BẢO TỒN HÁT RU TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG

Từ lâu đời, hát ru đã đồng hành trong đời sống sinh hoạt của nhân dân ta, tạo nên một ký ức văn hóa đẹp đẽ. Theo dòng chảy thời gian, hát ru đã trở thành một loại hình nghệ thuật đặc trưng với những làn điệu trữ tình, sâu lắng, lời ca mộc mạc, thiết tha, chân thành, giản dị, có sức lay động lòng người, góp phần bồi đắp nên nhân cách, tâm hồn cao đẹp của các thế hệ con người Việt Nam.


1. Hát ru góp phần hình thành và bồi dưỡng nhân cách con người

Những năm gần đây, cùng với công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, văn hóa dân tộc được chú trọng, đặc biệt là các giá trị văn hóa phi vật thể. Việc khôi phục vốn văn hóa cổ truyền, chứa đựng cốt cách, thuần phong mỹ tục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của con người là việc làm cần yếu. Trong đó, hát ru là loại hình văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một, cần được bảo tồn và phát triển trong đời sống văn hóa cộng đồng để có thể trao truyền cho các thế hệ sau.

Hát ru là những lời ca về thân phận con người, nhân tình thế thái, những mong ước của con người sớm khởi nguồn từ những làng quê xưa, vốn có nhịp sống thanh bình, yên ả và đầm ấm. Hát ru chính là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật của người mẹ, là âm hưởng của tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, thể hiện tình cảm nồng nàn giữa mẹ và con, thể hiện vốn tri thức, lối sống văn hóa văn minh trong ứng xử giữa con người với con người, con người với xã hội giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Làng quê Việt Nam chính là nơi khởi nguồn, trao truyền và nuôi dưỡng bền vững tiếng ru từ bao thế hệ. Hát ru đã đi vào cuộc sống của nhân dân, trong mỗi gia đình, trong từng cộng đồng tạo nên sức mạnh bền vững mang những giá trị văn hóa quý báu, cốt cách và tâm hồn của dân tộc.

Hát ru đã tác động vào thế giới tình cảm của trẻ thơ, hình thành nên tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước, con người và thúc đẩy sự phát triển trí tuệ, nhân cách. Nó là một trường nghệ thuật đầu tiên của trẻ, âm nhạc trong đó mang đặc trưng truyền thống của cộng đồng. Bên cạnh đó, nó được coi như một phương pháp giáo dục độc đáo đặc sắc về tình yêu quê hương, đất nước, với những nét khác biệt về ngôn ngữ âm nhạc, hình thức thể hiện ở các vùng, miền khác nhau. Lời hát có khi là một làn điệu, là những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ… mỗi khi cất lên đều thể hiện giá trị nhân văn cao cả, tâm hồn thanh tao, đó chính là bản sắc văn hóa của người Việt.

Lời hát ru có thể nói về tình cha, nghĩa mẹ, về công ơn trời biển đối với cha mẹ, giáo dục trẻ thơ biết kính cha thương mẹ, làm tròn đạo hiếu lễ, biết thương yêu kính trọng mọi người, làm những việc thiện, tránh điều sai trái:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Con ơi muốn lên thân người

Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha…

Cũng có khi lời hát ru là bài ca lao động:

Con ơi con ngủ cho ngoan

Mẹ còn đi cấy lấy công chưa về…

Lời hát ru có khi là một thông điệp nhắn gửi con người, phê phán thói hư tật xấu của tầng lớp vua chúa phong kiến sống xa hoa, tham nhũng:

Con ơi nhớ lấy câu này

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan…

Hát ru ngày nay đã được cải biên, mang đặc trưng của các miền như ru xoan Phú Thọ là thông điệp về đạo lý, lẽ sống, tình cảm của con người:

Chén rằng chén muối đĩa gừng

Gừng cay, muối mặn ta đừng quên nhau…

Thông qua các làn điệu hát ru, những cảm xúc, mối quan hệ huyết thống về gia đình của mẹ với con hiện lên như một mạch nối truyền thống văn hóa, được biểu hiện bởi những cảm xúc và biểu hiện sự tinh tế, truyền cảm. Loại hình âm nhạc dân gian độc đáo này thể hiện sắc thái văn hóa dân tộc, tác động tới nhân cách của mẹ, của trẻ, tiếp nối một truyền thống nhân ái, vị tha, gắn bó thân thương.

2. Những thách thức của hát ru trong đời sống thực tại hiện nay

Trong các gia đình, cộng đồng làng xã đang dần thiếu vắng tiếng ru con; trên sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên, mảng đề tài về hát ru trống vắng, ít diễn viên tìm đến và thể hiện; trên các phương tiện nghe nhìn, những bài hát ru cổ truyền ít được phổ biến, những làn điệu ru mới xuất hiện thưa thớt, rất hiếm khi có một chương trình tổ chức biểu diễn dành riêng cho loại hình nghệ thuật hát ru. Trong sáng tác, những luồng nhạc mới theo thị hiếu công chúng thời thị trường hóa xuất hiện ngày càng nhiều, mảng đề tài hát ru ít được quan tâm hơn.

