Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập trước đây, quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng, trong đó có Lào, giữ vị trí hết sức quan trọng, mang ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước. Trong bối cảnh hội nhập và những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị quốc tế hiện nay, với mục tiêu ổn định, giàu mạnh và phát triển của quốc gia, các quan hệ đó lại càng giữ vị trí trọng yếu hơn bao giờ hết.
Về phía ta, giữ gìn hơn 2000 km biên giới an toàn không phải là chuyện nhỏ. Nếu như sườn tây này để ngỏ thì chắc chắn sẽ nảy sinh không ít vấn đề. Nhìn rộng, toàn bộ lãnh thổ Lào, Cămpuchia như một vùng đệm che chắn trực tiếp, là nơi nuôi dưỡng, che chở cho các hoạt động từ xa và cả bên trong nước ta. Muốn có được điều đó, ngoài ngoại giao chính trị, kinh tế thì ngoại giao văn hóa vô cùng quan trọng, bởi suy đến cùng, ngoại giao văn hóa là nhằm vào con người, vào tâm tư, tình cảm và ý chí của con người. Đặt một giả thiết, nếu không có 6 triệu người anh em Lào ruột thịt cùng ta giữ gìn biên cương thì chúng ta phải đổ bao tiền của và công sức để coi giữ hơn 2000 km biên giới này?
Hiện tại Lào đang là địa điểm thu hút đầu tư của nhiều nước có tiềm năng kinh tế và kỹ thuật hơn Việt Nam. Nếu như trong cuộc cách mạng giành độc lập tự do cho đất nước, Lào chỉ có một nước lựa chọn để giúp đỡ, hợp tác là Việt Nam thì nay bạn có nhiều cơ hội lựa chọn hơn với nhiều đối tác có lợi thế hơn ta về nhiều mặt. Và tất nhiên, khi hợp tác về kinh tế thì các nội dung văn hóa, xã hội, lối sống..., dù không muốn, vẫn cứ bị ảnh hưởng lẫn nhau. Bởi vì khi hợp tác về kinh tế, có hai yếu tố quan trọng nhất là con người và hàng hóa cũng phải giao lưu với nhau, mà con người và hàng hóa lại chính là phương tiện truyền tải văn hóa. Như thế, ảnh hưởng của các nền văn hóa nước ngoài tại Lào sẽ đa dạng hơn, tác động đến quan hệ chính trị phức tạp hơn.
Việc nghiên cứu về Văn hóa Lào trong mối tương quan so sánh sẽ tạo điều kiện hợp tác giữa hai nền văn hóa một cách hiệu quả nhất.
1. Lào, nơi hội tụ của các nền văn hóa
Lâu nay, giới nghiên cứu về văn hóa thường nhấn mạnh yếu tố địa văn hóa hoặc địa chính trị, văn hóa của Việt Nam mà ít để ý đến địa văn hóa của các nước khác trong khu vực. Trong văn hóa, mỗi quốc gia đều có đặc điểm, mối quan hệ và lợi thế riêng. Nhìn trong bối cảnh văn hóa của khu vực và gần hơn, trong vùng văn hóa Ấn Độ - Trung Hoa, thì Lào là một địa điểm hội tụ của các nền văn hóa: Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Tây Âu. Bản thân văn hóa bản địa của Lào cũng có sức đề kháng rất mạnh, dù ảnh hưởng của ít nhất 6 nền văn hóa. Ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam không phải chiếm vị trí số một.
Có thể phân tích sơ bộ như sau:
Thái Lan là quốc gia có chung biên giới với Lào cũng gần bằng biên giới Lào - Việt. So với Việt Nam, Thái Lan có các thế mạnh về giao lưu văn hóa hơn như: có trên 20 triệu người Thái gốc Lào, một tỉ lệ áp đảo so với người Lào chính quốc, có ngôn ngữ tương đồng. Gần nửa diện tích đất Thái tại vùng đông bắc có chung lịch sử vương quốc Lạn Xạng với Lào hiện nay. Mặc dù bị Hiệp ước Pháp - Thái năm 1893 chia cắt về hành chính nhưng truyền thống lịch sử và tập tục không dễ gì phai mờ được. Vì thế giao lưu văn hóa Lào - Thái dễ dàng hơn giao lưu văn hóa Lào - Việt. Ảnh hưởng của văn hóa Thái với Lào nhiều hơn ảnh hưởng văn hóa Việt với Lào.
