Khi đi vào cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho đất nước, cho dân tộc một di sản vô giá. Đó là nơi ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, nơi gắn bó với Người trong suốt 15 năm (1954-1969), nơi đã diễn ra nhiều hoạt động quan trọng, nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Nơi đó có ngôi nhà sàn, ao cá, vườn cây, đường xoài, giàn hoa, vườn quả…, tất cả đều hài hòa với nhau, tạo nên cảnh non xanh nước biếc như tranh họa đồ. Trong những di sản đó, có khu vườn hiện có tên gọi đặc biệt: vườn quả Bác Hồ.
Lịch sử hình thành
Khi nói đến Bác, chúng ta đều cảm nhận một điều rất sâu sắc, đó là sự hòa đồng với thiên nhiên, gần gũi với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, như lẽ sống tự nhiên của Bác. Những ai đã từng được nghe, được đọc những câu chuyện về Bác, được đến thăm nơi Bác sống trong 15 năm cuối đời tại Phủ Chủ tịch, mới càng thấu hiểu những giá trị nhân cách, lối sống, tư tưởng, tình yêu thiên nhiên, yêu thương con người của Bác. Nơi đây, mỗi di tích, mỗi cây trồng trong vườn Bác cũng đều mang một câu chuyện, một bài học sâu sắc, thấm đượm tính nhân văn.
Vườn quả trong Phủ Chủ tịch vốn là một khu đất hoang sau Phủ toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch). Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc, Người đề nghị và cùng anh em cán bộ văn phòng, bảo vệ cơ quan, cải tạo thành khu vườn có thể trồng một số giống lúa thí điểm để cung cấp giống cho nhân dân. Sau một thời gian, thấy hiệu quả đem lại từ việc trồng lúa không cao, Người đề nghị anh em trong cơ quan trồng thay thế bằng rau xanh, một số cây thuốc, để đảm bảo đủ rau ăn hàng ngày. Khu đất bị bỏ hoang, không có bàn tay con người chăm sóc, dần đã trở thành khu vườn không những đẹp về cảnh quan mà còn góp phần không nhỏ cải thiện bữa ăn hàng ngày cho mọi gia đình trong cơ quan.
Không chỉ dừng lại ở lợi ích trước mắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới việc xây dựng và phát triển một môi trường sống trong lành, Người từng nói: “…cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp…”(1). Người hằng mong muốn rằng: sau bữa ăn hàng ngày trong mỗi gia đình, mọi người đều được hưởng trái cam, múi bưởi, quả chuối… Điều mong muốn của Bác tuy giản dị, nhưng mang tình cảm, ý tưởng dân sinh vô cùng lớn lao.
Năm 1960, Việt kiều Campuchia về thăm đất nước đã mang biếu Bác cây xoài Xiêm. Trân trọng tình cảm của bà con Việt kiều, Bác đề nghị anh em trồng cây xoài trong khu vườn, Người cũng không quên dành thời gian để chăm sóc cây. Như cảm nhận được tấm lòng của Bác, 50 năm đã trôi qua, năm nào cây xoài cũng đều đơm bông, kết trái và cho rất nhiều quả ngọt. Năm 1962, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công, Bác về thăm tỉnh Phú Thọ. Bác nói chuyện với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong cuộc mít tinh… đặc biệt, Bác dành thời gian trực tiếp đến hỏi han tình hình sản xuất, đời sống… của bà con xã viên hợp tác xã Nam Tiến, huyện Lâm Thao. Đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã, sau khi báo cáo với Bác về những cố gắng của bà con xã viên để vượt qua những khó khăn trong sản xuất và đời sống, đã thay mặt xã viên hợp tác xã biếu Bác quả dừa đặc biệt: quả dừa nảy hai mầm. Ngày 19-8-1962, theo gợi ý của Bác, quả dừa hai mầm được trồng gần bờ ao, gần đường đi, và đã mọc lên thành hai cây dừa rất độc đáo. Vào dịp quốc khánh năm 1963, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội có loại bưởi Pômêlô giống tốt, sinh trưởng khỏe, quả to, màu sắc đẹp, đã gửi biếu 3 cây để trồng tại nơi ở và làm việc của Người trong Phủ Chủ tịch, Người đã đề nghị anh em phục vụ cho trồng tại khu vườn này. Hàng ngày tuy bận rất nhiều công việc, nhưng Người vẫn dành thời gian ra vườn trồng rau, vun xới, chăm sóc cây... Bác xem việc chăm chút tưới nước cho cây là niềm vui và cũng là nguồn hạnh phúc rất đời thường. Kính trọng tấm lòng của Bác đối con người, thiên nhiên, anh em cơ quan càng cố gắng nhiều hơn để chăm sóc rau xanh, cây ăn quả thật tốt. Cứ đến mùa quả chín, cây nào cũng trĩu quả, quả vừa đẹp, vừa thơm lại vừa ngon. May mắn cho vị khách trong nước và nước ngoài đến đúng dịp này người nào cũng có phần hoặc được mời ăn tại chỗ. Hàng năm, cứ vào dịp tết nguyên đán, Bác đều tổ chức gặp mặt chúc tết các đồng chí trung ương, cán bộ cao cấp của Đảng… cũng như anh em trong cơ quan và tự tay Người chia mỗi người một vài quả.
