Xây dựng lối sống văn hóa cho công nhân Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Đảng ta đã khẳng định: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của dân tộc; nhạy bén và vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những biến đổi của tình hình trong nước” (1). Vì thế, việc xây dựng lối sống văn hóa cho công nhân Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 rất quan trọng, vừa là yêu cầu, nhiệm vụ mang tính cấp bách trước mắt, vừa là mục tiêu mang tính chiến lược cơ bản lâu dài để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cuộc CMCN 4.0 ra đời đã ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện đến các lĩnh vực, hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có việc xây dựng lối sống văn hóa của công nhân Việt Nam. Xây dựng lối sống văn hóa cho công nhân góp phần bồi dưỡng quan điểm, lập trường giai cấp, bản lĩnh chính trị vào sự tất thắng của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng lãnh đạo, đồng thời, nâng cao phẩm chất chính trị cho công nhân trước biến động của thời cuộc. Đặc trưng của cuộc CMCN này là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học; phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới; tận dụng triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.

Cuộc cách mạng này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức bởi nguồn lực phát triển quan trọng nhất của cuộc cách mạng này là nhân lực có năng lực sáng tạo công nghệ. Ở đó, khoa học và công nghệ sẽ biến những điều tưởng chừng không thể trở thành có thể. Năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ tăng; chi phí thương mại giảm sẽ làm tăng doanh thu toàn cầu, thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, nâng cao tính tiện ích cho cuộc sống cá nhân.

Sự tác động cuộc CMCN 4.0 đến xây dựng lối sống văn hóa cho công nhân Việt Nam

Các nhà doanh nghiệp sản xuất cho rằng, cuộc CMCN 4.0 với sự vượt trội của công nghệ máy móc hiện đại làm cho công nhân có tay nghề, trình độ thấp sẽ không thể đáp ứng được, thay vào đó là sự tự động hóa, chuyên môn hóa của hệ thống công nghệ tiên tiến, chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể vận hành được các thao tác, quy trình của quá trình sản xuất. Tính phụ thuộc vào công nghệ máy móc của công nhân giảm, thời gian nhàn rỗi tăng lên. Thực tế đó làm cho công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp có nguy cơ mất việc làm, nếu như họ không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định do nhà tuyển dụng đặt ra. Như vậy, vấn đề việc làm của công nhân ít nhiều bị ảnh hưởng, đặc biệt với công nhân lao động phổ thông chưa được đào tạo cơ bản nảy sinh tư tưởng chán nản, bi quan.

Cuộc CMCN 4.0 là mảnh đất màu mỡ cho sự xâm lăng của văn hóa phẩm độc hại với công nhân. Thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau, các sản phẩm phản văn hóa xâm nhập vào tâm lý nhận thức của công nhân, khiến họ quên đi văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, ích kỷ, chạy theo lợi nhuận, ít quan tâm đến người khác. Công nhân Việt Nam hiện nay đa phần là những người trẻ tuổi, ít được trải nghiệm thực tiễn cuộc sống, họ chỉ thấy được sự hào nhoáng trước mắt, không thấy được tính ổn định cơ bản lâu dài. Do vậy, những suy nghĩ về lối sống thoáng, sống ảo của văn hóa phương Tây sẽ lấn át văn hóa truyền thống dân tộc, lối sống không có văn hóa xuất hiện, chi phối đến quan hệ ứng xử, giao tiếp không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống đời thường của một bộ phận công nhân.

CMCN 4.0 làm cho một bộ phận công nhân thiếu bản lĩnh, khó thích ứng được với những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao của xu thế mở cửa, hội nhập và phát triển. Bản chất của cuộc CMCN 4.0 là sự gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong quy trình sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, đòi hỏi đội ngũ công nhân phải có sự tương thích về mặt kỹ thuật, có bản lĩnh vững vàng ở mọi điều kiện, hoàn cảnh. Phần lớn công nhân ở các khu công nghiệp, nhà máy đều xuất thân từ nông dân, có trình độ lao động phổ thông, sự ổn định trong công việc, môi trường sống luôn là yếu tố cần thiết đối với họ, chỉ cần tác động nhỏ có thể khiến công nhân thiếu bản lĩnh, hụt hẫng, nảy sinh lối sống thiếu văn hóa, không có sự kiểm soát trong hoạt động thực tiễn.