Về nhân chủng, Lào và Thái có nguồn gốc gần nhau hơn so với Việt, có tiếng nói, chữ viết chung (cùng ngữ hệ Lào - Thay), phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng giống nhau. Đặc điểm này rất thuận lợi cho giao lưu văn hóa. Với ưu thế của hơn 20 triệu người Thái gốc Lào thì các nội hàm của văn hóa Thái rất dễ được truyền bá ở Lào.
Về lịch sử, từ năm 1238, nghĩa là từ khi vương quốc Thái Lan ra đời, đến Hiệp ước Pháp - Thái, Lào liên tục bị phong kiến Thái đô hộ hoặc ràng buộc. Thời gian và sự gần nhau về nhân chủng đã làm cho hai quốc gia, hai dân tộc dù không muốn vẫn có có sự ảnh hưởng về văn hóa.
Về cuộc sống đương đại, ảnh hưởng của hàng hóa, văn hóa và lối sống Thái Lan đối với Lào rất mạnh. Đi lại dễ dàng, ngôn ngữ tương đồng, tất cả hệ thống thông tin, truyền thông Thái được phủ sóng sâu rộng đến tất cả mọi miền đất Lào. Hiện tại, Thái Lan nằm trong tốp đầu danh sách các nước đầu tư vào Lào. Điều này càng thuận lợi cho văn hóa Thái ảnh hưởng sâu trong xã hội Lào.
Ảnh hưởng của văn hóa Thái với Lào hiện tại đã rất sâu đậm, phổ biến mà Lào chưa có biện pháp ngăn chặn được. Hàng ngày, hàng giờ người Lào bị tắm mình trong văn hóa Thái Lan bằng mọi loại hình, mọi phương tiện: ti vi, phim ảnh, sách báo, hàng hóa, lối sống.
Trung Quốc là nước mạnh trong khu vực, có quan hệ lâu đời với Lào và cũng đứng trong tốp đầu các quốc gia đầu tư vào Lào. Tuy không ồn ào như văn hóa Thái Lan, nhưng văn hóa Trung Quốc có sức thu hút sâu lắng, lặng lẽ mà đầy hiệu quả. Hệ thống phim ảnh, truyền hình, hàng hóa và đội quân người Hoa với cách thức làm ăn kinh doanh và tổ chức cộng đồng đặc trưng, là những phương tiện truyền tải văn hóa có hiệu quả.
Một số công trình do Trung Quốc giúp Lào như Cung Văn hóa Quốc gia, Khu trung tâm thủ đô Viêng Chăn và các cửa hàng, cửa hiệu của người Hoa như là biểu tượng văn hóa Trung Hoa có sức tác động mạnh đến nhiều người. Hiện tại Trung Quốc và Lào đã có nhiều thỏa thuận đầu tư mới tạo tiền đề cho dòng người Trung Quốc chảy ào ạt vào Lào.
Khu vực bắc Lào, ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa rất mạnh. Nhà nước Trung Quốc chủ trương chiến lược đầu tư các công trình trọng điểm rất hiệu quả đã đem lại lợi thế cho sự ảnh hưởng văn hóa, làm nền tảng cho chiến lược mở rộng biên giới mềm bằng văn hóa. Khu kinh tế Bò Tèn thuộc tỉnh Luôngnặmthà được mệnh danh là Golden Boten City của Trung Quốc.
Văn hóa phương Tây được hiện diện ở tất cả các lĩnh vực, các khía cạnh của xã hội, được người Lào cho là tiêu biểu của văn minh, hiện đại và hầu như toàn dân tiếp nhận, ngưỡng mộ. Ở Lào, hầu như các gia đình đều có con em hoặc người thân cư trú hoặc học hành ở các quốc gia phương Tây. Hàng năm số đô la chuyển về nước khá lớn để giúp đỡ gia đình. Xu thế học tiếng Anh, tiếng Pháp trong giới trẻ Lào mạnh và có hiệu quả. Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây thể hiện trên rất nhiều hoạt động xã hội, mà trong lĩnh vực tiêu dùng rất đậm nét: ô tô, điện thoại, lối sống...
