XU THẾ PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HÓA THẨM MỸ TRONG NHÀ TRƯỜNG QUÂN ĐỘI

Phát triển văn hóa thẩm mỹ (VHTM) đang là yêu cầu khách quan trong quá trình xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trước hết là về chính trị, tạo cơ sở bền vững giữ vững sự ổn định của trận địa chính trị - tư tưởng trong quân đội. Nhà trường quân đội (NTQĐ) là nơi đào tạo đội ngũ những người kế tục sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Phát triển VHTM trong NTQĐ là góp phần xây dựng yếu tố chính trị, tinh thần, tạo nền tảng quan trọng để mỗi học viên thâm nhập sâu vào thế giới thẩm mỹ, cảm thụ, nhận thức sâu sắc về cái đẹp; giúp họ có được những phẩm chất, năng lực cần thiết để sáng tạo ra những giá trị VHTM mới, biết đưa cái đẹp vào trong đời sống học tập, rèn luyện, công tác để “biến tất cả những giá trị văn hóa của nhân loại, của dân tộc thành hệ giá trị của từng con người, tức là trở thành công cụ tâm lý để sống, học tập, lao động và dùng các công cụ đó để sáng tạo ra giá trị cho đời" (1).

Nói đến xu thế phát triển của VHTM trong NTQĐ là nói đến phẩm chất, giá trị, trình độ phát triển của con người quân sự. Nuôi dưỡng, phát triển các phẩm chất người, xây đắp các giá trị thẩm mỹ, tư tưởng, tình cảm và nâng cao trình độ thẩm mỹ đều xuất phát từ mục tiêu xây dựng con người quân sự phát triển toàn diện về trí, đức, thể, mỹ. Hiện nay, các giá trị thẩm mỹ đã trở thành nhu cầu thiết yếu. Cái đẹp luôn đồng hành với cái hữu ích trong toàn bộ hoạt động của con người quân sự. Nhu cầu thẩm mỹ lành mạnh của cán bộ, giảng viên, học viên trong NTQĐ ngày càng phát triển theo hướng đa dạng hóa, năng động hóa. Đó chính là sự tích hợp, tổng kết của sự đúng đắn về nhân sinh quan, thế giới quan, tình cảm, đạo đức, sự phát triển tâm thức thẩm mỹ đến một trình độ cao, tạo thành nhu cầu, lòng say mê, niềm tin và sự ham thích sáng tạo cho học viên. Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội nói chung, học viên trong NTQĐ nói riêng, tổ quốc là biểu hiện cao nhất của một cuộc sống đẹp" (2). Sự hy sinh của họ trong thời chiến cũng như thời bình luôn được nhân dân ghi nhớ như hiện thân sinh động của cái đẹp và được đánh giá cao về mặt xã hội, khắc ghi mãi trong lịch sử dân tộc. Đó cũng chính là những giá trị VHTM trong môi trường quân sự, tạo nên những cảm giác thẩm mỹ đặc biệt, mạnh mẽ, sâu sắc, cổ vũ, thúc đẩy các học viên hăng hái tích cực học tập, rèn luyện, sẵn sàng làm mọi việc để giữ gìn, bảo vệ cái đẹp đang nảy nở trong cuộc sống, mà trong đó có một phần trái tim của họ.

Quá trình học tập, rèn luyện của mỗi học viên trong NTQĐ là cơ sở, nền tảng để khi ra trường họ sẽ là người định hướng phát triển VHTM, đưa cái đẹp đến với cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị cơ sở quân đội, giúp họ hành động theo tiêu chí cái đẹp, đấu tranh, ngăn chặn những ảnh hưởng của văn hóa xấu, lai căng, phản giá trị thẩm mỹ, thiếu lành mạnh trong đời sống tinh thần của bộ đội. Vì thế, phát triển VHTM mang đậm đặc trưng của NTQĐ, nâng cao chất lượng con người trong quân đội trở thành một trong những yêu cầu cấp bách nhằm góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng quân đội về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội trong điều kiện mới.