Trong đời sống thực tiễn, mặc dù tiếng ru vẫn còn nguyên giá trị góp phần bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn trẻ thơ, nhưng hiện nay nhiều người mẹ trẻ đã quên mất tiếng hát ru, mất đi phương thức trao truyền tình cảm độc đáo mang bản sắc riêng của phụ nữ Việt Nam. Tiếng ru ngọt ngào êm ái nhưng có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống xã hội đang xa dần với đời sống cộng đồng. Những biểu hiện trên đây có nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài trong nhiều năm đã phá vỡ nhịp sống thanh bình của các làng quê Việt Nam. Con người phải đối mặt với chiến tranh, đối mặt với thực tế đau thương mất mát và những hy sinh lớn lao, buộc họ phải lãng quên một số sinh hoạt văn hóa thường ngày đã đi sâu vào tiềm thức trong đó có cả những tiếng ru quen thuộc.

Thứ hai, sự chuyển mình của đất nước trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần với cơ chế thị trường và chính sách mở cửa, bên cạnh mặt tích cực đã nảy sinh những vấn đề tiêu cực. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cuốn con người vào vòng xoáy thực dụng, coi nhẹ đời sống tinh thần. Điều này đã đặt hát ru đứng trước nguy cơ hoặc còn, hoặc mất, thất truyền và mai một.

Thứ ba, trong xu thế chung toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, quốc tế có sự mở cửa của thị trường văn hóa. Văn hóa phẩm nước ngoài du nhập mạnh mẽ vào nước ta bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó không loại trừ các loại hình âm nhạc ngoại lai tác động vào giới trẻ làm xáo trộn, gây khó khăn trong việc đưa hát ru vào cuộc sống đời thường.

Thứ tư, trên sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên, mảng đề tài về hát ru dường như không được chú ý, trong khi đó thị hiếu của một số giới trẻ lại hướng vào thị hiếu âm nhạc tầm thường, sùng ngoại, không mấy người cảm thấy yêu thích loại hình âm nhạc truyền thống này.

Thứ năm, một nguyên nhân sâu xa thuộc về trách nhiệm của những người làm công tác quản lý, tổ chức hướng dẫn các hoạt động văn hóa đã thiếu định hướng cụ thể kể cả trong lĩnh vực sáng tác, tổ chức biểu diễn để duy trì vốn văn hóa phi vật thể quý báu, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc mà cha ông ta đã trao truyền lại.

3. Một số giải pháp bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật hát ru

Với mục đích chấn hưng văn hóa dân tộc, chúng ta chủ trương khôi phục hát ru với nội dung lành mạnh, mang thuần phong mỹ tục, vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, vừa giữ được sắc thái cổ truyền kết hợp với nội dung mới. Việc nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn và phục hồi hát ru là góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng, tình cảm của nhân dân nhằm giữ gìn vốn cổ tinh hoa của dân tộc. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hát ru - một loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đầy chất thi vị khẳng định được giá trị đích thực, được nuôi dưỡng để trường tồn, phát triển. Thực tế này đòi hỏi cần phải có những biện pháp cụ thể, bởi trên thực tế hát ru không còn nhiều, trong khi đó, một bộ phận không nhỏ lớp trẻ cảm thấy xa lạ với thể loại âm nhạc truyền thống quý báu này. Vì vậy, việc quan tâm đến quá trình tồn tại, phát triển của hát ru mang ý nghĩa sâu sắc, cần có nội dung hoạt động cụ thể, đưa hát ru trở về với cuộc sống sinh hoạt của người dân. Chúng ta cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền về việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy thể loại hát ru truyền thống; nhân rộng, chuyển hóa, chuyển tải mạnh mẽ hát ru trong đời sống của nhân dân. Các ngành, các cấp có trách nhiệm tạo ra môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng hát ru tồn tại, phát triển. Sưu tầm các làn điệu cổ truyền của mỗi vùng, miền để lưu giữ, bảo tồn, thường xuyên giới thiệu trên các phương tiện nghe nhìn, để nhân dân thưởng thức, tiếp thu. Xây dựng, củng cố lại sinh hoạt văn hóa ở các làng, xã ngày xưa đã có những bài hát ru cổ truyền thông qua sinh hoạt của các nhà văn hóa cộng đồng, nhân rộng ra các địa phương khác.

Đưa hát ru lên sân khấu biểu diễn nghệ thuật chuyên và không chuyên, đồng thời tăng cường phổ cập bằng nhiều phương thức, biện pháp khác nhau. Đưa loại hình nghệ thuật hát ru, hát dân ca vào chương trình giáo dục các cấp. Chọn lọc nâng cao chất lượng loại hình nghệ thuật này để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, từ đó làm nòng cốt cho thanh niên ngoài nhà trường, ở các nhà văn hóa, câu lạc bộ và các loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ khác có điều kiện tiếp thu, thể hiện.

