Trong những năm gần đây, khái niệm văn hóa doanh nghiệp ngày càng được sử dụng phổ biến. Vấn đề văn hóa doanh nghiệp đã và đang được nhắc đến như một tiêu chí khi nói về, bàn về một doanh nghiệp. Vậy, văn hóa doanh nghiệp là gì? Tại sao phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp? Xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên cơ sở nào?
Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu văn hóa là gì? Có thể nói văn hóa là một khái niệm mở, có nhiều định nghĩa nhất bởi sự đa dạng góc nhìn, cách tiếp cận và ý kiến khác nhau trên nhiều lĩnh vực của các nhà nghiên cứu. Hiện nay những khái niệm văn hóa đang được sử dụng cũng vẫn chỉ là những định nghĩa có tính thỏa thuận để tiện sử dụng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem xét văn hóa theo nghĩa rộng nhất của nó. Người cho rằng văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất tinh thần do loài người tạo ra trong lịch sử của mình trong mối quan hệ với con người, với tự nhiên và xã hội. Nói đến văn hóa là nói đến cái gắn bó mật thiết, sâu sắc, máu thịt với con người mà nếu thiếu nó, cuộc sống con người trở nên vô nghĩa và mất phương hướng. Như vậy, theo quan điểm của Người, văn hóa đã thấm sâu vào mọi lĩnh vực hoạt động của con người, biểu hiện trình độ của xã hội, văn minh của xã hội, văn hiến của quốc gia. Từ những suy xét trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật,khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Còn UNECO lại có một định nghĩa khác về văn hóa: “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát, sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và của mỗi cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ, cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao nhiêu thế kỷ nó đã cấu thành một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống và dựa trên đó từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình”.
Vậy văn hóa doanh nghiệp là gì? Thuật ngữ văn hóa doanh nghiệp mới được chúng ta làm quen, nhưng trên thực tế, nó đã tồn tại khá lâu ở Mỹ và Nhật ngay từ đầu TK XX. Trong nhiều lý giải cho sự thịnh vượng và phát triển lâu dài của các doanh nghiệp ở hai quốc gia trên, các nhà nghiên cứu đều đi đến một sự nhất trí cao đó là do các doanh nghiệp đó có nền văn hóa doanh nghiệp vững chắc. Theo Georges de saite Marie, chuyên gia Pháp về doanh nghiệp vừa và nhỏ: “Văn hóa doanh nghiệp là tổng hợp các giá trị, các biểu tượng, huyền thoại, nghi thức, các điều cấm kỵ, các quan điểm triết học, đạo đức tạo thành nền móng sâu xa của doanh nghiệp”. Như ta đã biết, lý do để một doanh nghiệp tồn tại là sản xuất ra của cải vật chất và dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của toàn xã hội, hoạt động đúng nghĩa của doanh nghiệp là sản xuất - kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận. Hoạt động sản xuất này được cấu trúc một cách chặt chẽ thành một dây chuyền công nghệ nhất định. Để vận hành dây chuyền này một cách trơn tru, uyển chuyển thì doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý mà trong đó, toàn bộ nhân viên thực hiện các chức năng của người lãnh đạo theo tầng bậc quản lý nhất định. Điều này có nghĩa là trong hoạt động của mình, mọi người phải tuân theo những quy định và những giá trị cụ thể nào đó, và thực hiện những nghi thức nhất định... Theo sự phân tích ở trên, rõ ràng mỗi một doanh nghiệp có một không gian văn hóa.
Từ cuối những năm 80, nhất là từ Đại hội VI Đảng cộng sản Việt Nam, dấu mốc của sự đổi mới của đất nước, vấn đề văn hóa doanh nghiệp bắt đầu được các nhà nghiên cứu và doanh nhân Việt Nam quan tâm. Đã có khá nhiều tài liệu đề cập đến văn hóa doanh nghiệp với các góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau. Tùy theo góc nhìn và cách tiếp cận mà mỗi người có cách hiểu, cách giải thích khác nhau về văn hóa doanh nghiệp. Trong đề cương bài giảng “Văn hóa doanh nghiệp”- GS, VS, TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng văn hóa doanh nghiệp không chỉ giới hạn đơn thuần trong phạm trù văn hóa tổ chức(organizationalculture), hay trong cặp quan hệ “văn hóa trong kinh doanh” và “kinh doanh văn hóa”. “Văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống của các giá trị do doanh nghiệp sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động kinh doanh, trong mối quan hệ với môi trường xã hội và tự nhiên của mình”. Văn hóa doanh nghiệp là một tiểu văn hóa nên nó cũng có đầy đủ các đặc trưng:
Tính hệ thống: Cho thấy tính tổ chức của doanh nghiệp, phân biệt một doanh nghiệp có văn hóa với một doanh nghiệp chỉ có tập hợp các giá trị.
Tính giá trị: Phân biệt một doanh nghiệp có văn hóa với một doanh nghiệp phi văn hóa. Giá trị văn hóa của doanh nghiệp có giá trị nội bộ, giá trị vùng, giá trị quốc gia, giá trị quốc tế. Doanh nghiệp càng tôn trọng và theo đuổi những giá trị chung cho những cộng đồng càng rộng lớn bao nhiêu thì vai trò của nó càng lớn bấy nhiêu.
