm này in dấu ấn lên đời sống mọi mặt của xã hội, trong đó có đời sống đạo đức. Việc chuyển từ nền kinh tế theo mô hình kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường đã tạo nên sự biến đổi mạnh mẽ trong đời sống đạo đức của xã hội. Hàng loạt vấn đề đặt ra liên quan đến việc nhận thức và xử lý trong thực tiễn mối quan hệ giữa kinh tế và đạo đức, truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế... nhất là mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với việc xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh, bảo đảm phát huy nhân tố đạo đức truyền thống dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

Nhân tố đạo đức của quá trình xây dựng kinh tế thị trường ở nước ta trong thời gian qua đã góp phần to lớn trong việc giải phóng sức sản xuất của xã hội, tăng năng suất lao động, tạo tiền đề vật chất để nâng cao đời sống của nhân dân. Kinh tế thị trường kích thích tính tích cực và tiềm năng sáng tạo của con người, hình thành các nhân cách độc lập, phát triển tính tự chủ; nơi đánh giá khách quan sản phẩm hàng hóa, tạo sự sàng lọc tự nhiên với hàng hóa và con người, buộc con người phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm, hiệu quả công việc nếu muốn tồn tại và phát triển; là yếu tố kích thích con người không ngừng vươn lên để tự khẳng định mình; tạo không gian giao tiếp rộng lớn và phong phú cho từng cá nhân, qua đó cá nhân vừa có dịp bộc lộ mình vừa phát triển đời sống tinh thần, thay đổi phương thức và nội dung tư duy phù hợp; là tác nhân mạnh mẽ buộc các chủ thể kinh tế phải năng động, sáng tạo, thường xuyên chú ý cải tiến, đổi mới kỹ thuật, hợp lý hóa phương pháp làm việc để đạt hiệu quả cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của con người; xóa bỏ chủ nghĩa bình quân, thực hiện phân phối theo lao động, sở hữu... đã và đang tạo cơ sở khách quan để thực hiện tự do, bình đẳng, xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi; đem lại cách nhìn mới về mối quan hệ giữa lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế với đạo đức. Trước đây, có quan niệm lợi ích kinh tế tách rời với đạo đức, thậm chí còn chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm nghèo thì tốt. Đến nay, quan niệm đó đã trở nên lỗi thời vì không thể xây dựng một đời sống đạo đức tốt đẹp trong điều kiện một nền sản xuất ngày càng tỏ ra kém hiệu quả, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tình trạng nghèo nàn ngày càng trở nên phổ biến. Đương nhiên, không phải đời sống kinh tế được nâng cao là đời sống đạo đức tự động tốt đẹp hơn mà còn tùy thuộc vào việc giải quyết quan hệ lợi ích thông qua việc thực thi các chính sách kinh tế xã hội như thế nào, có hợp lý hay không.

Trong nền kinh tế thị trường, chủ nghĩa cá nhân có dịp phát triển cao độ. Lối sống vì mình, quên người, vì lợi, bỏ nghĩa có nguy cơ lan rộng và bào mòn nhân tính của con người. Quan hệ giữa người và người dễ bị che khuất trong quan hệ trao đổi hàng - tiền, tiền - tiền nên tạo ra cách nhìn và đánh giá con người thông qua giá trị của cải vật chất. Trong kinh tế thị trường, nhiều cá nhân phát triển một cách phiến diện, trở thành con người méo mó, con người một chiều vì nội dung hoạt động của họ bị định hướng hoàn toàn vào mục tiêu tăng thêm lợi nhuận, của cải vật chất. Do vậy, những kiểu cá nhân càng giàu về đời sống vật chất lại càng nghèo nàn về đời sống tinh thần, thừa tiền nhưng lại thiếu văn hóa, giàu mà không sang... đã và đang xuất hiện ngày một nhiều trong đời sống xã hội. Mặt khác, do sự tác động mạnh mẽ của quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh mà sự phát triển của một số người lại bị trả giá bằng sự hy sinh phát triển của một số người khác.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, vai trò của đồng tiền tăng lên tương ứng với chức năng xã hội phong phú. Nhưng một khi đồng tiền trở thành mục tiêu cuối cùng là giá trị chủ yếu trong hoạt động của cá nhân thì nó sẽ tạo ma lực cuốn hút người ta lao theo cơn lốc lợi nhuận bằng bất cứ giá nào. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà người ta làm biến dạng quan hệ giữa người với người do tính chất vụ lợi trong hành vi đạo đức cá nhân. Trong kinh tế thị trường, việc duy trì cuộc sống hàng ngày của các cá nhân chủ yếu bằng việc trao đổi sản phẩm làm ra thông qua tiền tệ với tính cách là vật ngang giá chung. Sự phát triển của kinh tế thị trường gắn liền với khuynh hướng mở rộng các nguyên tắc trao đổi thị trường ra tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm bộc lộ nguy cơ tất cả đều có thể trở thành hàng hóa, nghĩa là có thể mua bán được, càng có nhiều tiền càng có khả năng mua được nhiều thứ. Đó là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh tệ sùng bái tiền, sùng bái của cải vật chất và vô số những hành vi phản đạo đức, gây tác hại nghiêm trọng đến việc xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh ở nước ta.

