Nguồn gốc của làng xoan An Thái
Nằm ở hữu ngạn dòng sông Lô lịch sử, làng cổ An Thái thuộc xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Nơi đây có đình An Thái và miếu Cấm (nay là Tổ miếu Hùng Vương) là nơi tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian hát xoan, thể hiện lòng thành kính đối với Vua Hùng. Đây cũng là địa điểm sinh hoạt thường xuyên của phường Xoan An Thái, một trong bốn phường Xoan gốc. Theo ghi chép của cụ cố trùm xoan An Thái - Nguyễn Tất Thắng về truyền thuyết gốc hát xoan An Thái: “Thời Vua Hùng thứ 6, thụy là Hùng Hân Vương, vua đưa quân đi đánh giặc trở về qua làng thì hoàng hậu đau bụng mãi không sinh được. Quân hầu tâu rằng trong làng có người con gái tên Quế Hoa, múa dẻo, hát hay, vua liền cho gọi đến hát vui cho hoàng hậu nghe. Đi từ An Thái qua làng Kim Đức, về đến làng Cao Mại thì hoàng hậu sinh được. Vua giữ Quế Hoa lại trong cung và từ đấy có tục hằng năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng, phường Xoan An Thái phải sang hát thờ đình Cao Mại”.
Về nguồn gốc của hát xoan nói chung và hát xoan làng An Thái nói riêng, chưa rõ vào thời gian, thời kỳ nào. Tất cả mới chỉ dừng lại ở những giả thuyết của các nhà nghiên cứu và truyền thuyết trong dân gian. Tuy nhiên, dựa vào những truyền thuyết, hát xoan đều gắn với tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng là các Vua Hùng ở nhiều làng Xoan gốc có người đi hát như Đức Thánh Cả (miếu Lãi Lèn) ở làng Phù Đức, Tam Vị Đại Vương ở làng An Thái. Dựa vào điệu múa, các ca từ trong xoan, âm nhạc và lối hát... có thể nói, hát xoan ở An Thái mang những biểu hiện về hình thức, nội dung đậm dấu ấn của văn hóa thời kỳ Hùng Vương và nhà nước Văn Lang.
Quá trình phát triển
Theo các cụ nghệ nhân trong làng truyền lại, trước 1945 đã có ba họ Xoan, mỗi họ có khoảng 15 đào, kép và một ông trùm đứng đầu chia nhau đi hát thờ ở đình làng suốt tháng Giêng. Đến năm 1945, khi các cụ hát trùm của họ Xoan thứ nhất, thứ hai, thứ ba qua đời và cụ Nguyễn Văn Chế là người cận kề đến thời điểm đó, hát xoan lắng xuống. Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), làng Xoan An Thái không tổ chức lưu diễn ở các xã kết nghĩa, mà chỉ biểu diễn vào các ngày lễ hội của làng. Lúc này, trong làng chỉ còn họ Xoan thứ hai của cụ Nguyễn Văn Chìu truyền cho con trai là Nguyễn Tất Thắng. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cụ Nguyễn Tất Thắng vẫn duy trì tập hợp phường Xoan để dạy cho con cháu và nhân dân trong làng vào tối thứ bảy và chủ nhật. Năm 1962, bà Nguyễn Thị Lịch là con gái cụ Nguyễn Tất Thắng được cha truyền nghề. Năm 1966, Ty Văn hóa Phú Thọ về khai thác các làn điệu xoan, nhân dân bắt đầu tham gia hát xoan một cách có định hướng hơn. Đến năm 1997, bà Nguyễn Thị Lịch, đứng ra thành lập Câu lạc bộ hát xoan An Thái. Đến năm 2006, Câu lạc bộ hát xoan An Thái được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là phường Xoan cấp tỉnh. Từ 2006 đến nay, phường Xoan An Thái có trên 100 hội viên, người nhỏ tuổi nhất là 10 tuổi và cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Thị Hải (86 tuổi). Hiện nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh Phú Thọ, Viện Âm nhạc Việt Nam... hát xoan ở làng An Thái ngày càng phát triển về số lượng hội viên và chất lượng nghệ thuật.
Những biến đổi của hát xoan làng An Thái hiện nay
Trước hết, do cuộc sống hiện đại, chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước diễn ra với tốc độ nhanh, sâu, rộng kéo theo sự giao lưu, hội nhập văn hóa giữa các nước có tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân. Nhiều thể loại âm nhạc ngoại nhập có tác động lớn vào giới trẻ trong làng, khiến họ không còn mặn mà với làn điệu dân ca xoan của quê hương. Đồng thời, sự du nhập các luồng văn hóa mới thông qua phương tiện hiện đại như truyền hình, internet, băng đĩa.... khiến giới trẻ khó lòng định hướng được những giá trị văn hóa bản thể tốt đẹp, cần bảo tồn và phát huy trong thực tại. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế địa phương còn nghèo, thiếu thốn khiến người dân bộn bề lo toan với cơm áo gạo tiền, nên họ không có thời gian để quan tâm đến hát xoan.