Hiện nay, cùng với xu thế phát triển chung của VHTM dân tộc, VHTM trong NTQĐ đang phát triển mạnh mẽ với những xu hướng riêng, mang tính đặc thù:

Xu hướng vừa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa quân sự, vừa tiếp nhận các giá trị VHTM mới của nhân loại để phát triển

Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, NTQĐ nói riêng là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị thẩm mỹ đa dạng của quân đội, dân tộc trong suốt thời kỳ dựng nước, giữ nước. Trong những năm tới, VHTM trong NTQĐ không chỉ đơn thuần là tiếp nhận, phát triển các hệ giá trị thẩm mỹ đã có trong truyền thống của dân tộc, quân đội, mà còn vươn lên tiếp nhận hệ thống tri thức khoa học hiện đại - nhân tố cốt lõi của VHTM, trong đó đặc biệt chú trọng những thành tựu mới trên lĩnh vực khoa học quân sự hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng tổ quốc trong tình hình mới. Từ đó, góp phần xây dựng con người quân sự về tư tưởng, đạo đức, lối sống, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy những giá trị VHTM bền vững trong truyền thống văn hóa quân sự, làm dày thêm lớp VHTM nhân bản của dân tộc. Tiếp tục thẩm định, sàng lọc làm mỏng dần, đi đến loại bỏ những phản giá trị thẩm mỹ độc hại, cũ kỹ, lạc hậu, đáp ứng nhu cầu, khát vọng thẩm mỹ của cán bộ, giảng viên, học viên trong các NTQĐ vươn tới thế giới của chân-thiện-mỹ, vươn tới sự hài hòa, toàn diện của nhân cách và tiến bộ xã hội. Quá trình tiêu chuẩn hóa giáo dục - đào tạo trong hệ thống các NTQĐ sẽ góp phần xây dựng môi trường VHTM, hình thành nếp sống văn hóa, văn minh mang đậm bản sắc quân sự.

Trong những năm tới, học viên học tập, rèn luyện trong NTQĐ sẽ ngày càng có điều kiện tiếp cận những thành tựu mới của cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật. Điều này vừa tạo thuận lợi về cơ sở vật chất, động lực tinh thần cho việc nâng cao trình độ tri thức, vừa đặt ra yêu cầu cao đối với học viên trong quá trình đào tạo tại trường. Mặt khác, học viên trong NTQĐ sẽ có điều kiện giao lưu, học hỏi, kế thừa, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, để nâng cao trình độ thẩm mỹ, thay đổi những thói quen, hành vi tiêu cực, tập tục lạc hậu còn tồn dư.

Xu hướng tạo ra những cán bộ, sĩ quan, nhân viên kỹ thuật được đào tạo cơ bản, có tri thức, trình độ thẩm mỹ, trình độ khoa học cao, giàu khả năng sáng tạo, làm chủ trang bị, vũ khí hiện đại và hội nhập quốc tế

Thế giới đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ, vì vậy sự nghiệp xây dựng quân đội trong tình hình mới đòi hỏi phải có những con người có tri thức, trình độ thẩm mỹ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của thời đại. Nói tới văn hóa tri thức trước hết là nói tới học vấn - sự tổng kết tri thức nhân loại vào một cá thể. Tri thức còn là kinh nghiệm sống, giúp cá nhân hiểu biết và đánh giá sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Tri thức khi được tồn tại, nuôi dưỡng trong NTQĐ, sẽ lan tỏa, điều chỉnh hướng vào văn hóa cá nhân. Nếu một xã hội không có văn hóa tri thức, đồng nghĩa với cá nhân sẽ không thể trở thành chủ thể văn hóa, cũng như không làm tốt chức năng xã hội của mình.