Trong kinh tế thị trường, cạnh tranh là quy luật tất yếu, song xuất phát từ động cơ đạo đức, từ quan niệm giá trị khác nhau mà mục đích, phương thức cạnh tranh có khác nhau. Có cạnh tranh làm tích cực hóa hoạt động của con người, tạo đà cho sự phát triển chung của xã hội nhưng cũng có cạnh tranh theo kiểu luật rừng, cá lớn nuốt cá bé, làm lãng phí các nguồn lực của sự phát triển, gây hậu quả xấu cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Việc chuyển từ cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới với việc mở rộng quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế và cá nhân người lao động đã khơi dậy tính năng động, sáng tạo và tăng cường trách nhiệm của các chủ thể kinh tế. Nhưng có kẻ lợi dụng những sơ hở trong cơ chế quản lý mới để làm giàu bất chính gây nên những bất bình trong dư luận xã hội, đi ngược lại truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Kinh tế thị trường là nền kinh tế mở cả bên trong lẫn bên ngoài, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Xu thế này mở ra khả năng to lớn để chúng ta tiếp cận với các giá trị văn hóa, văn minh nhân loại. Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực trên là sự xâm nhập khó tránh khỏi của lối sống xa lạ và các phản giá trị từ bên ngoài, nhất là khi nhân tố nội sinh ở lúc này, lúc khác, mặt này, mặt nọ tỏ ra chưa đủ mạnh.

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng. Mức độ đô thị hóa là một tiêu chí quan trọng đánh dấu sự phát triển của xã hội nói chung, sự tăng trưởng kinh tế nói riêng. Xã hội đô thị tạo nhiều cơ hội cho sự thăng tiến của con người. Nó đóng vai trò chủ đạo, dẫn đường và thúc đẩy sự phát triển của các vùng khác. Song, lối sống đô thị trong các rừng rậm bê tông ấy lại chứa đựng những hệ quả tiêu cực. Đó là sự phá vỡ tính cộng đồng truyền thống, nạn ô nhiễm môi trường, sự gia tăng của các tệ nạn xã hội và tính phi nhân trong quan hệ giữa người với người có nguy cơ tăng lên, nhất là ở các đô thị mới đang hình thành. Mặt khác, sự di dân từ nông thôn vào thành thị làm một bộ phận người tách khỏi môi trường cũ vốn có nhiều mối quan hệ, nhiều chuẩn mực đạo đức truyền thống ràng buộc họ để hoạt động trong môi trường mới mà các hình thức kiểm soát về mặt xã hội, nhất là dư luận xã hội ít có hiệu quả.

Trong những năm thực hiện cơ chế thị trường ở nước ta, những tác động tiêu cực của nó đến đời sống đạo đức xã hội đã bộc lộ rõ nét trên nhiều mặt, nhất là nguy cơ làm suy yếu quan hệ giữa cá nhân và cá nhân, giữa cá nhân và cộng đồng, đồng thời với sự gia tăng khó kiểm soát của nhiều tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Mặt trái của kinh tế thị trường cùng với sự yếu kém trong giáo dục và tự giáo dục đạo đức đã bào mòn những tình cảm tự nhiên trong gia đình. Tình trạng con cái trưởng thành hắt hủi bố mẹ vì coi họ là gánh nặng không còn là hiện tượng cá biệt trong xã hội. Truyền thống tôn sư, trọng đạo có phần bị xem nhẹ... Quan hệ tình cảm giữa người với người, nhất là ở các đô thị, các tụ điểm buôn bán có xu hướng khép kín theo kiểu đèn nhà ai nấy sáng, ai làm nấy biết. Người ta trở nên xa lạ ngay đối với những người láng giềng của mình. Trong khi một bộ phận của xã hội tiêu dùng vượt quá khả năng thanh toán thì một bộ phận khác có thu nhập cao lại sa vào lối sống thực dụng, ăn chơi phung phí, bất chấp hậu quả.