Một biến đổi khác phải kể đến ngay trong chính nghệ thuật hát xoan là khuynh hướng sân khấu hóa, thương mại hóa các tiết mục bài bản xoan. Mặt khác, việc phát triển thêm về phần âm nhạc và lời ca dựa trên các bài bản trong phần hát hội để phù hợp với cuộc sống hiện đại, dẫn đến còn rất ít người thuộc và trình diễn đúng, cũng như hiểu và giải thích được các điển tích, nội dung, ca từ trong các bài bản hát xoan cổ.
Bên cạnh đó, lớp nghệ nhân hát xoan làng An Thái còn rất ít, chỉ còn lại 4 người, tuổi cao, sức yếu nên việc truyền dạy hát xoan cũng bị hạn chế. Thêm vào đó, việc đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, trang phục, đạo cụ, không gian diễn xướng của nghệ thuật hát xoan cũng như các kế hoạch cụ thể để phát triển hát xoan chưa có. Chính sách đãi ngộ với nghệ nhân truyền dạy hát xoan chưa nhiều; công tác quản lý văn hóa cơ sở còn nhiều bất cập, chưa đưa ra được các biện pháp, mô hình tiên tiến để phát triển hát xoan; chưa nhân rộng các điển hình, hạt nhân tốt, câu lạc bộ hát xoan cổ ngay trên quê hương...
Công tác đào tạo, tuyên truyền hát xoan làng An Thái từ năm 2015 đến nay
Được sự quan tâm của Đảng và chính quyền, Câu lạc bộ hát xoan làng An Thái do bà Nguyễn Thị Lịch đã truyền dạy hát xoan cổ cho nhiều nơi với số lượng học viên đông đảo, nhiều thành phần lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau: tại xã Việt Thành huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (có 50 người tham gia học); tại thành phố Thái Nguyên đã thành lập Câu lạc bộ hát xoan (30 người); Đoàn thanh niên Đài phát thanh Truyền hình Phú Thọ (20 người), Báo Phú Thọ (20 người), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ (2 lớp, 40 người), Văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ (20 người), Công an tỉnh Phú Thọ (80 người). Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Lịch còn có công lao đóng góp phổ biến, truyền dạy hát xoan cho khối giáo dục đào tạo tỉnh Phú Thọ như: Trường Đại học Hùng Vương (80 sinh viên), Trường Tiểu học Phượng Lâu thành phố Việt Trì (150 học sinh), Trường Tiểu học Gia Cẩm truyền dạy cho các em từ lớp 1 đến lớp 5… Bà Nguyễn Thị Lịch đã xây dựng được 34 câu lạc bộ hát xoan ở các trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố Việt Trì. Ngoài ra, bà còn dạy hát xoan tại nhà cho hai lớp: lớp gồm 78 cháu thiếu nhi của làng An Thái và một số làng phụ cận, một lớp kế cận nghệ nhân gồm đủ các thành phần thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh. Bà còn duy trì mở 2 lớp dạy hát tại đình làng An Thái...
Thời gian giảng dạy giữa các lớp được bà bố trí phù hợp: đối với các lớp không thuộc khối lượng trường học: sáng từ 7h30 đến 11h, chiều từ 13h30 đến 16h30; khối các trường học thời gian giảng dạy chủ yếu vào hè và các ngày chủ nhật trong tuần.
Phương pháp truyền dạy chủ yếu là truyền nghề, nghệ nhân thị phạm, hát, múa trước, người học bắt chước thực hành luyện tập theo sau đó, nghệ nhân hướng dẫn sửa sai, thực hành làm mẫu lại cho đến khi người học nắm vững cách hát, động tác...
Nội dung truyền dạy hát xoan cổ làng An Thái chia thành 3 chặng hát. Chặng thứ nhất, các nghệ nhân dạy hát thời thực chặng hát nghi lễ đầu tiên gồm có 5 bài chính: Nhập tịch mời vua, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám. Nội dung chính của các bài là tri ân công đức Vua Hùng và Thành Hoàng làng. Chặng thứ hai, truyền dạy các quả cách (quả có nghĩa là câu hát phải tròn trĩnh, rõ ràng, câu từ không được sai; cách là cách hát), nội dung gồm có 14 bài: Kiều dương cách, Tràng mai cách, Đối rẫy cách, Tứ dân xoan cách, Nhàn ngâm cách, Xuân thời cách, Hạ thời cách, Đông thời cách, Thu thời cách, Xoan thời cách, Tứ mùa cách, Hò chèo cách, Hồi liên cách, Chơi dâu - Xướng cách. Trong các quả cách, lời hát và cách hát có khác nhau nhưng giai điệu các bài hát tương đối giống nhau. Chặng thứ ba là hát hội gồm các bài: Đón đào (nội dung là trai làng Vĩnh Phúc ra bờ sông Lô để đón đào An Thái sang bên đình làng xã Đức Bác để hát giao duyên), Xin huê, Đố huê, Đố chữ, Hát ru mời rượu, Bợm gái - thiết trầu, Bỏ bộ, Gài huê, Giã cá (1).
