Năm 2022: ngành VHTTDL tập trung chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái văn hóa

Sáng ngày 6-1-2022, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trong cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì hội nghị

Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Tham dự còn có các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương và đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL. Tham dự tại điểm cầu các địa phương là Lãnh đạo: UBND, Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở DL các tỉnh, thành.

Biểu diễn văn nghệ tại Hội nghị

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện công tác VHTTDL năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, với phương châm hành động “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, năm 2021 ngành VHTTDL đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Vai trò, vị thế của Bộ VHTTDL được nâng cao qua việc chủ động tham mưu, cụ thể hóa và triển khai mục tiêu, nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Bộ đã kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương một số nội dung mang tính “đột phá, chiến lược”, được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao: Tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc; tham mưu và được Chính phủ giao nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam.

Toàn ngành đã từng bước đổi mới tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý văn hóa”, chỉ đạo điều hành, thực thi nhiệm vụ theo tinh thần “kiến tạo”; tập trung xây dựng cơ chế chính sách quản lý nhà nước bằng pháp luật đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành.  Lấy công tác xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, Bộ VHTTDL đã trình các cấp có thẩm quyền hồ sơ Luật Điện ảnh (sửa đổi); hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (phần nội dung quyền tác giả, quyền liên quan); Dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); xây dựng, trình Chính phủ 09 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 22 Thông tư, từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực của ngành. 

Bộ VHTTDL đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho phép triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chiến lược: Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030; Chương trình Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam…

Các ngành thư viện, di sản, hoạt động triển lãm… đã có nhiều sáng tạo, bắt nhịp theo hướng chuyển đổi số. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lượng khách đến các điểm di tích, bảo tàng trên cả nước trong năm 2021 đều sụt giảm. Song, nhiều đơn vị đã đổi mới sáng tạo hình thức hoạt động, tổ chức chương trình tham quan thực tế ảo 3D, trưng bày trực tuyến để phục vụ khách tham quan từ xa.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông báo cáo tại Hội nghị

Về thể thao, công tác quản lý nhà nước, phát triển sự nghiệp thể dục thể thao có nhiều tiến bộ; các chỉ tiêu cơ bản về thể dục thể thao quần chúng đều hoàn thành và vượt kế hoạch; giành được nhiều thành tích ấn tượng tại các Đại hội và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới: Lần đầu tiên trong lịch sử Đội tuyển Bóng đá nam Việt Nam lọt vào vòng loại thứ ba FIFA World Cup 2022; Đội tuyển Futsal lần thứ hai giành quyền dự vòng chung kết FIFA Futsal World Cup, vận động viên cử tạ khuyết tật Lê Văn Công giành Huy chương Bạc hạng 49kg nam Paralympic 2020 Nhật Bản...

Về du lịch, tập trung thực hiện thống nhất, quyết liệt Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19  nỗ lực tái thiết và phục hồi du lịch Việt Nam. Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, lộ trình đón khách du lịch quốc tế; ban hành Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam...

 

 Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Phát biểu tham luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cơ hội để bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng của Viêt Nam trong năm 2022 và các năm tiếp theo là chuyển đổi số. Chuyển đổi số là đưa toàn bộ ngành VHTTDL lên một môi trường mới - môi trường số. Phiên bản số sẽ được cập nhật nhanh chóng các giá trị của ngành đến mọi người dân Việt Nam và thế giới. Việc bảo tồn, quản lý, phân tích, đánh giá, kinh doanh… trên môi trường số sẽ dàng, nhanh hơn và đỡ tốn kém hơn rất nhiều. Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Bộ VHTTDL chuyển đổi số.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng phát biểu tại Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng chia sẻ và đánh giá cao những nỗ lực của ngành VHTTDL trong năm 2021. Đồng thời, ông cũng gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ, hợp tác, song hành của Bộ VHTTDL đối với Bộ ngoại giao trong thời gian vừa qua. Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho rằng, văn hóa chính là công cụ quan trọng trong ngoại giao giữa các quốc gia. Ở chiều ngược lại, ngoại giao cũng chính là công cụ để nâng tầm văn hóa Việt Nam. Ông mong muốn thời gian tới công tác phối hợp giữa hai Bộ sẽ ngày càng được thắt chặt và hiệu quả hơn nữa.

Toàn cảnh hội nghị tại đầu cầu Hà Nội

 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam  ghi nhận Hội nghị tổng kết năm nay của ngành VHTTDL có nhiều điểm mới: lần đầu tiên  được trực tuyến đến tất cả các địa phương; có các Bộ trưởng và lãnh đạo của nhiều ngành dự Hội nghị tổng kết. Biểu dương những nỗ lực trong năm 2021 của toàn ngành VHTTDL. Phó Thủ tướng cho biết, năm 2021, Chính phủ ban hành nhiều Chiến lược mang tính dài hơi trong đó có Văn hóa. Đây cũng là năm mà Bộ VHTTDL đã làm tốt vai trò tham mưu để tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Phó Thủ tướng đánh giá đây là sự kiện rất quan trọng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao ngành Văn hóa trong đại dịch vừa qua đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp của văn hóa, dân tộc Việt Nam, góp phần vào công tác phòng chống dịch, thông qua các hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật, sự dấn thân của các nghệ sĩ không quản dịch bệnh mang lời ca tiếng hát phục vụ đồng bào.

