XÂY DỰNG VĂN HÓA CẠNH TRANH TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI

Rất nhiều người biết rằng, trong nền kinh tế hàng hóa của nước ta đã và đang diễn ra sự cạnh tranh ngày càng rõ nét và không kém phần quyết liệt giữa các doanh nghiệp và giữa các thành phần kinh tế, nhưng lại rất ít người hiểu một cách thấu đáo và toàn diện bản chất vấn đề văn hóa cạnh tranh. Có người cho rằng không thể có văn hóa cạnh tranh trong xã hội ta, vì cạnh tranh vốn phát sinh trong xã hội tư bản “cá lớn nuốt cá bé” nên không thể nào nói đến yếu tố văn hóa được, nếu vi phạm thì chỉ có đưa nhau ra tòa án xử theo luật cạnh tranh. Cũng có người cho rằng văn hóa cạnh tranh trong xã hội ta có thể đồng nhất với văn hóa thi đua, vì cả cạnh tranh và thi đua đều tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển của cá nhân và tập thể, đều hướng tới mục tiêu tốt đẹp là phục vụ nhu cầu con người. Lại có người quan niệm chỉ có thể xây dựng được văn hóa cạnh tranh ở khối doanh nghiệp tư nhân, còn không cần thiết xây dựng văn hóa cạnh tranh trong khối doanh nghiệp nhà nước, vì các doanh nghiệp này đều sử dụng vốn ngân sách nhà nước nên không thể cạnh tranh nhau để làm mất đi phần ngân sách, mà cũng chính là tài sản, Nhà nước giao cho doanh nghiệp đó... Nguyên nhân của tình hình trên đây là có nhiều, song có một nguyên nhân hết sức quan trọng là công tác tuyên truyền xây dựng văn hóa cạnh tranh của chúng ta chưa được chú ý đúng mức, thậm chí xem thường và bỏ bẵng đã hàng chục năm qua.