Lối sống là một hình thức biểu hiện của văn hóa, cách thức hoạt động trong việc giải quyết các mối quan hệ theo hệ giá trị chuẩn mực, văn hóa, xã hội đã được định hình trong hoạt động sống, hành vi trong cách sống, cách làm, cách ăn, mặc, ở, sinh hoạt, ứng xử của mỗi con người. Lối sống là yếu tố luôn được con người quan tâm, tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày trong cuộc sống. Để sống và tồn tại, con người phải sản xuất ra đời sống vật chất và tinh thần nhằm phục vụ cho hoạt động sống của chính mình. Quá trình thực hiện hoạt động sống con người hình thành nên những phương thức sinh sống, cách sống và lối sống. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng: “Sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình, như thế con người đã gián tiếp sản xuất ra chính đời sống vật chất của mình” (2). Lối sống được hình thành và biểu hiện ra trong các hoạt động của con người như: hoạt động sản xuất, hoạt động chính trị, hoạt động văn hóa, hoạt động chăm sóc sức khỏe, hoạt động rèn luyện phẩm chất nhân cách. Con người có mối quan hệ đa dạng phong phú và phức tạp, do đó lối sống của con người được hình thành, phát triển và biểu hiện cũng đa dạng, phong phú, phức tạp. Nó thực chất là phương cách ứng xử, giải quyết của con người trong quan hệ xã hội cụ thể. Vì thế, về tính chất, lối sống phản ánh bản chất của chế độ xã hội; về cơ cấu, lối sống biểu hiện những đặc trưng cơ bản quan trọng nhất của con người trong mối quan hệ với tự nhiên, xã hội và bản thân; về phương thức tồn tại, lối sống là một hệ thống giá trị, chuẩn mực, tập hợp mô hình quy định hành vi ứng xử cho từng vị trí xã hội.

Từ những phân tích trên, lối sống là tổng hòa những phương thức sống của con người được biểu hiện thông qua hành vi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là sự phản ánh bản chất của một chế độ xã hội và thường gắn với dân tộc, giai cấp, nhóm xã hội và cá nhân nhất định, chịu sự quy định, chi phối của một phương thức sản xuất và điều kiện sống của con người trong điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Xây dựng lối sống có văn hóa cho công nhân Việt Nam là tổng hợp những cách thức, biện pháp của tổ chức, lực lượng, ban ngành có liên quan và bản thân công nhân nhằm mục đích giáo dục, bồi dưỡng, định hướng cho họ có bản lĩnh, khả năng thích ứng với điều kiện, môi trường làm việc khác nhau, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, nội dung xây dựng lối sống văn hóa cho công nhân Việt Nam trước tác động của cuộc CMCN 4.0 cần tập trung vào những vấn đề cơ bản, như: lối sống trong sáng, lành mạnh, giản dị, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; tận tâm, tận lực với công việc, đề cao tinh thần, trách nhiệm của mình với nhiệm vụ được giao; chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ từng bước nâng cao năng lực công tác, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của từng lĩnh vực đặt ra… Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy việc xây dựng lối sống có văn hóa của công nhân Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức bởi tác động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, một trong những tác động rõ nhất là sự chênh lệch về trình độ tay nghề của đội ngũ công nhân với sự phát triển mạnh mẽ của các trang thiết bị máy móc hiện đại.

Giải pháp xây dựng lối sống văn hóa cho công nhân Việt Nam

Tăng cường giáo dục giá trị văn hóa truyền thống dân tộc

Giáo dục giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực chất là xây dựng lối sống có văn hoá cho công nhân để họ giữ phẩm chất, truyền thống của dân tộc đã được lịch sử kiểm nghiệm, chứng minh. Giá trị đó rất phong phú, đa dạng được biểu hiện sinh động trong đời sống của con người, thông qua phương thức lao động sản xuất ở các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất. Thông qua hoạt động giáo dục, công nhân nhận thức rõ tầm quan trọng của những giá trị văn hóa truyền thống không phải tự nhiên có, mà là kết quả đấu tranh liên lục, lâu dài, bền bỉ của ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Những giá trị ấy cần được chuyển hóa vào suy nghĩ, hành động việc làm thiết thực, cụ thể của mỗi công nhân, được đánh giá bằng kết quả lao động đạt được trong thực tế. Máy móc dù có hiện đại đến thế nào đi chăng nữa vẫn không thể thay thế được con người. Hơn nữa, việc áp dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào sản xuất kinh doanh lại phụ thuộc vào trình độ tay nghề của con người. Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để trong quá trình làm việc, công nhân luôn ý thức hành động, việc làm của mình, đề cao tinh thần, trách nhiệm; phát huy năng lực quản lý, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, xây dựng lối sống lành mạnh cho công nhân; tạo điều kiện giúp đỡ về vật chất, tinh thần đối với công nhân có hoàn cảnh khó khăn; cử công nhân có trình độ tay nghề cao đi đào tạo để có thể thích ứng được với thành tựu của công nghệ tiên tiến hiện đại.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của những người đứng đầu các doanh nghiệp, nhà máy trong xây dựng lối sống có văn hóa cho công nhân