Trải qua hai cuộc chiến tranh giữ nước, trí tuệ con người quân sự đã bừng lên mạnh mẽ. Từ một đội quân với vũ khí hết sức thô sơ, lạc hậu, chỉ trong vòng nửa thế kỷ, dưới ánh sáng văn hóa của dân tộc, cùng với nền giáo dục hiện đại, nhân văn đã trở thành cộng đồng trí tuệ. Văn hóa tri thức trong môi trường quân sự nói chung, NTQĐ nói riêng đã trở thành sức sống, tiềm lực bên trong cho sự phát triển, trở thành sức mạnh của nghệ thuật khoa học quân sự Việt Nam: lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy trí nhân thay cường bạo..., đánh thắng mọi kẻ thù xâm lăng hùng mạnh, hung tàn nhất. Ngoài ra, văn hóa tri thức trong NTQĐ còn là cội nguồn sức mạnh cho hoạt động sáng tạo trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa - tinh thần, khoa học - văn học nghệ thuật. Đối với hệ thống NTQĐ, giáo dục tri thức là nâng cao trình độ thẩm mỹ, giáo dục theo lý tưởng nhân văn cách mạng, đào tạo tri thức cho người học theo hướng cách mạng, chính quy - tạo ra những con người tài đức vẹn toàn.

Thực hiện chủ trương của Đảng là nâng cao tri thức, trí tuệ cho nhân dân, giáo dục - đào tạo trong NTQĐ những năm qua đã phát triển nhanh chóng, toàn diện, đa dạng, chính quy, góp phần cùng với hệ thống giáo dục trong cả nước đào tạo ra những con người mang các phẩm chất mới về tư tưởng, trí tuệ, tình cảm; phát triển cả trí lực và thể lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các lĩnh vực hoạt động quân sự, xã hội. NTQĐ là môi trường thuận lợi để học viên học tập, rèn luyện, đem hết tinh thần, nghị lực phấn đấu xây dựng quân đội và đất nước hùng mạnh, giàu đẹp. VHTM rõ ràng là một trong những lĩnh vực cơ bản, quan trọng của con người, của cuộc sống nhân loại. Xu hướng phát triển của VHTM trong NTQĐ giai đoạn mới sẽ góp phần chuyển đổi từ hệ chuẩn mực đúng - sai sang hệ chuẩn mực xấu - đẹp”.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, toàn diện đối với nhiệm vụ giáo dục - đào tạo ở các NTQĐ. Do đó, cùng với xây dựng, phát triển môi trường học tập, nghiên cứu khoa học, cần tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu với các trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, học hỏi, trao đổi lẫn nhau vì sự tiến bộ chung. Như vậy, tri thức, trình độ thẩm mỹ, khoa học của các học viên trong NTQĐ sẽ là cơ sở để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; là sự nối tiếp mạch nguồn truyền thống của cha ông nhằm nâng cao sức chiến đấu của quân đội, tạo ra hệ giá trị thẩm mỹ tiên tiến trong đời sống VHTM quân đội. Đó là sự nối kết giữa truyền thống và hiện đại, nhằm bồi dưỡng, vun đắp lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí quyết chiến, quyết thắng của một quân đội anh hùng.

Xu hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục VHTM, gắn lý luận với thực tiễn, đào tạo với sử dụng và hướng dẫn thị hiếu thẩm mỹ cho học viên