Tuyên truyền xây dựng văn hóa cạnh tranh trong xã hội ta có nghĩa là làm cho người dân nhận thức đúng và sâu sắc về nguồn gốc, bản chất của vấn đề cạnh tranh; chỉ rõ cách ứng xử có văn hóa trong quá trình diễn ra cạnh tranh giữa các cá nhân, giữa các tập thể với nhau (cao hơn nữa là giữa các quốc gia với nhau); giúp họ hình dung được tác dụng và kết quả tốt đẹp của sự cạnh tranh lành mạnh đem lại cho họ và cho nền kinh tế đất nước; giúp họ tránh được các hành vi cạnh tranh sai pháp luật. Trước hết là về nguồn gốc và diễn biến của sự cạnh tranh: chúng ta thấy khái niệm cạnh tranh xuất hiện rõ nét ở nước ta vào cuối những năm 80 của TK XX, chính xác là sau khi Đảng ta đề ra đường lối phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, còn thời kỳ nền kinh tế theo cơ chế quản lý bao cấp trước đó chưa có khái niệm cạnh tranh. Tới năm 2005, sau khi nền kinh tế thị trường đã phát triển mạnh ở nước ta, Quốc hội đã ban hành Luật cạnh tranh và ở góc độ Nhà nước đã có Cục quản lý cạnh tranh. Như vậy, cạnh tranh thực chất là “con đẻ” của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và nó gắn liền với quá trình phát triển thị trường. Diễn biến của sự cạnh tranh thì muôn hình muôn vẻ, nhưng khái lược như sau: Mục tiêu của các chủ doanh nghiệp luôn tìm mọi cách để bán được hàng hóa, thu và nâng cao lợi nhuận. Nếu chủ doanh nghiệp đó bán hàng rẻ hơn các doanh nghiệp khác thì anh ta sẽ bán được nhiều hơn và những người khác sẽ bán được ít hơn. Vì vậy chủ doanh nghiệp luôn luôn tìm cách thực hiện các biện pháp để có thể bán hàng rẻ hơn các đồng nghiệp (tiết kiệm chi phí về lao động, về nguyên vật liệu, tăng thời lượng quảng cáo…). Nhưng các doanh nghiệp khác đương nhiên không chịu bó tay ngồi chờ diệt vong, mà họ bắt buộc phải tích cực tìm kiếm các biện pháp hạ giá hoặc thay đổi mẫu mã, làm mới mặt hàng nhằm duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp mình thông qua việc bán được hàng, bán càng nhiều càng có lợi, và nếu những biện pháp đưa ra độc đáo và hiệu quả hơn thì có thể sẽ đánh bại được chủ doanh nghiệp kia,... Quá trình này cứ liên tục tiếp diễn và chúng ta tạm gọi là quá trình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Để làm rõ vấn đề, xin phân tích sự cạnh tranh trên thị trường nước ta thành hai loại (nghĩa tương đối). Một là, cạnh tranh tiêu cực, là sự cạnh tranh bằng mọi giá, bất chấp các quy định của pháp luật và đạo lý truyền thống để đạt mục đích thu lợi. Thoạt đầu, mọi người nhận thấy những đối tượng này dường như không nhiều, vì chỉ biết khi được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vụ việc như làm ăn độc quyền và độc đoán, buôn lậu, làm hàng giả, lừa đảo, bê bối tại doanh nghiệp này, doanh nghiệp nọ, nhưng trên thực tế chúng là không ít với các mức độ nặng nhẹ, quy mô, hình thức và tính chất khác nhau. Chẳng hạn người ta đã nghe quen từ “chạy” dự án đấu thầu trong quá trình đấu thầu, cũng như phải có phần trăm và phong bao để được bố trí nhiều vốn kinh doanh hơn đơn vị khác; việc tranh chấp hoặc làm giả thương hiệu của doanh nghiệp cũng diễn ra nhiều. Ngay trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm văn hóa, một lĩnh vực được xem là nhiều ánh sáng và không khí trong lành nhất thì hiện tượng cạnh tranh tiêu cực xuất hiện cũng không ít, từ vấn đề vi phạm bản quyền tác giả về sao chép tranh, rồi đạo nhạc, đạo văn, cho đến việc chụp giật bản thảo hoặc cường điệu sự thật để bôi nhọ truyện tranh giữa nhà xuất bản này với nhà xuất bản kia,... Tất cả những việc làm đó chính là sự cạnh tranh tiêu cực. Sự canh tranh tiêu cực còn có tên gọi khác là sự cạnh tranh phản văn hóa, nó gắn liền với lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ của đơn vị và địa phương, và thường diễn ra với nhiều biến tướng tinh vi rất khó phát hiện. Hai là, cạnh tranh lành mạnh, là sự cạnh tranh trong khuôn khổ các quy định pháp luật, phù hợp với các giá trị nhân văn và đạo đức truyền thống dân tộc. Trên thực tế nhiều chủ doanh nghiệp của nước ta đã thực hiện tốt việc cạnh tranh lành mạnh. Trong đội ngũ những nhà doanh nghiệp trẻ TP.HCM, có thể kể đến trường hợp nữ giám đốc Nguyễn Thị Ngọc Chúc của Công ty TNHH Thương mại Hoàng Quan với mặt hàng độc đáo keo dán đa năng (keo 502) bán rất chạy trên thị trường, đã đạt huy chương vàng Hội chợ quốc tế Công nghiệp; trường hợp giám đốc Nguyễn Hiếu Đức của Công ty Thương mại và sản xuất Đức Quân chuyên sản xuất 10 loại mực in dùng để in bao bì như: PP, PE, PVC, hàng năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn mực in các loại mà chính anh là tác giả, chất lượng mực in của công ty đã đánh bại nhiều loại mực in nhập khẩu từ nước ngoài; trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn tin học FPT Trương Gia Bình đã liên tục dẫn dắt FPT đạt nhiều thành công trong lĩnh vực phát triển và kinh doanh công nghệ thông tin, là đơn vị mạnh nhất lĩnh vực này ở nước ta,... Điều quan trọng là tại những doanh nghiệp hoạt động cạnh tranh lành mạnh, người lao động luôn được đối xử có văn hóa, được chủ doanh nghiệp và đồng nghiệp tôn trọng, được hưởng đầy đủ các chế độ đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho bản thân và gia đình.