Người đứng đầu các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất trực tiếp tuyển dụng người lao động có vai trò, trách nhiệm quan trọng trong việc sâu sát nắm bắt hoạt động của công nhân, nhất là về mặt tư tưởng, lối sống, từ đó có những uốn nắn, chấn chỉnh, nhắc nhở các bộ phận, lực lượng trực tiếp quản lý công nhân. Đó còn là sự nêu gương của người đứng đầu trong tham mưu, đề xuất, xây dựng những chương trình, dự án đầu tư phát triển nâng cao nơi ăn chốn ở, điều kiện làm việc cho người lao động. Người đứng đầu phải thường xuyên tự trau dồi năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống đem lại những điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động, bảo đảm đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn, quy định và quyền lợi cho công nhân trong quá trình làm việc; tăng cường mối liên hệ gắn bó giữa công nhân và người đứng đầu để có thêm những thông tin hiểu biết về hiện trạng làm việc của công nhân để có kế hoạch xây dựng toàn diện về mọi mặt cho công nhân.

Nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của tổ chức công đoàn trong việc quan tâm chăm lo đến đời sống của công nhân

Công đoàn là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động, lấy nhu cầu hợp pháp, chính đáng của tập thể công nhân, viên chức, người lao động làm cơ sở hoạt động; lấy việc đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, viên chức, người lao động làm mục tiêu hoạt động; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, không để bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự quan tâm, chăm lo đến đời sống của người công nhân cần được cụ thể hóa, thể chế hóa thành những quy định, hướng dẫn cụ thể, đó không phải là khẩu hiệu đơn thuần, mà cần đi vào đời sống sau mỗi giờ làm, ca làm của họ, từ đó, tìm cách tháo gỡ những khó khăn đó. Muốn vậy, cần phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu, tổ chức công đoàn trong việc khảo sát, đánh giá trình độ mọi mặt của người lao động; phân công, giao nhiệm vụ cho công đoàn viên theo dõi tiến trình làm việc của người lao động về thái độ, trách nhiệm, chất lượng sản phẩm làm ra…; tổ chức những buổi họp, gặp gỡ trong công nhân để lắng nghe những ý kiến của họ, xem họ cần gì và thiếu những gì để phối kết hợp giữa các tổ chức, lực lượng có liên quan, đáp ứng từng phần nguyện vọng của người công nhân; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; hoàn thiện và phát triển hệ thống an sinh xã hội, mở rộng phúc lợi xã hội cho công nhân; hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Là giai cấp lãnh đạo cách mạng đất nước, thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp công nhân đã, đang và sẽ phát huy tốt truyền thống trong lịch sử để không ngừng lớn mạnh, trưởng thành đáp ứng tốt với những tác động của cuộc CMCN 4.0 đặt ra. Việc xây dựng lối sống văn hóa cho công nhân tạo ra bản lĩnh, nâng cao khả năng tự đề kháng, miễn dịch với tác động tiêu cực do cuộc CMCN 4.0 đem lại. Do vậy, việc quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là cần thiết để bảo đảm đúng định hướng trong quá trình xây dựng lối sống văn hóa cho đội ngũ này. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bác mong các cô, các chú giữ vững và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, của giai cấp ta. Phải hăng hái thi đua sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Phải có tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản và phải học tập nâng cao trình độ về mọi mặt để xứng đáng là giai cấp công nhân, giai cấp lãnh đạo cách mạng” (3).

_______________

1. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện

đại hóa đất nước, ngày 28-1-2008.

2. C.Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 1995, tập 3, tr.65.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.562.

Tác giả: Nguyễn Đình Nam

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

;