Toàn bộ sự nghiệp giáo dục nhằm phát triển con người, trong đó tri thức thẩm mỹ phải trở thành kỹ năng, thái độ (giá trị thẩm mỹ), trí tuệ phải thành trí lực, rèn luyện thân thể để có thể lực tốt. Đổi mới giáo dục VHTM trong hệ thống NTQĐ là phục vụ mục tiêu đào tạo nhân lực cho quân đội và đất nước. Đó là những con người phát triển toàn diện cả về tâm lực, thể lực, trí lực và năng lực thẩm mỹ; phát triển hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần. Sự nghiệp đổi mới giáo dục thẩm mỹ trong các NTQĐ là trước hết phải giúp cho học viên tiếp thu được những tri thức thẩm mỹ tốt nhất, mới nhất của đất nước, nhân loại để chuyển tải tới con người và cộng đồng quân nhân. Tính hiện đại của giáo dục thẩm mỹ trong NTQĐ phải được thể hiện đầy đủ, sâu sắc từ quan điểm đến chủ trương, chính sách phát triển giáo dục thẩm mỹ; từ mục tiêu đến cơ cấu nội dung, chương trình, phương pháp và phương tiện giáo dục. Ngoài ra, đổi mới, phát triển giáo dục thẩm mỹ trong NTQĐ phải gắn với nhu cầu phát triển quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trên cơ sở những tiến bộ khoa học - công nghệ, yêu cầu củng cố quốc phòng an ninh và thực hiện giáo dục thẩm mỹ toàn dân, nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp phần nâng cao ý thức công dân, phẩm chất chính trị, lý tưởng thẩm mỹ cho các thế hệ con người Việt Nam. Giáo dục VHTM trong các NTQĐ phải biết dùng các giá trị thẩm mỹ, cái đẹp làm phương tiện giáo dục: cái đẹp trong lao động, rèn luyện, học tập, công tác, trong thiên nhiên, cái đẹp của văn hóa nghệ thuật, gương các anh hùng xưa và nay... Như vậy, giáo dục VHTM trong NTQĐ liên quan tới toàn bộ các lĩnh vực và tham gia vào việc xây dựng các quan hệ thẩm mỹ. Toàn bộ các mặt thẩm mỹ trên khi được kết hợp, thẩm thấu vào mỗi học viên sẽ tạo thành phẩm chất thẩm mỹ tổng hợp của nhân cách. Đó chính là mức độ phát triển toàn diện, hài hòa của quân nhân, có lý tưởng, cảm xúc, thị hiếu thẩm mỹ đúng đắn, biết lao động, sáng tạo theo quy luật của cái đẹp.

Đối với việc xây dựng nhân cách quân nhân trong giai đoạn hiện nay, công tác giáo dục thẩm mỹ trong NTQĐ cần xác định rõ mục tiêu trước mắt, có chương trình kế hoạch sao cho phù hợp với từng loại đối tượng với những trình độ văn hóa - thẩm mỹ khác nhau. Giáo dục thẩm mỹ trước hết giáo dục cho các học viên thấy được cái đẹp, anh hùng, cao cả trong lao động, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ độc lập dân tộc, sống có kỷ luật, trách nhiệm, biết áp dụng sáng tạo mọi thành tựu khoa học - kỹ thuật vào thực tế quân đội, đồng thời có thái độ phủ định, phê phán những thói hư, tật xấu. Đặc biệt, trong xu hướng hội nhập quốc tế và kinh tế thị trường hiện nay, việc giáo dục cái anh hùng, cao cả trong đấu tranh bảo vệ tổ quốc, sự hy sinh cho quê hương, đất nước của các chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến, trong bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc, chính là sự động viên, khích lệ các học viên, chiến sĩ trẻ trong các NTQĐ vươn lên khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, ra sức học tập, rèn luyện, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc tổ quốc thân yêu, đánh bại mọi ý đồ xâm lược của kẻ thù.

Giáo dục thẩm mỹ trong NTQĐ còn có nhiệm vụ giáo dục cho học viên lối sống xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại, có thẩm mỹ trong giao tiếp, ứng xử, ở đơn vị và ngoài xã hội, biết phê phán những thẩm mỹ lệch lạc, không lành mạnh, những tập quán cũ, lỗi thời, những ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Xây dựng những thị hiếu thẩm mỹ tốt đẹp, lành mạnh cho học viên giúp họ được hưởng thụ tốt nhất những giá trị VHTM trong quân đội, đất nước, tham gia vào quá trình sáng tạo thẩm mỹ trong mọi hoạt động quân sự.

Ngoài ra, phương châm của giáo dục VHTM trong NTQĐ hiện nay cần chú trọng: công tác giáo dục phải gắn với thực tiễn đơn vị, huấn luyện trên thao trường gắn với chiến trường, công tác đào tạo gắn với sử dụng. Nhiệm vụ của cách mạng, quân đội luôn vận động nên giáo dục thẩm mỹ trong NTQĐ cũng phải có sự phát triển phù hợp. Lý luận phải được đúc kết từ thực tiễn, nghiên cứu khoa học thành tri thức, quy luật..., phải gắn với thực tiễn, lấy thực tiễn minh họa, chứng minh cho sự đúng đắn của lý luận. Mục tiêu, quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp với giai đoạn trước, nhưng lại có thể không còn thích ứng với giai đoạn sau, do đó phải đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục thẩm mỹ. Khi thực tiễn thay đổi phải đổi mới mục tiêu, quy trình, chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới.