Năm 1966, ông Nguyễn Văn Cường ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội là người làm vườn giỏi, may mắn được tới Phủ Chủ tịch, đã bị hớp hồn khi nhìn thấy cây bưởi lạ, trái to. Đắn đo mãi, ông mới thì thầm với đồng chí cần vụ nhờ chuyển lời thưa với Bác rằng ông muốn xin Bác một cành bưởi. Mấy hôm sau có một cán bộ của Phủ Chủ tịch tới tận vườn của ông, trao cho ông một nhánh bưởi và chuyển lời của Bác: “Bác dặn anh cố gắng chăm sóc giống bưởi này và gắng nhân ra diện rộng cho bà con nông dân cùng trồng”(2). Sau một thời gian chăm sóc cẩn thận chu đáo, từ một nhánh bưởi, ông đã nhân lên được rất nhiều cây bưởi khác. Nhớ lời Bác dặn ngày nào, ông Cường đã triết cành giống bưởi quý này gửi đi các nơi trong xã, tới các địa phương trong cả nước để mọi người cùng nhân giống cây quý. Đặc biệt, hơn 2.000 nhánh bưởi đã được ông Cường gửi về các huyện, xã… trên quê hương đồng khởi Bến Tre. Ông Cường cũng không quên căn dặn bà con nông dân nơi đây tiếp tục nhân giống để mọi gia đình đều trồng bưởi Bác Hồ. Người dân quê hương Đồng khởi rất thích trồng bưởi Bác Hồ không phải chỉ vì lý do kinh tế, mà trên hết là tấm lòng của những người con miền Nam đối với Bác.
Nhận thức được giá trị thiết thực và ý nghĩa cao đẹp từ những việc làm cụ thể của Bác, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để tỏ lòng tưởng nhớ Người, năm 1979, kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ thị phát động phong trào vườn quả ao cá Bác Hồ trong cả nước và quyết định lấy ao cá Bác Hồ, vườn quả Bác Hồ thành ao cá, vườn quả kiểu mẫu cho phong trào. Trong đợt phát động này, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… đã thay mặt Đảng, Nhà nước trồng cây ăn quả lưu niệm tại đây và khu vườn được chính thức mang tên vườn quả Bác Hồ. Ngay sau khi phát động, phong trào xây dựng vườn quả Bác Hồ đã được tiến hành rộng rãi ở các địa phương và được mọi tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội to lớn.
Khi phong trào xây dựng vườn quả Bác Hồ được phát động, nhiều địa phương trong cả nước đã nhận một số giống cây ăn quả trong vườn của Bác về trồng và ngược lại, nhiều địa phương đã đưa những giống cây ăn quả đặc sản quý của mình vào trồng trong vườn quả của Bác như: bưởi Diễn, cam Canh, hồng xiêm Xuân Đỉnh, hồng Thạch Thất, ổi Bo, vải thiều, nhãn lồng, cam Xã Đoài… Đặc biệt, 20 năm sau, khi trở về Phủ Chủ tịch thắp hương báo cáo với Bác thành tích làm vườn của mình, ông Cường rất buồn khi thấy cây bưởi mẹ đã mất. Trở về nhà, ông cùng các con mang một số cây bưởi quý mà Bác tặng năm nào trồng lại vườn cũ. Vườn quả trong Phủ Chủ tịch ngày một nhiều và phát triển. Nó là tập hợp của tình thương mến, đại diện của mọi miền tổ quốc quây quần bên Bác, đưa số cây trong vườn quả lên tới gần 250 cây, với trên 30 loài khác nhau.
Giá trị cảnh quan môi trường và công tác tuyên truyền
Quá trình xây dựng và phát triển vườn quả Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch không những trở thành một vườn quả kiểu mẫu thúc đẩy phong trào trồng cây ăn quả trong cả nước mà nó còn đem lại môi trường sinh thái trong lành, gây được nhiều cảm xúc đối với khách tham quan trong nước và nước ngoài khi đến tham quan khu di tích. Nhìn vào cảnh vật nơi đây chúng ta dễ dàng nhận thấy tài sử dụng và cải tạo thiên nhiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện bản sắc văn hóa và lối sống Việt Nam.