2. Văn hóa Việt Nam và khả năng giao tiếp ở Lào
Văn hóa Việt Nam đã có hàng trăm năm ảnh hưởng đối với Lào, nhưng mạnh mẽ nhất chỉ từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay. Phải nói rằng chúng ta đã rất cố gắng và tổ chức có hiệu quả, làm cho văn hóa Việt có sức sống trên đất nước Lào. Những điều kiện thuận lợi cho giao lưu văn hóa chủ yếu do cách mạng tạo ra. So với Thái Lan, chúng ta yếu hơn họ về các điều kiện tự nhiên, nhân chủng, lịch sử và ngôn ngữ. So với Trung Quốc, họ hơn ta ở chiến lược, ở hiệu quả của các sản phẩm văn hóa, sản phẩm chứa đựng tính văn hóa và ý chí mở rộng biên giới mềm của người Trung Hoa. Có thể chỉ ra những khó khăn, bất lợi của Việt Nam trong sự nghiệp phát triển ảnh hưởng văn hóa tại Lào:
Sự khác nhau về nhân chủng kéo theo sự khác nhau về ngôn ngữ, phong tục, tôn giáo... là rào cản khi người Lào muốn tiếp cận văn hóa Việt.
Sức hấp dẫn của các sản phẩm văn hóa Việt Nam, nhất là các chương trình ti vi, điện ảnh, quảng cáo, các trò diễn, trò chơi, sách báo... yếu và thiếu phù hợp với tâm lý người Lào, nhất là lớp trẻ. Một số chương trình truyền hình, điện ảnh trên VTV4 giá trị văn hóa thấp, ngay người Việt cũng phản cảm, không hợp thị hiếu văn hóa và phong tục của người Lào. Chất lượng và hàm lượng văn hóa trong các sản phẩm, hàng hóa và phong cách làm việc của ta tại Lào thấp. Hình thức giới thiệu văn hóa Việt còn nghèo và chưa hấp dẫn.
Thời lượng hiện diện của văn hóa Việt trên các hệ thống truyền thông hiện có tại Lào rất ít so với Thái Lan, Trung Quốc và các nước khác.
Kênh tiếp nhận văn hóa Việt của Lào chủ yếu là đội ngũ cán bộ các cấp được học tập và gần gũi với Việt Nam. Tuy nhiên đội ngũ này hiện đang già đi và ở vào giai đoạn cận hưu. Lớp trẻ biết tiếng Việt ít và nhạt dần tình cảm với Việt Nam. Đội ngũ kiều bào Việt Nam tại Lào cũng đang bị Lào hóa rất nhanh.
Lớp người Việt Nam mới sang Lào làm ăn ít chú ý đến việc truyền bá văn hóa và ngược lại bộc lộ nhiều khuyết tật, hành vi thiếu văn hóa nhất là trong lối sống, ứng xử, quan hệ với nhau, với bạn Lào.
Về khả năng tiếp nhận văn hóa Việt của Lào, có thể nhìn nhận trên mấy điểm:
Hiện tại, lớp người thân Việt Nam đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo xã hội. Phản ứng với văn hóa Thái và văn hóa Trung Hoa trong nhân dân và cán bộ Lào đang còn mạnh. Đây là một thế mạnh không nền văn hóa ngoại nào ở Lào có được. Lợi thế này không chỉ thuận lợi cho Việt Nam thực hiện các hoạt động đầu tư, phát triển văn hóa mà còn làm tiền đề để khắc phục các điểm yếu trong tương quan so sánh với các nước khác. Khi mà xã hội Lào còn lựa chọn chế độ chính trị giống Việt Nam thì lợi thế này vẫn còn.