Đặc biệt, trong năm vừa qua, dù dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng Bộ VHTTDL đã chủ trì thành công triển lãm quốc tế EXPO, cho thấy giữa Bộ VHTTDL với các Bộ và địa phương đã có sự phối hợp nhịp nhàng hơn rất nhiều so với các kỳ trước.

Về định hướng công tác năm 2022, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành VHTTDL cần thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số, mà trước mắt là tập trung số hóa lĩnh vực du lịch (ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thay đổi cách thức quản lý du lịch bằng công nghệ) và số hóa các di sản, di tích. Về lĩnh vực Du lịch, trong bối cảnh phải thích ứng với dịch COVID-19, ngành Du lịch chuẩn bị thật chắc chắn nguồn lực và cách thức quản lý khi mở cửa đó khách quốc tế trở lại. Về thể thao, Phó Thủ tướng đề nghị cần thực hiện công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 chu đáo, an toàn từ các hạng mục công trình cho đến các môn thi đấu, tập trung vào các môn thể thao Olympic, ASIAN Games.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong rằng, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục kế thừa những thành tích của nhiệm kỳ qua và năm 2021, để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2022.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng kết luận Hội nghị

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh cách tiếp cận theo hướng “nhìn lại để thấy xa hơn”, phải nhìn đúng và đánh giá khách quan.

Bộ trưởng cho biết, năm 2021 là năm đầy ắp sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội, toàn ngành VHTTDL đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành và để lại những dấu ấn, số liệu khá ấn tượng.

Sau khi điểm lại những thành tích nổi bật của toàn ngành, Bộ trưởng nhấn mạnh: trong năm 2022, Bộ sẽ tiếp tục quán triệt các quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước về văn hóa, đặc biệt là bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ, với yêu cầu nghiên cứu để xây dựng thiết chế văn hóa, bảo vệ di tích và di sản; phải xây dựng môi trường văn hóa và văn hóa gia đình. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cho rằng, năm 2022 toàn ngành phải tập trung xây dựng hệ sinh thái văn hóa, làm môi trường văn hóa từ cơ sở, lấy địa bàn khu dân cư là địa bàn tác nghiệp, xây dựng mô hình để từ đó nhân rộng. Về Thể thao, các địa phương liên quan vào cuộc cùng với Bộ tổ chức 40 môn thi đấu tiến tới thể thao thành tích cao tại SEA Games 31. Đồng thời, chú trọng thể thao quần chúng, nhằm qua đó bồi dưỡng, tạo nguồn cho thể thao thành tích cao. Về Du lịch, chúng ta không thể chờ hết dịch mà ngành phải thích ứng, an toàn, kiểm soát có hiệu quả. Trên cơ sở sơ kết thí điểm đón khách quốc tế, đề xuất với Chính phủ có lộ trình mở lại thị trường khách quốc tế phù hợp khi độ bao phủ vắc xin đảm bảo đầy đủ.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ xác định chủ đề năm 2022 là Năm Văn hóa cơ sở và công tác cán bộ, vì vậy đề nghị các Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy HĐND, UBND các tỉnh, thành căn cứ thông tư của Bộ VHTTDL để xem xét, bố trí đội ngũ cán bộ phù hợp, có chất lượng, chuyên sâu. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm Nghị quyết Ban Cán sự đảng để đánh giá cán bộ sát, đúng, luân chuyển điều động, kiện toàn gắn với quy hoạch để đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết. Cán bộ ngành VHTTDL trong toàn quốc phải phấn đấu để có lối sống văn hóa tiêu biểu, từ đó tác động lan tỏa đến công tác xây dựng đời sống văn hóa.

Bộ trưởng mong muốn các ngành, các cấp cùng chia sẻ với Bộ VHTTDL, các địa phương đồng hành cùng tổ chức thực hiện, để phấn đấu năm 2022, ngành VHTTDL của cả nước sẽ có bước bứt phá vượt lên như mong đợi của Chính phủ.

Cũng trong Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã phát động Phong trào thi đua yêu nước năm 2022 của ngành VHTTDL; đồng chí Lê Thị Phượng - Ủy viên Ban Cán sự đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ cam kết năm 2021 với Bộ trưởng của Thủ trưởng 21 cơ quan hành chính;  tiếp đó đã diễn ra Lễ Ký cam kết  thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của các cơ quan hành chính và 5 đơn vị sự nghiệp phục vụ công tác quản lý nhà nước với Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao các phần thưởng của Nhà nước cho các tập thể, cá nhân

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao Cờ thi đua của Bộ VHTTDL cho các đơn vị

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị của Bộ ký cam kết trách nhiệm với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng 

 NGÔ HUYỀN

Ảnh: TUẤN MINH

;