Tính nhân sinh: Đây là đặc trưng cơ bản về chủ thể cho phép phân biệt văn hóa doanh nghiệp với các tiểu vùng văn hóa khác. Chủ thể văn hóa ở đây không phải là những con người nói chung, mà là doanh nghiệp như là một chủ thể văn hóa đặc biệt(bên cạnh văn hóa làng xã, văn hóa đô thị, văn hóa cơ quan...). Đặc biệt, vì có doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp vùng, doanh nghiệp quốc gia, doanh nghiệp đa/ xuyên quốc gia.
Tính lịch sử: Quá trình hoạt động sáng tạo trong kinh doanh tạo nên các giá trị của văn hóa doanh nghiệp. Quá trình tích lũy các giá trị ấy tạo nên tính lịch sử của văn hóa doanh nghiệp.
Các đặc trưng nói trên cho phép nhận diện “chất văn hóa” của doanh nghiệp.
Từ những khái niệm về văn hóa và văn hóa doanh nghiệp, ta tạm đưa ra một khái niệm về văn hóa của doanh nghiệp, là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành các giá trị, các quan niệm và tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp ấy và chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích của doanh nghiệp. Sức mạnh của một doanh nghiệp thể hiện ở sự chia sẻ những giá trị cốt lõi, những ý nghĩa của mục tiêu phát triển. Với một văn hóa doanh nghiệp mạnh, hướng đến đổi mới, năng động và tích cực sẽ tạo cho doanh nghiệp một “quyền năng” tự điều chỉnh, thích ứng với sự thay đổi ngày một nhanh hơn của môi trường kinh doanh. Như vậy rõ ràng là, trước hết văn hóa doanh nghiệp là sản phẩm của những người cùng làm trong một doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu giá trị bền vững, nó xác lập một hệ thống các giá trị được mọi người làm trong doanh nghiệp đó chia sẻ, chấp nhận, đề cao và ứng xử theo các giá trị đó. Văn hóa doanh nghiệp còn góp phần tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp và được coi là truyền thống riêng của mỗi doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp có vị trí và vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, bởi bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa, ngôn ngữ, tư liệu, thông tin, nói chung là tri thức, thì doanh nghiệp đó khó có thể đứng vững và tồn tại được. Sự thắng thế của bất cứ một doanh nghiệp nào không phải ở chỗ là có bao nhiêu vốn và sử dụng công nghệ gì trong sản xuất mà nó được quyết định bởi yếu tố con người, cách thức tổ chức những con người trong doanh nghiệp như thế nào. Con người có thể gây dựng sự nghiệp từ tay không về vốn nhưng không bao giờ tay không về văn hóa. Văn hóa chỉ có nền tảng chứ không có điểm mốc đầu cuối. Như vậy, xuất phát điểm của doanh nghiệp có thể rất cao nếu như nó được xây dựng trên một nền tảng văn hóa vững chắc, khi xây dựng doanh nghiệp phải có một niềm tin, phải có nhận thức một cách đúng đắn, lúc đó văn hóa sẽ xuất hiện.
Trong một doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có quy mô lớn, cán bộ công nhân viên chức là tập hợp những con người rất khác nhau về trình độ chuyên môn, trình độ văn hóa, sự nhận thức, quan hệ xã hội, vùng miền địa lý, tư tưởng văn hóa... từ sự khác nhau này tạo ra môi trường làm việc rất đa dạng và cực kỳ phức tạp, thậm chí có những điều trái ngược nhau. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh ngày càng cao và khốc liệt của nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa buộc các doanh nghiệp, muốn tồn tại và phát triển, phải liên tục tìm tòi những cái mới, sáng tạo cho phù hợp và thay đổi cho kịp với đòi hỏi của thực tế thị trường và cuộc sống. Muốn trở thành nơi tập hợp, phát huy mọi nguồn lực con người, doanh nghiệp phải xây dựng và duy trì một nề nếp văn hóa đặc thù, để phát huy được năng lực và thúc đẩy sự đóng góp của toàn thể nhân viên vào việc đạt được các mục tiêu chung của doanh nghiệp đã được hoạch định.
Như vậy, để hình thành văn hóa doanh nghiệp mang bản sắc riêng, các doanh nghiệp thường xây dựng cho mình những tiêu chuẩn về văn hóa và buộc mọi người khi vào làm việc cho doanh nghiệp phải tuân theo. Tuy nhiên các tiêu chuẩn này có thể thay đổi khi thấy không còn phù hợp hoặc hiệu quả thấp. Trong điều kiện toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới và quá trình cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt thì văn hóa doanh nghiệp ngày càng được chú trọng xây dựng và phát triển, trở thành một loại tài sản vô hình đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong kho tài sản của doanh nghiệp và là một trong những công cụ cạnh tranh rất sắc bén của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường. Điều này cũng khẳng định những doanh nghiệp không có một văn hóa mạnh thì tính cạnh tranh trên thị trường không cao. Đồng thời doanh nghiệp có thể tạo ra và tăng uy tín của mình trên thị trường thông qua việc xây dựng và phát triển một văn hóa doanh nghiệp mạnh.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 301, tháng 7-2009
Tác giả : Lê Văn Thắng