Con người là chủ thể tiếp nhận văn hóa. Người Lào có đặc điểm tâm lý, học vấn, thói quen khác với người Việt. Đặc biệt là thói quen đọc, viết yếu. Nếu người Việt thích văn chương thi phú thì người Lào thích múa hát vui chơi, người Lào có câu “khôn Lào tai non khị thi, khôn Việt tai non pại dắc” (người Lào chết vì sĩ diện, người Việt chết vì hà tiện). Có thể điều đó chưa hẳn đúng song đó là hai tính cách văn hóa khác nhau. Nếu không có các phương pháp hỗ trợ thì việc tiếp thu văn hóa, nhất là tri thức, đối với người Lào là không dễ dàng. Ngược lại, việc giao lưu bằng nghệ thuật với các hoạt động đông người là sở trường của người Lào.
Sức mạnh của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam còn đủ đảm bảo cho xã hội Lào hấp thu văn hóa Việt Nam nhanh và có hiệu quả.
Xu hướng phát triển xã hội trong vài thập niên tới, nhất là sau khi Lào đã hội nhập sâu thì việc quảng bá văn hóa Việt Nam tại Lào có nhiều khó khăn. Hầu hết lớp trẻ hướng phương Tây thông qua cửa ngõ Thái Lan.
3. Ngoại giao văn hóa và phương thức hoạt động
Trong tương quan quan hệ Lào - Việt hiện nay, Việt Nam và Lào đều cần có nhau hơn cả khi còn đang đấu tranh giành độc lập dân tộc. Bởi lẽ cái giá của sự phụ thuộc về kinh tế cũng khủng khiếp không kém cái ách của sự đô hộ. Mà hai nước muốn hòa bình, yên ổn làm ăn xây đời mới thì sự hợp tác vô tư, thật lòng thương yêu nhau chỉ có thể tìm thấy trong quan hệ Việt Lào. Cả hai nước cần nhau là người láng giềng, người anh em thủy chung, cần mẫn, hết lòng vì sự yên ổn và phồn vinh của hai nước.
Trong kinh tế, khả năng của ta có hạn, mức đầu tư chưa thể so với các quốc gia khác.Ta không thể đầu tư dàn trải và không thể thay bạn xây dựng kinh tế quốc gia mà chỉ giúp đỡ, hợp tác trong một số lĩnh vực, công trình trọng điểm, coi trọng việc hợp tác cùng bạn phát triển. Trong cơ cấu đầu tư, đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực chưa ngang tầm yêu cầu lâu dài đảm bảo cho sự bền vững của quan hệ giữa hai nước (xây dựng ý thức, tâm hồn và tình cảm, làm chỗ dựa cho quan hệ giữa hai nước). Đào tạo thì nặng về đào tạo kiểu hàn lâm vừa đắt tiền, vừa được ít người, chưa chú ý cấy văn hóa và phổ cập tiếng Việt cho người Lào, chưa làm cho nhiều người Lào, nhất là lớp trẻ được tắm văn hóa Việt.
Mục tiêu đầu tư của Việt Nam vào Lào không thể chỉ đơn thuần là lợi ích kinh tế như các nước khác mà còn, và quan trọng hơn, là nhắm vào mục tiêu con người. Thông qua các hoạt động đầu tư, doanh nghiệp thì có lãi mà đất nước thì quảng bá được văn hóa và được người Lào yêu mến.
Chúng ta chưa coi trọng đầu tư đúng mức về tư tưởng và văn hóa vào Lào.Vấn đề này thể hiện trên rất nhiều khía cạnh:
Chưa có sự đồng bộ trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo tất cả các lực lượng, các binh chủng tư tưởng văn hóa khi hoạt động trên đất Lào, còn tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu hợp tác. Gần 5 năm qua, Trung tâm chưa bao giờ được Ban Tuyên giáo hỏi han đến, thậm chí chúng tôi gửi các kiến nghị, đề xuất về Ban nhưng không có hồi âm, mặc dù mấy năm nay, Ban Tuyên giáo hiện diện ở Lào khá nhiều. Từ khi báo chí và văn hóa chia tay nhau ra đi ở hai Bộ khác nhau thì ngành báo chí trong nước và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào cũng “ly hôn” luôn, mặc dù Trung tâm đã chủ động đề nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông nên duy trì mối quan hệ báo chí với văn hóa.