Ngoài ra, thực tế đời sống xã hội ở nước ta còn cho thấy có một loại hình gần với cạnh tranh, đó là phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cũng có người cho rằng phong trào thi đua thực chất là một loại hình cạnh tranh lành mạnh! Nhưng chúng tôi cho rằng không thể xem nó là một loại hình cạnh tranh được, vì bản chất, đối tượng và mục tiêu của hai loại này có sự khác nhau. Phong trào thi đua ở nước ta đã có hơn 60 năm nay, kể từ ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Trong thời kỳ đất nước ta kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược có phong trào thi đua yêu nước giết giặc lập công trên tiền tuyến, còn ở hậu phương thì có các phong trào thi đua yêu nước trong sản xuất, phụ nữ thi đua ba đảm đang… Mới đây, ngày 11-2-2009, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TƯ đã họp và cho rằng phong trào thi đua yêu nước cần góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Ban Thi đua-Khen thưởng TƯ: Từ nay vào ngày 11-6, Ngày truyền thống thi đua yêu nước, Hội đồng sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm và trao cờ yhi đua của Chính phủ cho một số đơn vị tiêu biểu... Qua đây, ở bình diện vĩ mô, chúng ta thấy rằng phong trào thi đua thường có phần nào đó mang tính chính trị, xã hội và vận động quần chúng. Ở tầm vi mô (cụ thể) thì phong trào thi đua thường áp dụng trong các cá nhân, tập thể thuộc đơn vị hành chính nhà nước và các doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước. Kết quả cuối cùng của phong trào thi đua là những cá nhân, tập thể có thành tích được khen thưởng, nhưng những người chưa đạt thành tích thì cũng không vì thế mà bị thiệt hại trực tiếp gì. Còn đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và liên doanh thì hầu như ít tổ chức phong trào thi đua, nhưng tất cả các doanh nghiệp này đều phải cạnh tranh, vì kinh tế thị trường bắt buộc phải thực hiện cạnh tranh để tồn tại hoặc không tồn tại (phá sản). Hiệu quả cạnh tranh tác động trực tiếp đến đời sống của mọi thành viên trong doanh nghiệp. Đó chính là sự khác nhau cơ bản của hai loại hình thi đua và cạnh tranh hiện nay, không nên lầm lẫn. Câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta giải quyết như thế nào đối với hai loại hình cạnh tranh và thi đua? Theo chúng tôi, xét cho cùng việc giải quyết phải xuất phát từ đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước ta, và tính đặc thù này buộc chúng ta phải chấp nhận cả hai loại hình cạnh tranh và thi đua cùng tồn tại trong xã hội. Tất nhiên cần có sự phân biệt và ứng xử đối với từng loại hình và từng trường hợp cụ thể.

Việc quan trọng tiếp theo là cần phải tổ chức việc nghiên cứu xây dựng văn hóa cạnh tranh một cách cơ bản, xem đó là các đề tài, chủ đề, chuyên đề khoa học và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các diễn đàn xã hội, như báo chí, bản tin, sách chuyên ngành, tổ chức hội thảo, tọa đàm, báo cáo viên,... Lâu nay, chúng ta ít công khai và thường né tránh khi đề cập đến vấn đề cạnh tranh, thậm chí nhiều năm trước còn kịch liệt phê phán nó, chỉ vì nó gắn với chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường. Hiện nay, tình hình đã khác trước, cho phép chúng ta tổ chức nghiên cứu sâu về vấn đề cạnh tranh một cách toàn diện hơn, quy mô và tập trung hơn nhằm nâng cao trách nhiệm và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, của tất cả mọi người dân. Về vấn đề này, chúng tôi xin dẫn lời giáo sư Michael Porter, người được mệnh danh là “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh đương thời: “Nói về trách nhiệm công dân, người dân có ảnh hưởng cơ bản tới năng lực cạnh tranh. Người dân cần chuẩn bị một số yếu tố tâm lý, bao gồm: 1/Năng lực giáo dục: là nền tảng cơ bản, mỗi công dân cần làm tất cả những gì có thể để nâng cao năng lực học hành, nâng cao kỹ năng để đạt mức sống cao hơn. 2/Năng lực về sự linh hoạt: nền kinh tế hiện đại liên tục thay đổi và tái cơ cấu, do đó mỗi người phải nắm bắt và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi đó. 3/Năng lực về sự tự chủ: mỗi người cần tự chịu trách nhiệm cá nhân, không trông chờ người khác chịu trách nhiệm cho mình”. Rõ ràng bên cạnh những lợi thế về tự nhiên và con người, về truyền thống văn hóa và năng lực sáng tạo, nhìn chung vẫn còn không ít doanh nghiệp, đơn vị phát triển sự nghiệp, không ít cán bộ, công chức vẫn có những hạn chế và thói quen dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, dựa vào đồng nghiệp hoặc hoạt động theo kiểu độc quyền, mà chưa phát huy tính chủ động, linh hoạt và sáng tạo cùng tinh thần trách nhiệm cao trong hoạt động của chính mình, trong đời sống xã hội. Đây là mặt hạn chế chúng ta cần sớm nghiên cứu và có biện pháp khắc phục.