Trước khi dạy 3 chặng hát cho học viên, nghệ nhân sẽ dạy cho họ về lý thuyết những kiến thức cơ bản trong hát xoan An Thái (thời lượng một ngày), nội dung chủ yếu nói về lịch sử ra đời của hát xoan, giới thiệu về các chặng hát xoan, lý thuyết về cách hát xoan, lý thuyết về cách đánh trống, cách múa, cách đứng hát của kép hát...
Về cách đánh trống, đối với hát nghi lễ dùng trống con, hát hội dùng trống chung. Hát chặng thứ nhất nghi lễ bắt đầu nhập tịch mời vua và giáo trống, giáo pháo thì sử dụng trống chung, trống con, còn các quả cách sử dụng trống con. Hát hội dùng toàn bộ là trống chung (hay còn gọi là trống chầu). Cách đánh trống có khác nhau của ba chặng hát về tiết tấu. Ví dụ: ở chặng thứ nhất khi nổi trống chầu, đào hát sẽ hát nhập tịch:
Tám người chân kiệu bước vào
Tay lót khăn đào rước lấy vua lên
Kép năm hát: Vua lên thánh đức trị vì
Vua về nghe hát mừng làng sống lâu
Cách múa của đào là miệng hát tay uốn vào để tạo thành nụ hoa, chân nhón, mắt hướng về thượng cung.
Đối với kép hát, dù thuộc bài vẫn phải cầm sách (vì nói phải có sách) mắt hướng về thượng cung, chỉ cầm sách đứng hát, kép trống cũng phải đứng mắt hướng về thượng cung quan sát kép hát và đào hát, giữ nhịp trống để lời hát và điệu múa nhịp nhàng với tiếng trống.
Một số đề xuất hỗ trợ đào tạo truyền nghề
Nhà nước cần có quy hoạch về đào tạo, truyền dạy hát xoan cổ và có những chính sách hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các câu lạc bộ hát xoan cổ làng An Thái.
Bảo tồn nguyên trạng hát xoan cổ: cần thành lập trung tâm văn hóa hát xoan cổ tại địa phương để lưu trữ các nguồn tư liệu sưu tầm, hay do các nghệ nhân cung cấp. Phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn để ghi âm, ghi hình các bài bản, quả cách diễn xướng hát xoan làng An Thái. Bên cạnh đó, cần giữ gìn và khôi phục môi trường hát xoan cổ.
Bảo tồn, phát triển các làn điệu hát xoan cổ phải dựa vào cách sống, cách nghĩ, cách cảm của con người thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa để phát triển hát xoan về mặt nội dung, lời ca cho phù hợp và phản ánh cuộc sống hiện đại.
Đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm hát xoan cổ làng An Thái trong các cơ quan văn hóa địa phương với đội ngũ cán bộ có đầy đủ chuyên môn, trách nhiệm công việc để tiếp cận vấn đề nghiên cứu.
Cần có nguồn tài chính để phục vụ công việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa hát xoan cổ làng An Thái.
Xây dựng bảo tàng về hát xoan làng cổ làng An Thái để phục vụ dựng lại không gian hát xoan cổ, trưng bày hiện vật, tư liệu, trang phục...
Xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ với nghệ nhân truyền dạy hát xoan và thành viên tham gia học tập hát xoan cổ, tạo động lực để hát xoan không bị mai một.
Hát xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào của cả Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Phú Thọ. Đi cùng với niềm tự hào ấy, trong nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc tích cực, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy di sản quý báu này. Hát xoan ngày nay không chỉ ngân vang nơi những mái đình cổ kính, mà đã ngân vang trên khắp các làng quê đất Tổ.
______________
1. Riêng bài Bỏ bộ, có nhiều lời, mỗi lời giai điệu có khác nhau, nội dung chủ yếu nói về công việc của các cư dân trồng lúa nước, ví dụ như nghề bắt cá, đốn củi, cày bừa, xe chỉ, vá may, trồng đậu, trồng cà...
Bài Giã cá hay còn gọi là Mó cá là hát trao duyên của các cô gái đào xoan với trai làng An Thái, thường hát về đêm khoảng từ 19h tối đến khi bắt được con cá to dâng lên nhà Vua (Vua Hùng) thì cuộc vui cũng kết thúc lúc tang tảng sáng gà gáy canh năm.
Tác giả: Lại Thế Anh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11 - 2019