Bá Thước - Giữ gìn hương rừng, sắc núi

Bá Thước được biết đến là vùng đất cổ, có vị trí quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển tỉnh Thanh Hóa nói riêng, đất nước nói chung từ thời tiền sử. Trải qua quá trình lịch sử hàng nghìn năm, đã bồi đắp và định hình nên truyền thống văn hóa giàu bản sắc cho dải đất miền non cao này. Hương rừng, sắc núi vẫn ẩn hiện, lưu giữ qua nét kiến trúc nhà ở, trang phục, diễn xướng, ẩm thực, lễ tục cưới xin, ma chay, tín ngưỡng thờ cúng thần linh, văn học dân gian, lễ hội, tiếng nói chữ viết, trò chơi trò diễn... tạo nên dấu ấn, sắc thái văn hóa của địa phương.

 

Một vùng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc

Từ rất sớm, Bá Thước là vùng đất quần cư của đồng bào dân tộc Mường, Thái với các Mường lớn như Mường Ống, Mường Ai, Mường Khô, Mường Khoòng, Mường Ký... gắn với các lễ hội văn hóa truyền thống vẫn còn lưu giữ và phát huy các giá trị đến ngày hôm nay đó là các Lễ hội Mường Khô (xã Điền Trung), Lễ hội Mái Đá Điều (xã Hạ Trung), Lễ hội cầu mưa (xã Kỳ Tân), Lễ hội Căm Mương (xã Văn Nho), Lễ hội Xuống đồng (làng La Hán, xã Ban Công)... Những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa ấy không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân mà còn là tài sản vô giá cần phải được trân quý, gìn giữ, phát huy, biến thành giá trị vật chất; trở thành động lực, niềm tự hào để cán bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện nhân lên khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Do tập quán sinh sống trong các thung lũng nên nhà ở là kiểu nhà sàn bốn mái, cột chôn, hai thang lên xuống hai đầu. Nhà thường dựa lưng vào núi, nằm ngang sườn dốc, quay cửa sổ đầu sàn ra cánh đồng, dòng sông, con suối. Mặt sàn thưng một vách ngăn, chia thành 2 phần: phần trong dành cho phụ nữ, nơi ngủ và nấu ăn; Phần ngoài dành cho nam giới và tiếp khách. Trước kia, nhà sàn có kích thước lớn vì gia đình thường có nhiều thế hệ cùng sinh sống. Hơn nữa, nhà sàn cũng là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa như: múa hát, tổ chức các nghi thức tín ngưỡng,... Ngày nay, kiểu nhà sàn truyền thống đã được cải tiến nhiều cho phù hợp với cuộc sống mới, nhưng kiểu nhà sàn cổ vẫn còn nhiều làng bản gìn giữ, nhất là những bản vùng sâu.

Trong đời sống văn hóa của các dân tộc ở Bá Thước, đã hình thành kho tàng văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng, đó là truyện cổ tích, truyện kể, ca dao, tục ngữ, thơ ca và khặp. Đặc biệt, Bá Thước là quê hương của hai truyện thơ nổi tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam, đó là Truyện Nàng Ờm và chàng Bồng Hương của dân tộc Mường; truyện thơ Khăm Panh của người Thái, mường Khoòng. Nơi có “Cây chu đá lá chu đồng, bông thau quả thiếc” huyền thoại mọc trên đồi Lai Li Lai Láng; có núi Làn Ai hùng vĩ với cây “lá mún” (lá bùa yêu), hiện thân của truyền thuyết tình sử nàng Ờm - chàng Bồng Hương, cheo leo thăm thẳm soi mình xuống dòng sông Mã. Bên cạnh đó, thơ ca của đồng bào Mường và Thái được sử dụng trong lời hát, lồng vào lời nói giao tiếp hoặc sắp xếp thành bài để răn dạy con cháu như các bài luân lý. Hát dân ca, người Mường gọi là “Xường”, người Thái gọi là “Khặp”. Loại hình này tồn tại khá phổ biến trong đời sống văn hóa của hai dân tộc, phản ánh sâu sắc, đầy đủ mọi cung bậc tình cảm trong cuộc sống thường ngày. Cùng với đó là các trò diễn dân gian được phát huy trong lễ hội, đám hiếu, đám hỷ, ẩm thực với nhiều món ăn truyền thống như: cá nướng, cơm lam, thịt lợn hấp, gà nướng, ốc đá, xôi tím, canh uôi, măng chua, măng đắng, canh đắng, hoa chuối rừng nộm, lợn rừng, rượu ngô, rượu cần, xôi hấp gà Kho Mường, vịt thác Hiêu Cổ Lũng... Rượu cần ở Điền Hạ, Ban Công có hương thơm đặc trưng, vị ngọt, đậm và những món ăn dân dã mang đậm hương vị của núi rừng. Ngoài ra, trang phục, cách ứng xử, giao tiếp hay các lệ tục đẹp đang được phát huy trong đám cưới; các hủ tục trong đám tang như ăn uống linh đình, để người chết 3, 4 ngày mới táng, gọi hồn, bắt vía... cũng được khắc phục, xóa bỏ.