Để bảo tồn và phát huy hát ru trong đời sống văn hóa cộng đồng, rất cần thực hiện một số giải pháp.

Không chỉ dừng lại ở phương thức sưu tầm, bảo tồn mà cần phải có phương thức phối hợp tổ chức liên hoan hội diễn thường xuyên để nuôi dưõng, phát huy, đưa hát ru trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Trong các chương trình hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên cần chú ý đến hát ru. Đưa hát ru lên sân khấu biểu diễn để hòa nhập với đời sống tinh thần và trở thành sinh hoạt thường nhật không thể thiếu của cộng đồng. Đài phát thanh và đài truyền hình các cấp cần tăng thời lượng phát sóng phù hợp để giới thiệu, phổ biến loại hình âm nhạc truyền thống độc đáo này.

Sử dụng các thiết chế văn hóa làm phương tiện để bảo tồn, nuôi dưỡng, truyền dạy hát ru. Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, cần chú trọng phát huy vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở vì đây là thiết chế gần dân nhất. Lấy phương thức hoạt động của các thiết chế văn hóa thông tin cơ sở để tổ chức, phổ biến, lưu giữ, trao truyền loại hình hát ru vào đời sống sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Gắn việc bảo tồn hát ru, hát dân ca với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa để thiết thực xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh cho nhân dân, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Bồi dưỡng nguồn lực tham gia duy trì bảo tồn có hiệu quả thể loại hát ru, trước hết phải là đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, đoàn viên, phụ nữ, lực lượng giáo viên các cấp. Bởi chính lực lượng này làm nòng cốt trong việc sưu tầm, phổ biến nhân rộng các loại hình âm nhạc dân gian truyền thống nói chung và hát ru nói riêng trong đời sống xã hội, do đó cần trang bị kiến thức cơ bản để cán bộ có điều kiện hoạt động. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể xã hội xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức tập huấn hát ru theo định kỳ cho giới trẻ, phụ nữ, đặc biệt là nữ thanh niên tiền hôn nhân để tuyên truyền giá trị của hát ru, phổ biến những bài hát ru cổ truyền và làn điệu ru mới có cải biên nâng cao.

Có chính sách đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ bảo tồn, lưu giữ, phát triển loại hình này. Chúng ta không thể trông chờ vào phương thức xã hội hóa mà phải có chính sách đầu tư kinh phí, nguồn lực tạo điều kiện để các cơ quan chuyên môn nuôi dưỡng và phát huy loại hình hoạt động này.

Cần phải có sự đầu tư về trí tuệ, con người, có định hướng đúng đắn, cơ sở vật chất cần thiết để thực hiện chức năng bảo tồn, phát huy loại hình hát ru. Hướng dẫn hát ru trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng để hát ru đồng hành trong đời sống nhân dân, là sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu được trong gia đình. Các cơ quan quản lý nhà nước chú trọng tạo điều kiện xây dựng môi trường nuôi dưỡng hát ru tồn tại, phát triển.

 Nghiên cứu đưa thể loại hát ru vào trong chương trình giảng dạy chính khóa môn nhạc ở các bậc tiểu học, trung học, đại học. Thông qua đó để bồi dưõng tư tưởng, đạo đức lối sống lành mạnh trong sáng cho các thế hệ học sinh, sinh viên, làm nền tảng để sau này tiếng ru sẽ tồn tại bền vững trong các gia đình trẻ, đồng hành trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đây cũng là một trong những điều kiện tốt nhất để duy trì sự tồn tại và phát triển của hát ru.

Hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng trên địa bàn toàn quốc, ở các địa phương cần chú trọng quan tâm đến thể loại hát ru. Hát ru trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng được duy trì dưới phương thức tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở, thông qua sinh hoạt câu lạc bộ gia đình văn hóa, hội diễn nghệ thuật quần chúng các cấp… Xây dựng kế hoạch tổ chức liên hoan hát ru theo lộ trình khu vực 3 năm 1 lần, toàn quốc 5 năm 1 lần để khai thác, bảo tồn, kế thừa, phát huy vốn di sản văn hóa quý báu này. Đồng thời có định hướng sáng tác cho các nhạc sĩ cả chuyên nghiệp và không chuyên về mảng đề tài này.

Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng không chỉ ở nhận thức của con người mà còn cần tạo ra môi trường nuôi dưỡng phù hợp. Bởi, chỉ khi nào hát ru được trả về với cội nguồn của nó, của những nếp sinh hoạt đã thành truyền thống thì nó mới có thể phát triển, đồng thời mang hơi thở, nhịp sống của thời đại.

Giữ gìn, bảo vệ, phát huy, kế thừa có chọn lọc và đưa hát ru trở về với đời sống của nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở ngày càng đa dạng phong phú là việc làm cần thiết, phù hợp với tiến trình hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

                  

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : TRẦN THỊ TUYẾT MAI

;