Không gian văn hóa Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (KDT) nằm trên địa bàn xã Kim Liên và Nam Giang, gồm các cụm di tích nằm đan xen với khu dân cư. Từ khi được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt đến nay, KDT đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ và các địa phương. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã chỉ rõ: “Thực hiện số hóa và lập bản đồ số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu”. Tuy nhiên, công tác quản lý còn gặp không ít khó khăn trong việc bảo tồn di tích và các tài liệu, hiện vật gốc. Bởi KDT nằm rải rác không tập trung, các di tích được làm từ vật liệu thô sơ, kém bền vững dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu, côn trùng và con người… nên việc ứng dụng công nghệ mới vào công tác bảo tồn di tích càng trở nên cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
1. Không gian văn hóa Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên
Không gian văn hóa KDT, bao gồm hàng trăm hiện vật gốc có giá trị và các di tích như: Nhà tranh của hai cụ Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan, nhà ông bà ngoại của Bác, nhà thờ chi họ Hoàng Xuân, nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, giếng Cốc, lò rèn Cố Điền, nhà cụ cử Vương Thúc Quý là thầy học khai tâm của Bác, nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhâm - ông nội của Bác, di tích cây đa, sân vận động làng Sen, khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; phần mộ cụ Hoàng Thị Loan, cụm di tích núi Chung.
2. Vấn đề bảo tồn Không gian văn hóa Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên trong thời gian qua
Từ khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt đến nay, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội đầu tư có trọng điểm các chương trình, dự án bảo tồn, tu bổ, chống xuống cấp các di tích trong KDT, như lợp lại mái tranh các di tích theo định kỳ; tu bổ sân, nền, đường di tích; xử lý hệ thống thoát nước; cải tạo nâng cấp lưới điện bảo vệ; lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động; tôn tạo vườn cây trong KDT và trong khuôn viên bảo tàng, nhà tưởng niệm. Bên cạnh đó, công tác sưu tầm các tư liệu, hiện vật gốc có giá trị và áp dụng công nghệ kỹ thuật số để lưu trữ, thuyết minh di sản cũng được triển khai hiệu quả. Nhờ đó số lượng du khách đến tham quan, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng tăng và nơi đây trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước trong thời kỳ đổi mới của đất nước (1).
Có thể nói công tác quản lý bảo vệ, phát huy giá trị KDT trong thời gian qua đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, các di tích được tu bổ theo định kỳ, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đáp ứng được nhu cầu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của các tầng lớp nhân dân. Tỉnh Nghệ An cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực của nhà nước và xã hội tham gia bảo vệ, khai thác giá trị của di sản gắn với phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Bên cạnh những thành tựu trên, công tác quản lý bảo tồn KDT đang gặp nhiều khó khăn bởi di sản là một bảo tàng ngoài trời, các di tích luôn mở cửa phục vụ người dân nên cần được bảo quản, tu bổ thường xuyên như chống lún nứt nền nhà, xử lý chống dột, lợp mái tranh, tu bổ sân nền đường của di tích, đảm bảo gìn giữ nguyên trạng của di tích, để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Vấn đề phức tạp hiện nay là hầu hết các di tích được làm từ vật liệu thô sơ như gỗ, tre, nứa, đất nện… trong môi trường khắc nghiệt của miền Trung đã làm ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu bền vững của di tích.
3. Định hướng bảo tồn, phát huy Không gian văn hóa Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên trong thời gian tới
Công tác quản lý KDT không chỉ đòi hỏi về các nguồn lực đầu tư, mà cần xây dựng định hướng quản lý cụ thể mới bảo tồn và phát huy giá trị của di sản được bền vững. Nhận thức được những vấn đề nêu trên, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) tỉnh Nghệ An đã tích cực tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh triển khai lập quy hoạch KDT để bảo tồn và phát huy những giá trị nổi bật của di sản gắn với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1943/QĐ-TTg, ngày 27-11-2020 phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An”. Theo quy hoạch được công bố (2), định hướng KDT có tổng diện tích 278,86 ha, gồm các phân khu chức năng:
Phân vùng bảo vệ, bảo tồn di tích: Cụm di tích làng Sen, diện tích 21,5 ha; Cụm di tích làng Hoàng Trù, diện tích 16,8 ha; Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, diện tích 48,2 ha.
Phân vùng mở rộng phát huy giá trị di tích: Khu vực núi Chung: Không gian du lịch sinh thái và núi Chung, diện tích 83,63 ha và khu vực núi Huyết Rồng, diện tích 60,73 ha; Khu du lịch văn hóa, diện tích 45 ha.
Định hướng quy hoạch cụm di tích Làng Sen, gồm: Khu vực bảo vệ cấp I, diện tích 0,924 ha; Khu vực bảo vệ cấp II, diện tích 1,854 ha.
Định hướng quy hoạch cụm di tích Hoàng Trù: Khu vực bảo vệ cấp I, diện tích 0,405 ha; Khu vực bảo vệ cấp II, diện tích 0,562 ha.