Chưa coi trọng yếu tố văn hóa ẩn chứa trong sản phẩm kinh tế, trong phương thức làm việc, trong lối sống của cán bộ, công nhân sang làm việc tại Lào. Bản thân người Lào cũng rất mong muốn mỗi người dân Việt Nam sang Lào là một sứ giả văn hóa.
Chưa coi văn hóa là chất xúc tác, chất kết dính các đối tác quan hệ. Chưa dặt đúng mức cộng đồng người Việt tại Lào là tim bấc văn hóa Việt trong cây nến Lào. Hoạt động cuả sứ quán về lĩnh vực này mới làm nghiệp vụ lãnh sự và giao dịch. Còn đứng xem các hoạt động do các lực lượng văn hóa nghệ thuật tác nghiệp.
Đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền văn hóa còn cầm chừng, các công trình văn hóa thì nhỏ, các chương trình văn hóa ít sức thuyết phục lâu dài, chưa đủ sức cạnh tranh với các nền văn hóa khác. Năng lực và điều kiện kinh phí của Trung tâm Văn hóa Thông tin Việt Nam tại Lào mới đủ để giao lưu mà chưa có khả năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về văn hóa Việt ở Lào. Chưa khai thác hết các lợi thế để tuyên truyền văn hóa như du lịch, thể thao, giáo dục, báo chí truyền thông...
4. Định hướng ngoại giao văn hóa với Lào
Coi trọng đào tạo con người, trong đó chú trọng hai đối tượng là người làm chính trị và người làm tuyên truyền, trong đó có văn hóa thông tin (theo nghĩa rộng). Nên tập trung giúp bạn đào tạo gấp đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, nghệ thuật, giáo dục.
Coi trọng việc phổ biến ngôn ngữ Lào - Việt ở hai nước. Kinh nghiệm của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc là hầu như tất cả cán bộ cấp tỉnh và các huyện đều học và biết tiếng Lào. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư, ưu tiên cho đào tạo, mở rộng hình thức du học Việt Nam tại Lào. Có thể chuyển vốn đầu tư một số dự án chưa trọng điểm cho dự án đào tạo tiếng Việt và đào tạo nghề ngay trên đất Lào, nhanh chóng tạo ra một lớp người Lào trẻ tuổi được học tập và nuôi dưỡng tâm hồn bằng văn hóa Lào - Việt Nam .
Đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình văn hóa truyền thông đối ngoại trên đất Lào, tăng thời lượng và phạm vi phủ sóng phát thanh, truyền hình; nâng cao hàm lượng văn hóa trên truyền hình Việt Nam (lưu ý từ trang phục, đầu tóc, ngôn từ, phong cách của phát thanh viên, dẫn chương trình và các chương trình nghệ thuật, quảng cáo...). Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa Việt Nam trên đất lào (rải đều ở đô thị và vùng nông thôn); xúc tiến nhiều hơn nữa các hoạt động thu hút đông người tham dự như thể thao, du lịch nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam đối với Lào và vùng cận Lào, tạo thế đối xứng với văn hóa Thái Lan và Trung Hoa.
Xây dựng một số trọng điểm văn hóa Việt trên đất Lào và giúp bạn một số công trình trọng điểm có biểu tượng văn hóa cao. Sớm giúp bạn xây dựng Trường Đào tạo cán bộ thông tin văn hóa nghệ thuật.
Mở rộng các hình thức kết nghĩa hợp tác giữa các ngành, các địa phương giữa hai nước, tạo sự hiện diện nhiều hơn nữa của Việt Nam tại các địa phương của Lào; phát huy hình thức các tỉnh, các ngành kết nghĩa với nhau.
Xây dựng ý thức và trách nhiệm quảng bá văn hóa cho người Việt Nam trên đất Lào.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 314, tháng 8-2010
Tác giả : Phạm Hồng Toàn