Việc đào tạo trong NTQĐ những năm qua “đã có nhiều cố gắng trong đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục - đào tạo đối với từng bậc học và trình độ đào tạo" (3), có sự đổi mới, phát triển từng bước vững chắc, gắn đào tạo theo cấp học với bậc học, gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn xây dựng quân đội, bố trí, sử dụng cán bộ. Tuy nhiên, có lúc, có nơi “việc gắn nhà trường với đơn vị, gắn đào tạo với sử dụng chưa được thực hiện chặt chẽ" (4), “chất lượng đào tạo còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nòng cốt về kỹ thuật quân sự, cán bộ kế cận và bồi dưỡng nhân tài quân sự cho đất nước" (5). Có thể thấy chất lượng đào tạo nói chung, VHTM nói riêng trong NTQĐ còn có mặt hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn. Học viên ra trường sau một thời gian dài mới bắt nhịp với thực tiễn huấn luyện, chiến đấu, xây dựng của các đơn vị quân đội. Do đó, giáo dục VHTM trong NTQĐ cần bồi dưỡng cho học viên về lý tưởng thẩm mỹ xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu hướng phát triển khách quan và từ chính những yêu cầu thẩm mỹ mà thực tiễn cuộc sống đặt ra.

VHTM hiện nay có một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng và khó khăn, là góp phần hun đúc, xây đắp hệ chuẩn giá trị chung cho con người, tổ chức quân sự trong NTQĐ. Bản chất của VHTM là làm cho con người ngày càng người hơn, vì vậy cần phải hiểu, nắm bắt được xu hướng vận động, phát triển của VHTM xã hội và ở NTQĐ trong điều kiện hiện nay và sắp tới, từ đó chủ động kế thừa, điều chỉnh, phát triển những giá trị thẩm mỹ tích cực, nhân văn; phê phán, loại bỏ các phản giá trị, những xu hướng không phù hợp với chuẩn mực thẩm mỹ dân tộc và quân đội; ngăn chặn sự xâm nhập những yếu tố tiêu cực, phi nhân tính. Trên cơ sở phân tích toàn diện những vấn đề đặt ra đối với VHTM ở NTQĐ trong giai đoạn cách mạng mới, những thách thức mới, yêu cầu cao đối với giáo dục - đạo tạo trong quân đội hiện nay, cần tìm hiểu xu hướng vận động, phát triển của VHTM trong NTQĐ để tìm ra những xu hướng, yếu tố đồng thuận cho sự phát triển của VHTM, khắc phục sự lệch pha, ngăn ngừa những phản giá trị xu hướng thẩm mỹ tiêu cực. Mặt khác, cần coi trọng giáo dục thẩm mỹ, truyền thống văn hóa quân sự cho học viên, xây dựng cho họ những tri thức VHTM tiến bộ để có thể “đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" (6). VHTM trong NTQĐ hôm nay phải hướng về xây dựng một nhân cách quân nhân luôn tự chủ, tự giác, tràn đầy sức mạnh và khát vọng để thể hiện những nhiệm vụ quân sự trong điều kiện mới. Đó là một nhân cách có hệ thống ứng xử biểu hiện mạnh mẽ các giá trị của cái đúng, cái tốt và cái đẹp của dân tộc Việt Nam trong thời đại cách mạng khoa học - kỹ thuật.

_______________

1. Phạm Minh Hạc, Văn hóa và giáo dục, giáo dục và văn hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.53.

2. A.X Milôviđốp và B.V Xaphrôlốp, Mỹ học Mác - Lênin với việc giáo dục bộ đội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984, tr.62.

3. Đảng ủy Quân sự Trung ương, Nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương về công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.5-6.

4. Đảng ủy Quân sự Trung ương, Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 93/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương, số 87/ĐUQSTƯ, Tài liệu in, 2004, tr.10.

5. Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam trong quá trình đổi mới (1986-2005), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.69.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.223.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015

Tác giả : PHẠM VĂN XÂY

;