Khu mộ bà Hoàng Thị Loan: Khu vực bảo vệ cấp I, diện tích 0,148 ha; Khu vực bảo vệ cấp II, diện tích 9,610 ha.
Định hướng quy hoạch phát huy giá trị di tích: Khu vực núi Chung, diện tích 83,63 ha, Cánh đồng lúa Huyết Rồng, diện tích 60,73 ha; Khu du lịch văn hóa, diện tích 45 ha.
Như vậy, quy hoạch đã quy định khu vực nào cần được bảo tồn nguyên trạng, khu vực nào được xây dựng, nâng cấp để phục vụ phát triển các dịch vụ du lịch. Để phát huy có hiệu quả các giá trị của di sản theo định hướng quy hoạch, ngoài việc huy động vốn đầu tư, nguồn nhân lực quản lý, tỉnh Nghệ An cần chú trọng đến việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, bảo tồn và phát huy KDT như sau:
Ứng dụng phần mềm quản lý di sản
Việc ứng dụng phần mềm quản lý các hoạt động tại di sản khá phổ biến ở Việt Nam những năm gần đây, tùy theo quy mô, loại hình và phân cấp xếp hạng di sản mà cơ quan, đơn vị quản lý có thể sử dụng module phần mềm quản lý các hoạt động tại di sản như: quản lý giới thiệu các cụm di tích; quản lý văn bản luật; quản lý di vật, hiện vật gốc, công trình kiến trúc các di tích bất động sản tại cụm di tích Làng Sen và cụm di tích Hoàng Trù; quản lý nhân sự; quản lý tra cứu hồ sơ tài liệu.
Trên cơ sở quản lý các hoạt động tại di sản, giải pháp kỹ thuật phần mềm ứng dụng có khả năng quản trị tập trung, cung cấp giao diện thân thiện, thông qua đó đảm bảo luôn theo dõi được hiệu suất, tình trạng hoạt động của hệ thống, các cảnh báo và thông báo để người quản trị vận hành có phản ứng kịp thời và phù hợp. Cho phép giải quyết các yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ chính trị của Sở VHTT và UBND tỉnh Nghệ An; bảo mật dữ liệu, bảo mật ứng dụng, phân quyền sử dụng, truy cập hệ thống ứng dụng; dữ liệu truyền phải được mã hóa khi trao đổi thông tin trên môi trường mạng. Phần mềm có khả năng sao lưu, phục hồi dữ liệu tương thích với hạ tầng kỹ thuật hiện có, cũng như giải pháp sao lưu và phục hồi hệ thống.
Ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật số để quảng bá, hỗ trợ thuyết minh di sản
Cùng với việc đầu tư xây dựng, tu bổ, phục dựng các di tích bất động sản thuộc cụm di tích Làng Sen và Hoàng Trù theo đề án quy hoạch, KDT cần chủ động tham mưu cho Sở VHTT đề xuất với UBND tỉnh các dự án thành phần, trong đó ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để quảng bá, hỗ trợ thuyết minh di sản. Cụ thể là việc ứng dụng thực tế ảo tăng cường, hay còn gọi là công nghệ tương tác 3D hỗ trợ trưng bày các hiện vật gốc có nguy cơ dễ bị hư hại ở các cụm di tích Làng Sen và cụm di tích làng Hoàng Trù. Công nghệ này không chỉ bổ sung thêm các thông tin khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video cho mỗi hiện vật, mà còn bổ sung thêm các hiện vật, ảo vào trong không gian trưng bày thật với bố cục theo yêu cầu, khách tham quan có thể tự do tìm hiểu thông tin về hiện vật.
Đầu tư xây dựng, lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật 1 khán phòng quy mô từ 150-200 người tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để giới thiệu về thân thế sự nghiệp của Người. Lắp đặt hệ thống kỹ thuật số ứng dụng công nghệ tạo hình ảnh 3 chiều (hologram) và hệ thống vòm (surround sound) để thuyết minh về vùng đất, truyền thống văn hóa quê hương Nam Đàn và các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Công nghệ này sẽ đem đến cho khách tham quan góc nhìn 3 chiều với hình ảnh sống động, tăng cường sự tương tác giữa người xem và kịch bản thuyết minh.
Ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật truyền thống
Đặc điểm hoạt động của KDT là không gian mở, các di tích được xây dựng là vật liệu thô sơ và các tài liệu, hiện vật gốc bằng chất liệu giấy, gỗ… nên dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu khắc nghiệt, côn trùng mối, mọt. Vì vậy, KDT cần chủ động tham mưu, đề xuất với Sở VHTT kế hoạch bảo quản tài liệu, hiện vật, cấu kiện di tích bất động sản trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, kết hợp với kỹ thuật truyền thống. Đây là hướng đi mới để khắc phục tình trạng tu bổ, thay thế các cấu kiện gốc khó có khả năng phục hồi nguyên trạng. Đối với những hiện vật gốc trưng bày, ngoài việc xử lý hóa chất hoặc áp dụng kỹ thuật truyền thống để bảo quản, tránh sự tác động bởi môi trường, khí hậu và con người, việc ứng dụng công nghệ in 3D tạo ra các bản sao từ hiện vật gốc để trưng bày cũng cần được quan tâm thử nghiệm. Đối với một số cấu kiện tại các di tích bất động sản dễ bị mối mọt, khó có khả năng phục hồi có thể thay thế bằng vật liệu in 3D. Đối với các cấu kiện như ngói, gạch lát nền, phù điêu, hoa văn, họa tiết… tại các di tích đình, nhà thờ họ có thể sử dụng công nghệ in 3D tạo khuôn đúc theo bản gốc để thay thế trong quá trình tu bổ, phục dựng.
Ứng dụng kỹ thuật số để xây dựng các sản phẩm du lịch
Số hóa hình ảnh (quét VR 3600) toàn cảnh KDT, bao gồm các cụm di tích, các di tích (nội dung trưng bày hiện vật) và cảnh quan thiên nhiên làm dữ liệu (digital twin) nhằm truyền dữ liệu thời gian thực về toàn bộ cảnh quan, không gian của di sản trên nền tảng internet. Mô hình này giúp người xem dễ dàng di chuyển vào không gian bên trong bất kỳ di tích nào tại các cụm di tích Làng Sen, cụm di tích làng Hoàng Trù và các điểm di tích - danh thắng trong KDT. Việc triển khai mô hình du lịch ảo cho phép đính kèm các thông tin quảng bá những sự kiện, chương trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho người xem dễ dàng trải nghiệm các hoạt động văn hóa tại KDT.
Bên cạnh đó, cần phát triển Hệ thống Media AR-LBS cung cấp thông tin đa phương tiện hỗ trợ khách du lịch sử dụng thiết bị di động (gồm GIS/ cơ sở dữ liệu không gian, internet và thiết bị di động/ định vị toàn cầu) tìm hiểu về KDT để xây dựng lịch trình tham quan hợp lý.
Kiện toàn, phát triển nguồn nhân lực Khu di tích Kim Liên
Trong thời gian tới, Ban giám đốc KDT cần tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, chú trọng phát triển nguồn nhân lực theo vị trí việc làm. Nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên, nhân viên phục vụ bảo đảm vừa có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, vừa có phong cách thái độ phục vụ văn minh, chuyên nghiệp. Chủ động tham mưu cho Sở VHTT đề xuất với UBND tỉnh Nghệ An xin chỉ tiêu biên chế tuyển dụng những người có trình độ chuyên môn giỏi các chuyên ngành quản lý văn hóa, di sản, bảo tồn bảo tàng, công nghệ thông tin, ngoại ngữ về làm việc tại KDT, ưu tiên nguồn nhân lực tại địa phương.
Để quản trị các hoạt động quản lý Không gian văn hóa KDT theo đề án quy hoạch đã được phê duyệt, cần thiết thành lập Trung tâm Công nghệ Thông tin thuộc KDT có chức năng nhiệm vụ quản trị các module phần mềm, các dữ liệu hình ảnh trên trang web của đơn vị và triển khai các dự án liên quan đến công nghệ kỹ thuật số như: hoạt động bảo quản, phục hồi di sản; xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với di sản; tổ chức tuyên truyền, quảng bá di sản và các nhiệm vụ chính trị theo yêu cầu của Sở VHTT và UBND tỉnh.
Công tác phối hợp triển khai quản lý
Trong thời gian tới KDT cần tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm huy động tối đa các nguồn lực tham gia quản lý, khai thác giá trị Không gian văn hóa KDT phục vụ nhiệm vụ chính trị gắn với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, gồm những nội dung:
Tăng cường phối hợp với các viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất chương trình, dự án ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại và kỹ thuật truyền thống để bảo quản các tài liệu, hiện vật gốc có giá trị và bảo tồn nguyên trạng các di tích bất động sản trong KDT.
Tăng cường phối hợp với Sở VHTT, Sở Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông, các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở dịch vụ vận chuyển khách để tích hợp cơ sở dữ liệu khách sạn, nhà hàng, khu du lịch và tích hợp tính năng đặt phòng, đặt bàn, mua vé tham quan… vào hệ thống dữ liệu của KDT để thuận tiện cho du khách tiếp cận sử dụng dịch vụ.
Tăng cường phối hợp với Sở VHTT, Sở Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thuyết minh di sản cho đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động làm việc tại KDT.
_______________________
1. Ban quản lý Khu di tích Kim Liên, Báo cáo kết quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, 2021, tr.3.
2. Quyết định số 1943/QĐ-TTg, ngày 27-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An”.
Ths NGUYỄN MẠNH CƯỜNG - Ths NGUYỄN VĂN TƯỜNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022