Trong chiến lược xây dựng và phát triển con người Việt Nam, vấn đề xây dựng nhân cách sinh viên Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhất là các thế hệ sinh viên đặc biệt quan tâm. Vì vậy, cần nhận thức đúng vị trí, vai trò của sinh viên trong xã hội, khẳng định tầm quan trọng và yêu cầu cấp bách của việc xây dựng nhân cách sinh viên. Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế cũng là quá trình xây dựng nhân cách sinh viên Việt Nam hiện đại.
Công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay của Việt Nam với mục tiêu lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, xây dựng con người với đầy đủ đức, tài đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của xã hội. Trong đó, xây dựng nhân cách sinh viên - lực lượng trí thức trong tương lai là một việc làm cấp bách và cần thiết. Điều này xuất phát từ chính sự vận động và phát triển của các thế hệ sinh viên Việt Nam hiện nay, đồng thời đáp ứng những yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới và góp phần vào sự nghiệp đào tạo những thế hệ sinh viên có nhân cách toàn diện, vừa hồng, vừa chuyên như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn.
Nhận thức đúng vị trí, vai trò của sinh viên trong xã hội
Sinh viên là một giới xã hội năng động được đào tạo trong nhà trường theo một chương trình nhất định về nghề nghiệp chuyên môn để trong tương lai thực hiện các vai trò về nghề nghiệp, có tri thức cao trong sản xuất các giá trị về vật chất và tinh thần.
Sinh viên có chung một hoạt động cơ bản, đặc thù là học tập có tính nghiên cứu để dần trở thành một tầng lớp xã hội mới - tầng lớp trí thức trong tương lai. Đặc biệt, sinh viên có vị trí kép trong cơ cấu xã hội: giữ vị trí, vai trò của cả thanh niên và trí thức. Một mặt, họ là những thanh niên trong quá trình đang định hình về nhân cách, là lực lượng xã hội đang hình thành và phát triển. Mặt khác, với tư cách sinh viên, họ là nguồn dự trữ cơ bản để bổ sung vào đội ngũ trí thức, đội ngũ lao động trí óc. Họ là nguồn nhân lực có chất lượng cao và rất nhạy cảm với những vấn đề chính trị - xã hội. Xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội, sinh viên mang theo những thuộc tính của giai cấp, tầng lớp xuất thân của mình vào trong cộng đồng chung là trường đại học. Điều này tạo nên nhiều mảng màu trong sự khác biệt về nhân cách sinh viên. Trong cộng đồng chung ấy, những thuộc tính sẵn có trong mỗi người ít nhiều bị ảnh hưởng, biến đổi lẫn nhau làm nên sự phong phú, đa dạng trong nhân cách của sinh viên.
Với đặc điểm sôi nổi, nhiệt tình, có trình độ nhận thức khá, nhạy bén, sinh viên có thể nhanh chóng tiếp thu và nắm bắt với cái mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Óc của những người tuổi trẻ sạch như một tấm lụa trắng, nhuộm xanh thì nó sẽ xanh, nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy, sự học tập trong trường có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của thanh niên, tức tương lai của nước nhà" (1). Vì vậy, trong xã hội có giai cấp, sinh viên bao giờ cũng là lực lượng tiên phong cho một giai cấp tiến bộ của xã hội. Họ có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. V.I. Lênin đã khẳng định rằng, không có trí thức, không có sự tham gia của trí thức thì không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Sinh viên thực hiện vai trò đặc biệt trong hệ thống phân công lao động xã hội được phản ánh trong việc chuẩn bị thực hiện các chức năng của giới trí thức. Sinh viên dù không trực tiếp, thường xuyên tham gia vào quá trình sản xuất ra các giá trị vật chất và tinh thần, nhưng họ phần nào cũng tham gia gián tiếp vào quá trình lao động ấy thông qua hoạt động học tập của mình. Sinh viên là một tầng lớp trong xã hội, không có ý thức hệ riêng và tương lai là tầng lớp trí thức của xã hội. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần có những chủ trương, chính sách giáo dục nhân cách sinh viên để đáp ứng yêu cầu của tình hình phát triển mới.
Việc xây dựng nhân cách sinh viên Việt Nam - lực lượng sản xuất quan trọng nhất đặt ra những yêu cầu quan trọng và cấp bách khi tham gia vào phát triển kinh tế tri thức, đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế. Bởi vì:
Xây dựng nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay đáp ứng yêu cầu về chất lượng cao của lực lượng sản xuất trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa chính là quá trình chuyển đổi căn bản về sản xuất từ lao động thủ công, lao động chủ yếu bằng sức người sang lao động bằng máy móc và ứng dụng nhanh các thành tựu của khoa học kỹ thuật, công nghệ vào quá trình sản xuất. Nếu trước đây hàm lượng thể lực kết tinh trong sản phẩm lớn, thì hiện nay hàm lượng trí lực kết tinh trong sản phẩm chiếm vị trí chủ yếu. Khoa học, như lời tiên đoán của Các Mác đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp tạo nên bước phát triển thần kỳ trong xã hội.