Nơi hội tụ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ

Những ai đã từng đến Bá Thước, đặc biệt là đến với Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với hệ sinh thái rừng, hệ động, thực vật phong phú, đa dạng. Nhiều điểm có cảnh quan đẹp, hoang sơ, ẩn hiện trong mây mờ xa và sương chiều bảng lảng, như: Son Bá Mười; Bản Hiêu; Bản Đôn; Bản Kho Mường; Bản Nủa; Bản Kịt… mới thấy tạo hóa đã ưu ái mảnh đất này nhiều đến nhường nào. Địa hình cộng với bàn tay và khối óc đầy sức sáng tạo trong lao động của người dân nơi đây đã tạo ra những ruộng bậc thang nằm lọt trong các thung núi, tạo nên những bức tranh có sức lôi cuốn kỳ lạ.

Thiên nhiên hào phóng còn ban tặng cho miền đất non xanh, nước biếc này nhiều danh thắng và thác nước đẹp phát triển du lịch, như: thác; hang cá thần Mường Ký; hồ Duồng Cốc; thác Dần Long và hệ thống hang động kỳ thú như là tiên cảnh. Bá Thước cũng đang dần hình thành một số sản phẩm du lịch mới như tuyến du lịch sông Mã, du lịch lòng hồ thủy điện Bá Thước II, du lịch mạo hiểm khám phá hang động, đỉnh Pù Luông, đi bộ xuyên rừng... thưởng thức các danh thắng và đặc sản của địa phương. Bên cạnh đó, còn có nhiều tài nguyên du lịch nhân văn đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc Mường, Thái, Kinh... với các di chỉ khảo cổ học, nơi cư trú của người Việt cổ như: Mái Đá Điều, Mái Đá Nước, hang Làng Tráng xã Lâm Xa... thu hút khách du lịch.

Mặt khác, để bổ trợ cho du lịch nghỉ dưỡng núi rừng, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch văn hóa - tâm linh, huyện Bá Thước đã chú trọng khai thác và phát huy giá trị các làng nghề và sản phẩm nông nghiệp địa phương. Điển hình như khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, đan lát... để tạo ra các mặt hàng lưu niệm tại các xã Lũng Niêm, Thành Lâm, Thành Sơn. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng khu bán hàng lưu niệm, giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương tại các điểm du lịch...

Tạo hóa ban cho Bá Thước cảnh sắc núi sông đẹp đến mê lòng. Người dân nơi đây, qua nhiều thế hệ đã khoác cho núi đồi một màu xanh ngút ngàn của rừng cây, mướt xanh của đồi mía, màu vàng no ấm, đủ đầy của ruộng lúa, nương ngô tỏa hương ngào ngạt khi mùa đến. Bá Thước là vùng đất của sử thi và cổ tích với những áng văn và chuyện thơ xúc động, đắm say lòng người không chỉ ngày hôm qua, hôm nay và muôn đời sau vẫn thế. Hãy đến với Bá Thước một vùng non xanh nước biếc và những dòng sông, ngọn núi, bản mường... thấm đẫm nhân tình, tới đây du khách sẽ cảm nhận, khám phá được vẻ đẹp bất tận của hương rừng, sắc núi.

 

LÊ HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 561, tháng 2-2024

;