Các loại tệ nạn xã hội có nguyên nhân từ mặt trái của kinh tế thị trường đang gây nên hậu quả nghiêm trọng trong đời sống xã hội. Hiện tượng buôn lậu, làm hàng giả, nghiện ngập ma túy, hoạt động mại dâm, bạo lực... với mục đích trục lợi có chiều hướng gia tăng. Hiện tượng làm hàng giả, sản xuất và kinh doanh các ấn phẩm mang nội dung đồi trụy, kích động bạo lực, chạy theo thị hiếu tầm thường... vẫn tồn tại dai dẳng. Các hoạt động mại dâm, bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em, bắt cóc tống tiền, tổ chức các đường dây buôn bán phụ nữ... đang gây nhiều nhức nhối cho xã hội. Hoạt động mại dâm tồn tại khá phổ biến trong các khách sạn, nhà hàng, điểm karaoke, massage, các quán cà phê vườn với số lượng đối tượng tham gia không thể thống kê được. Nạn cờ bạc của những kẻ say máu đỏ đen, ham muốn tiền bạc dựa trên sự lừa lọc, sát phạt nhau đã gây ra bao cảnh tan cửa, nát nhà, đầu độc tâm hồn con người, thậm chí có kẻ thua cháy túi còn tự tìm đến cái chết. Tệ nghiện ngập rượu chè, tình trạng bạo lực và tội ác, nhất là khuynh hướng sử dụng bạo lực trong việc giải quyết các va chạm về lợi ích kinh tế giữa các cá nhân có nguy cơ lan rộng. Nhiều nơi tôn nghiêm như các di tích lịch sử, đền chùa, miếu mạo cũng bị một số kẻ lợi dụng để buôn thần, bán thánh, tuyên truyền mê tín dị đoan, khôi phục các hủ tục để trục lợi.

Đáng chú ý là sự gia tăng của các loại tội phạm điển hình hiện nay như tội phạm kinh tế, tội xâm hại trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra còn nhiều loại tội phạm khác, tuy đã xảy ra nhưng chưa được phát hiện. Mặc dù tội phạm ở Việt Nam còn ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới nhưng đó là dấu hiệu đáng lo ngại đối với một quốc gia đang phát triển.

Mặt trái của cơ chế thị trường cùng với sự yếu kém trong giáo dục và tự giáo dục đạo đức đã dẫn đến tình trạng “suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức quyền”. Kinh tế thị trường làm thay đổi nhanh chóng quan niệm giá trị của con người, làm cho người ta dễ mất lòng tin vào những gì có tính chất bền vững. Vì vậy, các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc luôn đứng trước nguy cơ bị mai một và lãng quên nếu không tạo lập được môi trường nuôi dưỡng nó.

Không phải đợi đến khi có kinh tế thị trường và kinh tế thị trường cũng không phải là nguyên nhân duy nhất của những mặt tiêu cực nêu trên. Nhưng rõ ràng, nếu trước đây những hiện tượng tiêu cực diễn ra với quy mô nhỏ, mức độ thấp thì trong điều kiện kinh tế thị trường, chúng có dịp phát triển với quy mô lớn, mang tính tổ chức cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta còn đang ở giai đoạn sơ khai với nhiều yếu tố tự phát, hiệu quả pháp luật trong quản lý xã hội còn thấp, việc giáo dục và tự giác giáo dục đạo đức còn bị xem nhẹ, thì những mặt tiêu cực nêu trên có dịp bộc lộ rõ nét.

Quá trình chuyển sang kinh tế thị trường ở nước ta trong thời gian qua đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội, tạo nên sự chuyển đổi trong thang giá trị xã hội và định hướng giá trị, trong đó có các giá trị đạo đức xét trên quy mô toàn xã hội cũng như đối với từng tập thể, cá nhân. Nắm bắt đúng quá trình chuyển đổi này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự quản lý xã hội. Nó giúp chúng ta nhìn nhận quá trình biến đổi với thái độ bình tĩnh, kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực cần ngăn chặn và những nhân tố tích cực, hợp lý cần phát huy.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : ĐỒNG QUANG THÁI

;