Một trong những yếu tố có tính chất quyết định, bảo đảm sự thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế là nguồn nhân lực. Chúng ta chỉ có một lối ra duy nhất là phát huy nhân tố con người, mà trước hết là lực lượng thanh niên sinh viên Việt Nam có trình độ học vấn cao, nắm vững khoa học công nghệ để làm chủ tương lai của bản thân và tiền đồ của đất nước.
Xây dựng nhân cách sinh viên Việt Nam vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là chủ thể hoạt động, vừa là sản phẩm của quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Đảng ta, dân tộc ta kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là một xã hội mà con người được giải phóng hoàn toàn và triệt để, nhân dân lao động làm chủ đất nước, có nền kinh tế phát triển cao, nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tạo ra môi trường toàn diện cho con người phát triển. Phát triển toàn diện con người là đặc trưng bản chất, mục tiêu, động lực của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, xây dựng nhân cách sinh viên Việt Nam nói riêng và nhân cách con người Việt Nam nói chung chính là mục tiêu, động lực cơ bản của quá trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay.
Yếu tố quan trọng của phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là xây dựng lực lượng sản xuất hiện đại, trong đó nhân tố con người là lực lượng sản xuất quan trọng hàng đầu. Nền kinh tế nước ta hiện nay phát triển trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế và phát triển nền kinh tế tri thức. Vì vậy, muốn nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thoát khỏi tình trạng tụt hậu về kinh tế và tri thức, thì yếu tố quyết định thắng lợi là đào tạo, xây dựng những con người có tri thức. Điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của Việt Nam là cơ hội tốt cho sinh viên được rèn luyện và cống hiến. Đồng thời, nó lại đòi hỏi mỗi sinh viên phải phát huy cao độ vốn tri thức, trang bị những trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ cần thiết đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất công nghiệp hiện đại.
Sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi rất cao về những năng lực và phẩm chất cần thiết trong mỗi sinh viên như: tính năng động, sáng tạo, tính thích ứng cao của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trước đổi mới công nghệ…, đặc biệt là những đòi hỏi về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có lương tâm nghề nghiệp, biết nhân văn hóa đời sống xã hội, biết kết hợp khai thác các giá trị truyền thống và hiện đại trong quá trình phát triển đất nước. Sinh viên phải biết cách làm việc trong một tập thể, cách hợp tác với mọi người, đồng thời phải có năng lực cạnh tranh cả ở trong nước, trong khu vực và trên thế giới.
Xây dựng nhân cách sinh viên Việt Nam để góp phần phát huy nguồn lực con người là vấn đề chiến lược trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Tình hình phát triển mới hiện nay của Việt Nam đặt ra yêu cầu rất lớn về nguồn lực con người và coi nó là quý báu nhất. Đó là nguồn lao động có phẩm chất đạo đức tốt, trí tuệ cao, tay nghề thành thạo, biết hợp tác, đoàn kết trong hoạt động… Đáp ứng đòi hỏi của nguồn nhân lực trong thực tế, các thế hệ sinh viên cần phải được giáo dục và đào tạo khoa học trong các nhà trường đại học hiện đại, được rèn luyện và phát triển nhân cách trong một môi trường xã hội lành mạnh. Thông qua hoạt động học tập, nghiên cứu, các phong trào chính trị - xã hội…, trong sinh viên hình thành nên phẩm chất đức, tài, tính tích cực chính trị, kỹ năng làm việc… để trở thành lớp người lao động mới, hữu ích cho sự phát triển xã hội. Họ là những người có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, có tri thức, năng lực làm chủ khoa học công nghệ tiến tiến, có khả năng đổi mới và hiện đại hóa những công nghệ truyền thống, từng bước xây dựng công nghệ mới, hiện đại phù hợp với điều kiện cụ thể Việt Nam hiện nay.
Vấn đề đào tạo con người toàn diện vừa hồng, vừa chuyên được thể hiện khoa học và nhuần nhuyễn trong tư tưởng Hồ Chí Minh xuất phát từ quan niệm về mối quan hệ không thể tách rời giữa tài và đức. Trong mỗi con người, tài và đức có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, đức phải có trước là gốc, là cơ sở nền tảng mà trên đó tài nở hoa và phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định người cán bộ nói riêng và nhân dân nói chung phải coi đạo đức cách mạng như phẩm chất đầu tiên của mình, người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự nghiệp trồng người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công khởi xướng và xây dựng.
Thực hiện di chúc thiêng liêng của Người về việc chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ là một việc rất quan trọng và cần thiết. Ngành giáo dục đã đề ra mục tiêu giáo dục toàn diện, và nhiệm vụ xây dựng nhân cách sinh viên Việt Nam trước hết được trao cho các trường đại học và cao đẳng thực hiện đào tạo những con người mới: phát triển về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức… Nói cách khác, đó là xây dựng sinh viên Việt Nam toàn diện trên 4 mặt đức, trí, thể, mỹ - những thế hệ sinh viên Việt Nam mang nhân cách.
