Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Ngày 10-1-2022, tại Hà Nội, Ban Dân vận Thành ủy, phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm với chủ đề “Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn Thành phố - Thực trạng và giải pháp”. Tọa đàm được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu: Trụ sở UBND TP Hà Nội, các quận, huyện, thị xã, và các xã, phường, thị trấn.

Trong quản lý xã hội ở Việt Nam hiện nay được điều chỉnh bằng luật pháp và hương ước, quy ước. Hương ước, quy ước được xem như là một hệ thống luật tục, tồn tại song song nhưng không được trái với pháp luật của một quốc gia, nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp, duy trì nếp sống văn minh, trật tự của làng, thôn, tổ dân phố, khu dân cư, góp phần duy trì an ninh trật tự trong cộng đồng ở địa phương, cơ sở.

Tính đến tháng 7-2021, Thành phố Hà Nội đã có 4.726/5.404 thôn, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước (đạt tỷ lệ 87,5%), trong đó có 1.232 hương ước, quy ước đã được sửa đổi, bổ sung.

Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng, tổ dân phố trong thời gian qua đã góp phần mang lại một số hiệu quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; giữ gìn, phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương, dân tộc; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở.

Toàn cảnh Tọa đàm tại điểm cầu UBND TP Hà Nội - Ảnh: Lại Tấn

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn có những hạn chế cần phải được điều chỉnh, khắc phục như: một số hương ước có nội dung chưa đúng quy định pháp luật; xâm phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân; nhiều hương ước sơ sài về nội dung, sao chép, lặp lại chính sách, pháp luật, thiếu nét đặc trưng văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, thuần phong mỹ tục của địa phương; việc xây dựng, thực hiện hương ước ở một số địa phương còn hình thức; nhiều nơi việc xây dựng, thực hiện hương ước không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà chủ yếu là để chạy theo bệnh thành tích…

Tại Hội nghị, các ý kiến, tham luận tập trung chủ yếu vào các vấn đề trọng tâm như: những kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các ngành, các cấp đối với việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở; đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; trao đổi kinh nghiệm, những cách làm hay, những mô hình tốt trong việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở; các nhóm giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố đối với xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.

Nhiều ý kiến được đúc rút từ thực tế phong phú, sinh động trên các lĩnh vực, các địa phương, đã góp phần làm sáng rõ hơn những vấn đề về tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước nhằm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư; thực hiện dân chủ ở cơ sở.

THANH DANH

;