Ngay từ thuở ấu thơ và thời trai trẻ ở trong nước, đến khi bôn ba tìm đường cứu nước khắp các châu lục, cảnh quan thiên nhiên nơi Bác từng sống vẫn in đậm trong tâm trí Bác. Về nước sau 30 năm xa cách, cảnh sắc thiên nhiên vẫn là nơi để Bác gửi gắm hoài bão, ý tưởng cách mạng của mình. Trong thời gian hoạt động bí mật ở Cao Bằng cũng như trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đều yêu cầu các đồng chí chọn cho Bác nơi ở và làm việc gần rừng, gần suối, gần dân, có đất để trồng rau, trồng cây ăn quả... Đến khi trở về Hà Nội cũng không ngoại lệ, Bác Hồ đã sống và làm việc trong ngôi nhà sản giản dị ở giữa vườn cây xanh mát, hòa mình với thiên nhiên, như để tìm sự ung dung, tự tại, sự bình tĩnh, thanh thản để ứng xử với mọi biến cố phức tạp. Nơi ở và làm việc của Bác có hồ nước mát, có thảm cỏ xanh, có vườn cây đủ loại khác nhau: rau xanh, cây ăn quả, cây bóng mát, cây lấy gỗ…, tất cả đều tươi tốt, phát triển bên nhau tạo nên một vẻ đẹp tự nhiên.
Cây trong vườn Bác Hồ gồm nhiều loại, tạo thành một quần thể thực vật phong phú, làm nên bức tranh cảnh quan giản dị nhưng đẹp đẽ và có sức cuốn hút lạ thường giữa thủ đô Hà Nội. 1271 thể cây, trên 161 loài thuộc 54 họ thực vật, trong đó có 59 loài cây bóng mát, 33 loài cây ăn quả, còn lại là cây cảnh, cây trang trí và hoa… đan xen nhau gần gũi giản dị như cảnh sống của một vùng quê trù phú, có môi trường sống trong lành.
Những việc làm thiết thực của Bác đã để lại cho chúng ta những bài học quý báu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi môi trường sống đang bị đe dọa, hủy hoại nghiêm trọng, tài nguyên kiệt quệ, nước và tầng sinh quyển bị ô nhiễm nặng nề; nhiều khu rừng bị chặt phá bừa bãi. Ở thành phố người dân đang phá cây lâu năm để lấy địa điểm kinh doanh, xây nhà cao tầng. Nhiều địa phương cũng phát động phong trào trồng cây nhưng rồi lại bỏ mặc, thiếu người chăm sóc. Những công viên, con đường trước đây vốn rợp mát bóng cây xanh, nay lại trơ trụi, thưa thớt, thiếu sức sống, làm cho bầu không khí ngày càng dày đặc khói và bụi, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người... Càng nghĩ, càng thấm thía những bước đi, những cách làm của Bác trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường tự nhiên được tiến hành đồng thời với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển vườn quả Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch, dù trong điều kiện khắc nghiệt nóng bức, rét buốt, mưa bão… nhưng những người làm nhiệm vụ ở đây vẫn giữ gìn chu đáo từng cái cây, ngọn cỏ, hoa trong vườn vẫn nở, trái trong vườn vẫn sai… để lớp lớp cháu, con về đây được nghe, được ngắm nhìn từng gốc cây, trái chín, ai cũng cảm thấy như trở về mái ấm gia đình mình, được sống trong tình cảm thân thương, chan hòa, gần gũi của Bác và tận hưởng không gian vườn cây, ao cá thoáng mát, trong lành… Những câu chuyện mà Bác Hồ gửi lại tinh thần trên các di vật ấy đều là thang bậc vững chắc cho con người tự hoàn thiện mình.
Vườn quả Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch, hôm nay và mai sau, luôn đóng vai trò là một địa chỉ tuyên truyền về vị Chủ tịch nước đầu tiên đã đề ra chủ trương phát động phong trào trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây bóng mát… với mục đích cụ thể: vừa hưởng lợi sản vật, vừa bảo vệ môi trường tự nhiên, giúp ích cho sự sống; là nơi tuyên truyền đạo lý uống nước nhớ nguồn, vừa làm giàu cho đời sống con người, làm giàu tài nguyên, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Với tấm lòng kính trọng và xúc động, chúng tôi điểm lại đôi điều để mỗi chúng ta suy nghĩ, hiểu sâu sắc thêm phong cách giản dị, gần gũi với con người, với thiên nhiên của Bác; việc Bác trân trọng, dày công chăm sóc từng nhành cây, búp lá, từng đóa hoa thơm, quả ngọt. Vườn quả đã lưu lại những giây phút thư giãn, thanh thản, nhưng có ý nghĩa sâu sắc của Bác Hồ góp phần minh chứng sinh động về tầm nhìn, một nhân cách Hồ Chí Minh.
_______________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.354.
2. Báo Giáo dục và Thời đại, 1998.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 329, tháng 11-2011
Tác giả : Trần Thị Thắm