Những phẩm chất trong nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay cần đặc biệt chú trọng trong quá trình xây dựng là:
Có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, có lòng tự tôn cao, quyết chí đưa đất nước khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước, để có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lòng yêu nước không tồn tại trừu tượng, xa lạ, mơ hồ mà cần được thể hiện bằng những tình cảm, hành động cụ thể. Nó bắt nguồn từ những tình cảm rất gần gũi thân thiết với mỗi người như tình yêu gia đình, yêu quê hương, từ nhiều tình yêu cụ thể hợp thành tình yêu đất nước. Nếu không hun đúc lòng yêu nước, lòng tự hào và tự tôn dân tộc thì sự nghiệp đổi mới đất nước khó có thể thành công. Con người Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam đã ý thức sâu sắc sức mạnh của lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong lịch sử dựng nước, giữ nước. Trong hoàn cảnh phát triển đất nước hiện nay, bên cạnh những giá trị truyền thống của dân tộc, họ cần được nhận thức, bổ sung thêm những nội dung mới của lòng yêu nước. Lòng dũng cảm vượt qua chính mình, chiến thắng thói vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, chủ nghĩa tiêu dùng, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo tiến vào khoa học công nghệ vì sự phát triển của dân tộc, của đất nước. Tinh thần yêu nước trong thời đại hiện nay còn được biểu hiện ở phẩm chất đạo đức trong sáng với lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, nhân nghĩa, trung thực, tôn trọng đạo lý… Đó chính là lòng yêu nước, ý thức dân tộc được kế thừa và phát huy với những nội dung mới, những biểu hiện mới. Nó thầm nhuần vào ý thức của từng người và cả dân tộc. Nó trở thành sức mạnh nội sinh của sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Nó đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế với nhân cách con người Việt Nam nói chung và nhân cách sinh viên Việt Nam nói riêng. Muốn vậy, ngay từ lúc đang ngồi trên giảng đường đại học, việc trang bị, xây dựng những tri thức, niềm tin, lý tưởng, phẩm chất đạo đức, tài năng tri thức để hình thành một nhân cách đẹp cho mỗi sinh viên là việc làm cần thiết và cấp bách.
Không ngừng tu dưỡng đạo đức cá nhân - phẩm chất nền tảng trong nhân cách người sinh viên hiện đại. Phạm trù đức được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập không mang tính bẩm sinh mà phải trải qua quá trình rèn luyện gian khổ trong hoạt động thực tiễn: lao động sản xuất, hoạt động chính trị - xã hội... Với thanh niên, sinh viên, đạo đức cá nhân trước hết được thể hiện trong hoạt động học tập tích cực, tự giác, sáng tạo.
Luôn trau dồi tri thức khoa học công nghệ, thẩm thấu tri thức khoa học trở thành những phẩm chất trí tuệ, thành tài năng, một trong hai bộ phận cấu thành quan trọng trong nhân cách sinh viên Việt Nam hiện đại.
Yêu cầu cao nhất của thời đại, của cách mạng khoa học công nghệ là tiềm lực khoa học công nghệ, nhất là nguồn nhân lực khoa học trở thành nhân tố quyết định vị thế, sức mạnh của mỗi quốc gia dân tộc trong quá trình hội nhập vào thế giới. Vì vậy, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài có đầy đủ tài, đức từ trong các trường đại học là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, là yếu tố quyết định tương lai của đất nước. Bởi, sinh viên chính là người chủ tương lai của đất nước, là lực lượng sản xuất hiện đại và quan trọng nhất quyết định sự thành công trong xây dựng nền kinh tế tri thức. Các thế hệ sinh viên với ý chí trau dồi kiến thức, năng lực, hoàn thiện nhân cách sẽ là lớp người bắt kịp trình độ khoa học công nghệ của thế giới, đưa đất nước phát triển trong tương lai. Thực tế cuộc sống đã khẳng định tiềm năng to lớn của sinh viên Việt Nam trong nước và trên trường quốc tế. Nhiều tài năng trẻ, nhiều tấm gương sáng trong hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, trong hoạt động xã hội, văn hóa, bảo vệ an ninh quốc phòng… đã góp phần quan trọng tạo ra sự đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế hôm nay. Thu hút sinh viên, trang bị tri thức năng lực, hoàn thiện nhân cách và sử dụng hết tiềm năng của sinh viên một cách có hiệu quả vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế là một yêu cầu khách quan.
Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng của sự phát triển xã hội. Con người là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, tiến tới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sinh viên là lớp người đại diện cho năng lực phát triển mới, cho trình độ trí tuệ của sự phát triển hôm nay. Xây dựng nhân cách sinh viên Việt Nam là vấn đề căn bản để đạt mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ trở thành những người lao động có đức, có tài, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, thực hiện sự nghiệp phát triển toàn diện con người, phát triển đất nước theo định hướng “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
_____________
1.Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tr.489.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 375, tháng 9-2015
Tác giả : HOÀNG ANH