Đương nhiên việc tuyên truyền xây dựng văn hóa cạnh tranh là giải pháp tối ưu phòng, chống các hành vi cạnh tranh tiêu cực, góp phần hòa giải tranh chấp giữa các bên liên quan để tránh đưa nhau ra tòa án kiện tục, khi mức độ, quy mô vụ việc chưa cần ra tòa án xét xử vì mất nhiều thời gian vào các thủ tục tố tụng và thời gian chờ đợi xét xử. Nhưng còn một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng khác mà công tác tuyên truyền phải mạnh dạn hướng tới. Đó là góp phần phát hiện, phê phán những hình thức, vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, phá thế độc quyền “bao sân” trong kinh doanh của không ít những cá nhân, tổ chức trong xã hội. Làm việc này không phải là dễ, vì trong nhiều lĩnh vực kinh doanh của đất nước (trừ một số lĩnh vực độc quyền đặc biệt theo luật định), vẫn còn chưa chuyển kịp từ cơ chế quản lý bao cấp sang cơ chế thị trường, hay có người còn gọi là chuyển sang cơ chế hoạt động xã hội hóa. Lý do của việc chậm trễ thì có nhiều, song có một điểm mấu chốt mọi người đều nhận thấy là một bộ phận cá nhân, tập thể ấy không muốn từ bỏ lợi ích mà cơ chế bao cấp từ lâu đã và đang đem lại cho họ (số ít). Sự chậm trễ ấy của họ đã ảnh hưởng tới tiêu chí công bằng xã hội, tới lợi ích của nhiều doanh nghiệp khác cũng như lợi ích của người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền xây dựng văn hóa cạnh tranh cần góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển hóa của quá trình này, bất kể nó liên quan tới nhóm lợi ích nhỏ nào trong xã hội. Gần đây, nhiều tờ báo đã lên tiếng về sự độc quyền đang tồn tại dai dẳng như việc làm sách giáo khoa, cung cấp xăng dầu cho máy bay, sản xuất và tiêu thụ điện năng,... Tuy vậy vẫn còn nhiều “góc tối” vẫn đang chờ báo chí dũng cảm rọi ánh đèn soi tỏ.

          Tuyên truyền xây dựng văn hóa cạnh tranh trong xã hội ta xét cho cùng, là hình thành nên ý thức năng động, sáng tạo và nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cán bộ, công chức và người dân Việt Nam. Đây là vấn đề rất mới đối với nước ta, nhưng lại là vấn đề “cũ” đối với các nước phương Tây, vì thế sẽ giúp cho chúng ta đi tắt, đón đầu, học được cái hay của họ để vận dụng vào thực tiễn nước ta, đồng thời nó cũng giúp chúng ta tránh được cái dở mà quá trình này đã bộc lộ, góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam kỷ cương và năng động trong TK XXI.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 302, tháng 8-2009

Tác giả : Lê Tiến Dũng

;